Con nhện

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Phòng thí nghiệm kỳ lạ của tiến sĩ Tsujikawa được bao quanh bởi những cây Keyaki to lớn rụng lá, nằm chót vót trên những cột trụ cao hơn 30 xích(*) so với mặt đất như đang tranh giành độ cao cùng đám cây. Căn phòng có hình tròn với đường kính 2,5 gian(*), chiều cao 1,5 gian, trần hình vòm và các cửa sổ có cùng kích thước xếp đều đặn xung quanh. Trải qua mưa gió chừng một năm, bức tường trắng đã bong tróc nham nhở, chuyển sang màu lông chuột, tổng thể nhìn thoáng qua trông như một ngọn hải đăng dị dạng hay một pháo đài cũ kỹ.

Tôi ngước nhìn nó với niềm cảm khái sâu sắc.

Một năm trước, khi tiến sĩ vật lý hóa học Tsujikawa đột nhiên rũ bỏ vị trí là một giáo sư đại học đầy uy quyền để bắt đầu nghiên cứu về loài nhện, một lĩnh vực hoàn toàn khác chuyên môn, đã gây chấn động khá lớn trong xã hội. Hơn thế, khi trông thấy việc ông cho xây dựng phòng thí nghiệm giống như một pháo đài giữa đồng không mông quạnh ở ngoại ô Tokyo, rồi giam mình trong tòa nhà hình trụ tròn cao 30 xích từ mặt đất như thế, không ít người cho rằng ông phát điên. Ngay cả những người như tôi cũng hoàn toàn không hiểu được ý định thật sự của ông, nên có chút thất vọng.

Tuy nhiên, vị tiến sĩ đó thờ ơ hơn với những lời chỉ trích và đàm tiếu của mọi người, dành hết tâm trí vùi đầu vào nghiên cứu loài nhện. Trong phòng thí nghiệm, đặt hơn một trăm chiếc hộp nuôi giống, thu thập vô số loài nhện và miệt mài quan sát tập tính cũng như những điều khác của chúng. Trong chưa đầy nửa năm, đã có thể trông thấy những loài nhện quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới trong phòng thí nghiệm lạ lùng đó của ông.

Nửa năm trôi qua, thế giới dễ lãng quên thậm chí không còn nhớ đến vị tiến sĩ đóng cửa giam mình trong phòng thí nghiệm kỳ lạ nghiên cứu về loài nhện nữa. Thế nhưng, một đêm nọ, một người bạn giáo sư cùng trường, tiến sĩ Shiomi, đến thăm rồi rơi chết thảm từ phòng thí nghiệm lại làm dấy lên dư luận ầm ĩ một thời gian. Lúc ấy, những người hiếu kỳ đã đến tận nơi để xem phòng thí nghiệm này. Dĩ nhiên, tiến sĩ không dễ dàng để những người lạ vào phòng nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bằng lòng với cách từ bên dưới ngước nhìn lên tòa lầu hình tròn cao cách mặt đất 5 gian.

Thế rồi, người ta cũng quên ngay chuyện ấy. Tiến sĩ Tsujikawa đã có thể cách ly với thế giới để bắt đầu lại việc nghiên cứu loài nhện, nhưng việc đó đã kéo dài không được bao lâu.

Đó là bởi vì, chừng một tháng trước, ông vô tình bị một con nhện độc đến từ vùng nhiệt đới cắn phải, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hấp hối, liên tục nói những điều mê sảng kỳ quái, rồi chừng một tuần sau, ông cũng ra đi trong cơn hôn mê. Dĩ nhiên, thế giới lại xôn xao về ông một lần nữa, nhưng điều đó cũng không kéo dài lâu, và cùng với cái chết của ông, không còn ai nhìn lại phòng thí nghiệm kỳ lạ này với hàng trăm con nhện sống trong đó.

Vì tôi làm trợ giảng trong lớp học động vật ở trường đại học, có chút kiến thức về động vật chân đốt nên đôi khi được tiến sĩ hỏi thăm và bàn luận về việc nghiên cứu. Tiến sĩ Tsujikawa là một học giả đẳng cấp thế giới về vật lý hóa học nhưng về động vật học là một người nghiệp dư nên một người như tôi cũng có thể giúp đỡ được ông ấy đôi chút trong việc nghiên cứu. Tuy nhiên, đó chỉ là trong thời gian đầu, với một người có đầu óc trác việt như tiến sĩ, ông đã có thể tiếp thu ngay lập tức những kiến thức mà những người như tôi chưa thể với tới được. Một đôi lần, tôi đã thử hỏi ông tại sao lại bỏ đi chuyên môn vật lý hóa học để theo đuổi công việc nghiên cứu loài nhện nhưng ông chỉ cười mà không trả lời.

Rắc rối của tang quyến là việc giải quyết cái phòng thí nghiệm này. Đó là vì, tòa nhà này cũng là một vấn đề nhưng hơn thế, việc xử lý hàng trăm con nhện trong đó thì hoàn toàn không đụng đến được, vì trong số đó có loài nhện độc có thể đe dọa tính mạng, thế nên họ lo sợ tránh xa, ủy thác toàn bộ công việc xử lý cho tôi, người có chút kiến thức chuyên môn. Vì vậy, hôm nay tôi đã một mình đến đây.

Giờ đây, tôi đang đạp trên những chiếc lá rụng, tiến lại gần ngôi nhà kỳ lạ và ngước nhìn lên tòa lầu hình tròn một lúc với niềm cảm khái sâu sắc rồi bước lên những bậc cấp bê tông dốc đứng. Lên hết bậc cấp, một chiếu nghỉ rộng hơn một chiếu tatami một chút, ở đó có cánh cửa duy nhất dẫn vào phòng đang để mở. Tất nhiên, cầu thang và chiếu nghỉ tiếp xúc với căn phòng, nhưng chúng và căn phòng được tạo ra riêng biệt và cách nhau một khoảng nhỏ (Điều này là bình thường nhưng tôi đặc biệt đề cập thêm trước vì nó sẽ có quan hệ quan trọng sau này).

Khi tiến sĩ còn sống, tôi cũng đã từng ra vào đây đôi lần. Đối với một người chuyên về động vật chân đốt trong ngành động vật học, dĩ nhiên là quá quen thuộc nhưng tôi cũng bất chợt đứng sững, lạnh cả sống lưng.

Tôi bước vào phòng. Bên trong những chiếc hộp được xếp dọc theo bức tường, những con quái vật tám chân đang dệt nên những tấm lưới của chúng và hùng cứ trong đó. Những con Kars Araneus to lớn, loài Jorogumo với sọc màu xanh đen trên nền vàng, loài Zatomushi với những chiếc chân to gấp mấy mươi lần cơ thể, loài nhện ma với các đốm vàng trên lưng, loài Kimuragumo quý hiếm và các loài nhện khác như Tategumo, Jigumo, Hagumo,Hiratagumo, Koganegumo, v.v… Tất cả bọn chúng cực kỳ gầy guộc với đôi mắt láo liên thèm thuồng ánh sáng vì đã không được cho ăn gần cả tháng. Thêm nữa, có lẽ do việc dọn dẹp các chiếc hộp không đúng cách, những con nhện trốn ra được đang xây lưới trên trần nhà hay trong các góc phòng. Cả trên tường và trên sàn cũng không ít con hình dạng đáng sợ đang nối đuôi nhau chạy loanh quanh.

Thế nhưng, tôi tự động viên mình rồi thận trọng nhìn vào các chiếc hộp. May thay, con nhện độc đáng sợ đến từ vùng nhiệt đới đã được nhốt cẩn thận trong chiếc hộp được đóng kín kỹ lưỡng. Không hiểu tiến sĩ Tsujikawa bị nó cắn như thế nào vì khi được phát hiện, ông đã trong tình trạng hấp hối, chỉ gầm gừ nguyền rủa từng câu đứt đoạn rời rạc mơ hồ, nhưng dù sao thì con nhện độc đã không thoát ra được nên tôi cũng yên tâm. Sau đó, tôi bắt đầu xem xét kỹ lưỡng mọi ngóc ngách trong phòng, từ giá sách, mặt sau của bàn làm việc, những khe nối trên sàn nhà, v.v… vì biết đâu có con nhện độc nào đó trốn thoát ẩn náu đâu đó mà tôi không biết.

Tôi đã không tìm thấy một con nhện độc nào như thế, nhưng khi xem xét lại mặt sau bàn làm việc hàng ngày của tiến sĩ thì phát hiện ra một công tắc điện được gắn vào phần chân của chiếc bàn. Vì nó được gắn ở vị trí bất thường ngay cả dùng cho đèn chiếu hay lò sưởi nên tôi thấy hơi kỳ lạ bèn bật tắt lách tách thử hai ba lần. Thế nhưng, đúng như dự đoán, đèn trong phòng cũng không đỏ, tôi thật sự không biết nó dùng để làm gì.

Tôi cảm thấy hơi mệt, để nghỉ ngơi một chút bèn phủi bụi chiếc ghế nằm thư giãn hàng ngày của tiến sĩ được đặt ở giữa phòng, ngồi phịch xuống và châm thuốc hút. Bên ngoài cửa sổ, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh qua những cây Keyaki to lớn với những cành khẳng khiu treo trên trời như chiếc chổi, ánh nắng chiều đông rọi chiếu vào phòng.

Vừa nhìn theo làn khói thuốc, tôi mơ hồ nghĩ về tiến sĩ lúc còn sống. Ông quả là một người ranh mãnh và khó gần. Vì thế, dù ông có được thành tích đáng kể trong chuyên môn nhưng không được lòng đồng nghiệp. Đặc biệt, người đồng nghiệp của ông, tiến sĩ Shiomi trái lại là người hoạt bát vui vẻ nên hai người dù thế nào cũng không hợp nhau. Nhìn từ phía sau thì tiến sĩ Tsujikawa có vẻ như lúc nào cũng bị chèn ép, có lẽ Shiomi không nghĩ ngợi lăn tăn gì nhưng về phía Tsujikawa, hình như ông có vẻ không thoải mái với Shiomi. Tuy nhiên, tiến sĩ Tsujikawa vẫn phủ nhận và dường như ông không thể hiện ra mặt sự khó chịu khi đối mặt nhau.

Trong khi nghĩ ngợi như thế, tôi đột nhiên nhớ lại lúc tiến sĩ Shiomi bị ngã chết từ trên cầu thang của phòng thí nghiệm. Chuyện ấy xảy ra chừng nửa năm trước,

vào cuối mùa hè. Khi tôi đến và bước vào phòng này theo lời gọi của tiến sĩ Tsujikawa lúc chừng bảy giờ tối, ông đang ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế thư giãn mà giờ tôi đang ngồi, đối diện với Shiomi, liên tục nói chuyện gì đó. Giọng điệu của ông khác hẳn mọi khi, vui vẻ một cách đáng sợ và cười to như một người khác. Khi trông thấy tôi, ông lập tức đứng dậy, kéo chiếc ghế bên cạnh mời ngồi rồi giới thiệu tôi với tiến sĩ Shiomi (Tiến sĩ Shiomi đang ngồi tựa lưng vào cửa ra vào. Tsujikawa ngồi đối diện nên hướng ra phía cửa, do vậy khi tôi đi vào ông trông thấy ngay. Vai trò của tiến sĩ Shiomi sẽ có quan hệ trọng đại sau này nên tôi đề cập trước một chút).

Sau đó, ba chúng tôi vui vẻ trò chuyện. Như đã nói, tiến sĩ Tsujikawa vui vẻ hơn thường lệ, thêm nữa, lại có người biết ăn nói giỏi giang như tiến sĩ Shiomi ở đó nên người vốn hay lúng túng khi có dịp trò chuyện riêng với tiến sĩ Tsujikawa như tôi cũng tự nhiên bị cuốn vào và nói rất nhiều. Lúc ấy, tôi rất ấn tượng với miệng lưỡi sắc sảo cùng khiếu hài hước pha lẫn giễu cợt và châm biếm độc đáo của tiến sĩ Shiomi, hơn nữa, thấy Tsujikawa cũng vui vẻ hưởng ứng, tôi đã cho rằng những lời bàn luận về sự bất hòa giữa hai người đều là bịa đặt.
Câu chuyện của chúng tôi mãi không dứt. Kéo dài suốt gần hai tiếng đồng hồ. Đột nhiên, tiến sĩ Shiomi đứng bật dậy. Tôi ngạc nhiên nhìn vào khuôn mặt ông ấy nhưng nó trở nên xanh xám như đất. Ông la hét, nhảy đến cánh cửa sau lưng rồi lao ra khỏi phòng. Tôi bất ngờ đến nỗi không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng hình như tôi đã trông thấy một con nhện lạ trên sàn nhà. Có lẽ con nhện ấy đã bám vào chân tiến sĩ Shiomi.

“Là một con nhện Tategumo thôi. Tiến sĩ Shiomi nhầm nó với loài nhện độc đấy!”, Tsujikawa chỉ vào con nhện trên sàn rồi nói những lời đó (Sau đó, tôi cũng khai báo với viên cảnh sát kiểm tra hiện trường như thế). Nhưng, lúc đó tôi đã không đủ thời gian để nghe. Bởi vì cùng với cú nhảy ra ngoài của tiến sĩ Shiomi, phía ngoài cửa có tiếng la hét thất thanh cùng âm thanh đồ vật bị rơi loảng xoảng. Tôi đã rất bất ngờ nên định đi ra cửa. Đúng lúc ấy, tiến sĩ Tsujikawa vội vàng níu lấy tôi: “Nguy hiểm đấy! Vì cầu thang rất cao” – ông nói nhanh và kéo tôi lại, rồi ông bước ra trước.

Sau đó, theo thông tin chi tiết của báo chí thì tiến sĩ Shiomi nhảy ra ngoài, đạp trượt chân trên bậc cấp, ngã lăn xuống dưới, đầu bị đập hai ba lần vào cầu thang và chết ngay tại chỗ. Vì nghe được rằng quan hệ giữa tiến sĩ Tsujikawa và tiến sĩ Shiomi không được tốt nên các nhân viên cảnh sát đến điều tra đã thẩm vấn khá cẩn trọng. Tuy nhiên, tôi đã làm chứng rằng, cả hai đang chuyện trò cực kỳ vui vẻ một cách hòa thuận và tiến sĩ Shiomi nhảy ra ngoài chỉ là vì nhìn thấy con nhện bám vào chân và ngộ nhận đó là loài nhện độc. Con nhện đó không phải nhện độc. Lỗi là do Shiomi đã xác định sai, đặc biệt, việc ngã xuống từ bậc cấp hoàn toàn là rủi ro của tiến sĩ Shiomi nên tiến sĩ Tsujikawa chẳng có liên quan gì. Tiến sĩ Tsujikawa chẳng có gì đáng trách. Tuy nhiên, với sự việc này, nhiều tờ báo đua nhau đưa tin giật gân, viết lại những chuyện về tiến sĩ Tsujikawa, nào là ông ấy đột nhiên bỏ việc ở trường đại học bắt đầu chuyển sang nghiên cứu một lĩnh vực chẳng có chuyên môn là loài nhện, nào là ông ta đã nhốt mình trong một tòa lầu hình tròn trên những chiếc trụ cao ba mươi xích, v.v… đã khơi dậy sự tò mò của độc giả rất lớn. Do đó có những người tụ tập đến bên dưới phòng thí nghiệm để xem một thời gian và tiến sĩ đã rất khó chịu như đã nói bên trên. Sau đó, ông cũng không có ý định dừng lại việc nghiên cứu nhện, đóng kín cửa, nhốt mình trong phòng thí nghiệm, nhưng gần đây tôi nghe được rằng đầu óc của ông có vẻ như trở nên không tỉnh táo và tình hình rất không bình thường.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Tôi đắm chìm trong phòng thí nghiệm kỳ lạ hình tròn bất giác nhớ về cố tiến sĩ Tsujikawa trong khi bị bao quanh bởi những loài nhện kinh tởm, bất chợt nhận ra cái gạt tàn trên bàn, chẳng biết hút từ nào, tàn thuốc đã đứng đầy lên như rừng. Thời gian trôi qua làm tôi ngạc nhiên đứng dậy, để cho chắc chắn, quan sát lại một lần nữa bên trong những chiếc hộp nuôi, trong đầu nghĩ ra một kế hoạch để giải quyết chúng, vì đó chính là mục đích của tôi khi đến đây. Tôi nắm lấy cánh cửa ra vào duy nhất của căn phòng, như đã nói, nhẹ nhàng kéo nó vào trong mở ra, định bước ra ngoài. Đúng lúc ấy tôi chợt thét lên, lảo đảo níu lấy cánh cửa. Xém chút nữa tôi cũng rơi xuống từ độ cao 30 xích. Có điều gì đó kỳ lạ. Chiếu nghỉ, cầu thang lẽ ra chắc chắn phải có bên ngoài cửa biến đâu mất, kể cả hình bóng. Xa xa bên dưới, những chân đế tròn bằng bê tông làm bệ đỡ cho các cột trụ cao ba mươi xích làm tôi ớn lạnh.

Tôi dụi mắt vài lần rồi nhìn lại. Tuy nhiên, không phải là ảo giác, chẳng có gì cả. Tôi nhìn quanh phòng. Nhưng, dĩ nhiên là không có một cánh cửa nào khác ngoài cái này. Tôi đóng sầm cửa lại, loạng choạng bước vào phòng rồi nhìn quanh từng cái cửa sổ. Và, sao vậy nhỉ, chiếu nghỉ và cầu thang bắt đến đó đang nằm kẹt dưới cửa sổ thứ ba.

Tôi sững sờ. Nếu nhảy xuống chiếu nghỉ từ cửa sổ thì có thể xuống được và có thể tránh được bị mắc kẹt trên tòa lầu kỳ lạ này, thế nhưng, cầu thang bê tông di chuyển trong vòng một giờ, đó không phải là điều hết sức kỳ lạ sao?!

Sau một hồi sững sờ, tôi chợt nghĩ ra điều gì đó bèn chăm chú quan sát ánh mặt trời chiếu vào phòng qua cửa sổ và những cái cây lớn vươn lên bên ngoài. Và tôi đã phát hiện ra phòng nghiên cứu hình tròn này đang lặng lẽ quay trên trục là những cây cột chống đỡ nó! Ngay sau khi bước vào căn phòng này, trông thấy công tắc lạ sau bàn làm việc, tôi đã thử bật tắt nó. Và dòng điện đóng mạch, cái lầu tròn bằng bê tông này đã bắt đầu quay. Tôi ước lượng khoảng cách quay của nó, cầu thang đã di chuyển chừng 2,5 gian và góc quay chừng 120 độ. Vì thời gian để nó di chuyển đến đấy là chừng một giờ nên tốc độ để quay 360 độ – tức là một vòng – sẽ là 3 giờ.

Tôi định lập tức ngắt dòng điện nhưng chợt nghĩ là để nó quay một vòng về vị trí cũ thì tốt hơn nên để yên như thế. Vì vậy tôi quay lại ngồi xuống chiếc ghế thư giãn giữa phòng, lặng im suy nghĩ, làm cho cái phòng này xoay như thế để làm gì nhỉ?

Tôi đột nhiên nghĩ ra rồi bất giác run lên với suy nghĩ đáng sợ ấy. Đứng dậy với cái đầu đau nhức, đi quanh phòng như điên. Sau đó tôi vội vàng gõ đẩy ngẫu nhiên các vật trong phòng, nôn nóng muốn tìm ra một điều gì đó. Tôi muốn biết điều bí mật của tiến sĩ Tsujikawa vì tôi tin rằng, bí mật ấy được cất giấu đâu đó trong căn phòng này.

Loay hoay như điên, cuối cùng tôi cũng tìm thấy cuốn nhật ký của tiến sĩ Tsujikawa ở một nơi cất giấu bí mật sau giá sách. Tôi lật loạt xoạc các trang với bàn tay run rẩy và rồi tôi cũng đã tìm ra bí mật của ông ở đó.

***

Ngày… tháng…

Từ khi quyết định giết S đến nay đã ba tháng. Cuối cùng đến bây giờ mới nghĩ ra được một kế hoạch. Lý do phải giết S hoàn toàn chủ quan, tôi không nghĩ mình phải biện minh để lương tâm được an ủi. Chỉ cần lừa gạt thiên hạ là được, không cần lừa lương tâm của mình. Nếu ý định giết S có bị nhạt đi thì chỉ cần nhớ lại những sỉ nhục hữu hình hay vô hình mà hắn đem đến cho tôi là đủ. S luôn liên tục chế giễu tôi, khinh bỉ tôi, đàn áp tôi, chửi bới tôi dưới mặt nạ hài hước, bất kể đó là nơi công cộng, hay là nơi chỉ có hai người. Điều này cho dù hắn có tự ý thức được hay không cũng là sự xúc phạm không thể chịu đựng đối với tôi.

Tuy nhiên, với tính giả tạo và tài hùng biện, hắn làm tôi, một người rụt rè và nói năng vụng về, không thể chống cự, lúc nào cũng đặt tôi vào vị trí của một thằng hề. Khi được anh ta chứng tỏ tài hùng biện và hài hước, người ta cười phá lên mà hoàn toàn không nhận ra, nạn nhân phía sau đó là tôi đang nghiến răng bầm gan tím ruột. Mà thôi, giờ đây chẳng ích gì khi viết lại dài dòng những chuyện đó. Kết luận đơn giản thôi. Tôi căm ghét S. Căm ghét đến mức phải giết! Đó là sự thật không thể thay đổi. Vấn đề chỉ là cách giết mà thôi!

Tôi đã nghiên cứu tất cả các phương pháp giết người trong ba tháng qua. Thế nhưng không có phương pháp nào có tính chắc chắn và tuyệt đối không thể phát hiện. Duy chỉ có một phương pháp mà tôi cho rằng hơi thú vị là trong một truyện ngắn trinh thám của nước ngoài.

Đó là người A phải giết người B, anh ta thuê một căn phòng ở tầng một và một căn phòng tầng trên cùng, ở đúng cùng một vị trí trong tòa nhà lớn, và trang trí hoàn toàn giống nhau. Điều cần thiết là nếu đưa một người bị bịt mắt đột ngột đi vào một trong hai căn phòng đó, sau khi được tháo bịt mắt anh ta không thể nhận ra là đang ở tầng nào. Sau khi chuẩn bị xong, một đêm nọ, A dẫn B vào phòng ở tầng một rồi bất ngờ khống chế, nói dối rằng trong phòng này có đặt một thiết bị nổ tự động, sau khi dọa B rằng chừng 30 phút sau, đúng 9 giờ căn phòng sẽ nổ tung, anh ta sẽ hóa thành cát bụi, thì bắt B uống thuốc ngủ. Sau đó, khi B đang say ngủ, liền đưa B lên căn phòng đã chuẩn bị sẵn ở tầng trên cùng, đặt đồng hồ dừng ở 9 giờ kém 5, rồi để B ở trong phòng, khóa cửa bỏ chạy. Lúc này, đồng hồ phải được đặt dừng đúng thời gian cần thiết bởi vì không biết lúc nào B sẽ tỉnh lại.

Khi B chợt tỉnh dậy, nhận ra chân tay lúc này bị trói chặt. Nhưng thật may là nó bị lỏng nên nhanh chóng giãy giụa. Anh ta dần nhớ ra những lời đe dọa của A (dĩ nhiên là anh ta nghĩ mình đang ở trong căn phòng ở tầng một), rồi bất chợt nhìn vào đồng hồ. 9 giờ kém 5 phút! Chỉ còn 5 phút nữa là bị nổ tung. Anh ta hoảng loạn lao vào cửa nhưng cửa không nhúc nhích. Khi hoảng loạn cùng cực, anh ta lao đến cửa sổ. May thay, cửa sổ mở. Nghĩ rằng đây là tầng một… và, anh ta đã bay xuống một cách mãnh liệt. Tất nhiên một khắc sau, người anh ta bê bết máu, chết ngay trên phố.

Phương pháp này khá thông minh. Tuy nhiên, khi lặng yên suy nghĩ thì việc thuê căn phòng cùng vị trí ở tầng một và tầng trên cùng rồi trang trí hoàn toàn giống nhau mà không làm người khác lấy làm lạ là tương đối khó khăn, và một mình vác người đang mê, đưa từ tầng một lên tầng trên cùng mà không bị ai hỏi không phải là chuyện dễ dàng. Trên hết, khuyết điểm chí mạng của phương pháp này là kết quả chỉ là ngẫu nhiên mà không có tính tất yếu. Có nghĩa là, nếu B khi mở mắt mà hoảng loạn lên như kế hoạch thì được nhưng nếu anh ta bình tĩnh quan sát thì, trước tiên với chiếc đồng hồ đã đứng, có lẽ anh ta sẽ phát hiện ra. Thứ hai, khi mở cửa sổ, có nguy cơ bị anh ta nhận ra đó không phải là tầng một. Và điều đáng lo nhất là một khi bị phát hiện, dựa theo lời khai của B thì có lẽ cuối cùng A phải gánh chịu không thể chối cãi tội danh âm mưu giết người.

Vì thế tôi phải thêm vào phương pháp này một chút cải tiến. Đó là làm cho B không có bất cứ cưỡng ép nào. Nếu không bị cưỡng ép, cho dù có thất bại, cũng có thể thoát mà không bị đổ tội.

Ngày… tháng…

Tôi nghỉ việc ở trường đại học như dự kiến. Công trình phòng thí nghiệm ở ngoại ô cũng đang tiến hành thuận lợi. Lúc đầu, tôi định lập phòng thí nghiệm trong một phần của nhà mình. Điều đó thuận tiện cho việc mời S đến nhiều lần hơn nhưng cho dù có khéo léo đến thế nào đi nữa, trong thành phố với nhiều đôi mắt, kế hoạch của tôi có nguy cơ bị phát hiện nên đã quyết định chọn ở nơi ngoại ô bất tiện.

Ngày… tháng…

Cuối cùng phòng thí nghiệm đã hoàn thành. Về cơ quan bí mật của nó, tôi biết nhờ người phù hợp, nên tuyệt đối không lo người khác làm lộ. Người thiết kế công trình tin rằng việc đó là cần thiết cho công việc nghiên cứu, không hề nghĩ tôi làm những việc như thế này với mục đích giết người.

Ngày… tháng…

Cuối cùng tôi quyết định nghiên cứu loài nhện. Ban đầu tôi định chọn rắn nhưng vì trong số các loài nhện cũng có loài kịch độc, nên đã quyết định dùng chúng.

Ngày… tháng…

Hôm nay tôi đã bí mật kiểm tra lúc nửa đêm. Vô cùng hoàn hảo. Điều đầu tiên tôi lo lắng là tốc độ quay. Hẳn là khi chúng ta làm nó chuyển động với vận tốc không đổi, nếu không có gì để đối chiếu thì hoàn toàn không nhận biết được. Trong động vật bậc thấp, có loài cho dù có đối tượng để đối chiếu vẫn dửng dưng. Chẳng hạn như loài ruồi, dù ở trên lưng ngựa chạy nó cũng đứng yên bất động. Tập tính này của nó bị lợi dụng làm dụng cụ diệt ruồi. Tức là nếu bôi một thứ gì đó mà nó thích lên một mảnh ván rồi quay nhẹ, nó vẫn đậu xuống đó. Nó không nhận ra mảnh ván đang quay chậm cho đến khi tự nhiên rơi vào một cái lỗ không lối thoát.

Tuy nhiên, liệu con người có nhận ra sự chuyển động đều trong trường hợp bên ngoài không có gì để đối chiếu hay không? Nếu là chuyển động đều tự nhiên thì không lo, nhưng với nhân tạo thì… Tôi có chút lo lắng. Vì vậy tôi đã cố làm giảm hết mức tốc độ quay. Con người có thể nhận biết rõ sự chuyển động của kim giây, tuy nhiên khi chỉ nhìn thoáng qua thì không biết nó chuyển động hay không, nên khi kiểm tra xem đồng hồ có chạy không thì thường người ta dùng tai nghe hơn là mắt nhìn.

Với chuyển động của kim phút thì gần như không thể nhận biết được. Tuy nhiên, trên mặt đồng hồ có phân chia từng vạch, nếu chằm chằm nhìn vào đó hai ba phút, vì nó tiến gần đến vạch khác nên có thể nhận biết được chuyển động của nó một chút. Nếu không có các vạch đó, có lẽ hầu như không nhận ra. Nếu là chuyển động của kim giờ thì có lẽ hoàn toàn không nhận biết được. Vì vậy, tôi đã thử với tốc độ quay chừng ba giờ một vòng. Kết quả là cực kỳ hoàn hảo.

Ngày… tháng…

Tôi lại thêm vào kế hoạch một cải tiến. Ban đầu, tôi định chỉ gặp riêng hai người với S ở phòng thí nghiệm. Thế nhưng nếu là chỉ hai người thì có nguy cơ bị nghi vấn rằng hoặc là tôi đã đẩy S rơi xuống. Nếu có nhân chứng bên ngoài thì việc căn phòng di chuyển có nguy cơ bị phát hiện. Hơn hết, vì không thể để có nhân chứng ở bên ngoài nên tôi phải lựa chọn thời điểm buổi tối khi không có ai và không nhìn thấy được gì bên ngoài từ cửa sổ. Tôi quyết định đưa nhân chứng vào bên trong. Với cách này, sau khi S bị rơi như dự định, sẽ phải mất công tốn sức để làm nhân chứng không nhận ra sự xoay của căn phòng. Thế nhưng, con người trong thời điểm xảy ra chuyện dị thường hay hoảng hốt, lúc ấy tôi nhanh chóng cho khôi phục lại nguyên trạng thì có lẽ sẽ không nhận ra.

Ngày… tháng…

Cuối cùng đã thành công. Tôi đã gọi S đến và đã bỏ công tiếp đón hắn. Thật đáng thương là S không biết mình sắp chết nên cứ huyên thuyên nhạo báng, chế giễu tôi như thường lệ. Tôi cố kìm nén vẻ khác lạ, kể cho S nghe chuyện về loài nhện độc đáng sợ, và gần đây, một trong số chúng đã trốn thoát mà hiện giờ chưa biết tung tích. Quả nhiên anh ta rất sợ hãi. Một lúc sau, K, trợ giảng của lớp động vật học ở trường đại học mà tôi cùng gọi đến. Tôi nhẹ nhàng bật công tắc làm cho căn phòng từ từ xoay chuyển. Chẳng có ai nhận ra cả. Tôi liên tục trò chuyện để làm họ khỏi chú ý. Không biết cả S và K có nhận thấy tôi ít nhiều có khác với tôi bình thường hay không?

Tôi tính toán thời điểm thích hợp rồi thả con nhện loài Tategumo được giấu dưới chân ra. Con nhện từ từ tiến đến dưới chân S. Vì đã bị dọa với câu chuyện về loài nhện độc từ trước nên hắn ta xanh xám mặt mày, đứng phắt dậy. Sau đó nhảy ra khỏi cửa. Lúc này, cánh cửa hẳn chỉ cách chiếu nghỉ một khoảng ngắn nhưng cho dù chỉ là một khoảng cách ngắn thì cũng không phải là sát lại với nhau. Hắn ta lập tức bước ra, rơi ngay vào chừng giữa cầu thang, bật vào đó và rơi xuống đất, chết ngay tại chỗ. Mục đích của tôi đã hoàn toàn thành công nhưng cho dù hắn không chết ngay thì chắc chắn cũng không thể nói là tôi giết. Dĩ nhiên, nhân chứng K không nhận ra được ý định giết người của tôi. S bị con nhện dọa, thét lên rồi lao ra ngoài, bất ngờ trượt ngã trên cầu thang. Trong lúc K đang kinh hoàng, tôi làm cho căn phòng về lại vị trí cũ. Lúc ấy, lẽ dĩ nhiên là có tăng tốc độ lên nhưng K hoàn toàn không nhận ra.

Ngày… tháng…

Những kẻ ngốc đến bên dưới phòng thí nghiệm làm ồn ào náo động. Chỉ cần một người nhìn ra kế hoạch của tôi cũng được nhưng dường như chẳng có kẻ nào như thế cả.

Ngày… tháng…

S đã chết. Đó là một sự thật rõ ràng. Nhưng tôi không cảm thấy được an ủi bởi cái chết của S như dự tính, có gì đó thiêu thiếu mà không biết làm sao. Tôi đã dự định, nếu giết được S thì sẽ bỏ việc nghiên cứu nhện này. Tôi nghĩ rằng, vì S chết, giảng viên thiếu hụt nên chắc chắn trường đại học sẽ đến mời tôi nhưng chẳng thấy gì. Thật đáng tiếc nhưng tôi có cảm giác hình như không thể bỏ việc nghiên cứu này được.

Ngày… tháng…

Chẳng có thông tin gì từ trường đại học. Tôi lại cần mẫn bắt đầu nghiên cứu lại loài nhện.

Ngày… tháng…

Hôm nay có được một cặp nhện độc nhiệt đới.

Ngày… tháng…

Tôi như thể bị loài nhện ám. Những con nhện tôi nuôi có cái nhìn kỳ lạ như những thám tử, cứ nhìn chằm chằm vào tôi.

Ngày… tháng…

Tôi đang bị nguyền rủa! Tôi đã không nhận ra con nhện độc nhiệt đới đó chính là hồn ma của S. Nhìn mắt nó kìa, đó chính là ánh mắt của S khi nằm sóng soài bê bết máu bên dưới căn phòng này. Kẻ chết tiệt ấy đã biến thành nhện độc!

Ngày… tháng…

Không đời nào tôi thua bọn nhện độc ấy. S cũng là S thôi. Chỉ có kẻ yếu đuối mới bị giết để thành nhện. Được rồi, đến đây! Tao sẽ chiến đấu với mày! Tao sẽ bắt mày bỏ thói bắt nạt đi! Nhưng, ánh mắt đó… gần đây tôi đâm ra sợ nhện. Cặp mắt, cặp mắt! Cặp mắt của con nhện thật đáng sợ!

Ngày… tháng…

Mắt của con nhện đáng sợ quá. Tôi không chợp mắt được chút nào trong căn phòng này. Được rồi, ngày mai là trận cuối. Nhìn kìa, mắt của con nhện độc S kia, tao sẽ bóp chết mày!

***

Nhật ký về loài nhện đáng sợ kết thúc ở đây. Sau khi đọc xong, tôi run lên lập cập vì sợ hãi. Đột nhiên cảm thấy, từ trong những chiếc hộp kính xếp xung quanh mình, hàng trăm nghìn con nhện, nhiều không đếm xuể, đang dán mắt vào tôi nhìn lom lom, từ bên phải, bên trái, phía trước, phía sau. Tôi thất kinh hồn vía nhảy bổ về phía cửa, đẩy ra. Điều kì lạ là ở đó, chiếc cầu thang, xuất hiện nguyên vẹn. Tôi chạy xuống như bay không ngoái lại.

Tôi phát sốt nằm lăn ra mấy ngày. Trong thời gian đó, phòng thí nghiệm phát hỏa, bên trong cháy trụi, hàng trăm con nhện cũng bị thiêu cháy chết hết. Nhà chức trách phỏng đoán rằng có lẽ là do những người ăn xin hay kẻ lang thang đốt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng nếu không có đám lửa đó, cái tòa lầu dị dạng kia có lẽ vẫn tiếp tục lặng lẽ xoay mà chẳng ai dễ dàng biết được.

KOGA SABURO (1893 – 1945) tên thật là Haruta Yoshitame, một kỹ sư hóa học làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Thương mại trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Trước thế chiến 2, cùng với Ranpo Edogawa và Udaru Oshita, ông là một trong ba ngôi sao trong thế giới truyện trinh thám Nhật Bản.

* Xích : đơn vị đo chiều dài truyền thống của Nhật. 1 xích = 300mm.
* Gian : đơn vị đo chiều rộng truyền thống của Nhật. 1 gian = 1,818m.

KOGA SABURO (Nhật Bản)

NGUYỄN THỐNG NHẤT dịch

(Từ nguyên tác tiếng Nhật)
Nguồn : https://www.aozora.gr.jp/cards/000260/files/1431_20128.html

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Bá Duy

Tháng Mười mưa trắng núi Tình
biết phương ấy mẹ một mình dưới mưa
buồn theo cơn bão cuối mùa
phận người mỏng mảnh hơn thua được gì

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…