(VNBĐ – Bút ký). Sau vài lần lỡ hẹn, cuối cùng thì tôi cũng được gặp gỡ và trò chuyện với người chiến sĩ trinh sát năm xưa. Những câu chuyện về một thời binh lửa của ông và đồng đội, những trăn trở, suy tư của người lính khi trở về với cuộc sống đời thường trong một chiều mưa miền Trung đã giúp tôi nhận ra những điều giản dị nhưng vô cùng sâu sắc và cảm động ở người cựu chiến binh này. Ông là Huỳnh Thanh Bình, Chi hội trưởng CCB thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân.
Ký ức thời hoa lửa
Chuyện kể của ông Bình bắt đầu từ một căn hầm bí mật. Ấy là vào thời điểm những năm 1968 – 1969, trong căn nhà ông ở Hoài Nhơn có một căn hầm bí mật mà cha ông đã nuôi giấu nhiều cán bộ của tỉnh như các ông Mai Ái Trực, Trần Công Thức, Nguyễn Duy Quý, Chế Trường, Đoàn Văn Khéo, Lê Đức Nghĩa, Từ Thanh Văn… Mới 17 tuổi, còn đi học nhưng sống trong môi trường cách mạng của gia đình nên cậu thanh niên Bình cũng hăng hái tham gia đưa thư, liên lạc, rải truyền đơn… Đến năm 1972, ông Bình tham gia vào đội du kích xã Bồng Sơn, rồi tham gia thanh niên xung phong của tỉnh và xông xáo đi nhiều chiến trường như Suối Tre, Gò Bồi, Cát Sơn, Cát Tiến… Cuối năm 1973, ông trở về Bồng Sơn làm lính rồi làm Tiểu đội trưởng của Đội trinh sát. Cuối năm 1973 qua năm 1974, chiến trường ở Hoài Nhơn diễn ra vô cùng ác liệt, Trung đội trinh sát của ông Bình được giao nhiệm vụ làm chiến trường, cứ 15 đêm tối trăng trong tháng thì vào sâu các các chốt điểm làm chiến trường sau đó giao lại cho các đại đội chiến đấu, còn 15 đêm sáng trăng thì về nhà tập huấn. Trong đời lính trinh sát, ông Bình đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn – nhỏ. Có nhiều trận đánh quyết liệt mà ông không thể nào quên như trận đánh mở màn ở Gò Mun cả một đại đội bị thương và hy sinh chỉ còn lại mình ông và Trung đội trưởng trinh sát; hay trận đánh ở chốt Cây Lê, trung đội của ông đã diệt gọn một trung đội nghĩa quân; khốc liệt hơn cả là trận chống càn lớn nhất ở Hoài Nhơn trong năm 1973 tại Đồi Nghiêm, ông được Huyện đội trưởng giao nhiệm vụ trực tiếp lấy cho được Đồi Nghiêm. Nhưng thế trận diễn ra cam go và quyết liệt do tên Ấn – Tỉnh đội trưởng lúc bấy giờ sau khi đi học ở Quân khu về đã chiêu hồi nên trùng chiến thuật đánh, khiến ta khó lấy được chốt, cũng trong trận đó ông đã Bình bị thương phải nằm điều trị ở Trạm phẫu Hoài Nhơn ba tháng. Sau khi hồi phục, ông về lại đơn vị sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, đến ngày 28.3.1975 quận lỵ Bồng Sơn được giải phóng, ông Bình cùng Tiểu đội trinh sát của mình là những người có mặt đầu tiên tại Bồng Sơn trong tiếng hò reo chiến thắng.
Những hướng đi táo bạo
Năm 1977, do bị thương, sức khỏe yếu, gia đình lại khó khăn nên ông Bình ra quân, trở về lập gia đình và quyết tâm tìm hướng đi cho bài toán kinh tế. Vạn sự khởi đầu nan nhưng cái ý chí và sự táo bạo của người lính trinh sát đã từng lăn lộn trên nhiều chiến trường thì không có khó khăn nào đánh bật được. Nhận thấy nghề kinh doanh từ chăn nuôi và mua bán heo có tiềm năng, vì đa phần người nông dân có thể chăn nuôi heo được và đa phần người dân cần nhu cầu thực phẩm từ thịt heo nên ông Bình đã dùng số vốn tích góp được của gia đình cùng vốn vay của ngân hàng để đầu tư chăn nuôi heo và mua bán heo thương phẩm. Khởi đầu năm 1986, ông thu mua heo trên địa bàn huyện Hoài Ân rồi đi bán các nơi khác. Đến năm 1990, khi gia đình đã mua được xe tải và có tài xế, ông Bình mở rộng thị trường mua bán heo trên khắp cả nước, cứ nơi nào giá heo thấp thì đến mua, nơi nào giá cao thì đến bán, cứ như thế từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hương Khê, Sài Gòn và cả Campuchia, những chuyến xe heo của gia đình ông cứ đều đặn lăn bánh. Hiện nay, trong hai trại nuôi heo của gia đình ông tại xã Ân Hảo Tây lúc nào cũng có luân phiên trên 200 con, và cứ hai ngày lại có một chuyến xe khoảng từ 70 đến 80 con heo thịt được đưa đi bán tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng.
Nhiều người nói Hoài Ân là một “thủ phủ” heo, là vựa heo lớn nhất miền Trung, bởi vậy kinh doanh heo ở đây sẽ gặp một sự cạnh tranh không hề nhỏ, để có thể tồn tại và đi lên một cách bền vững cần phải có bí quyết riêng. Và bí quyết mà ông Bình chia sẻ đó là “trong kinh doanh phải lấy chữ tín làm đầu, phải thật thà thì giao dịch mới bền lâu và gầy dựng được nhiều bạn hàng mua bán, sẵn sàng sống chết với mình. Thương trường là chiến trường, không ai có thể tồn tại được nếu không coi trọng chữ tín”.
Cùng với kinh doanh chăn nuôi và mua bán heo thương phẩm, khoảng từ năm 1996, nhận thấy phong trào “sinh vật cảnh” phát triển mạnh, ông Bình nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tham gia vào Hội sinh vật cảnh và làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Ân Hảo Đông. Công việc đầu tư mua bán cây cảnh giai đoạn này cũng đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá ổn định. Một thời gian sau, phong trào này lắng xuống nhưng những chuyến đi giao lưu sinh vật cảnh khắp nơi trước đó đã giúp ông Bình được gặp gỡ giao lưu với nhiều người, nhiều chiến hữu đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường xưa, công việc làm ăn của họ lại khơi gợi trong ông những ý tưởng mới và một hướng đi khác trong bài toán phát triển kinh tế. Năm 2014, ông Bình đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng khách sạn Thanh Bình với 08 phòng đơn và 12 phòng đôi. Tất cả đều được bài trí với phong cách hiện đại, sang trọng, trang bị đầy đủ tiện nghi như bàn, ghế, tủ quần áo, tivi lắp đặt truyền hình cáp, có hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, có phòng ăn phòng ngủ theo nhu cầu ăn uống của khách, ngoài ra còn có 02 phòng karaoke chuyên nghiệp, đẳng cấp trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của khách đến đây nghỉ ngơi.
Hiện tại ông Bình là Giám đốc của khách sạn Thanh Bình và giá trị vốn khách sạn đã lên đến 17 tỷ đồng. Phương châm trong kinh doanh khách sạn của ông là cung cấp dịch vụ lưu trú đảm bảo uy tín – chất lượng và bản sắc riêng. Vì vậy từ đội ngũ quản lý, nhân viên, lễ tân đến phục vụ phòng luôn nhiệt tình, chu đáo và trong tâm thế luôn chào đón khách tận tình, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Phần đông khách đến lưu trú tại khách sạn Thanh Bình là cán bộ các cơ quan, công ty, tổ chức đi công tác. Ông Bình còn vui vẻ cho biết vừa rồi khách sạn Thanh Bình hân hạnh được chọn làm nơi đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương về nghỉ khi tham dự Lễ truy điệu và an táng 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn (Hoài Ân) nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Hoài Ân.
Với những nỗ lực cùng tư duy mới trong kinh doanh, hàng năm doanh thu của gia đình ông Bình từ thu nhập khách sạn và mua bán heo thương phẩm đạt trên 1,5 tỷ đồng, nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước trên 80 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho 07 đến 10 người ở địa phương với mức lương ổn định bình quân sáu triệu đồng/ người/ tháng. Nhìn nhà cửa khang trang, cơ ngơi bề thế của gia đình ông Bình và con cái, khó ai đoán được nó đã được gầy dựng bởi người thương binh hạng 4/4 ấy.
Và một vòng tay rộng mở
Hai mươi năm tuổi thơ và thời đi lính của ông Bình gắn liền với mảnh đất Hoài Nhơn. Năm mươi năm sau lập gia đình và xây dựng cuộc sống lại gắn liền với mảnh đất Hoài Ân. Mảnh đất Hoài Nhơn nuôi ông lớn lên và chở che bom đạn. Mảnh đất Hoài Ân giúp ông khởi nghiệp thành công và tình cảm gắn bó lâu dài. Hai quê hương, hai nơi để đi về, tất thảy đều nghĩa tình nặng sâu, vì vậy ông Bình đã sống hết mình và dốc hết lòng cho cả hai nơi. Bất kỳ hoạt động nào của hai quê hương, bất kỳ đồng đội nào gặp khó khăn cần giúp đỡ ông đều sẵn lòng. Thời gian qua, khách sạn Thanh Bình đã trích hơn 30 triệu đồng làm công tác từ thiện cho hội viên cựu chiến binh và nhân dân gặp khó khăn trên địa bàn xã Ân Hảo Đông, hàng năm ủng hộ gần 10 triệu đồng cho Chi hội cựu chiến binh thôn Bình Hòa Bắc và các chi hội, đoàn thể ở địa phương hoạt động. Ủng hộ làm nhà văn hóa thôn, hội làng, ủng hộ 5 triệu đồng in tài liệu về Lịch sử Đảng bộ xã Ân Hảo Đông. Khi các hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn dù ở xa không về được ông vẫn gửi tiền về giúp đỡ như các trường hợp của chị Nguyễn Thị Thủy – CCB ở xã Ân Thạnh bị cháy nhà, Hoàng Sĩ Đạo – CCB Hội thanh niên xung phong Hoài Ân, Nguyễn Trung Thành – CCB thôn Bình Hòa Bắc có vợ mất do bị nhiễm Covid – 19…
Gần một buổi chiều theo chân ông Bình đến thăm các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trong Chi hội CCB thôn Bình Hòa Bắc tôi hiểu thêm tấm lòng tận tụy, chu đáo và gần gũi của người Chi hội trưởng này. Ông Nguyễn Trung Thành, CCB trong chi hội Bình Hòa Bắc cứ nhắc đi nhắc lại với ông Bình mãi câu đùa rằng: “Ông làm Chi hội trưởng thêm nhiều nhiệm kỳ nữa, anh em chúng tui ủng hộ ông hết mình, không ai cho ông về dưới (Hoài Nhơn) đâu. Còn không thì ông mua cho anh em tui lô đất để bọn tui ở bên ông cho gần”. Thế là tất cả lại cười. Những tiếng cười hề hà, những cái nhìn trìu mến của họ hướng về phía ông Bình thấy ấm áp đến lạ. Trong nhiệm kỳ 05 năm làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bình Hòa Bắc, bên cạnh sự tín nhiệm, yêu mến của anh em đồng đội, ông Bình còn nhiều lần nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp về thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, Cựu chiến binh “tấm lòng vàng”.
Cơn mưa chiều đã ngớt. Đường quê lác đác lên đèn. Tiếng cười đùa vui vẻ của những mái đầu bạc cũng đã lắng xuống. Bên tai tôi chỉ còn văng vẳng một giọng nói: “Chiến tranh đã đi qua, đạn bom kẻ thù đã lắng xuống nhưng đồng đội tôi có biết bao người đã chẳng thể trở về, có biết bao người để lại một phần cơ thể của mình nơi chiến trường. Trong máu của người lính trinh sát chúng tôi luôn có tình đồng đội. Được trở về và có được cuộc sống như hôm nay là điều quý giá vô cùng. Chúng tôi trân trọng, nâng niu và sẻ chia với tất cả khi đồng đội cần”. Đó là giọng của ông Bình. Nó trầm ấm và xa xăm…
VÕ HẠNH
(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)