Một cách thể hiện tình yêu làng

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Thơ Phạm Ánh lành hiền, thuần phác một chữ tình. Cái tình, như bao nhà thơ, dành cho quê hương, người thân. Thảng hoặc vương vấn với “em”, thì cũng gắn với thiết thân bờ tre gốc rạ, bóng dừa, dòng sông, với lam lũ hồn hậu làng, vất vả mưu sinh mà bền chặt vẻ thanh sạch bao đời.

Vẻ đẹp thơ Phạm Ánh, dù viết theo hình thức lục bát quen thuộc gọn ghẽ 3 khổ 12 câu hay tạng thơ ngũ ngôn, hay thiên về tự do câu chữ, thì cũng nhẹ nhàng nhuần nhị vần điệu, tiết nhịp: những cảm xúc, câu chữ thường bật ra từ miền hoài niệm, một lưu giữ hay tiếc nhớ buồn và đẹp đã quá vãng.

Vin tựa mãi vào một mạch nguồn, dù thiêng liêng cốt lõi, có trùng lặp, có nhàm nhạt không? Có, đương nhiên. Đọc nhiều thơ anh sẽ gặp cách nói quen thuộc, ảnh hình quen thuộc trên vùng hồn cũng quen thuộc, chừng như có gì như cam chịu. Vậy có thể có bất ngờ không, có thơ hay không?

Có. Ngay trong sự bộc bạch và cam chịu này! Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi kiên trì đọc bài thơ Xóm bên sông của anh. Đề tài ấy, tấm tình ấy và cách thể hiện quen thuộc đã bật ra một liên tưởng, một suy nghiệm mới lạ; đúng hơn, thơ đã tìm thấy giá trị căn cốt của mình: sự sáng tạo.

Vẫn là “hộ khẩu” thơ đã tường: cái xóm cụ thể bên dòng sông La Tinh, xứ Phù Ly – tên bây giờ là Phù Cát – nhiều nắng gió quê anh. Với người nông dân, phù sa là châu báu chứ phù… cát thì, chỉ cái địa danh thôi đã thấy bao nỗi nhọc nhằn.

Không ai có thể chọn cha mẹ sinh ra mình, cũng không thể chọn bổn quán. Tất nhiên theo quy luật, thời bây giờ người trưởng thành phần đông xa quê lập nghiệp, quê thành quê xứ, quê xưa xa ngút ngát. Khúc hát lưu dân của mọi thời bao giờ cũng đượm nỗi niềm. Nhưng thường lằng lặng. Dòng sông xưa của Phạm Ánh cũng vậy, nó là vùng hồi ức êm đềm, thân thuộc: sông ôm ấp một làng quê thành máu thịt:

Xóm nhỏ ân tình như mẹ sinh tôi
Nắng sớm sương chiều vườn cây bóng lá
Dòng sữa quê hương thâm tình gốc rạ
Năm tháng ngọt ngào lặng lẽ vừng trăng

Chẳng có gì đáng nói ở kể tả hay cách diễn ngôn này, thậm chí mọi thứ cứ chung chung đâu đó những ân tình, nắng sớm sương chiều, dòng sữa quê hương, thâm tình… Ở các khổ thơ tiếp theo đã cụ thể hơn:

Đất ven sông lung linh cát trắng
Trái bưởi trái dừa nám nắng vàng mưa
Tiếng dế ngân nga tiếng gió giao mùa
Lá rụng lá bay lối chiều xào xạc

Câu thơ mô tả “đất ven sông” cho thấy sự khắc nghiệt của môi trường sống đến mức hoa trái cũng “nám nắng vàng mưa”, huống chi đời sống con người. Nhưng con người vẫn phải sinh tồn bằng một cách nào đó, không thể khác:

Muối ớt lá dang cháo rau mặn nhạt
Đã nuôi tôi lấm láp đất bùn
Tôi lặng thầm như con dế con giun
Mang nặng ân tình ruột rà máu thịt

Sao nhắc “dế” nhiều vậy? Vì có gì đâu ngoài không gian buồn quạnh tiếng dế nỉ non và xao xác kiếp người “lá rụng lá bay” những “lối chiều”!

Sao nhắc “ân tình” nhiều vậy? Không phải nghịch lý của “thú đau thương”, mà đơn giản, miền hoài niệm không bao giờ phai nhòa những đắp đổi, san sẻ cho nhau dù “ruột rà máu thịt” hay tình làng nghĩa xóm, buổi nhọc nhằn tồn tại.

Tôi nói “kiên trì” đọc là có ý: dù đến đây bài thơ đã tạo ra một vùng sinh quyển buồn lặng của ký ức một miền quê khó nghèo và đậm tình, nhưng nó vẫn vầy vậy đâu đó làng quê Việt một thuở, đâu đó cái “chất” thơ Phạm Ánh từng viết.

Rồi bài thơ bất ngờ khép lại bằng hai câu giàu suy tưởng, mới mẻ:

Xóm làng tôi như quyển sách
Tôi mang theo để đọc lúc một mình.

Cách ví xóm làng như quyển sách là mới, mà vẫn giữ tuyến thơ đầy nỗi niềm: “mang theo để đọc lúc một mình”. Vẫn là cam chịu, “lúc một mình” ấy, nhưng sự chủ động lựa chọn này, đã thấy chủ thể lừng lững một bản lĩnh. Phải, ký ức khổ nghèo và thân thương có gì đáng khoe khoang. Và nữa, cái tình thực thường không ồn ào, to tiếng.

Câu thơ nén đến vang động!

Bắt đầu từ “Xóm làng tôi bên sông/ Sông chảy vào tôi như ca dao cổ tích” là cách khơi gợi khéo cho những diễn trình ký ức, hoài niệm buồn – thương tiếp theo, và khép lại bằng cách ví von, xác quyết thái độ: bài thơ là một minh chứng rõ rệt về chuyện luận xét cũ – mới không thể/ dễ từ cảm nhận hời hợt.

Câu chuyện làng. Cuốn sách làng. Cách thể hiện tình yêu làng. Cũ và mới. Cam chịu và bản lĩnh. Hãy đọc lại bài thơ với sự lắng nghe, thấu hiểu. Sẽ ngấm niềm xúc động, bừng lên vẻ đẹp cô độc của hồn người. Thơ làm được vậy là đáng kể, đúng không?

Xóm bên sông

PHẠM ÁNH

Xóm làng tôi bên sông
Sông chảy vào tôi như ca dao cổ tích
Sông La Tinh nắng Phù Ly thân thuộc
Ruộng lúa bờ tre… gắn bó bao đời

Xóm nhỏ ân tình như mẹ sinh tôi
Nắng sớm sương chiều vườn cây bóng lá
Dòng sữa quê hương thâm tình gốc rạ
Năm tháng ngọt ngào lặng lẽ vừng trăng

Đất ven sông lung linh cát trắng
Trái bưởi trái dừa nám nắng vàng mưa
Tiếng dế ngân nga tiếng gió giao mùa
Lá rụng lá bay lối chiều xào xạc

Muối ớt lá dang cháo rau mặn nhạt
Đã nuôi tôi lấm láp đất bùn
Tôi lặng thầm như con dế con giun
Mang nặng ân tình ruột rà máu thịt

Xóm làng tôi như quyển sách
Tôi mang theo để đọc lúc một mình.
(Rút từ Tuyển tập “10 năm thơ Bình Định (2011 – 2021)”, NXB HNV 12.2021)

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.