Âm nhạc Bình Định, 50 năm ngân vang khúc hát

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), Âm nhạc Bình Định được biết đến qua phong trào ca hát quần chúng. Trong dịp mừng Quốc khánh đầu tiên của đất nước thống nhất (02.9.1975), tại sân trường Nguyễn Huệ Quy Nhơn (nay là trường THCS Lê Hồng Phong) Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định đứng ra tổ chức “Ngày hội Văn hóa nghệ thuật mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước thống nhất” bao gồm nhiều hoạt động ở “Vườn Thơ”, “Vườn Âm nhạc”, các trò chơi dân gian và một sân khấu dành cho biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc.
Từ mốc son này, 50 năm qua, Âm nhạc Bình Định đã vươn lên không ngừng.

Những ngày đầu sôi động
Sau ngày quê hương được giải phóng (31.3.1975), trong không khí hồ hởi, phấn khởi, hàng loạt các đội văn nghệ xã, phường, trường học được thành lập, người dân Bình Định quen thuộc dần với những bài hát cách mạng như: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Bão nổi lên rồi, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Tiếng đàn Ta Lư… Những bài hát này mỗi ngày vang lên khắp nơi từ nông thôn đến thành thị bên cạnh những bài hát trong phong trào học sinh, sinh viên miền Nam trước đây như: Tự nguyện, Hát cho dân tôi nghe, Ôi Tổ quốc ta đã nghe, Nối vòng tay lớn… cả những làn điệu bài chòi như: Quê tôi giải phóng, Anh hùng Ngô Mây, Ai về Bình Định… từ trong vùng giải phóng trước kia cũng hòa vào phong trào và bấy giờ được xem là “những tiết mục xuất sắc” của văn nghệ các địa phương.

Điểm nổi bật của phong trào ca hát quần chúng lúc bấy giờ là các tiết mục múa. Những điệu múa như: Chàm rông, Người con gái Pa Kô, múa Quạt, múa Nón… được các anh, chị “văn công” truyền lại cùng với các vũ điệu tuổi học trò nhịp bước một, hai đơn giản… điểm tô thêm sắc màu làm cho phong trào thêm khởi sắc. Phong trào văn nghệ trong các trường trung học rất sôi động. Lớp “diễn viên” nam, nữ trong phong trào xã, phường đa số là những học sinh, sinh viên vừa “xếp bút nghiên” lo việc “làng nước” nên cũng trẻ trung, sôi nổi vô cùng.

Có chút năng khiếu và nhờ biết chơi đàn guitar, đàn mandolin, tôi được chọn tham gia “đội nhạc” của Quy Nhơn đánh nhạc Quốc ca phục vụ mitting mừng Ngày Quốc khánh của tỉnh. Ngay sau kết thúc chương trình, tôi cùng một số ít trong anh em “đội nhạc” được cán bộ Ty Văn hóa tỉnh chọn tham gia “Vườn Âm nhạc” của Ngày hội Văn hóa nghệ thuật. Ở “Vườn Âm nhạc” lần đầu tiên tôi được gặp các nhạc sĩ: La Hữu Vang, người nổi tiếng của phong trào “Hát cho đồng bào tôi” đệm đàn guitar, Châu Đức Khánh chơi solo ngọt ngào, réo rắt; gặp thầy giáo Vũ Phan Long với tiếng đàn violon huyền diệu; gặp anh Lý Xuân Vãng, một “cây văn nghệ” ở An Nhơn, chơi đàn contrabass; gặp bác Mười Mộng, với tiềng kèn saxo trữ tình, da diết. Những giai điệu không lời hòa tấu cùng nhau vang lên một góc sân trường, thu hút hàng trăm lượt người đến nghe. Các ca sĩ ở Quy Nhơn có: Diệu Anh, Linh Trang; Thái Hoa ở Diêu Trì và giọng ca nam ngọt ngào Lộc Trần (vốn tên là Trần Lộc) …

Đầu năm 1976, lúc bấy giờ 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sát nhập thành tỉnh Nghĩa Bình; Ban trù bị thành lập Hội VHNT Nghĩa Bình những năm 1976 – 1977 được khai sinh từ Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Nghĩa Bình và đã ra đời gắn liền với tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ như: Cao Duy Thảo, Thanh Thảo, Từ Quốc Hoài, Thu Hoài, Lệ Thu và những nhạc sĩ như: Phan Quý, Hoàng Lê, Nguyễn Hữu Khải, Dương Long Căn, La Hữu Vang, Hoài Ân, Cung Nghinh, Lưu Hạnh, Châu Đức Khánh… Trước đó, đoàn ca múa, nhạc, kịch chuyên nghiệp Nghĩa Bình đã tách ra thành 2 đoàn: đoàn Ca múa nhạc và đoàn Dân ca kịch Bài chòi. Một số hạt nhân phong trào ca hát được tuyển chọn vào làm diễn viên của đoàn ca múa nhạc như: Huy Cúc, Thế Cường, Kỳ Chương, Tấn Sinh, Thi Lộc… và các nhạc công như Kỳ Phùng (trống), Đào Minh Tâm (guitar bass)… nhằm xây dựng đoàn càng ngày càng chuyên nghiệp. Và trong những năm 80, hàng loạt diễn viên, nhạc công tốt nghiệp các trường nghệ thuật trong nước tăng cường về đoàn như Hoàng Hải, Thiên Vương, Bình Quý (nhạc công), Thế Cường, Thanh Tâm (diễn viên hát), Thu Hương, Thanh Bình (diễn viên múa)… xây dựng thành Đoàn ca múa nhạc Chim Yến “nổi danh” miền Trung và cả nước.

Đối với lĩnh vực sáng tác âm nhạc lúc bấy giờ còn “non trẻ” với những tác phẩm như: Bàn tay người thợ xây, Chào Quy Nhơn hòa bình (Châu Đức Khánh), Đêm trăng nhớ Bác (từ bài Vọng Kim lang của Hoàng Lê, Nguyễn Kiểm viết lời mới).

Rồi Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình thông báo kế hoạch tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng công nông binh toàn tỉnh, bắt đầu từ các địa phương huyện, thị xã trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thìn – 1976 với chủ đề “Mùa xuân nhớ Bác”. Thị xã Quy Nhơn hưởng ứng rất nhiệt tình bằng hội diễn của các xã, phường, các trường học, bệnh viện. Qua hội diễn, những giọng hát như Lý Anh Võ, Phương Trà (Trường cấp 3 Quang Trung), Nguyệt Ánh (Trường Cấp 3 Trưng Vương), Lan Phương (phường Lê Lợi), Thế Tuyên, Kim Long (phường Lê Hồng Phong) dần quen với khán giả…

Hội diễn “Mùa xuân nhớ Bác” của tỉnh lần thứ nhất được tổ chức nhân dịp sinh nhật Bác (19.5.1976) đã trở thành ngày “hội lớn” của những hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng. Chương trình diễn ra hoành tráng với dàn hợp xướng của gần 100 học sinh, sinh viên của Quy Nhơn biểu diễn bài Chào Quy Nhơn hòa bình của Châu Đức Khánh, chỉ huy Vũ Phan Long. Cùng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nhạc công đến từ 17 huyện, thị và 20 cơ quan trung ương và cấp tỉnh. Mùa hội diễn năm ấy các địa phương có chất lượng nghệ thuật nổi trội là: thị xã Quy Nhơn với các giọng hát Lý Anh Võ, Phương Trà, Nguyệt Ánh, Lan Phương, Ly Châu…; huyện An Nhơn có điệu múa Bướm xuân với các giọng ca như: Thế Cường, Lý Xuân Vãng; thị xã Quảng Nghĩa có điệu múa Sắc bùa cùng các giọng hát Hữu Nghĩa, Tấn Sinh (NSƯT Nhất Sinh), Kỳ Chương, Thu Phương; huyện Phước Vân (nay là 2 huyện Tuy Phước, Vân Canh) có đội kịch Phước Lộc và các giọng ca Quang Ân, Quốc Dũng, Như Sang, Huy Cúc, Thi Lộc; huyên Hoài An (nay là 2 huyện Hoài Ân và An Lão) với điệu múa Người con gái Pa Kô và giọng ca Bài chòi ngọt ngào của Kim Loan hay đơn ca nam Thụy Vũ; huyện Tây Sơn với vũ điệu Hội làng của những “nghệ sĩ” dân tộc Ba Na như: Y Băng, Đinh Chương, Hơ Đan, Hơ Zướp, Hơ Thao; huyện Trà Bồng sôi động với những điệu múa mang sắc màu người Cor, huyện Nghĩa Minh (nay là 2 huyện Nghĩa Hành và Minh Long) với những vũ điệu người Ca Dong không kém phần hấp dẫn. Các đoàn Quy Nhơn, Quảng Nghĩa, Công an tỉnh được bầu chọn là đoàn dẫn đầu phong trào. Hồi ấy khối các cơ quan cũng đã nổi lên những “hạt nhân” mà sau này trở thành nòng cốt lãnh đạo phong trào như Vũ Trung, Duy Lập, Vi Linh… của Công an tỉnh, Đình Thậm, Minh Phúc, Bá Sinh… của Tỉnh đội…

Ấn tượng nhiều giọng hát phong trào
Một năm sau (1977), đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghĩa Bình tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở Nha Trang – Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) được xếp một trong ba đoàn đạt giải Nhất với 08 huy chương Vàng.

Phong trào văn nghệ quần chúng Nghĩa Bình tiếp tục thăng hoa và xuất hiện nhiều giọng ca trẻ đầy triển vọng như: nữ có Lệ Hoa, Kim Thủy, Thanh Tâm, Tuyết Mai, Kim Cúc, Kim Hiếu, Lê Thu, Mai Hoa; nam có Tấn Thành, Minh Hà, Quang Định, Minh Chính, Công Lý, Hữu Chiến… ở các huyện phía Nam tỉnh và Lưu Phương, Cam Ly, Mỹ Hạnh, Thiên Nga (nữ), Thạch Lam, Tấn Thưởng, Minh Đức, Quang Kính (nam)… ở các huyện phía Bắc tỉnh. Bước vào những năm 80, các đội văn nghệ các cơ quan, trường học phát triển mạnh mẽ như: Điện lực Nghĩa Bình, Xăng dầu Nghĩa Bình, Công an tỉnh, trường Cao đẳng Nghĩa Bình, Đại học Sư phạm Quy Nhơn… hầu hết đều tuyển chọn các diễn viên nổi bật vào các cơ quan để tiếp tục cống hiến cho phong trào.

Tại Liên hoan “Hát về biển” toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ở Vũng Tàu năm 1982, đoàn Nghĩa Bình giành được 03 huy chương vàng với các giọng ca Kim Cúc, Lan Phương và tốp ca nam. Lúc này, một số nhạc sĩ đã sáng tác bài hát mới như: Hát về biển Quy Nhơn (Vũ Trung); Đất biển Sa Huỳnh (Thế Tuyên); Biển xanh và tiếng hát (Châu Đức Khánh); Biển quê ta (Hoàng Lê). Năm 1983, tại Liên hoan “Hát về rừng” toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt, đoàn Nghĩa Bình tiếp tục giành thắng lợi với 02 huy chương vàng, một của Minh Chính (bài Rừng chiều xôn xao của Châu Đức Khánh) và một của tốp ca nữ. Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, Liên hoan “Hát về Hà Nội” được tổ chức tại Hà Nội, ca sĩ Kim Hiếu giành giải đặc biệt về người hát bài hát mới về Hà Nội hay nhất (bài hát Tạm biệt Hà Nội của Châu Đức Khánh). Trong Liên hoan lần này, bài hát Dưới tượng đài Quang Trung tôi hát (của Phan Quý) giành huy chương Vàng qua tiếng hát Võ Thanh Sương.

Trong năm 1985, Liên hoan ca khúc chính trị toàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường Quang Trung, Quy Nhơn với thắng lợi của nhiều nhóm ca khúc chính trị như: Phước Lộc (Tuy Phước) với những giọng hát và nhạc công như: Quốc Dũng, Minh Đạt, Vĩnh Lục, Như Loan, Công Thành hay nhóm Đập Đá (An Nhơn) có Ngọc Đức, Nguyễn Nga, Công Lý hoặc nhóm Thủy Lợi với Minh Phúc, Sỹ Dũng, Thanh Mỹ…

Vào năm 1987, để thiết thực chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917 – 1987), Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình quyết định tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. Với chủ trương “cử cán bộ của ngành bám phong trào”, khắp cả 22 huyện, thị, thành phố đến các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện đều được các “đạo diễn” từ phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa và Thông tin cử về giúp đỡ dàn dựng. Suốt trong 4 ngày trình diễn (đêm các đoàn đi công diễn), những chương trình dàn dựng công phu đều giành kết quả tốt như đoàn Quảng Ngãi, đoàn Công an tỉnh, đoàn Đại học Quy Nhơn, đoàn Tư Nghĩa…

Một năm sau (1988), Liên hoan ca khúc chính trị toàn tỉnh lần thứ II được tổ chức tại nhà Văn hóa huyện Đức Phổ với sự tham gia của hơn 20 nhóm ca khúc chính trị của các địa phương và các cơ quan, trường học. Tại Liên hoan một loạt giọng hát đã ghi dấu ấn vào lòng khán giả như: Mai Hoa (trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn) Lê Thu, Quang Định, Diễm Trang, Bửu Liêm… (Quy Nhơn) hay các giọng hát Bích Phương, Tấn Thành… (Công an tỉnh) và những giọng hát Thạch Lam, Hoàng Dũng, Lưu Phương… (Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình).

Lớn mạnh một đội ngũ sáng tác
Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Phía Bình Định nhận 2 đoàn Dân ca kịch Bài chòi và Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Phía Quảng Ngãi nhận Đoàn ca múa nhạc Chim Yến. Đội ngũ diễn viên và nhạc công có nhiều xáo trộn, song phong trào ca hát thì cứ theo quy luật tre già, măng mọc, những giọng ca mới lại nổi lên. Có người phải đi xa mới thành công như trường hợp Thái Dũng bây giờ là ca sĩ Quang Dũng rất nổi tiếng. Một số ca sĩ tỏa sáng ngay trên quê hương như Châu Quốc Cường, giải Ba “Sao Mai điểm hẹn” năm 2000 nhưng không tồn tại được lâu. Khoảng mười năm gần đây, số ca sĩ mới nổi lên như Kiều Lệ, Mỹ Phụng, Lê Tuyền, Tương Phùng, Khánh Dũng, Nguyên Trường, Thái Hiếu… đang “làm mới” cho phong trào ca hát tỉnh nhà.

Chương trình Khúc tự tình quê hương năm 2017. Ảnh: H.N

Với đội ngũ sáng tác Bình Định, ngoài các nhạc sĩ nổi tiếng trong nước đã mất như: nhạc sĩ Vĩnh An (Tây Sơn), nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (Hoài Ân), nhạc sĩ Minh Phương (Phù Mỹ), nhạc sĩ Phan Thành Nam (Phù Cát); nhạc sĩ Văn Chừng (Hoài Nhơn), nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (An Nhơn). Các nhạc sĩ thuộc thế hệ đàn anh có nhiều đóng góp từ trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe ở miền Nam trước năm 1975 như: nhạc sĩ La Hữu Vang, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cùng quê An Nhơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh (Tây Sơn). Nhạc sĩ La Hữu Vang đã mất, các nhạc sĩ Trần Long Ẩn và Nguyễn Văn Sanh hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Một nhạc sĩ quê Hoài Nhơn, nhưng sáng tác và thành danh với dòng nhạc trẻ sau năm 1975 ở TP. Hồ Chí Minh là Nguyễn Văn Hiên. Miệt mài sáng tác và thành danh trên mảnh đất quê hương có nhạc sĩ Châu Đức Khánh. Anh sinh năm 1945 và mất năm 2012.

50 năm qua, các nhạc sĩ Bình Định đã tiếp nối nhau làm nên vẻ đẹp âm nhạc của Bình Định, nhất là những sáng tác viết về quê hương. Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, Chi hội Âm nhạc Bình Định cùng với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tập hợp các nhạc sĩ, ca sĩ gạo cội giữ vai trò nòng cốt trong sáng tác và biểu diễn ở tỉnh nhà. Chi hội Âm nhạc đã tích cực vận động các nhạc sĩ Bình Định tham gia trại sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, ở một số đơn vị quân đội sáng tác nhiều bài hát thiết thực phục vụ công chúng. Các hội viên của chi hội cũng rất tích cực tham gia các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác ca khúc do các ngành trung ương, các tỉnh thành trong nước tổ chức; hoặc sáng tác theo các các chủ đề về Chủ quyền biển đảo Việt Nam; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng đã tích cực đóng góp cho Tạp chí Văn nghệ Bình Định đăng tải mỗi năm hơn 20 ca khúc và nhiều bài viết về lý luận phê bình âm nhạc; phối hợp cùng Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định thực hiện chuyên mục “Giới thiệu tác giả, tác phẩm” trên sóng truyền hình; giúp Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định cho ra đời Tuyển tập Âm nhạc Bình Định (giai đoạn 2012 – 2017).

Chương trình An Nhơn – Đất thắm tình người 2024. Ảnh: H.N

Chính nhờ sự nỗ lực cá nhân cùng các hoạt động hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định mà trong 50 năm qua, các nhạc sĩ ở Bình Định đã sáng tác rất nhiều bài hát, đạt hàng trăm giải thưởng giá trị ở các cấp Trung ương và địa phương; tham gia hàng trăm sự kiện âm nhạc lớn do tỉnh tổ chức. Trong nửa thế kỷ qua, nhất là hơn 20 năm trở lại đây, nhờ sự nổ lục của bản thân, một số nhạc sĩ lớn tuổi đã ấn hành các tuyển tập riêng của mình như: Châu Đức Khánh, Thế Tuyên, Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Bạch Mai, Nguyễn Gia Thiện, Đào Minh Tâm… và gần đây là các nhạc sĩ: Huỳnh Hiệp An, Trần Ngọc Sơn, Hoàng Dũng, họa sĩ nhạc sĩ Lê Trọng Nghĩa đã ấn hành tuyển tập các tác phẩm riêng đạt chất lượng về hình thức lẫn nội dung.

Trong những năm qua, các nhạc sĩ của Bình Định cũng được trao tặng giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu của tỉnh Bình Định; giai đoạn nào cũng có nhạc sĩ đạt giải A, giải B và giải Khuyến khích. Nhiều hội viên đạt giải thưởng của Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, Chi hội Âm nhạc tỉnh Bình Định có số lượng hội viên gần 60 người, trong đó có 16 người sinh hoạt ở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc sĩ trẻ hôm nay như: Huỳnh Hiệp An, Đình Đạm, Phan Thanh Hùng, Lê Khắc Hùng, Trần Ngọc Sơn, Hoàng Dũng, Gia Quyến, Trọng Mật, Đinh Văn Nhân, Cao Kỳ Nam, Hoàng Thông, Trần Kim Vân… và các ca sĩ như: Nguyên Trường, Bạch Lan, Mỹ Phụng, Quý Hòa… đang tiếp tục sự nghiệp âm nhạc một cách xứng đáng.

THẾ TUYÊN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nước mắt thời hậu chiến

Đọc tập thơ Tạ lỗi với mây xanh (NXB HNV, 2024) của Mai Thìn, có thể thấy, những bài thơ hay nhất đều nói về chiến tranh, đọng lại nỗi buồn, thành dòng nước mắt người ở lại thời hậu chiến…

Thắp câu thơ từ nỗi âm thầm

“Cháy một mùa lặng lẽ” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Ngô Văn Cư với 99 bài thơ được viết theo thể nghiệm mới với thể thơ 1-2-3, tập thơ là một hành trình giàu cảm xúc…