Ai là người nước mắt đã vơi hơn

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Nhà thơ Hải Thanh sinh năm 1970, hiện đang là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Bài thơ Hai người đàn bà của anh đã được tạp chí Văn nghệ quân đội bình chọn là một trong những bài thơ hay viết sau năm 1975.

Nói là hai người đàn bà nhưng thực sự chỉ một người có thật. Hình ảnh “người đàn bà bằng xương thịt” đang “quỳ dưới bức tượng tạc chân dung một người đàn bà khác” đã gây được sự chú ý với người đọc. Thường, người được tạc tượng, nếu không phải những nhân vật lịch sử, những vị lãnh tụ, thì cũng là những anh hùng, người có công lao to lớn nào đó với nhân dân, đất nước. Và người đọc đang chờ nhà thơ giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của người đàn bà được tạc tượng đó.

Nhưng tác giả đã không giải thích để thỏa mãn trí tò mò của độc giả mà lại cố ý hướng sự quan tâm của người đọc về cái “đỉnh hương” thì phải? Bởi, cái đỉnh hương ấy, không phải vô cớ mà được nhắc đi nhắc lại tới ba lần trong toàn bộ khổ thơ thứ hai. Rồi một loạt động từ “kéo, gieo, thức dậy” vừa gần gũi, vừa tự nhiên được tác giả dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa gắn cho nó, đã khiến cái đỉnh hương vô tri vô giác như mang tính cách của một con người với đầy đủ những hành động, sự sẻ chia, cùng bao nỗi niềm vui buồn của cuộc sống.

Hai câu thơ gợi sự so sánh, liên tưởng và gần như là đối lập “Một người cầu xin, một người cứu rỗi / Một đấng tối cao, một kẻ thấp hèn” có vẻ rất rõ ràng, rạch ròi, một lần nữa đưa người đọc quay trở lại thực tại sau những giây phút ngỡ ngàng. Người đàn bà bằng xương thịt “đã nói những gì”, đã cầu xin những gì chỉ chiếc đỉnh hương là “người” duy nhất biết được và nó đang “mơ màng tỏa khói”. Vẫn là thủ pháp nhân hóa. Hình ảnh chiếc đỉnh hương bình thản, tỏa những làn khói một cách nhẹ nhõm, chứng tỏ nó đã hiểu ra cái điều mà trước nay vẫn còn đang mơ hồ, ngộ nhận. Có thể người đàn bà được tạc tượng cũng đầy nước mắt, cũng đầy khổ đau giống như người đàn bà đang quỳ xin kia. Chính điểm tương đồng đó đã xóa nhòa khoảng cách, đã kéo họ lại gần nhau. Và như vậy “ai là người nước mắt đã vơi hơn” cũng không còn quan trọng nữa. Khi đã thấu tỏ và nhận ra lẽ tự nhiên cũng như quy luật bù trừ của cuộc sống thì lòng người sẽ thanh thản, bao dung biết nhường nào. Trong “dòng đời dâu bể” này có ai biết trước được điều gì. Ai sướng ai khổ, ai hạnh phúc ai bất hạnh, làm sao chúng ta có thể so sánh hay khẳng định được.

Bài thơ của Hải Thanh thể hiện một thái độ điềm tĩnh trước những hiện tượng, sự việc ở hai thái cực đối lập bằng óc quan sát tinh tế, ít triết lý mà vẫn tạo được khoảng trống để người đọc có thời gian chiêm nghiệm những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Và đó cũng chính là thành công của tác giả.

Hai người đàn bà

HẢI THANH

Một người đàn bà bằng xương thịt
Quỳ dưới bức tượng tạc chân dung một người đàn bà khác
Giữa hai người đàn bà là một đỉnh hương

Đỉnh hương ấy đã kéo hai người đàn bà lại gần nhau
Đỉnh hương ấy đã gieo bao niềm tin, vùi chôn
bao thất vọng
Đỉnh hương ấy đã thức dậy bao nhiêu số phận u hoài…

Tất cả sống bởi vì không thể chết
Giữa dòng đời dâu bể chẳng trôi đi
Không ai biết bởi vì không thể biết
Hai người đàn bà kia đã nói những gì…

Một người cầu xin, một người cứu rỗi
Một đấng tối cao, một kẻ thấp hèn
Đỉnh hương mơ màng tỏa khói
Ai là người nước mắt đã vơi hơn.

ĐẶNG TOÁN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…