Bầy chim về tổ…

(VNBĐ – Tản văn). Có lần dự một hội thảo tâm lý về đề tài gì đó liên quan đến sự trưởng thành, tôi nhớ thầy báo cáo có hỏi: bạn có bao giờ thấy con chim nào đến tuổi rời khỏi tổ mà quay về không? Chim khi bay đi là không bao giờ trở lại. Trong tất cả giống loài chỉ duy có loài người là rời khỏi tổ mà vẫn quay trở lại. Tôi không biết nhiều về chim và các loài thú nhiều hơn cái biết thông thường, thành ra không chắc có loài nào trưởng thành, ra đi và trở lại, hay không. Chỉ nhớ cá hồi có quay lại dòng sông thơ ấu để sinh nở sau khi trưởng thành đi ra biển lớn. Dường như, có một hay hai loài gì nữa có bản năng quay về nguồn cội… chỉ để sinh sản. Dẫu sao, chuyện về nguồn vẫn là một câu chuyện thú vị dù là cá hay người.

Vào thời điểm lắng nghe câu chuyện của thầy, tôi vẫn thấy mình cảm động trước sự quay về. Tôi hay nhớ những chuyến xe, bến tàu, sân bay bến bãi cuối năm. Chật ních những người trở về. Ai cũng nóng lòng muốn gặp người thân sau cả năm trời, thậm chí nhiều năm trời xa cách. Năm nay chắc là một năm khác biệt. Sẽ có rất rất nhiều gia đình không có cơ hội đoàn tụ. Năm ngoái, trên bản tin tôi nghe thấy sự nghẹn ngào của mình khi đọc câu chuyện về một người Ấn đi làm xa – trong thời COVID, không có tiền, không có phương tiện về, ăn bánh quy cầm hơi, anh và nhóm bạn của mình đã đi bộ gần 2.000km để về nhà. Quần áo tả tơi và đôi bàn chân bỏng rộp. Hành trình 2.000km ấy, đã đành vì không thể có đủ tiền trụ lại thành phố lớn trong tình trạng cách ly. Anh biết khi về nhà không tiền, không việc làm gia đình 11 người của mình, anh cũng sẽ phải ra đi tiếp tục để tìm kiếm sự sống. Dẫu vậy vẫn phải quay về trước đã. Ấy là tôi áp đặt suy nghĩ của mình lên những người bạn thống khổ kia. Nếu là mình, tôi cũng vậy dù có đói, khát, COVID hay bất cứ việc gì cũng nên ở lại bên gia đình, bên người thương của mình.

Nhà tôi từ hồi còn rất nhỏ, mấy “chú chim ra ràng” đã được ba nhắc đi nhắc lại: Mai này mấy con có đi đâu, làm gì, ở bất cứ phương trời nào cũng cố gắng trở về tề tựu vào đêm giao thừa, sau đó đi đâu thì đi. Rồi những con chim ra ràng đó cũng bay đi, có con về giao thừa, có con chỉ gởi “hóa hiện” của mình qua video call vào đêm giao thừa. Ba mẹ tôi cũng học cách không kỳ vọng nhiều. Nhưng chúng tôi biết, thành ra năm nào ai không về Tết được thì có một đoạn trước Tết để về: một là dẫy mả, không giống Nam bộ chạp mả tập trung vào những ngày cận Tết, quê tôi mỗi nhà có một ngày dẫy mả truyền thống, lai rai từ đầu tháng Chạp đến cận Tết. Nhà nào tự nhớ ngày nhà đó, đúng ngày, con cháu ai nhớ tự về mang cuốc, bông, trái ra mộ. Một dịp khác chính là đám giỗ lớn trong năm. Nhà quê, mỗi nhà trung bình có một đám giỗ mỗi tháng. Nhưng hoặc may là mỗi nhà chỉ có một đám giỗ lớn. Còn lại chỉ làm lúi húi một mâm cơm cúng, những người trong nhà ngồi lại với nhau, không mời hoặc chỉ mời những người rất thân, hoặc chỉ báo cho những người họ hàng rất gần rằng nay giỗ bà cố, nay giỗ cô… Ai nhớ thì về. Đám giỗ lớn, ngược lại, mọi người đã nhắc nhở, bàn tán hỏi han từ cả tuần trước thậm chí là cả nhiều tháng trước. Con cháu thường thậm chí không nhớ cả Tây lịch, đôi khi ai hỏi hôm nay ngày mấy thứ mấy, còn không để ý, phải nhờ đến điện thoại. Ngày giỗ chỉ xài lịch âm, không hiểu bằng cách nào mà con cháu cứ đến gần gần ngày là giật mình: hình như sắp giỗ bà nội, hình như đã vào tháng Mười âm. Vậy là lò dò đi tìm cuốn lịch hoặc lên điện thoại mở lịch âm ra xem: vậy là còn 17 ngày nữa… Lo gọi về cho má, hỏi: Năm nay má định làm gì, mượn người nấu hay giao trọn gói, mời những ai… Má nói chưa mà con. Nói vậy thôi, chớ con nào mà có việc không về được, ba mẹ hiểu, có điều giữa lúc đông đủ nhất, là nghe điện thoại ba: Con nói chuyện với cô Bốn, cô Tám, cô Mười… Cô Hai mất rồi mà mấy anh mấy chị về đầy đủ nghen con! Giọng nửa vui, nửa có chiều trách móc! Con biết ý nên cũng nói đỡ, con không về mà có cúng trai tăng cho nội trong này, lâu lâu cho bà nội vô thăm con cháu một bữa, năm nào con cháu cũng về thăm bà mà. Nói vậy mà không biết “ảnh” có nguôi ngoai phần nào không, vì giỗ bà nội là ngày giỗ lớn nhất trong gia đình tôi, dù bà nội mất từ năm ba mới mười ba tuổi.

Năm nào cũng vậy, con cháu nội ngoại tập trung về gần như không sót một ai. Có năm về đến nhà nội rồi mà bọn con nít ham chơi kéo nhau vô phi trường hái chim chim, dủ dẻ, quá giờ cúng bà nội mới về. Về đến nhà đứa nào đứa nấy lấm lét vô thắp cây nhang, ba không đánh roi nào nhưng nhìn là biết ba giận lắm. Không còn nhớ ba nói gì, đại loại “sống tết, chết giỗ”, các con có ngày Tết, bà nội có ngày giỗ. Đã về đến nội mà còn bỏ đi chơi. “Con khôn cha mẹ nào răn/ Gẫm như trái bưởi ai lăn nó tròn”. Ba nói ít các con hiểu nhiều… Lời răn dạy của ba làm đứa nào cũng cúi gằm mặt lí nhí xin lỗi. Hàng xóm quen vậy nhưng đến ngày, ba vẫn mang bình rượu đi mời các bậc cha chú. Mãi sau này, những bậc cao niên đi hết, ba mới điện thoại mời. Trong nhà, ba nghiêm lắm, mọi người phải tự nhớ mà về từ hôm trước hoặc sáng sớm. Hồi đó, lúc cô Bảy tôi còn sống, đêm trước đám giỗ căn nhà nhỏ đầy những tiếng rầm rì của các cô và tiếng cười đùa của các cháu. Đèn dầu leo lét, tiếng kim chằm nón nghe sừng sựt, tiếng kể chuyện… Tôi nhớ mình ngủ lúc nào không hay trong không gian ấm áp ấy. Giờ cô Bảy mất, giỗ bà nội, hàng xóm những người muôn năm cũ cũng người cây chả, người cây nem, người làm mấy cây cốm đậu đen, cốm gừng mang qua từ hôm trước. Chỉ thiếu tiếng rầm rì, tiếng chằm nón, tiếng kể chuyện đêm khuya…

Mùa này, nghe má càm ràm chị Thiện hàng xóm: “Dặn rồi, không có làm mà năm nào cũng len lén làm cực quá!”. Chị thanh minh: “Món này hồi còn sống cô Bảy thích ăn lắm, nên con phải làm mới được, cực gì đâu, giã một bữa tối là xong thôi mà…”. Mẹ quay sang tôi thanh minh, con cứ kêu làm giảm xuống, đám giỗ gì mà như đám cưới, mà người này người kia, bạn bè con cháu, ai cũng nhớ, ai cũng về không làm giảm xuống được con! Đứa con vốn ngại đông đúc bia bọt nên năm nào cũng “bàn trớt” để giảm lượng người xuống vì thấy má quá cực. Vậy rồi, thấy bà con đội mưa đội gió đi đến, người gọt củ, người gọt khoai, người lột hành, người rửa rau, người chạy bàn suýt xỉu… Tự nhiên thấy mình bao nhiêu năm ở quê mãi vẫn chưa hiểu người quê! Đám giỗ qua một hai ngày bỗng có người vừa bạn ba, vừa là bà con xa hớt hải chạy xuống: “Chết cha, giỗ bà già mà tui quên mất”. Người chủ nhà cũng kêu lên: “Tui gọi ông cháy máy, gọi ngày gọi đêm, phái đệ tử lên nhà chở ông mà không thấy”. Khách phân bua: “Già rồi ông, mắt cũng mờ, tai cũng yếu, có cầm đến điện thoại đâu”. Khách miệng nói chân chống cây nạng vô thắp cho “bà già” cây nhang rồi ra về.

Mà lạ một điều, mọi năm cứ gần đám giỗ, con hay cự nự chuyện nhiều bàn, rồi đám giỗ vẫn diễn ra y… đám cưới. Năm nay con không nói một lời nào, vậy mà buổi tiệc tàn, “ông” ba bỗng phát biểu: “Năm nay làm lớn nữa thôi nghen con, năm sau nhớ nhắc ba chỉ mời đủ 2 bàn!”. Con há hốc kinh ngạc: “Ủa ba có giận hờn gì tụi con hả? Con có nói gì đâu”. Con với ba đôi khi có những “thần giao cách cảm” nho nhỏ kiểu như, con trên chuyến xe về quê bèn lăm le: chuyến này vô phải mang theo một cây dủ dẻ về phố nghe mùi hương thơ ấu cho vui. Nghĩ trong lòng vậy thôi, chưa kịp nói với ai. Vậy mà vừa về tới, mới đặt bàn chân vô cửa, đã nghe ba chỉ ra góc bàn đá hay ngồi: bữa nào vô mang chậu dủ dẻ theo, ba để dành cho con đó. Con chỉ biết nghệch mặt tự hỏi: tâm linh tương thông lẽ nào là thật. Nhưng nghĩ mãi vẫn không ra vì sao bao nhiêu năm cằn nhằn ba không thu nhỏ “size” đám giỗ lại. Năm nay không ai nói lời nào thì nghe ba phát biểu như sét đánh ngang tai. Lẽ nào ba nhận ra mọi người quá cực, nhất là mẹ trong đám giỗ. Hay cuối cùng ba cũng nhận ra, sau bao nhiêu năm dày công giáo huấn, “làm công tác bảo tồn”, bầy chim ra ràng cũng đã biết đường quay trở lại mái nhà xưa!

* Ảnh minh họa: Nguồn internet

TRẦN LÊ SƠN Ý

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…