Nhặt những mảnh vụn đời…

(VNBĐ – Đọc sách). Tôi đọc Góc phố ba người của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ trong một buổi sáng mưa hạ, ở một quán cà phê nhỏ nép mình bên góc phố. Mưa đủ làm nhòe đi những xô bồ, như bàn tay làm dịu những lao xao mưu sinh kiếp người, đủ để lắng lòng nghe những âm thanh rất khẽ. Có khi như tiếng thở dài. Lúc như nụ cười hóm hỉnh mà nhân hậu, đang tỏa ra từ cuốn sách nhỏ. Sách dày hơn trăm trang với 15 truyện ngắn, lưu giữ những mảnh đời nhỏ bé. Nhỏ bé như bụi trôi qua phố, hoặc tự mình lạc trôi, hoặc bị đời xô đẩy, nhẹ như bấc mà cũng nặng như chì…

Góc phố ba người là bức tranh không hoàn chỉnh được ghép từ những mảnh vụn của đời, của người. Thường thì, những mảnh vụn đó là những mảnh vỡ. Những mảnh vỡ của số phận trắc trở, tình yêu dở dang, nhân cách tha hóa, trái tim khổ đau… Có sự “vỡ” bị dồn nén đến chực nổ tung như trong truyện ngắn cùng tên: “Để chí ít, mọi ẩn trắc và chua cay dồn tụ bấy lâu phải được bật ra, bung trào. Và vỡ tan tành, nát vụn” (Vỡ). Có sự vỡ ngấm ngầm mòn khuyết đến tan rã như của một cuộc hôn nhân, mặc dù đã có sự báo trước của người mẹ: “Cả hai có mà đổ vỡ sớm thôi con ạ!” (Siêng). Hoặc, một ả “đập cả can rượu” đập nát cả một mối dây dưa, một mẹ “đập nát hũ rượu và mày”, để lại một gã “bầm dập thân hình và nát bấy tâm hồn” dầm mình uống mưa trong cơn khát thèm (Rượu và sương)… Những nỗi vỡ nhìn thấy và cả vô hình, đến tận cùng tựa như hạt bụi bay…

Trong thế giới truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ, không có những bức chân dung hoàn hảo, những số phận đủ đầy, nhà văn lưu tâm nhặt nhạnh những mảnh vỡ của cuộc sống. Gần gụi. Lấm lem. Vì gần nên dễ không để ý, bị bỏ quên, phảng phất bóng hình của ta của người, quen mà lạ, gần mà xa, những mảnh ghép cuộc sống như nó vốn có, như nó vốn là, không cầu kỳ tô vẽ. Bình dị, giản đơn là cách Nguyễn Mỹ Nữ tiếp cận hiện thực đời sống trong truyện ngắn của nhà văn. Nhưng thế giới tưởng chừng giản đơn ấy lại ẩn chứa một chiều sâu khắc khoải.

Thương. Ấy là cảm xúc của người đọc khi đến với những mảnh vỡ phận người trong Góc phố ba người. Dù cho nhân vật làm gì, tha hóa thế nào, lỗi lầm ra sao, điều nhà văn gợi lên trong trái tim người đọc là nỗi thương cảm sâu sắc. Biết gã trượt dài trên con đường tha hóa, vậy mà đọng lại vẫn là nỗi nhoi nhói trong cảnh gã tiều tụy và đói thèm (Rượu và sương). Biết là nó diễn đấy mà nhân vật tôi kể lại câu chuyện về gã thanh niên gây ra tai nạn bằng một giọng trào lộng bi hài nhẹ tênh (Diễn)… Nói về tan vỡ của hôn nhân là một giọng chặc lưỡi như nó phải thế, không hằn học, không quy tội: “Thôi, trả lại anh người lười ngay cả đến nụ cười với vợ. Thôi, thu về chị người phụ nữ lười ngay cả đến việc nấu cơm cho chồng” (Siêng). Nhưng chính cái giọng nhẹ tênh ấy lại khiến người đọc không khỏi giật mình, hình như mình bỏ lỡ điều gì… Như bỏ lỡ tiếng guốc của đứa trẻ có mẹ làm gái đi bên lề cuộc đời thường: “Chưa có một ai rủ Ngân về nhà mình chơi, dắt bé qua hè nhà mình ngồi, cho con nhỏ uống miếng nước… dù, chỉ lấy một lần, mấy lúc nó bị mẹ đẩy ra ngoài đường, để tiếp khách. Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Cả đàn ông lẫn đàn bà. Cả người tốt lẫn kẻ xấu. Chưa một ai và chưa có lần nào” (Thở). Vắng bé, hơi thở nhân vật tôi trở lại bình thường với những nhịp rất đều. Cuộc sống mỗi chúng ta cũng thường trôi đi với những nhịp thở đều vô tâm như thế…

Và, dù những mảnh vỡ đời người có tan nát thế nào, thì trong những nhân vật của Góc phố ba người, vẫn thấy cháy lên một khát vọng sống, khát vọng được hạnh phúc. Họ nâng niu, vun vén hạnh phúc có trong tầm tay, dù có khi chỉ là hạnh phúc cuối đời sau những vuột mất thời trai trẻ. Họ nương tựa nhau để dệt nên một bức tranh cuộc sống giản dị mà nhân hậu, thương đến nhói lòng. Như bức tranh Tết nơi hiên phố: “Cỗ Tết được bày ra trên một tờ báo với ba người và một nhóc con, hãy còn đỏ hỏn. Chúng tôi ăn chả quế, giò thủ, bánh chưng với kiệu mặn rồi nhấm nháp mứt bánh. No kềnh, Hạnh nằm dài đặt con lên ngực. Vy cũng lập tức thả lưng, duỗi cẳng xoải người một bên và tôi một bên” (Góc phố ba người). Những phận người bé nhỏ gặp nhau, vin níu nhau giữa những chông chênh đổ vỡ. Những câu chuyện bình dị rất đời, cứ thế chầm chậm đi vào hồn người đọc, không to tiếng, không giáo điều, như cái cách người ta thủ thỉ cho nhau nghe, vừa đủ cho những đồng điệu san sớt…

Nỗi buồn của biển (In độc bản). Họa sĩ Lê Duy Hồng

Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ cũng có dạng thức của những mảnh ghép, không hoàn chỉnh một số phận, một đoạn kết, mà bỏ dở, lửng lơ, nhiều khoảng trống, bất ngờ ngoài dự đoán như chính bản thân cuộc sống. Có khi nhà văn lựa chọn một lát cắt thoáng qua mà day dứt, ám ảnh. Có những tình huống truyện độc đáo như Góc phố ba người lại được dựng lên một cách chân thực tự nhiên, dụng công mà không lộ, thể hiện bản lĩnh của một cây bút viết truyện giàu kinh nghiệm và nội lực. Tương ứng với giọng kể chuyện nhẹ nhàng, với những câu viết ngắn gọn súc tích, những dấu chấm câu như ngắt quãng, như nhấn nhá khiến truyện của bà có một dấu ấn rất riêng. Có khi, bà ngắt những từ một âm tiết ra khỏi câu văn khiến người đọc phải dừng lại ngẫm ngợi, như cách đặt tên truyện chỉ một âm tiết: Siêng, Ám, Diễn, Vỡ…

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ sinh năm 1955, quê gốc ở Hà Nam, hiện sinh sống tại TP. Quy Nhơn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Bình Định; đã xuất bản 08 tập tản văn, truyện ngắn; từng đoạt Giải thưởng các cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ (1998 – 2000) và Tạp chí Văn nghệ Quân đội các năm (2001 – 2002), (2005 – 2006). Bà cũng được UBND tỉnh Bình Định trao tặng 04 giải thưởng VHNT Đào Tấn Xuân Diệu.

Với Góc phố ba người và những tập truyện ngắn khác, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn xuôi nữ đương đại, bình dị mà sâu sắc, nhẹ tênh mà lắng đọng ân tình, khiến người đọc dường như nhận ra mình còn thiếu điều gì, bỏ quên điều gì từ những gần gụi yêu thương quanh mình…

THẠCH LỰU

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.