Bảo tồn nhà lá mái – nhìn từ hiện tại, nghĩ về tương lai

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Ngày 06.4.2024, tại TP.Quy Nhơn, Hội VHNT Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức thành công buổi tọa đàm “Đặc trưng Nhà lá mái Bình Định & Hướng bảo tồn, phát huy di sản”, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo và các văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Buổi tọa đàm ghi nhận 8 tham luận và nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, bày tỏ quan ngại về sự mất dần của nhiều nhà lá mái trong tỉnh và trao đổi, đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản nhà lá mái.

VNBĐ xin giới thiệu tham luận của nhà báo Hoài Thu tại tọa đàm.

1.

Hiện nay, tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) vẫn còn nhiều ngôi nhà lá mái được gìn giữ khá tốt những đặc trưng trong kiến trúc truyền thống. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở làng rau Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) với gần chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Đến các ngôi nhà cổ này, vẻ đẹp trước tiên có thể thấy rõ ngay từ đầu ngõ là không gian xanh bao quanh với nhiều cây, hoa, hay bờ rào cây xanh được cắt tỉa, chăm chút.

Trong số này đáng kể nhất là ngôi từ đường họ Quách, được biết đến với tên gọi “Tịnh Nương Đường”, xây dựng từ 1908 – 1911. Nhà cất hình chữ Môn với hai lớp mái theo lối cổ, tổng diện tích xây dựng khoảng 500m2. Trong đó, gian nhà chính quay mặt hướng Nam gồm 5 gian 2 chái là nơi thờ cúng tổ tiên. Trời nắng nóng, vậy mà bước vào bên trong gian nhà thờ lại thật mát, màu thời gian phủ lên những cây cột bằng gỗ quý, màu đỏ sẫm, to tròn, bóng láng; nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, công phu. Ở Thuận Nghĩa, từ đường họ Quách cùng với Quách Trọng Đường (hoàn thành năm 1917, là ngôi từ đường của một chi phái họ Quách) được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao khi đến nghiên cứu.

Không gian xanh ở từ đường Quách tộc với tên gọi “Tịnh Nương Đường”. Ảnh: H.T

Tại địa phương này còn có ngôi nhà lá mái của ông Trần Thiếu Bảo có tuổi đời hơn một thế kỷ. Điểm hay trong ngôi nhà lá mái này còn có những bộ bàn ghế cổ, những vật dụng của ba, mẹ như: tráp của thầy đồ, hộp đựng trang sức của phụ nữ từ cách đây gần cả trăm năm…

Ngôi từ đường của ông Bùi Đắc Khả (73 tuổi) ở khối Phú Xuân, nằm cách Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ vài trăm mét (ông Khả cũng là con cháu trong dòng họ Bùi Thị Xuân). Đây là nhà lá mái được xây dựng năm 1889, cất theo hình chữ Đinh, gồm có 3 gian 2 chái. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (ở Quảng Nam), người có nhiều năm nghiên cứu về nhà cổ Việt Nam, thì ngôi từ đường của gia đình ông Khả là ngôi nhà lá mái duy nhất còn giữ nguyên mặt bằng tổng thể truyền thống.

Trong ngôi nhà này của gia đình ông Bùi Đắc Khả, ngoài gian chính đậm màu cổ kính, trang nghiêm là nơi thờ cúng, còn lại các gian khác được sử dụng làm nơi tiếp khách, học tập, phòng ngủ của gia đình ông Khả gồm 3 thế hệ (9 người) đang sinh sống.

2.

Những ngôi nhà lá mái nêu trên được chúng tôi thực tế tìm hiểu vào tháng 3.2024. Đây chỉ là một “lát cắt” ở một địa phương trong bức tranh chung của nhà lá mái trên địa bàn tỉnh.

Tôi còn “hữu duyên” vào được khá nhiều ngôi nhà của các hộ dân ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát và cả ở vùng ngoại thành Quy Nhơn như Nhơn Bình, Nhơn Phú… cũng còn phần nào giữ được kết cấu gỗ đặc trưng nhà lá mái, chủ yếu là ở gian nhà thờ.

Vậy hiện còn bao nhiêu địa phương trong tỉnh giữ được nhà lá mái, với số lượng cụ thể bao nhiêu. Rồi trong từng nhà lá mái cụ thể ít nhiều giữ được giá trị kiến trúc và cả “phần hồn” tiếp nối văn hóa truyền thống ra sao thì chưa thể nắm được.

Ngược dòng thời gian, qua tìm hiểu từ các nguồn tài liệu trước đây, trong đó có những bài viết đăng trên Báo Bình Định từ các đồng nghiệp của chúng tôi, có thể thấy cách đây khoảng 20 năm, trên địa bàn các huyện đồng bằng còn hàng trăm ngôi nhà lá mái, với mức độ bảo tồn giá trị khác nhau, cũng ít nhiều thay đổi. Riêng số chạm trổ công phu, đẹp chỉ còn khoảng trên dưới 10 nhà.

Còn đợt điều tra lần thứ nhất về nhà ở truyền thống Bình Định do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thông tin) phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tiến hành năm 2004 đã thống kê, lập biểu mẫu được đến 350 nhà. Trong đó, có 35 nhà được chọn ra và lập hồ sơ chi tiết vào đợt 2.

Đến nay, số lượng nhà lá mái được nêu trên đã bị “đè nặng” thêm qua rất nhiều năm tháng, có lẽ từ vài trăm nhà đang mất dần còn chỉ vài chục nhà. Nếu tiếp tục bị “bỏ quên” thì không tránh khỏi trong tương lai chỉ còn được vài nhà, hoặc đáng buồn hơn là bị “xóa sổ” hẳn những ngôi nhà lá mái cổ…

3.

Thực trạng trên cho thấy đã đến lúc báo động “nguy cấp” về bảo tồn nhà lá mái Bình Định. Bởi, nhiều giá trị độc đáo của nhà lá mái đã được khẳng định qua các nghiên cứu chuyên môn.

Từ năm 2001 – 2003, Hội Kiến trúc sư Bình Định thực hiện đề tài Nghiên cứu kiến trúc truyền thống Bình Định góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong kiến trúc hiện đại. KTS Phạm Thanh Trì, Chủ nhiệm đề tài, nhìn nhận trong lĩnh vực kiến trúc, cần tìm ra những nét đặc sắc riêng, tạo thành phong cách kiến trúc truyền thống Bình Định. Do vậy, cần phải quay trở về, nghiên cứu kiến trúc truyền thống, đặc biệt là nhà lá mái.

Theo KTS Phạm Thanh Trì, tổ chức không gian nhà lá mái có phân khu chức năng rõ ràng như một kiến trúc hiện đại, nhưng cũng khá linh hoạt. Liên kết cấu trúc nhà lá mái hoàn toàn bằng mộng, vừa vững vàng, chịu được nắng gió khắc nghiệt miền Trung nhưng cũng khá đơn giản, hợp với tích cách người Bình Định. Qua quá trình nghiên cứu, có thể còn nhiều bài học khác có thể áp dụng cho kiến trúc hiện đại.

4.

Yếu tố quan trọng hàng đầu để một số nhà lá mái cổ có giá trị còn tồn tại cho đến hôm nay, thể hiện vẻ đẹp bền vững hơn “ẩn sâu” bên trong ngôi nhà lá mái đó chính là ý thức tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình, quê hương.

Như anh Trần Đắc Khái, nhà ở khối Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn), cho biết: Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi vẫn thích sống trong nhà lá mái, theo ông cho biết đã truyền qua nhiều đời trong gia đình. Ông dặn dò con cháu phải cố gắng giữ gìn kỹ, dù qua các lần tu sửa thì kết cấu bên trong ngôi nhà vẫn cơ bản được giữ theo đúng truyền thống. Đây là niềm tự hào của gia đình chúng tôi.

Đi xa quê hương vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và sống đến nay đã được 60 năm. Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Thiếu Bảo (năm nay 77 tuổi) dành nhiều thời gian trở về ngôi nhà từ đường là nhà lá mái có tuổi đời hơn một thế kỷ, để góp phần gìn giữ, tu sửa. Ông Bảo bộc bạch: “Không chỉ tôi mà chị gái tôi ở TP Hồ Chí Minh cũng hay về ở nhà từ đường nhiều ngày, để tận hưởng sự bình yên, thân thuộc, gợi nhớ ký ức tuổi thơ…”.

Ông Trần Thiếu Bảo thỉnh thoảng lại từ TP. Hồ Chí Minh về ở ngôi nhà từ đường (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) có tuổi đời hơn một thế kỷ. Ảnh: H.T

Còn ông Bùi Đắc Khả thì chia sẻ: “Gia đình chúng tôi luôn cố gắng giữ nguyên vẹn trong điều kiện có thể đối với kiến trúc truyền thống, dù mỗi lần chống xuống cấp cũng tốn nhiều thời gian, chi phí. Di sản của ông bà để lại thì con cháu phải luôn trân trọng và cảm thấy hạnh phúc khi vẫn được sống trong căn nhà cổ…”.

Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy số lượng nhà lá mái cổ đã mất đi ngày càng nhiều so với số lượng nhà còn giữ được. Bởi, không phải gia đình nào cũng có ý thức và cả điều kiện để giữ gìn… Đó là chưa kể lớp người cao tuổi “sống chết” quyết giữ nhà lá mái cũng đã gần đất xa trời. Đến lúc họ mất đi thì lớp con cháu sau này có lẽ sẽ “hòa nhập” cuộc sống hôm nay để xây nhà mới hiện đại hơn thay cho ngôi nhà cổ cũ kỹ, xuống cấp, không phù hợp với đời sống hiện đại…

5.

Để bảo tồn nhà lá mái theo chúng tôi không chỉ từ phía gia đình, dòng họ có nhà lá mái, mà cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà nghiên cứu.

Thứ nhất, cần có thêm nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ, toàn diện hơn về giá trị văn hóa trong nhà lá mái: những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển ở nhà lá mái trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và tập trung nhiều ở một địa phương nào đó trong tỉnh nói riêng; các giá trị văn hóa truyền thống trong nhà lá mái và việc bảo tồn, phát huy nhà lá mái cổ trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, trên cơ sở những nghiên cứu về nhà lá mái hiện có và thực tế những nhà lá mái hiện còn, các ngành, đơn vị làm công tác bảo tồn bảo tàng cần có sự nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ cụ thể để bảo tồn nhà lá mái cổ tại chính các hộ dân, hoặc có các hình thức phục dựng nhà lá mái tiêu biểu tại địa điểm phù hợp để phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp nhà lá mái.

Tại Bảo tàng Quang Trung, với khuôn viên rất đẹp, từ lâu đã dựng nhà rông to đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Sơn thượng đạo, nếu có thêm sự “đối xứng” công trình nhà lá mái đặc trưng của vùng đồng bằng Bình Định trong khuôn viên thì càng ý nghĩa hơn, nhất là ở thị trấn Phú Phong vốn đang vẫn còn giữ được nhiều nhà lá mái cổ. Việc dựng nhà lá mái tại địa điểm ý nghĩa như Bảo tàng Quang Trung, không chỉ lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của cha ông, mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của xã hội hiện nay.

Cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định. Công trình Bảo tàng tỉnh được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 1,3 ha tại vị trí đắc địa là Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (ở TP. Quy Nhơn hiện nay), với tổng mức đầu tư đến 700 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 – 2028. Trong các phân khu chức năng, có khu trưng bày ngoài trời, nếu nơi đây phục dựng được nhà lá mái kết hợp bên trong trưng bày các hiện vật gắn liền với sinh hoạt, lao động của người Bình Định ngày xưa, thì tin rằng sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn, điểm check in thu hút du khách trước khi vào tham quan các khu trưng bày bên trong Bảo tàng tỉnh mới.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị nhà lá mái cần gắn liền với phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Việc đưa nhà lá mái vào phục vụ du lịch đến nay dường như vẫn chưa có sự kết nối “đúng và đủ” giữa hai ngành văn hóa và du lịch để tạo thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, đủ sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Cụ thể, như ngành du lịch quan tâm phát triển du lịch làng rau Thuận Nghĩa để khách tham quan trồng rau sạch, trong khi “hồn cốt” của làng rau là các nhà lá mải cổ thì chưa được nêu bật để thu hút du khách. Cần phối hợp giữa hai ngành trong xây dựng tour kết nối tham quan nhà lá mái cổ, hoặc “homestay ở nhà lá mái”…

Đưa nhà lá mái vào khai thác phục vụ du lịch thì mới góp phần bảo tồn hiệu quả, phát huy giá trị thiết thực, đồng thời có thể nâng cao nhận thức, niềm tự hào để giữ gìn nhà xưa ông bà để lại, góp phần tạo nguồn thu để chủ nhân nhà lá mái có thể dùng để tu bổ, chống xuống cấp nhà lá mái của mình. Cùng với đó, có thể tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp, người có tiềm lực kinh tế và tâm huyết với văn hóa truyền thống đầu tư phục dựng nhà lá mái, cũng là cách xã hội hóa hiệu quả, chung tay gìn giữ di sản văn hóa của quê hương Bình Định.

HOÀI THU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…