Bùi Tấn Phước – ông giáo, nhà báo, nhà văn…

(VNBĐ – Đọc sách).

Bút ký văn học là một thể loại khó viết bởi nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là đề tài. Một đề tài đủ tầm hấp dẫn bạn đọc để có thể viết đến xấp xỉ 3.000 – 4.000 từ không phải là chuyện dễ tìm. Nếu chỉ là những bài tường thuật các chuyến đi, kiểu “tôi đi, tôi đến, tôi nghe, tôi thấy, tôi về, tôi kể” thì sẽ rất nhạt nhẽo. Nếu đề tài là những sự kiện thời sự thì trải qua một thời gian ngắn nó đã lạc hậu nên cũng chỉ phù hợp với những thể loại đăng nhật báo. Vậy đề tài bút ký văn học đăng lên tạp chí văn chương hằng tháng hay để in thành sách nhất định phải là những đề tài có sức sống bền lâu, để mười năm hay thậm chí hai mươi năm sau giở sách ra đọc, người ta vẫn thấy nó thú vị, vẫn chắt lọc được nhiều điều bổ ích.

Ngoài lẽ khó khăn về đề tài, lẽ khác quan trọng hơn nhiều đó là cái tâm và cái tầm của người viết. Trong giới văn chương và cả báo chí, người đặt dấu ấn trong lòng bạn đọc đối với thể loại bút ký văn học không có nhiều. Bởi người viết được bút ký trước hết phải “máu nghề” mà biểu hiện là sự dấn thân, dám xông pha vào những nơi khó khăn, gian khổ, thậm chí là hiểm nguy; sau đó là sự năng động phát hiện đề tài, nuôi dưỡng đề tài; lại cũng rất cần phải có kiến thức xã hội rộng rãi xuất phát từ vốn sống, vốn thực tế phong phú và sự giàu có về mặt ngôn ngữ để thể hiện thành văn gây xúc cảm người đọc!

Năm 2011, khi tôi đang “cầm trang” Bút ký – Phóng sự của Báo Bình Định với tư cách là Trưởng phòng biên tập phòng Văn hóa – Xã hội, lần đầu tiên tôi biết Bùi Tấn Phước qua phóng sự “Theo chân người ăn ong”. Trong tình trạng chuyên trang Bút ký – Phóng sự hàng tuần của báo ăn đong từng bài, đọc được cái phóng sự đường rừng với đủ các chất: lạ, mạo hiểm, ngồn ngộn kiến thức về ong…, tôi rất vui mừng. “Theo chân người ăn ong” ngoài việc miêu tả sự gian khó trong cảnh luồn rừng sâu tìm kiếm, miêu tả những đường ong vận chuyển, cách đi theo ong lấy mật, đặc điểm những cánh rừng ong thường làm tổ… còn toát lên tư tưởng “đạo ong” là: phải gìn giữ giống nòi ong để mùa sau còn có cái mà khai thác! Từ đó, cái tên Bùi Tấn Phước được tôi bổ sung vào đội ngũ viết bút ký – phóng sự.

Sự chăm chỉ, mẫn cán, say nghề đã khiến Bùi Tấn Phước nhanh chóng tiếp cận vào công việc của người làm báo. Những ngày tháng sau đó, Phước đã liên tiếp gửi đến tòa soạn báo loạt các bút ký, phóng sự: “Ẩn họa giữa đại ngàn”, “Cóc đổ vào Nam”, “Bước ra giấc mộng vàng”… Những buồn vui, hiểm nguy và cả hậu họa của vấn nạn săn bẫy thú rừng, đào đãi vàng, tiêu diệt cóc vàng… hiện ra sinh động, tươi mới và cũng đầy trăn trở dưới ngòi bút Bùi Tấn Phước.

Nghề chính là giáo viên (dạy môn Văn ở một trường Trung học cơ sở) song Phước đã đĩnh đạt bước vào nghề báo từ chính những bài bút ký, phóng sự đặc sắc của mình.

Cuối năm 2012, Tạp chí Văn nghệ Bình Định củng cố và phát hành bộ mới, Phước đã trở thành cây bút chủ lực chuyên trang Bút ký của tạp chí. Ở môi trường mới, “đất” dành cho bút ký rộng rãi gấp đôi, Bùi Tấn Phước lại có dịp lựa chọn đề tài rộng lớn hơn và cũng tung tẩy cho ngòi bút phóng khoáng theo hướng văn chương. Mười năm gắn bó với thể loại bút ký và giờ đây, tập sách “Đi trong miền xanh thắm” trên tay bạn là thành quả đó. 28 bút ký đẫm chất văn chương được chọn lọc ra để phù hợp với chủ đề chung của tập sách là cả một “miền xanh thắm”, có đủ không gian của những vùng rừng núi, trung du, đồng bằng và làng biển.

Sự đặc sắc trong bút ký của Bùi Tấn Phước bắt đầu từ cách chọn đề tài. Đó là những vùng đất heo hút nhưng trầm tích những ký ức vẻ vang; đó là những vùng đất đang hàm chứa những mâu thuẫn nội tại giữa cái cũ và cái mới; đó là vùng đất hồn hậu chôn giấu bao ký ức gợi mở tình người bao dung; đó là những địa chỉ gian khó với bao trăn trở, hy sinh cho cuộc sống con người. Và tất cả bút ký của Bùi Tấn Phước đều hướng đến sự trao truyền năng lượng tích cực, sự vượt khó vươn lên, sự reo vui từ thành quả…

Điều đáng quý ở Bùi Tấn Phước là chất báo, chất văn lại nằm trong con người thầy giáo khuôn thước và mẫu mực. Cầm cái giấy giới thiệu làm báo nhưng những nơi Phước đến không bao giờ là văn phòng sang trọng, người Phước tiếp xúc không bao giờ có tạng comple, cà vạt… Phước chỉ đến những nơi đèo heo hút gió, đến với đồng bào một nắng hai sương… 28 bút ký trong tập sách đã có gần một chục bài Phước viết về những sự đổi thay ở những vùng rừng núi heo hút: Hoa trên núi Mun, Sơn Triều xanh lại màu xanh, Nơi bình minh đến sớm, Mùa xuân trên những hóc hồ, Đời gọi vui về rẻo cao Gò Đồn, Rừng Bà Bơi – tình người tình đất, Bok Tới mùa xuân yêu thương… Rồi lại viết về thân phận những con đường, ít ai để ý, ít ai biết tới: Đôi chân một con đèo, Qua truông, Đường vui nay bước thênh thang, Con đường ngang ngõ làng tôi… Hay viết về những trăn trở từ những làng nghề: Hạt muối Mỹ Thành, Xuân ấm trên đất trăm nghề, Hồn đất Phú Phong, Hương kiệu Mỹ Trinh… Phước cũng dành cho những vùng kháng chiến những trang viết đẹp nhất về tình người, tình đồng đội yêu thương: Đẹp mãi tên người du kích Lộ Diêu, Tìm anh trong cõi lặng… Đất nước đi vào công nghiệp hóa cuốn theo nhiều đổi thay về công cuộc xây dựng, quy hoạch, Phước lại về bắt đầu từ thôn dã để reo vui cùng những bộn bề ở nông thôn trên con đường đô thị hóa: Phố hóa làng chài, Hoài Nhơn rộn ràng thị xã…

Dù là viết ở đâu, viết về đối tượng nào thì ngòi bút của Bùi Tấn Phước vẫn luôn thấm đẫm tính nhân văn với cái nhìn tích cực về cuộc sống: Lên núi khám mây trời, Nhịp đời vẫn gõ giữa trại giam…

Bút ký của Bùi Tấn Phước không đơn thuần là miêu tả, là thông tin, mỗi bài viết đã trở thành một tác phẩm văn chương truyền tải cảm xúc. Cái khéo của Phước là biết lựa chọn những đề tài mà mình thấu cảm. Nếu không, chí ít Phước cũng nuôi dưỡng, nghiền ngẫm cho ngấu cảm xúc trước khi ngồi vào bàn phím. Chính vì vậy mà có nhiều bút ký Phước viết như truyện ngắn. Cũng xây dựng hình tượng nhân vật, diễn biến tâm trạng, phân tích nội tâm… Tất nhiên đó không phải là nhân vật hư cấu. Đọc bút ký Con đường ngang ngõ làng tôi bạn đọc sẽ thấy cái tài đó của Phước. Trong bút ký này các nhân vật Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Cường, bà Ba Bến, ông Ba Sinh đều là những nhân vật của truyện ngắn với đầy đủ các diễn biến tâm trạng. Ông Bí thư xã lo lắng vì khó đả thông cho công cuộc giải tỏa ruộng vườn để làm đường theo chủ trương chung. Bà Ba Bến, ông Ba Sinh đều có những tâm trạng khác nhau đầy uẩn khúc khi phải cắt đất, cắt vườn của mình cho quy hoạch đường. Và chính tác giả là nhà báo, nhà giáo đã phải nhập cuộc và công cuộc làm dân vận và thành công… Nói nó là những chi tiết hấp dẫn của truyện ngắn, rất đúng, song vì nó thật còn hơn cả sự thật nên nó là bút ký!

Là người trực tiếp biên tập những bút ký của Bùi Tấn Phước trước khi đăng tạp chí, tôi thường cắt bỏ những đoạn Phước sa đà tả cảnh miên man. Tôi biết mỗi chuyến đi của Phước là bứt ra khỏi không gian trường học để được hít thở không khí rộng rãi của vùng thiên nhiên mới; lãng đãng với cảnh quan, vươn vai cùng không khí trong lành… Chuyện đó không có gì lạ nhưng giới hạn của bút ký không cho phép anh cứ lan man với cảnh với tình theo mỗi bước chân. Vậy mà có nhiều đoạn tả cảnh trong bút ký của Phước tôi không sao gạch bỏ được. Đọc đi đọc lại rồi quyết giữ nguyên.

Năm 2017, Bùi Tấn Phước cho ra đời tập truyện ngắn “Chuyện còn ở lại” và tập bút ký này đã là tập sách thứ 2. Mười năm theo nghiệp viết để có được 2 tập sách là một nỗ lực trên cả tuyệt vời của “ông giáo làng” vốn không coi văn chương là sự nghiệp đời mình. Duyên đến thì giữ và dìu nhau đi trên đường đời bất kể là khó khăn nhưng lại tràn đầy hạnh phúc!

Tôi mừng cho Bùi Tấn Phước và luôn tin cậy vào lối làm việc tràn đầy trách nhiệm trước mỗi con chữ, bởi trong con người hiền hòa, mô phạm của ông giáo Phước là tố chất của một nhà báo, nhà văn đích thực!

TRẦN QUANG KHANH

(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.