(VNBĐ – Tản văn). Chẳng biết câu ca Bài chòi có tự bao giờ nhưng những con người nơi dải đất miền Trung này sinh ra đã được tắm mình trong làn điệu dân ca đặc trưng của quê mình. Những câu hát ngọt ngào, luyến láy đẩy đưa theo phách ba của nhịp gõ song loan hòa cùng tiếng đệm lúc khoan thai lúc réo rắt của cây đàn kìm, đàn nhị… làm mê hoặc lòng người. Bài chòi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi ai đó cất lên điệu Xuân nữ, Xàng xê hay Nam xuân… trên ruộng lúa, nương dâu, người ta dừng tay liềm, tay hái hay chống cuốc đứng lặng mà nghe. Câu Bài chòi, điệu lý cứ văng vẳng vang lên trên những khúc sông hay bến quê lúc chiều gần buông nghe man mác, da diết. Những con người một nắng hai sương thường trải lòng mình qua câu Bài chòi cho vơi đi bao dãi dầu cơ cực của cuộc sống. Họ cũng có thể gởi gắm tình cảm riêng tư của mình bằng câu Bài chòi cho ai kia vì không dám nói ra. Những đêm trà dư tửu hậu bên chiếc chiếu hoa trải nơi thềm nhà, câu Bài chòi trở thành món ăn tinh thần. Nghe ai đó xổ câu Bài chòi, những cái búng tay tanh tách thay nhịp song loan hòa cùng hay ngồi gật gù theo làn điệu du dương lên bổng xuống trầm, thấy cuộc đời vô cùng thi vị. “Có một quê hương bốn mùa dậy sóng… Sóng vỗ về bờ cát trắng sớm hôm. Có một quê hương bốn mùa gió lộng… Gió bay trong bát ngát hương… dừa. Quê tôi Bình Định ngàn xưa, quanh năm hạt nắng… hạt mưa… dãi dầu…”.
Nghệ thuật Bài chòi tồn tại cùng với đời sống người dân Trung bộ từ lâu lắm rồi. Những giọng ca hay, thuộc nhiều tuồng, lớp hình thành những nhóm hát Bài chòi. Họ đi khắp nơi từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thị thành, đem lời ca tiếng hát của mình diễn cho bà con nghe lúc nhàn rỗi. Họ kể những câu chuyện dân gian như “Lâm Sanh – Xuân Nương”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “Tam Hạ Nam Đường” bằng những làn điệu Bài chòi mượt mà làm khán giả ngồi xung quanh nghe đến ngẩn ngơ. Có lúc quần chúng lại được đắm mình vào những nhân vật dân gian khi các anh hiệu, chị hiệu hóa thân song diễn một đoạn ngắn trong một lớp tuồng nào đó. Bài chòi kể, Bài chòi lớp cứ thế lưu truyền khắp nơi qua nhiều thế hệ. Đất diễn chẳng phải sân khấu lung linh ánh đèn mà chỉ là chiếc chiếu cùng với binh khí, trang phục, đạo cụ thô sơ. Thế mà thu hút người nghe đến quên ăn, mất ngủ. Câu ca dao: “Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra” chẳng ai ở vùng đất Bài chòi này mà không biết đến.
Khi những người mộ điệu hình thức văn hóa dân gian này ngày một đông, Bài chòi trải chiếu phát triển thành trò chơi hô Bài chòi. Khắp chợ cùng quê trong những dịp lễ hội hay Tết đến xuân về, ta bắt gặp các anh hiệu, chị hiệu trong trang phục đặc biệt tung tẩy, điệu bộ trong những làn điệu Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng cùng những thẻ bài trên tay. Khi câu khởi xướng của anh hiệu vang lên: “Ai mà đã đến đây rầu (rồi)/ mau mau lãnh thẻ lên chòi phen – một – phen/ vừa có đờn vừa có cốc – cốc – cốc – cốc – cheng/ có hô có hát đờn kèn thẩu (thổi) tò te/ miệng hút thuốc tay gõ mõ tai lắng nghe/ ta vừa nhịp cẳng vừa ngồi nghe Bài chòi…”, người chơi vội mua thẻ leo lên ngồi trên chòi để vừa được thưởng thức những làn điệu dân ca quê mình, vừa hồi hộp theo dõi câu thai hô con gì trong hai mươi bảy thẻ bài. Những Cửu Điều, Nhứt Nọc, Bát Bồng, Tứ Cẳng, Năm Dụm, Bạch Huê, Ông Ầm, Sáu Ghe, Ba Gà… vang lên theo câu thai được anh chị hiệu ngân nga trong tiếng nhạc, tiếng trống rộn ràng. Trình thức hô Bài chòi thêm phần hấp dẫn với những biến tấu, diễn xướng, đối đáp theo từng câu thai ứng với con bài được bốc của người hô đem lại những tràng cười sảng khoái cho những người chơi, người xem.
“Em về thưa với mẹ cha/ Có thương chàng rể qua tra giường – cẳng – giường/ Cẳng giường tra nữa làm chi/ Có tra nó cũng gãy quăng đi giường – cẳng – giường…”. Ba tiếng mõ vang lên trên chòi nào đó trong chín chòi khi anh hiệu hô con “Tứ Cẳng” lúc dứt câu thai. Cứ thế, các con bài được rút ra và các câu thai Bài chòi lại nối tiếp rộn ràng cho đến khi một hồi mõ vang lên trên chòi “tới” báo hiệu đã đủ ba thẻ bài ứng với ba con bài trên thẻ đã mua. Câu hát nam chúc tụng dâng thưởng làm lâng lâng người chơi và có cả những ly rượu quê đầy trọng vọng dành cho người thắng cuộc.
Qua thời gian, hình thức nghệ thuật này này được sân khấu hóa. Những làn điệu dân ca ở khu vực địa lý chắn giữa hai con đèo vùng duyên hải được khai thác, kết hợp với Bài chòi tạo nên “dân ca kịch Bài chòi” hấp dẫn khán thính giả vì sự độc đáo của nó. Những “hò ba lý”, “lý vọng phu”, “lý thương nhau” … hòa quyện cùng với những làn điệu Bài chòi qua giọng ca “ngọt như mía lùi” của các nghệ sĩ chuyên nghiệp làm sân khấu dân ca kịch của những năm thập niên tám mươi sáng đèn đêm đêm. Những vở diễn “để đời” được dàn dựng công phu mà tên tuổi của nó mãi khắc sâu trong lòng người mộ điệu cho đến tận bây giờ.
Cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, có lúc dân ca Bài chòi đã dần bị lãng quên trong thế giới hiện đại. Lớp người đam mê loại hình văn hóa dân gian này cứ ngày một ít đi. Giới trẻ bị cuốn theo những rock, rap của Âu Mỹ hay Kpop, Vpop mà chẳng còn mặn mà gì với những câu ca lên bổng xuống trầm, nhịp nhàng luyến láy được bao lớp cha ông từ xa xưa gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Câu Bài chòi cất lên nghe lạc lõng, bơ vơ trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó khi mà người đam mê chẳng còn mấy ai. Điệu Nam ai buồn cho một loại hình nghệ thuật dân gian, cho những ai còn đau đáu nhớ thương câu Bài chòi.
Rồi cũng đến lúc làn điệu Bài chòi hồi sinh trên vùng đất đầy nắng gió nhưng quá đỗi yêu thương này…
Được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Bài chòi lại thêm lần nữa được chắp cánh bay xa. Những câu hát được lưu truyền qua bao đời với biết bao thăng trầm lại được cất lên trong niềm xúc cảm vô hạn của những người yêu nó. Câu Bài chòi lại có dịp ngân nga. Giá trị văn hóa được tôn vinh, được kết nối, lưu truyền để những câu ca Bài chòi vang vọng mãi…
BÙI DUY PHONG
(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)