Bên kia sóng nguồn…

(VNBĐ – Bút ký). Vượt qua hồ Núi Một, về phía bên kia thuộc địa phận Vân Canh, tìm lại dấu tích trường Đảng, trạm Y tế ngày xưa của khu căn cứ cách mạng An Trường – họ, những cựu binh, đang ngược nguồn. Dấu chân trên đất cũ, nghe bồi hồi những vui buồn…

1.

Nhiều năm nay, nhóm cựu binh từng hoạt động cách mạng ở khu căn cứ An Trường (Nhơn Tân, An Nhơn) hay tổ chức về lại chiến trường xưa. Họ lập ra Ban liên lạc khu căn cứ cách mạng An Trường, ngoài kết nối các cựu chiến binh để cùng nhau thăm lại căn cứ, thắp nhang tri ân, còn lập quỹ để thăm hỏi người đau ốm, hỗ trợ gia đình khó khăn. Đặc biệt, vào cuối tháng 05.2022, sau gần 50 năm, lần đầu tiên họ tổ chức chuyến về nguồn cho gần 50 người. Họ vượt qua lòng hồ Núi Một, về phía địa phận Vân Canh, tìm lại dấu tích trường Đảng, trạm Y tế ngày xưa, nơi một thời hoạt động cách mạng. Do quen biết với ông Lê Hữu Lễ nên thỉnh thoảng, tôi được nghe vợ chồng ông kể về những ngày tháng cũ, về chiến trường xưa. Vợ ông Lễ, bà Đoàn Thị Xuân Hương từng làm giao liên, hoạt động ở khu căn cứ An Trường, bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau đó, bà được thả ra và tiếp tục hoạt động cách mạng. Còn ông Lễ, bằng uy tín và sự tận tâm, được bầu giữ vai trò Trưởng Ban liên lạc khu căn cứ An Trường 05 năm nay. Khi nghe tin về chuyến về nguồn, tôi đề nghị được đi theo, ông Lễ nhận lời. Ông nói, chuyến đi lần này ngoài những cựu chiến binh xưa từng hoạt động ở An Trường, ông còn mời Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, dân quân, đoàn viên xã Nhơn Tân, người nhà của những cựu binh từng hoạt động cách mạng ở An Trường… Ông cho biết, hàng năm, với vai trò là Trưởng Ban liên lạc, ông là người kết nối, mỗi năm tổ chức 04 chuyến về thăm lại khu căn cứ. Nhưng lần về nguồn này, hoàn toàn khác các lần trước về cả quy mô và ý nghĩa. Lần này, đoàn cựu binh không chỉ dừng lại thắp hương ở tại di tích cách mạng An Trường mà vượt hồ, đi sâu vào nơi đã từng hoạt động cách mạng khi xưa. Vì mỗi cựu binh một nơi sinh sống, có người ở Quy Nhơn, nên lịch trình chuyến đi được báo trước nhiều tháng để chuẩn bị. Ông Lễ cho hay: “Tôi có nhờ phía địa phương sắp xếp lực lượng trẻ là dân quân, đoàn viên thanh niên để hỗ trợ các cựu binh lớn tuổi. Còn chuẩn bị cả y tế theo để phòng khi trong đoàn có người sức khỏe chuyển trở không tốt”.

Sáu giờ sáng, tại điểm tập kết ngay dưới tấm bia chứng tích khu căn cứ cách mạng An Trường, số người đến bến hồ Núi Một ngày một đông. Cái nắng bắt đầu đậm dần. Gió ràn rạt qua cỏ qua hồ, mang cái mùi của đất vừa ủ sương đêm khe khẽ nồng, cái mùi dìu dịu của sóng hồ phả vào mặt rời rợi. Tôi thấy những cái siết tay của những người bạn cũ. Những tiếng òa reo nức nở của bà, của cô khi gặp đồng đội mình. “Phải mày không Lan cheo? Phải mày đó không con quỷ?”, tiếng một người phụ nữ nghe chừng xúc động. Và đồng thời cùng cái động tác tháo bỏ khẩu trang, người phụ nữ có nước da rám nắng, dáng hình nhỏ nhắn, nhanh nhảu đáp lời: “Em Lan đây chớ ai”. Họ trao nhau những cái ôm thân tình, những lời hỏi han ân cần. Nụ cười hạnh ngộ và cả những giọt nước mắt trùng phùng đồng đội khiến ai chứng kiến cũng rưng rưng. Giờ đây, họ đang cùng nhau hướng về phía bên kia sóng nguồn. Ở nơi đó, lưu dấu một thuở thanh xuân đã trọn dâng cho lý tưởng, đã thắm thiết nghĩa tình đồng đội…

Các cựu binh chụp hình lưu niệm trong chuyến về nguồn. Ảnh: V.P

Hai chiếc thuyền do UBND xã Nhơn Tân bố trí đã chờ sẵn nơi bến. Sau lời phát động của Trưởng Ban liên lạc, mọi người lên thuyền, trực chỉ phía Tây Nam của hồ phăng phăng sóng. Sau gần một giờ, chúng tôi đã cập bến phía bên kia. Những cây gai rừng giăng mắc lối đi. Đoàn người rời thuyền, nối nhau rẽ theo con đường mòn nhỏ xíu vào sâu trong rừng. Vừa đi, họ vừa râm ran câu chuyện về gia đình, về sức khỏe bạn hữu. Có người đặt chân lên đất cũ, ký ức như được lay gợi, đã cất lời cảm thán: “Nhanh thật, mới đó mà đã 50 năm. Ngày xưa cứ băng rừng, lội suối cả ngày. Trong người chỉ có vắt cơm bé xíu. Chẳng hiểu, hồi ấy sức đâu mà di chuyển giỏi thật”.

2.

Dưới tán rừng xanh ngút, chúng tôi đi theo đường mòn trong tiếng lao xao khẽ động của gió rừng đánh vào nách lá. Trời dần oi nồng hơn, nhiều người đã thấm ướt áo. Tôi theo chân một bác cựu binh đã ngoài 70 tuổi. Ông bảo, ông đang ở Quy Nhơn. Sáng sớm, ông nói người nhà đưa lên hồ Núi Một rồi tự đi cùng đoàn. Chứng bệnh gút cũng làm cho bước chân ông thêm khó nhọc khi đã đi bộ một quãng đường hơn ba cây số. Một số bạn trẻ bên đoàn thanh niên UBND xã Nhơn Tân đã lấy sẵn xe máy dã chiến để chở những người lớn tuổi, sức khỏe yếu. Khi cậu thanh niên mở lời: “Bác ơi! Đường đến chỗ tập kết còn xa lắm. Bác lên xe con chở cho tiện”. Người cựu binh già, nhìn người thanh niên rồi mỉm cười hiền từ, xua tay, cất lời rắn rỏi: “Bác không sao. Bác muốn đi bộ. Dễ gì mới được trở lại nơi này. Bác đi được”. Tôi bắt chuyện, rồi làm bạn đường cùng ông, sau đó mới hay ông tên Nguyễn Tấn Sỹ. Trước đây, ông từng làm Y tá trưởng trạm xá An Nhơn, từng gắn bó sâu đậm với đất với rừng Nhơn Tân, nhất là khu căn cứ An Trường. Cũng tại nơi đây, ông mang nỗi đau lớn khi mẹ của ông bị địch tàn sát ở ngay căn cứ. Nỗi đau một thời đã nguôi ngoai theo thời gian, đau thương dần khép lại. Giờ nơi ông, không còn những hận thù nhưng ký ức một thời vẫn như nguyên vẹn. Ông nhớ lại tháng năm chiến tranh với bao mất mát, tang thương để trân trọng hơn nghĩa tình đồng đội, trân trọng hơn cuộc sống hiện tại. Ông trải lòng: “Những tháng ngày xưa là một thời không thể nào quên với mỗi chúng tôi. Những đau thương mất mát quá lớn nhưng chúng tôi cảm nhận rõ rệt tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Chúng tôi đã sống, đã cống hiến hết mình cho lý tưởng, không hối tiếc gì cả”. Tôi phần nào cảm nhận được nghĩa tình đồng đội và sự tàn khốc của chiến tranh qua những tác phẩm văn học, những thước phim lịch sử. Và từ những câu chuyện của những con người bằng xương bằng thịt từng tham chiến, từ những bà mẹ đã mất chồng mất con cho ngày độc lập. Cách đây gần 05 năm, khi cùng đồng hành cùng các cựu binh về khu căn cứ An Trường, lúc ấy tôi có dịp trò chuyện nhiều với cựu binh Thái Bá Học. Ông đọc tôi nghe hai câu thơ xúc động: “Chết còn trút áo cho nhau/ Bát cơm dành để người sau ấm lòng”. Ông còn đau đáu về lịch sử An Nhơn. Ông chia sẻ cho tôi về cuốn hồi ký mà ông tỉ mỉ từng nét bút về những tháng ngày chứng kiến cuộc đấu tranh của đồng đội mình. Ông nói: “Ngày hòa bình, mừng lắm. Tôi đứng sững ở cổng thành Bình Định mà nước mắt cứ chảy. Lòng tự nhiên bật lên câu nói lớn: Giải phóng rồi, hòa bình rồi, tôi còn sống”. Chuyến đi lần này, quanh quẩn mắt tìm nhưng không thấy ông đâu, tôi cất lời hỏi thăm thì hay tin ông đã nhẹ về thinh không ba năm trước…

Sau nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được điểm cần tìm, cạnh một con suối lớn mà các cựu binh xác định là nơi căn cứ cách mạng ngày xưa. Nơi đây, từng có trường Đảng và Trạm y tế hoạt động trong kháng chiến. Các cựu binh chung tay bày biện hương án, làm lễ tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống. Lọt thỏm giữa rừng sâu, cảnh làm lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm. Ông Lễ khấn vái, báo cáo với những đồng đội đã ngã xuống về chuyến đi, nhắc nhớ lại một thời máu lửa của An Trường. Với vị trí chiến lược quan trọng, An Trường được chọn làm căn cứ địa của tỉnh Bình Định và của An Nhơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ căn cứ An Trường, phong trào cách mạng An Nhơn đã trưởng thành nhanh chóng. Từ đấu tranh gìn giữ, củng cố lực lượng đã tiến lên khởi nghĩa từng phần, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng địa phương, góp phần cùng cả tỉnh và miền Nam làm phá sản chiến lược chiến tranh của địch, tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi. Sau báo cáo của Trưởng Ban liên lạc, từng người một thắp những nén tâm nhang bày tỏ lòng tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho hôm nay. Tôi như không quên đôi mắt rưng rưng của những nữ cựu binh khi cầm nén nhang thơm trên tay. Các chị, các cô đều đã hai màu tóc. Cuộc sống áo cơm, bận bịu gia đình, vấn đề sức khỏe… bao nhiêu thứ ngăn trở cho những chuyến về nguồn khiến họ phải bật nên lời trầm tư: Lần này rồi không biết dịp nào trở lại…

Trở lại chiến trường xưa, trong cái không gian bàng bạc những hoài niệm, ai nấy đều trào dâng bao niềm xúc động. Lúc này, tôi mới được dịp nghe mọi người kể lại tường tận về biệt danh “Lan cheo”. Người sở hữu biệt danh này là bà Phan Thị Lan, hiện đang ở phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn). Gần 70 tuổi, nhưng bà Lan vẫn còn giữ nét nhanh nhẹn như xưa. Trước đây, từ 1969 đến 1975, bà làm giao liên ở khu Đông An Nhơn, gắn bó mật thiết với khu căn cứ An Trường. Bởi vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng lại hết sức thông minh, lanh lợi, nhiều lần thoát khỏi sự truy sát của địch chỉ trong gang tấc để hoàn thành nhiệm vụ nên đồng đội đặt cho bà biệt danh “Lan cheo”. Nhắc nhớ lại một thời máu lửa, bà Lan tâm sự: “Tuổi trẻ của tôi gắn chặt với vùng đất này. Tôi đã cùng chia nhau hạt muối, miếng cơm hẩm, cùng chiến đấu, cùng sinh cùng tử với đồng đội. Nay trở lại nơi đây, bao kỷ niệm ùa về, không thể nói hết sự xúc động của mình”. Như bà Lan, bà Nguyễn Thị Mười (ở Nhơn Mỹ, An Nhơn) cũng rưng rưng xúc động khi nhắc nhớ về căn cứ cũ. Bà làm du kích xã Nhơn Mỹ từ năm 1971, đến 1972, thoát ly và làm bên tài mậu. Nhìn lại viên gạch đã rêu hóa màu thời gian ở chiến trường xưa còn sót lại, bà suýt xoa nhớ lại những tháng năm ở căn cứ An Trường: “Đêm đến, nghe tiếng ve kêu, lòng bồn chồn nhớ cha nhớ mẹ, nhớ nhà da diết. Ban đêm ra ngoài dân mua gạo, mượn gạo rồi cõng gạo về căn cứ. Bao lần thoát khỏi vòng hiểm nguy bởi những trận càn quét của địch. Giờ còn lại đây, đó như là một kỳ tích của đời mình”.

Các cựu chiến binh thắp nhang tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh tại khu căn cứ An Trường. Ảnh: V.P

Theo ông Phạm Minh Lý (ở Nhơn Lộc, An Nhơn), giao bưu từ 1972 – 1974 tại An Trường, thì ngày trước, vùng núi rừng này rậm ri hơn giờ nữa. Nơi đây, mùi thuốc súng nồng nặc. Vì địch nghi ngờ có căn cứ ta đặt ở đây, nên chúng dùng trực thăng rà soát, làm bạt hết lau sậy. Ông Lý chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh. Lòng cố nén nước mắt, tiếp tục tranh đấu, khát khao ngày được độc lập. Những ngày gần giải phóng, tôi ở trên núi Chóp Vung, nhìn về phía biển mà ao ước hòa bình. Mong đợi ngày ấy đến, để đi Quy Nhơn la cà một bữa cho thỏa cái vùng đất biển”. Lần này, gặp lại ông Lý nhưng không thấy người bạn hay đồng hành cùng ông – cựu binh Bạch Dũng, tôi lấy làm thắc mắc, mới hay người cựu binh tôi từng có duyên gặp ấy đã mất mấy năm trước. “Ngày xưa, quân Mỹ từng treo thưởng rất lớn nếu bắt, tiêu diệt được anh Dũng. Cái tên anh là nỗi ám ảnh với quân địch. Anh Dũng là người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, quyết liệt trên chiến trường nhưng cũng là con người đầy nghĩa tình với đồng đội với Nhân dân. Nếu hôm nay còn anh Dũng tham gia chuyến đi ý nghĩa này, anh sẽ xúc động lắm”, ông Lý tâm sự. Bao năm đi qua, rừng đã xanh lên và nhòa đi bao vết thương lở lói một thời. Trở lại cố thổ, những cựu binh xưa trùng trùng tâm sự, nén nhang thơm khó nói hết nỗi lòng. Ông Võ Văn Chữ (ở xã Nhơn Hậu, An Nhơn), từng làm Trưởng trạm giao liên hoạt động ở khu căn cứ cách mạng An Trường, bồi hồi: “Đây là lần thứ hai tôi trở lại nơi này. Lần thứ nhất là quãng năm 1978, khi ấy tôi làm trưởng đoàn dẫn đoàn anh em bưu điện thị xã An Nhơn thăm lại căn cứ này. Mới ấy, đã gần 50 năm. Giờ quay lại đây, gặp lại đồng đội, rất mừng. Được thắp cho anh em từng ngã xuống nơi đây nén nhang, vậy là mãn nguyện”.

3.

Chúng tôi nán lại căn cứ xưa đến đầu giờ chiều mới lục tục quay trở lại ra bến. Con thuyền chở những cựu binh về con bến phía bên kia bờ Nhơn Tân. Và mỗi cựu binh, những thành viên trong đoàn về nguồn cũng chở theo những suy ngẫm về chuyến đi ý nghĩa này. Chị Lê Thị Hồng Hạnh, con của liệt sĩ Lê Văn Vĩnh (xã Nhơn Tân), một thành viên trong đoàn lần này, thổ lộ: “Tôi thực sự ngưỡng mộ, biết ơn các cha ông, chú bác đã ngã xuống, biết ơn những người lính đã từng chiến đấu, từng không tiếc máu xương để con cháu hôm nay được hưởng độc lập. Chuyến đồng hành cùng các cô chú đã khiến tôi rất xúc động, như thấm thía hơn những hy sinh của thế hệ đi trước. Mong rằng, sau này sẽ có thêm những chuyến đi về nguồn như thế này để những người lớp trẻ được đồng hành, được hiểu hơn về một thời mà cha ông đã trải qua”. Ông Đoàn Hải Nam – Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Tân tâm sự: “Các thế hệ người dân Nhơn Tân luôn tự hào vì truyền thống cách mạng của cha ông. Phía địa phương luôn có kế hoạch chăm sóc di tích, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời những gia đình có công cách mạng, tổ chức các chuyến về nguồn, thắp nến, dâng hương cho những người đã ngã xuống, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Chuyến đi này hết sức ý nghĩa mà bản thân tôi rất vinh dự được đồng hành cùng các cô chú, anh chị cựu binh để thấm thía hơn về sự hy sinh, về một giai đoạn anh hùng của vùng đất mà mình đang sống và làm việc”.

Trước lúc chia tay, ông Lễ chia sẻ cho tôi nhiều về những dự hướng tiếp theo của Ban liên lạc, về những buổi gặp mặt, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình đồng đội khó khăn. Đặc biệt là những chuyến về nguồn, cũng là dịp để đồng đội xưa gặp mặt, ôn tồn kể nhau nghe bao chuyện cũ, hỏi han nhau cuộc sống hiện tại, thủ thỉ bao buồn vui tâm tình người lính. Tôi thầm nhận ra một điều, khi đề cập đến những dịp về nguồn, từ ánh mắt mỗi cựu binh đều ánh lên những hy vọng, trông đợi. Chẳng phải họ nghĩ xa xôi về quỹ thời gian phía bên kia con dốc mỗi đời người, mà đó là tấm lòng của người lính biết quý trọng nghĩa tình đồng đội, biết nâng niu những giá trị từ cuộc chiến đã qua, quý trọng những hy sinh, mất mát của cha ông, đồng đội mà giữ phẩm chất người cộng sản chân chính. Họ chân nhận điều ấy, để mỗi cựu binh, dù thời chiến hay thời bình đều sống hết mình, không thẹn với lòng, không thẹn với những người đã ngã xuống, giữ mãi phẩm chất một người lính Cụ Hồ…

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…