(VNBĐ – Đọc sách). LTS: Ngày 15.02.2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học và Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc. Năm 2022 có 161 tác phẩm được đề cử cho Giải, trong đó có 30 tác phẩm văn xuôi, 61 tác phẩm thơ, 14 tác phẩm lý luận phê bình, 19 tác phẩm dịch, 17 tác phẩm thiếu nhi. Cuối cùng, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 được trao cho 5 tác giả, tác phẩm xuất sắc gồm:
1- Giải thưởng văn xuôi: Tác giả Lý Lan (TP.HCM) với tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương (NXB Tổng hợp TPHCM).
2- Giải thưởng thơ: Tác giả Trần Lê Khánh (TP.HCM) với tập thơ Ngàn bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn).
3- Giải thưởng thơ: Tác giả Nguyễn Bảo Chân (Hà Nội) với tập thơ Bóng của ý nghĩ (NXB Thế Giới).
4- Giải thưởng văn học dịch: Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng (Hà Nội) với tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz (NXB Văn Học).
5- Giải thưởng văn học thiếu nhi: Tác giả Trung Sỹ (Hà Nội) với tập truyện dài Thung lũng đồng vang (NXB Trẻ).
VNBĐ số này giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn về tập thơ Ngàn bài thơ khác.
Thơ ngắn vốn không dành cho những ai ưa chuộng vần điệu đong đưa hoặc ngâm vịnh trầm bổng. Thơ ngắn cũng khước từ sự kể lể dông dài lẫn sự nỉ non than khóc. Vì vậy, muốn viết thơ ngắn phải chuẩn bị nội lực để vượt lên những từ ngữ mủi lòng và những câu chữ triết luận. Nhà thơ Trần Lê Khánh đã chứng minh bản lĩnh sáng tạo của mình bằng tập Ngàn bài thơ khác do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, với đúng 1.000 bài thơ ngắn.
Nhà thơ Trần Lê Khánh là gương mặt thi ca đáng chú ý nhất trong những năm gần đây ở các tỉnh phía Nam. Từ năm 2016 đến nay, ông liên tục xuất bản các tập thơ Lục bát múa, Dòng sông không vội, Ngày như chiếc lá, Giọt nắng tràn ly, Sự bắt đầu của nước, Xứ – Rung một ngọn mây… Năm 2021, nhà thơ Trần Lê Khánh được giải thưởng dành cho tác giả xuất sắc của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Dù biết ông có sở trường thơ lục bát và thơ ngắn, nhưng cầm tập Ngàn bài thơ khác dày 1.000 trang thì nhiều người không khỏi giật mình. Bút lực và đam mê tích tụ trong “Ngàn bài thơ khác” được ông ký thác vào lời đề từ khiêm nhường “chiếc cúc áo xanh/ mở một tâm hồn”.
Ngàn bài thơ khác chia làm ba phần, phần một “Con đường nhân loại”, phần hai “Cánh én bay chậm hơn mùa xuân” và phần ba “Sự gọn gàng của tỉnh thức”. Nhà thơ Trần Lê Khánh đinh ninh “Chúa đẹp vì Ngài giữ mọi điều bí mật của ta không bị lộ/ Phật đẹp vì Ngài biến mọi điều bí mật của ta thành hư vô”, nhưng ông lại gửi bí mật của mình vào thơ, vì hiểu rằng “những ngọn đồi/ mọc ra vừa đủ/ cho loài người/ đổ bóng qua tôi”. Xuất phát từ thế giới nội tâm “con đường thi ca/ không có lấy một cái cây/ nhưng đầy bóng râm của chúng”, ông viết để nhận diện lại những sự vật xung quanh, như một trò chơi số phận “đứa bé/ vẽ linh hồn/ của bà phù thủy/ bằng mười ngón tay thiên thần” và cũng như một lời nhắc ân cần “này em/ nếu không vì kiêu hãnh/ những đóa hoa/ đã không tàn úa”.
Làm thơ ngắn có dễ không? Chắc chắn rất khó. Đừng ngộ nhận thơ ngắn chỉ vỏn vẹn một nhúm chữ, trình bày điều đơn giản. Thơ ngắn không cho phép phóng túng cảm xúc và cũng không cho phép diễn giải ý tưởng. Thơ ngắn phải chộp được khoảnh khắc gặp nhau giữa cảm xúc và ý tưởng, để sau mấy câu gói ghém của tác giả thì độc giả vẫn còn không gian mênh mông để ngẫm ngợi tiếp, để bay bổng tiếp. Nhà thơ Trần Lê Khánh biết cách dùng thơ ngắn để dắt người đọc bước qua sự lắt léo “đóa hoa/ phù phiếm một liều khói sương/ còn hình bóng em/ tan như một liều sương khói”, trải nghiệm sự trầm tư “những chiếc lá vàng/ thức dậy sớm/ pha bình minh/ cho một ông lão” và lắng đọng sự trống vắng “con sông nằm xuống/ để cơn mưa dài/ tắm cho sạch/ những ngọn sóng tha hương”.
Người Việt Nam không còn xa lạ với thể loại haiku của Nhật Bản. Thơ ngắn từng được nhiều tác giả thử bút. Thơ ngắn được xem như một xu hướng phù hợp với lối sống hiện đại, mà Chế Lan Viên gọi là “thơ cầm tay” theo tiêu chí “chỉ còn cái lõi, cho nhân loại mang cùng”. Nhà thơ Trần Lê Khánh không chấp nhận mỗi bài thơ ngắn chỉ giống như một câu thơ được ngắt chữ, ngắt dòng. Ông đầu tư kỹ lưỡng cho cái tên bài thơ, để tăng cường hàm lượng thông tin và hàm lượng thẩm mỹ mỗi bài thơ ngắn. Nói cách khác, tên bài thơ có giá trị như từ khóa. Nếu bỏ qua cái tên bài thơ Sự thoáng đãng của tâm hồn thì không thể giải mã “em đi ngang đời tôi/ lũ gió rủ nhau/ đem buổi chiều ra thổi”, hoặc nếu bỏ qua cái tên bài thơ Tánh của hiện thực thì chẳng thể hình dung đầy đủ “em cẩn thận/ đừng dẫm lên chiếc bóng/ của miếng mảnh chai”. Tương tự, khi Chờ đợi thì hoang lạnh “mưa tạnh/ trên ghế đá công viên/ đọng lại một người/ như giọt nước không rơi” và khi Chờ chồng thì xao xác “mắt người giờ đã lên đèn/ phố xua cả đám/ ngựa quen đường về”.
Tập thơ Ngàn bài thơ khác thách thức khả năng thám hiểm của người yêu thơ. Ngẫu hứng đọc vài trang cho vui thì thấy nhẹ nhàng, nhưng ngụp lặn giữa nghìn trang thì chới với trong miền suy tư của tác giả. Chỉ những bài mang ý niệm Phật giáo cũng kéo độc giả vào nỗi bần thần miên man, từ bảng lảng trên cao “trăm năm rồi/ tiếng chuông chiều/ rót không đầy/ ngọn gió phiêu phiêu” đến gần gũi dưới thấp “người tu sĩ khổ hạnh/ đi trên con đường/ ngọn gió lạnh/ nép qua bên” rồi bỗng xao xác hư thực “nhà sư/ bước lên chánh điện/ chiếc bóng của mình/ dạt sang bên”.
Thơ ngắn chỉ đạt được tình dài, khi tác giả có được những liên kết rộng. Nhà thơ Trần Lê Khánh khéo léo đẩy sự quan sát của mình đi rất xa, để vẽ một hình ảnh “con sông xuống nước/ cứu một con thuyền giấy/ khỏi bàn tay em” hoặc để khơi một tiềm thức “bất cứ nơi nào/ gã ăn mày đi qua/ đều thành cố hương của gã”.
Bối cảnh đô thị hóa ngày càng ngột ngạt “mảnh trăng/ bị kẹt trong ngõ hẹp/ oan gia là thi sĩ” nhưng nhà thơ Trần Lê Khánh vẫn thi vị hóa được nhiều sinh hoạt đời thường. Ví dụ, câu chuyện một người phụ nữ được thơ ngắn của ông biểu đạt bằng nhiều góc độ khác nhau, từ tĩnh “em/ giữ buổi chiều/ bằng đôi mắt” sang động “gió/ buông lỏng áo nàng/ ta biết mùa thu sang”, từ mơ hồ “em lùa mái tóc/ gió ở lại/ mà hương vẫn bay” sang cụ thể “người đàn bà gánh nước/ đổ xuống giếng/ cho trăng nổi lên”.
Ví dụ khác, câu chuyện của sóng biển nước sông cũng được nhà thơ Trần Lê Khánh hấp thụ ở nhiều cung bậc đắm đuối. Khi thì xao xuyến “những con sóng/ nhớ mặt nhau/ biển xanh ngắt”, khi thì cắc cớ “dòng sông/ không nhớ những điều đã qua/ quá khứ của nó/ là những nếp nhăn trên mặt nước”, khi thì dằn vặt “chiều đông/ thuyền đưa vào bờ/ những con sóng chết”, khi thì bâng khuâng “em vớt lên/ con sóng còn sống/ đường chỉ tay của em/ là những con sông xưa đã chết”.
Phát huy quan niệm “có đám mây/ đang tự soi lại mình/ trên vũng nước mưa đọng”, nhà thơ Trần Lê Khánh ráo riết truy vấn mỗi hiện tượng theo chiều kích mới. Ông cầm một chiếc lá cũng có thể kể nhiều câu chuyện ly kỳ và mộng mị. Ông tự đánh đố mình “câu hỏi/ có bao nhiêu chiếc lá trong mùa thu/ câu trả lời/ có bao nhiêu mùa thu trong chiếc lá” để chia sẻ “chiếc lá bay lơ lửng/ vệt nắng vàng/ kéo con đường ra xa”. Ông thông cảm “những chiếc lá vàng/ mua thêm thời gian/ cho mùa thu chết” để nâng niu “giống như người lữ khách/ tuổi của chiếc lá/ được tính bằng/ số lần bóng râm” và trân trọng “những chiếc lá vàng/ tạm ứng cái chết của mình cho mùa thu/ mai sau/ mùa thu sẽ trở lại”.
Ngàn bài thơ khác gây kích thích cho người đọc bởi những cảm giác vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Những thứ thường gặp, những việc thường thấy, nhưng qua thơ ngắn của nhà thơ Trần Lê Khánh thì bất chợt run rẩy hơn, bồi hồi hơn, thảng thốt hơn. “Tuổi thơ” được mường tượng “ngọn khói/ trèo lên tường/ nhìn trộm mây”. “Mùa dịch” được chụp ảnh “mấy ngày rồi/ con hẻm vắng/ tuyệt thực người”. Và ngay cả công nghệ cơ sở dữ liệu sáng tạo “Blockchain” cũng được định nghĩa “những nếp nhăn trên khuôn mặt/ là con đường/ của tấm bản đồ bí mật/ người cất giữ kho báu thời gian”.
Nhà thơ Trần Lê Khánh không chịu để đối tượng trữ tình trong thơ ngắn của mình được tồn tại kiểu bất di bất dịch. Ông sốt ruột để ngắm nghía ngọn lửa ở trạng thái khởi đầu “ngọn lửa/ men theo que diêm/ tìm bóng mình/ trên ngọn nến lung linh” và ở trạng thái kết thúc “ngọn lửa/ đã thấy mỏi lưng/ nó không muốn/ ngồi lâu trên cây nến”. Ông sốt ruột chiêm bái ở phía ung dung “đứng đỡ ngôi chùa/ ngọn núi/ giấu tướng từ bi” và ở phía thành kính “chiều chiều/ ngôi chùa đổ bóng mình/ ra ngoài đường/ cho nhẹ chánh điện”.
Với những ai chịu đọc thơ thì Ngàn bài thơ khác giống như một cuộc khám phá cực nhọc mà sảng khoái. Để lý giải “Tại sao trái đất hơi nghiêng”, nhà thơ Trần Lê Khánh viết “khi Thượng đế đi qua/ Ngài để lại dấu chân/ trên mặt nước”. Thế nhưng, cuộc sống thì lại “hơi nghiêng” vì nhiều lẽ khác, như ông thắc mắc “trái đất/ có nặng thêm không/ người gánh nước/ đổ xuống sông chờ người”. Vì vậy, ông xác tín “với niềm vui/ chúng ta là những vị khách/ không mời mà đến” mà râm ran mong ngóng “trong ngôi đền của loài người/ em cầm bó đuốc/ lau sạch đêm”.
Thơ ngắn của Trần Lê Khánh nén chặt cảm xúc để bung phá ý tưởng. Ông phập phồng “Dự báo kinh tế” nhiều âu lo “một ngày nào đó/ thế giới sẽ dùng oxy làm phương tiện thanh toán/ khi ấy sẽ đúng nghĩa/ có những giao dịch nghẹt thở” và quyết định chọn thi ca thổ lộ niềm tin “những con chữ/ là sinh vật duy nhất trên quả đất/ ngay từ lúc sinh ra/ đã tự đứng trên đôi chân của mình”.
LÊ THIẾU NHƠN