Bi cảm nỗi niềm riêng đời mẹ

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Đoản khúc mẹ là bài thơ viết về tình mẫu tử với tình tiết rất đặc biệt và xúc động của nhà thơ Trần Quang Khanh, rút từ tập Gió thiếu phụ, Nxb Hội Nhà văn, 2019. Trước khi ấp ủ viết bài thơ gan ruột này, Trần Quang Khanh đã ẩn dụ/ hoán dụ gửi gắm nỗi niềm Mẹ qua bài thơ Gió thiếu phụ như là điểm tựa thẩm mỹ cho tứ thơ có tính khái quát về những góa phụ chờ chồng.

Đó là hình tượng gió thiếu phụ – ngọn gió tảo tần, lỡ làng, gian khó mà anh cảm nhận nó bằng nhiều liên hệ máu thịt (là mẹ mình) và liên hệ nhập vai (những người nữ vọng phu) để thấy nỗi niềm thiếu phụ bi thương một thời chiến tranh trận mạc: “Những ngọn gió buông tuồng đi qua những cánh đồng/ qua núi qua sông/ qua thời gian mịt mù tháp cổ/ tóc em ngược bay qua mùa gió/ men theo bờ tháng năm”. Những ngọn gió đã thành cổ mẫu (archétype) ngang tàng, dọc ngang nhưng cũng có lúc bi ai, lang thang, vô định:

Gió thiếu phụ lang thang 
con gánh củi bơ vơ dò tìm vô định
con voi đá bao đời vẫn lạnh 

cổng hoàng thành hoang phế vẫn uy linh.

Những ngọn gió như “ngọn cỏ lau cong hình hài con mắt nhớ” mà thời gian thì vô tình đến nỗi thế này đây!

Những ngọn gió lỡ làng
giấc mơ trưa bơ thờ theo nhịp võng 
vô tình đánh rơi chiếc bóng 
lầm lũi đổ dài trên lúa trên sông…

(Gió thiếu phụ)

Nằm trong mạch liên tưởng tương đồng với gió thiếu phụ, tôi muốn dừng lại lâu hơn ở hình tượng người mẹ điển hình, bi ai và ngang trái trong bài thơ Đoản khúc mẹ của Trần Quang Khanh. Đây là bài thơ hay nhất và xúc động nhất được cảm tác bằng gan ruột của một người con hiểu hết nỗi lòng bể dâu, khổ thương, dùng dằng trong nội tâm người mẹ vì hoàn cảnh nên phải hai lần đò, nhưng con đò nào cũng tròng trành nỗi khổ đau, đoạn trường, day dứt. Mẹ có chồng và hưởng hạnh phúc không lâu thì đất nước chiến tranh, cắt chia 20 năm biền biệt. Là một người phụ nữ tuổi đời còn quá trẻ với con thơ bé mọn, mẹ làm sao vượt được những oan khúc của cuộc đời. Thế là số phận đẩy đưa, mẹ phải thêm một lần đò để tránh mọi day dứt nội tâm và e dè thế sự. Tình cảm buộc mẹ phải chia đều cho hai con người, hai tâm hồn đã yêu thương mình da diết. Nhưng rồi những khúc quanh liên tục xảy đến trong cuộc đời mẹ. Người bạn đời đến sau của mẹ cũng vĩnh viễn ra đi để lại cho mẹ ba đứa con, tuổi đời còn thơ dại. Lại một nỗi buồn quá lớn đến với cuộc đời thanh xuân của mẹ. Chiến tranh kết thúc, người chồng cũ trở về. Đoàn tụ trong lỡ làng tuổi xế chiều với ngổn ngang bổn phận.

Người chồng đầu ấy cũng theo tuổi tác về nơi suối vàng, rồi mẹ cũng về nơi vĩnh viễn với mộ phần bên nhau. Nhưng di ảnh mẹ lại chung bàn thờ bên di ảnh của người chồng sau…

Đó là câu chuyện đầy tính nhân văn và xúc động có thực của chính gia đình để nhà thơ Trần Quang Khanh viết nên bài thơ Đoản khúc mẹ đầy bất ngờ và xúc động. Hiện thực và chi tiết của câu chuyện giúp tác giả kiến trúc nên hình tượng, ngôn từ có sức ám gợi day dứt, làm thành nhịp mạnh và âm chủ của thi phẩm. Mở đầu bài thơ, tác giả đồng hiện bóng dáng và nỗi niềm người mẹ tất tả ngược xuôi trong thăm thẳm mưa và cheo leo nắng nơi đồng xa, bãi vắng:

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi tất tả ngược xuôi

Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…

Tình cảnh mẹ được tác giả tái hiện trong yêu kính và xa xót cùng tiền giả định nói về những vọng phu thời hiện đại, trong hoàn cảnh chiến tranh hiện đại, xem như biến thể của điển tích “vọng phu hóa đá” thời chiến tranh quá khứ:

Mẹ tôi làm vợ hai lần
Lần tạm biệt rồi lần khân không về
Vọng phu hai phía con thơ

Bắc Nam mấy nẻo sơn khê mấy tầng?

Bài thơ xuất phát từ nỗi riêng, nhưng nó đã thành điển hình của cảm xúc và tâm trạng cho những người mẹ/ người vợ có hoàn cảnh như mẹ nhà thơ trong thời kỳ đất nước ta 20 năm chiến tranh chia cắt. Thời gian biến mẹ thành “Thiếu phụ đầy”, “góa phụ vơi” thông qua ngọn gió mang nỗi đau và nỗi nhớ lang thang theo năm tháng:

Mẹ tôi góa bụa hai lần
Gió đâu là gió xoáy quanh phận người
Thiếu phụ đầy 
góa phụ vơi

Hai lần làm vợ trọn mười mùa mai.

Nỗi bi ai và bi cảm đó không thể không tác động đến tính cách và tình cảm của nhà thơ. Để giờ đây, trong mịt mù xa cách, anh càng thương cảm cho mẹ biết bao nhiêu!

Đêm ngui ngút một canh dài
Gối đơn rã xác mùa phai má hồng
Cha về gieo một phù sinh

Đủ đong đầy một khối tình phù vân.

Cõi người phù sinh, khối tình phù vân đủ giúp cho mẹ hiểu phận mình ngang trái, thao thức suốt canh dài để rồi theo giấc ngủ đi vào mộng mị. Và giờ đây, trong vĩnh viễn cách chia, nhìn về nơi xao xác đồng xa và cheo leo núi thẳm, thấy mộ mẹ bên mộ cha (đầu) trong ngui ngút khói đồng, nhìn thấy di ảnh mẹ bên di ảnh cha (sau) trên bàn thờ thơm hương khói mà nguyện cầu cho 3 linh hồn được phiêu diêu nơi thế giới bình yên không chia biệt:

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi giờ đã xa rồi
Cũng lưng chừng núi ngó ngui ngút đồng
Mộ phần bên một mộ phần 

Còn di ảnh lại ở gần người kia.

Tác giả ngậm ngùi nhận ra mọi quy luật của cuộc đời và vòng sinh tử của đời người đã cho mình bài học nhân sinh cao đẹp. Và cao hơn là lòng nhân ái và vị tha cao đẹp của con nười nơi cõi thế phù trầm.

***

Xuất phát từ hoàn cảnh thật của mẹ mình, nhà thơ Trần Quang Khanh đã sáng tác nên một bài thơ hay và xúc động. Đặt chiến tranh chia cắt bên cạnh lòng mẹ dằng dặc, ngậm ngùi; đặt nỗi đau chung bên nỗi đau riêng; đặt đoạn trường lồng trong đoạn trường để thấy hết bi tình của mẹ, tác giả đã kiến trúc nên bài thơ theo mạch trữ tình đời tư – thế sự mới lạ, giàu nỗi niềm trắc ẩn hiện sinh. Các khổ thơ cuối là những đúc kết về sự thật cuộc đời và khổ đau người mẹ một cách bất ngờ. Một triết lý hiện sinh hiện lên: Chết không có nghĩa là hết nặng nợ trần gian; cuộc ra đi ở đây, theo một ý nghĩa tâm linh, đấy còn chính là cuộc trở về. Với những người chồng là thế! Còn với con thì càng đứt ruột hơn!

Con về thăm mẹ quê xưa

Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

Cái “dớm chân” sao mà thiêng liêng, tâm linh và huyền diệu, làm lay động lòng người nơi trần thế! Âm dương không cách biệt, tình mẫu tử vẫn còn đây, khiến những dòng nước mắt của người con rưng rưng qua khói nhang nhập nhòa cùng khói nắng.

Đoản khúc mẹ

TRẦN QUANG KHANH

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi tất tả ngược xuôi
Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…

Mẹ tôi làm vợ hai lần
Lần tạm biệt rồi lần khân không về
Vọng phu hai phía con thơ
Bắc Nam mấy nẻo sơn khê mấy tầng?

Mẹ tôi góa bụa hai lần
Gió đâu là gió xoáy quanh phận người
Thiếu phụ đầy
góa phụ vơi
Hai lần làm vợ trọn mười mùa mai.

Đêm ngui ngút một canh dài
Gối đơn rã xác mùa phai má hồng
Cha về gieo một phù sinh
Đủ đong đầy một khối tình phù vân.

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi giờ đã xa rồi
Cũng lưng chừng núi ngó ngui ngút đồng

Mộ phần bên một mộ phần
Còn di ảnh lại ở gần người kia.

Con về thăm mẹ quê xưa
Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

Vỹ Dạ, 20.01.2024
HỒ THẾ HÀ
* Ảnh minh họa: internet

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đọc “Hoa Xương Rồng” của Nguyễn Trí

Nguyễn Trí chọn viết tiểu thuyết nghĩa là văn học hư cấu, nhưng xem ra những điều ông viết không cách xa mấy dòng văn học phi hư cấu. Tôi cho đó là thành công của tác giả…