Bạn văn đất Thang Mộc

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Tôi và Lê Hoài Lương là hai người viết ở miền Trung lúc ấy cùng bị “neo” hồ sơ khá lâu trước khi được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Từ cái “cơ duyên” buồn cười đó mà quen, rồi thân nhau hơn khi biết cả hai cùng có thời “lên bờ xuống ruộng” bầm dập với đời sống. Sau, gặp nhau nhiều lần dịp các trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, tôi thường tâm đắc với những nhận xét sắc bén của ông trong những cuộc trà sáng rượu chiều. Mỗi khi gặp lại, chúng tôi cứ nhìn nhau rồi bung cười, cười sướng khoái như chưa bao giờ được cười. Gần đây, tôi ra Quy Nhơn cùng ông rong ruổi khắp các ngóc ngách của thành phố, ngoại ô. Phải công nhận Lê Hoài Lương không chỉ là nhà văn, ông còn là “nhà Bình Định học” đích thực. Đến danh tích nào ông cũng nói say sưa từ lịch sử, văn hóa đến con người ở đó, từ chiều sâu thẳm đến những tiếp biến mới nhất, không chỉ kiến thức uyên bác mà trí nhớ của ông cũng thuộc loại “siêu hạng”. Tôi thích nghe ông nói về Tổ tuồng Đào Duy Từ, danh nhân Đào Tấn, về nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu” Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên. Tôi nhiều lần mê nghe ông nói về đất Bình Định xưa, không chỉ thời kinh đô của triều đại Tây Sơn mà cả khi còn là kinh đô của Lâm Ấp, Chiêm Thành.

Tác giả Nguyễn Hiệp (bên phải) và nhà văn Lê Hoài Lương. Ảnh: N.H

Nhà văn Lê Hoài Lương sinh năm 1961, quê Phú Hòa, Nhơn Phú, Quy Nhơn. Các bút danh khác của ông là Lê Hoài, Tuyết Nhung, Lê Hoàng Miên. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tuy suốt thời gian dài bươn chải mỏi mệt với kế sinh nhai nhưng tính khí ông rất ngang tàng, trong hoàn cảnh nào cũng ngẩng cao đầu mà sống. Chị Nhung vợ ông từng kể: Ông làm giả sơn trang trí sân vườn cho một tay nhà giàu. Công trình chiếm hơn cả tháng lao động cực nhọc của ông, gần xong, chỉ vì một lời nói xúc phạm mà ông bỏ ngang. Dù gia đình lúc ấy thiếu thốn trăm bề ông vẫn “một hai cự tuyệt, không làm cho thằng nhà giàu khốn nạn” ấy nữa. Rồi ông về đầm mình cả ngày trong ao vớt bèo cho vợ nuôi heo…

Ông đến với văn chương như một định mệnh không thể khác. Nhớ hồi ông cùng vợ bán quán cà phê ở Suối Trầu, tôi có đến thăm. Nhà không rộng gì lắm nhưng chỗ nào cũng sách, cả mấy kệ sách lớn ngang dọc cứ như một thư viện. Tôi nhìn qua thấy đa phần là sách văn chương, nghệ thuật, là những tác phẩm kinh điển, lừng danh. Quan sát không gian sống của một người ta cũng có thể đoán được tâm hồn của họ. Và lúc ấy, tôi thầm nghĩ: “Lão này không trở thành nhà văn mới lạ!”. Quả như thế thật, ông cho biết mình đã viết, đã đến với văn chương cứ như đến lúc phải viết, là một phần không thể khác trong đời sống của mình. Ông không nhớ rõ lắm cái mốc thời gian bị hút vào con đường sáng tác văn chương là khi nào, chỉ nhớ trong cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 1996 – 1997, ông đã được trao giải ba với truyện “Mỗi tháng có một rằm”, khi ấy ông 36 tuổi.

Sự nghiệp văn chương của ông đến nay khá dày dặn, đã xuất bản bốn tập truyện ngắn, ba tập chân dung – phê bình – tiểu luận và một tập tản văn. In quyển nào ông cũng gửi tặng nên tôi có toàn bộ sách của ông trong tủ: Mỗi tháng có một rằm, Những thời gian hoang phế, Tiếng chuông chiều, Sự đô như hý, đó là những tập truyện ngắn được dư luận đánh giá cao. Tôi nhiều lần bình truyện ngắn của ông trên Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định nhưng ấn tượng khó phai với tôi là khi bình truyện Nghề vớt xác: “…Những khả năng dị biệt của con người tuy chưa giải thích rõ ràng nhưng cũng đã được xác nhận là có thật, chẳng hạn ngoại cảm, tiên tri, trí nhớ siêu phàm… Biệt tài ngửi được mùi tử khí từ người sắp chết hoặc từ những “xác sống” không biết thật đến đâu hay chỉ là huyễn hoặc nhưng nó đã trở thành một tứ truyện gây chấn động tâm can dưới ngòi bút sắc sảo, đầy ưu tư của nhà văn Lê Hoài Lương”.

Chuyện kể về sự kết hợp hi hữu giữa hai số phận cùng khổ. Gã trai làm nghề vớt xác trên sông, một kẻ nghèo khổ, không có gì nhiều ngoài ngôi nhà nhỏ, chiếc thuyền và lòng nhân. Người đàn bà là người rơi vào bước đường cùng, đành chọn sự giải thoát bằng cách nhảy xuống sông kết thúc cuộc sống của mình. Nhưng tất cả những chuyện về đời sống duyên phận cùng kiệt với những hoan lạc hoang dã, tự vong thân tự diệt xác đó của họ chỉ làm nền cho cái kết truyện bất ngờ và mê đau. Mức mê đau của dân Việt được nâng lên thành cao trào của truyện khi nhân vật chính, gã vớt xác, phát hiện ra khả năng ngửi được mùi người chết từ những nhân vật danh tiếng đang ở tầng lớp trên, những “xác sống” đang nắm nhiều quyền lực và của cải trong tay. Cái sự kiện lễ liếc gì đó, cũng là biểu hiện sự trơ tráo của những kẻ cướp đất, nó đang là thực trạng nhức nhối của xã hội đương thời, nhưng quan trọng hơn nó là cái nền hiện thực hẹp để đẩy cái ý chính của tứ truyện đến cùng.

Vẫn còn một khoảng “lách” rất giỏi của tác giả khi ông cho nhân vật của mình thấy được cả cảnh những kẻ cướp kia sống phần đời còn lại trong tù. Tức là vẫn còn có công lý. Dù muộn vẫn còn công lý! Sau khi những xác sống ấy chết thực sự thì khả năng của người vớt xác cũng không còn nữa. Tức là vẫn còn niềm tin vào một xã hội tốt đẹp hơn, không còn nạn cướp đất, hút máu dân, khi ấy biệt tài kia cũng chẳng để làm gì…

Tháng 9 năm 2006, chúng tôi cùng dự trại sáng tác ở Mỹ Khê, Đà Nẵng. Trong trại đó, nhà văn Lê Hoài Lương đã kịp hoàn thành một truyện ngắn mang đậm tính nhân văn: Tiếng chuông chiều. Sau truyện ngắn này, nhiều bài báo nhận xét Lê Hoài Lương là cây bút có tư duy văn chương mới. Có nhiều chi tiết truyện ngắn của Lê Hoài Lương cứ ám vào tôi nhưng ám dai dẳng nhất là hình ảnh chú chó tha về khúc xương ống chân người “ngồi gặm lộc cộc cho đỡ buồn”.

Chuyện kể về người lính Biệt động quân nhờ chú chó ấy mà tìm ra được bộ xương chết ngồi của một Việt cộng trong hục cát. Ông đào nhặt hết xương xếp cẩn thận vào thùng đạn đem chôn. Sau này, linh hồn của người Việt cộng ấy đã đi theo làm “thần hộ mệnh” cứu ông thoát chết nhiều lần và đã đầu hàng. Sau khi được trao trả tù binh, người lính ấy đi tu, trở thành vị sư trụ trì đạo cao đức trọng… Truyện ngắn Tiếng chuông chiều được trao giải Nhì cuộc thi tạp chí Văn nghệ Quân đội năm đó.

Mãi nhiều năm sau, lại gặp nhau ở trại Đồi Thơm – Phú Yên, Lê Hoài Lương, Nguyễn Trí và tôi uống trà đến khuya. Tôi nhắc lại chuyện khúc xương chân ám ảnh và khen cái kết khéo, nhất là lời vị sư gợi lên nhiều suy ngẫm trái chiều. Sau khi ông im lặng liên tiếp đưa tay vuốt hất mái tóc dài của mình bảy lần, chợt cả hai bung cười từng tràng dài, phá vỡ sự yên tĩnh một góc sân trại viết.
Tôi cũng còn nhớ như in về cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ 2006 – 2007, tôi đọc đi đọc lại truyện Một ngón tay nho nhỏ của Lê Hoài Lương và đoán sẽ có giải. Ngoài giọng điệu bén ngót, lôi cuốn, ông còn “lộn trái” sự đớn hèn của người cầm bút, một vấn đề nóng rẫy gây nhiều bức xúc lúc bấy giờ. Đó là câu chuyện về một nhà văn bị cái dằm đâm vào ngón tay khi về quê sửa máng heo cho vợ. Xui xẻo lại gặp tay bác sĩ ất ơ vô cảm, do chưa lót tay phong bì hay vì một lý do gì đó mà “ngâm bệnh” mãi mặc vết thương nhiễm trùng càng lúc càng tấy lên. Đến khi làm dữ thì mổ nhưng không kịp. Nhà văn mất ngón tay. Nỗi sợ sệt đớn hèn cứ từng ngày từng ngày đè lấp nỗi ấm ức, tức tối, kiện không dám đã đành, đưa vào tác phẩm để lột tả cái ác cũng không dám… Hình ảnh ẩn dụ cái ngón tay bị mất ấy cứ như một thứ gương soi, tôi đã thấy mình trong ấy, đã thấy nhiều lần trong đời mình cũng đớn hèn như gã nhà văn ấy, cũng nhiều lần tự tra vấn, nhiều lần quyết tâm này nọ rồi lại thôi, lại không vượt qua được…

Riêng trong mảng truyện ngắn, hành trình sáng tác của nhà văn Lê Hoài Lương đã tạo được nhiều dấu ấn, người đọc thường nhắc đến ông kèm với những tác phẩm nặng ký. Tôi cũng đồng ý với nhà văn Văn Chinh khi cho rằng: “Lê Hoài Lương đang hướng đến thi pháp siêu thực, cái mà Diêm Liên Khoa gọi là thần thực, cách viết dùng cái dị biệt nói cái phổ biến, lấy cái hư biểu đạt hiện thực sâu”. Ở một góc nhìn khác, các giải thưởng uy tín cũng liên tục trao giải cho ông: Giải ba, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội (1996 – 1997), (2005 – 2006), giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ – Hội Nhà Văn Việt Nam (2006 – 2007), giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (2018 – 2020), Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu lần II, III, IV…

Không chỉ sáng tác, Lê Hoài Lương còn là người có “con mắt xanh” trong văn học. Có lẽ là bởi ông khá “kỹ lưỡng” với văn chương cả ở “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Hai quyển sách phê bình tiểu luận quan trọng chiếm khá nhiều thời gian và công sức của nhà văn Lê Hoài Lương là Văn nhân Bình Định, một góc nhìn, Những mùa xuân hoa cỏ; trong đó Văn nhân Bình Định, một góc nhìn là công trình biên soạn đồ sộ với 1.000 trang in. Sách có ba phần cho mỗi văn nhân: Tiểu sử, lý lịch văn học và bài nhận định của người làm sách. Riêng phần nhận định, mỗi nhân vật đều được viết khác nhau, người thì thiên về tác phẩm và đánh giá, có nhân vật chỉ đề cập thiên về con người và cả trường hợp kết hợp hai điều đó. Còn Những mùa xuân hoa cỏ gồm 27 bài viết tiểu luận phê bình, đa phần đối tượng được chọn là những nhà văn, nhà thơ đã nổi tiếng như Yến Lan, Mai Văn Phấn, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thiều, Lệ Thu, Văn Chinh, Nguyễn Trí…, có thể xem là sự tri kỷ, liên tài, là tâm lực góp phần trên cánh đồng văn chương cả nước của nhà văn Lê Hoài Lương là điều được thừa nhận rộng rãi, có thể nói là khẳng định một tài năng.

Lại nói về câu chuyện tại sao tôi và nhà văn Lê Hoài Lương cứ gặp nhau lại thường bung cười sảng khoái. Cũng có thể do có sự đồng điệu, hiểu cảm lẫn nhau trong cái nghiệp văn chương gian truân, mà cũng có thể chỉ vì nắng gió đất Thang Mộc quê ông khiến người ta chỉ biết cười với nhau thôi cũng đủ, nói gì cũng bằng thừa.

NGUYỄN HIỆP

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.