Bài thơ đẹp ở cả người được nhắc đến trong thơ

(VNBĐ – Thơ & lời bình). Nói đến Quang Dũng, trước tiên, là nói đến một người lính. Và trong lòng của nhiều người mến mộ, ông là một tượng đài. Tượng đài người lính. Tượng đài của những chiến binh quả cảm, dũng cảm, lên đường cầm súng, bảo vệ quê hương, giữ gìn non sông gấm vóc.

Dù máu đổ, dù đầu rơi, dù phơi thây ngoài sa trường, dù không hy vọng ngày trở về gặp lại mẹ già, con thơ, vợ dại, vẫn đi. Vẫn quyết chí ra đi. Tổ quốc Việt Nam là trên hết. Đất nước Việt Nam là trên hết. Còn Tổ quốc, mới còn gia đình. Còn đất nước, thì mới còn ta.

Quang Dũng không chỉ là người lính. Như nhiều tài hoa khác, ông dạy học, làm thơ, và vẽ. Ngoài ra, ông cũng viết bút ký, hồi ký. Thơ ông viết, hàng trăm bài. Những bài ấy, đến nay, ngót nghét tám mươi năm, vẫn sừng sững, một chốn riêng, khó thể xếp vào đâu, chung chiếu cùng mâm với ai. Mặc dù, những người biết về ông, đều nói rằng, ông chẳng tha thiết gì về cái gọi là danh tiếng, vị trí xã hội, ở hay không ở trong lòng người. Ông lặng lẽ sau biến cố Tây Tiến. Ông thu mình, rong chơi, vẽ vời, và im lặng, không trải bày, không kể lể, không ăn mày quá khứ.

Những bài thơ ông làm, được nhắc tới nhiều nhất vẫn là: Đôi bờ, Mắt Người Sơn TâyTây tiến. Trong đó bài thơ Tây tiến được đưa vào giảng dạy trong chương trình Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12.

Tôi biết bài hát Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, trước khi đọc bài thơ Đôi bờMắt người Sơn Tây của Quang Dũng. Nhất là khi bài hát ấy được cất lên từ giọng của danh ca Thái Thanh. Trời ơi là não nùng. Lòng như đang bị ai vặn xoắn. Giữa bốn bề là rừng núi cô liêu. Sông thì xa, lớp lớp mưa dài. Sông hay mắt em mà quá đỗi quá chừng cô quạnh, trong một chớm thu về buổi sớm mai.

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến

Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề. 

Vẫn là một nỗi u hoài ấy, vẹn nguyên, chiếm lấy hồn người lính. Làm sao mà vui cho đặng khi chốn kinh thành kia, ở đó, vẫn còn người em dấu yêu, người nắm giữ trái tim của chàng trai đang ngoài trận tuyến. Mà trời thì mưa hoài. Mà sông thì lạnh mãi. Lấy gì sưởi ấm nỗi yêu xa.

Chỉ có bốn khổ thơ thôi mà đã hết ba khổ, Quang Dũng nhắc về sông, về dòng sông. Sông thì chảy xuôi, đã trôi là trôi mãi, chẳng về. Hình ảnh dòng sông trong thơ, bao giờ cũng là điềm ly biệt, bao giờ cũng là nỗi cô đơn, bao giờ cũng là niềm trơ trọi khi dòng hoài mải miết dần xa.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Những đêm không ngủ được, anh ra sông. Khói thuốc trên tay dẫn anh về chuyện cũ. Chiếc ly anh cầm, sóng sánh nước. Đáy ly, dường, bóng dáng em, dường, mái tóc em, dường, mắt biếc em, và đôi môi nữa, cùng anh trò chuyện, thâu canh.

Nhưng tất cả chỉ là mơ thôi. Giờ đây, đôi ta, hai đầu xa tít. Em có buồn anh không? Có trách anh, có giận anh, bỏ em lại một mình. Có tủi hờn, khi giờ đây, không còn anh bên cạnh:

Xa quá rồi em người mỗi ngả 
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau 
Em đi áo mỏng buông hờn tủi 

Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Đôi bờ là một bài thơ đẹp. Không chỉ đẹp chữ, đẹp ý, đẹp tình mà còn đẹp ở cả người được nhắc đến trong thơ. Đẹp, là bởi vì nó thật. Nó thật ở lứa tuổi hai mươi, chập chững bước vào đời với bao ước vọng, mộng mơ, chập chững biết buồn, biết đau lòng vì những chia xa và cách biệt.
Đôi bờ
QUANG DŨNG
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
(1948)

PHẠM HIỀN MÂY

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…