Món quà của Chúa

(VNBĐ – Truyện ngắn). Vừa thu xếp xong chỗ ăn ở cho đứa cháu du học ở Mỹ, tôi bay vội qua San Jose vài ngày để thăm vợ chồng Phúc trước khi về Việt Nam. Sau một hồi trò chuyện, tôi hỏi Phúc:

– Mầy có thường gặp Đôn không?

– Nó chết rồi!

– Trời! Lần trước gặp tao thấy nó còn khỏe mà!

– Nếu nghĩ kỹ, thì cuộc đời là một bóng câu mà cửa sổ thì rất hẹp. Những ba năm… biết bao chuyện đã xảy ra!

Trước ánh mắt dò hỏi của tôi, Phúc bỗng hạ thấp giọng và nói một câu làm tôi giật mình: “Trong đời sống, đôi khi tai họa cũng là một may mắn bất ngờ!”.

Tôi há hốc mồm. Phúc cầm tách cà phê uống một ngụm, như thể đang kéo dài thời gian để tìm lời giải thích.

– Thật tội! Nhưng tao nghĩ là Đôn được giải thoát!

Trời ơi, Phúc đang nói gì thế này! Càng lúc tôi càng mù mờ…

Sau khi về lại San Jose, Đôn bần thần như kẻ mất hồn. Ai cũng tưởng là nó đã thu xếp về Sài Gòn để bình yên sống những ngày cuối đời như mong muốn, nhưng định mệnh đã đâm vào trái tim nhạy cảm của nó những vết thương chí tử.

Mấy năm trước nhiều bạn bè đã khuyên nó cứ sống ở đây, nhưng nó chẳng chịu nghe. “Xin các bạn đừng nói với tôi về vấn đề chính trị. Tôi quay về là chỉ để tìm cái tình người. Thể chế nào cũng chỉ một thời, còn quê hương là mãi mãi”. “Tôi chỉ muốn trở về nơi tôi sinh ra và sống suốt thời thơ ấu. Những lần về thăm tôi cứ muốn tìm lại những nơi chốn và kỷ niệm…”.

Thế nhưng khi về đến sân bay, nó không muốn về nhà mà gọi điện xin đến ở nhà tao vài hôm. Tao thật bất ngờ nhìn thấy một thân hình không còn thần sắc. Bước vào, nó ôm chặt lấy tao rồi nước mắt chảy dài.

Tao ôm bạn mà chẳng biết nói gì. Trong nức nở, Đôn nói như thì thầm: “Phúc ơi, cảm ơn vợ chồng mầy đã gần gũi tao trong giờ phút này. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tao gặp những người đã cùng tao đi chung một chuyến đò và không bỏ tao một mình khi bão đến”.

Chưa hiểu chuyện gì nhưng tao cảm nhận là nó đang đau lắm.

Sau mấy ngày ở nhà tao thì Đôn về nhà nhưng khép mình với thế giới bên ngoài. Tao thấy những ngày đầu nó còn trả lời vài cuộc điện thoại nhưng sau đó thì im luôn, cứ đi đi lại lại trong nhà, di dời vài vật dụng, cầm trên tay quyển sách, mở một hộc bàn nhưng đóng liền sau đó. Rồi cứ thế, bước qua một căn phòng khác, lập lại những động tác di dời, rờ rẫm, mở rồi lại đóng…

Lúc đó tao chỉ lờ mờ hiểu rằng Đôn vừa bị ai lừa. Nhưng nó không nói… Rồi sự uất ức câm lặng như đang bào mòn gan ruột nó.

Nghe Phúc kể tôi cũng nghĩ vậy. Ở Việt Nam lúc này chuyện lọc lừa xảy ra như cơm bữa, nhất là sau cái thời gọi là “mở cửa”. Nhiều người lợi dụng tình thân, tình bạn, dùng xảo ngôn để biến họ thành kẻ cung cấp tiền bạc vật chất để tiêu xài. Nhiều kẻ nhận trợ giúp, mới đầu cũng xem đó là ân huệ, nhưng ân huệ biến thành bổn phận lúc nào không hay, cuối cùng xem ân nhân là một con mồi. Nghĩ thế, tôi buột miệng: “Đã có nhiều người… mang hoa hồng đến cho đời nhưng tay bị gai đâm!”.

– Thật là khốn nạn! Dường như bản chất con người thời nay là vô ơn, nông cạn, giả dối!

– Bọn này không giỏi giang nhưng nhiều mưu mẹo, biết sử dụng bản năng của loài thú trước con mồi, biết quay lưng với lời thề và không bao giờ câu nệ chữ tín.

– Chúng ta sinh ra với hai bàn tay trắng, lìa đời cũng chẳng mang gì theo, nhưng giữa hai thời điểm đó chúng ta cứ dùng mọi thủ đoạn để giành giật của cải.

Về Mỹ mấy tháng mà lòng Đôn vẫn chưa nguôi. Nuối tiếc, tủi hờn, đớn đau, giận dữ cứ theo nhau trào ra, bóp chết những nỗi niềm, hy vọng mà vì nó đời Đôn như có một mục đích. Mỗi khi vợ chồng tao đến thăm, nhìn nó mà cứ tưởng đang thấy một người khác: hàm râu mọc dài, má hóp, hai hốc mắt trũng sâu như không còn ánh sáng. Đó không còn là Đôn. Nếu còn, chỉ là thể xác. Còn tinh thần thì đã bỏ lại ở phía sau lưng.

Điều tệ hại là nó chẳng thấy vì điều gì để sống.

Chị Tâm vợ Phúc lúc này cũng vừa mang tách trà vừa pha đặt lên bàn. Nghe chúng tôi nói về Đôn, chị cũng nhập cuộc:

– Ôi, câu chuyện của anh Đôn cũng chỉ là tiền bạc! Không hiểu sao con người không thể vượt lên cái tầm thường, để sống một cuộc sống xứng đáng và nhân ái hơn.

Thấy tôi gật đầu chị Tâm liền ngồi xuống và tiếp tục câu chuyện.

Mấy năm trước, Đôn thấy mình như chiếc lá vàng, chỉ muốn tìm về cội. Sau 30 năm sống ở xứ người, anh muốn về quê để sống những ngày còn lại. Liên, vợ anh không đồng ý, anh phải bỏ bao nhiêu công sức để thuyết phục. Cuối cùng, Liên đành chiều chồng, nói có thể đi đi về về, rồi sau khi đã quen với đời sống ở Việt Nam thì hãy tính sau. Thôi thì, ở đâu cũng là nhà.

Thuở đó giá nhà chưa cao lắm nên Liên đã nhờ Hoa, cô em út của mình đứng tên mua một căn nhà nhỏ ở Quận 3. Hoa nói là trong gia đình cả, nên đề nghị con trai mình là Thành đứng tên. Đôn đồng ý.

Thời điểm đó luật Việt Nam cũng sắp quy định người Việt định cư ở nước ngoài được mua nhà, nhưng do ngại mất thời gian, thủ tục… nên nhiều người nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên. Liên chọn cô em út vì nghĩ rằng Sơn chồng cô cũng là người hiền lành. Liên biết ba mẹ Sơn là người đạo đức và nhiều năm trước Sơn cũng đã từng chịu nhiều ơn huệ của vợ chồng mình.

Sau đó thì Đôn bắt đầu lên kế hoạch cho ngày hồi hương. Liên thấy chồng hớn hở nên cũng vui lây.

Nhưng không ai có thể ngờ là định mệnh đã bất ngờ ập đến!

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Một ngày cuối tuần, Đôn đi bệnh viện thăm bạn rồi trên đường về có tạt qua đây thăm anh Phúc. Đang trò chuyện thì trên ti vi có “Breaking news” loan báo có một vụ xả súng ở địa phương: Một người đàn ông từ bãi đậu xe bên ngoài siêu thị Walmart lao ra, tay cầm súng và bắn như điên dại. Trong số 5 nạn nhân thiệt mạng có 3 người là nam giới, 2 phụ nữ, còn 8 người khác bị thương. Bản tin cũng cho biết là ngay sau đó thủ phạm đã bị bắn chết.

Chúng tôi ngồi uống trà, dửng dưng như nghe những việc thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở Mỹ.

Nhưng khi Đôn về đến nhà mà không thấy vợ. Anh hoàn toàn không biết lúc anh đi vắng thì con trai anh gọi điện rồi đến chở mẹ đi mua sắm. Khi cả hai vừa bước ra khỏi cổng thì súng nổ: Trong số 5 người chết đó có cả vợ và con anh!

Sau cái ngày định mệnh đó Đôn trở nên lầm lì, ít nói. Tính tình cũng đổi khác, dường như anh không còn ham thích bất cứ thứ gì. Không bơi lội, không sách báo, không phim ảnh. Nhiều lần anh cứ lái xe mà không biết đi đâu. Anh thấy tháng ngày nhàn rỗi và mình như sống bên lề cuộc đời, không quan tâm đến được thua, ai còn ai mất.

Chỉ mấy tháng mà người Đôn gầy đi như ngoài xương ra chỉ còn một chút thịt. Khuôn mặt anh giống một cái khung có gắn lớp da màu thâm đen, ngả màu xanh. Hai hốc mắt sâu như hai cái hố vừa đào hết đất. Nhiều lần vợ chồng tôi nhìn thấy anh từ phía sau… cảm giác đang nhìn một bộ xương mặc quần áo. Lúc Đôn quay lại, tôi thấy ánh mắt anh không còn thần sắc.

Thương Đôn sống một mình nên vợ chồng tôi đưa anh đi bác sĩ. Họ bảo là anh bị trầm cảm và chuyển sang bác sĩ tâm lý, nhưng sức khỏe tinh thần của anh vẫn không tiến triển. Nhiều lần anh cứ kêu tên vợ con và lẩm bẩm “Việt Nam! Việt Nam!”.

Đời sống ở Mỹ quá đơn độc. Đôn sống một mình trong căn nhà rộng nên càng thêm cô quạnh. Bạn bè bàn với nhau là nên đưa anh về Việt Nam, đông vui, có thể tình trạng của anh sẽ khá hơn. Hơn nữa, anh Đôn cũng đã có nhà ở Sài Gòn rồi.

Quả thật, chỉ về Sài Gòn có mấy tháng mà tình hình của Đôn có vẻ khá hơn. Ở quê nhà, gặp lại những người bạn cũ thì anh vui và phấn khởi hơn nhiều.

Đôn quay về Mỹ để giải quyết các tồn đọng, làm các thủ tục về sống hẳn ở Việt Nam. Nhưng khi về lại Sài Gòn thì Đôn không vào được căn nhà mình đã mua.

Kiểm tra thì ổ khóa cửa đã bị thay.

Không thể có chuyện nhầm lẫn! Anh gọi điện cho Hoa thì cô em vợ lấp lửng: “Vậy sao? Em chẳng hiểu gì cả!”.

Đôn biết có biến! Anh thuê phòng khách sạn và suốt đêm lên tìm các thông tin trên mạng.

Đêm đó Đôn không ngủ được. Anh lên mạng đọc lại câu chuyện của một người quen: Một Việt kiều Mỹ đã chuyển tiền cho người cháu mua và đứng tên một căn nhà nhưng về sau người cháu nói là nhà của mình. Bà đâm đơn kiện và chứng minh được số tiền mình gửi về để mua nhà. Nhưng khi xét xử, giá trị ngôi nhà tăng nên tòa yêu cầu người cháu trả lại đúng số tiền mà bà gửi về, còn số chênh lệch là “công sức quản lý nhà” của người cháu! Vụ kiện kéo dài, gây không ít phiền toái vì… có yếu tố nước ngoài, phải ủy thác tư pháp, tốn thời gian và chi phí.

Trong buổi gặp mặt ở nhà cô em vợ để làm sáng tỏ thì anh như không thể tin vào tai mình:

– Nhà nào là của dượng?

Đôn sững sờ nhìn Thành, đứa cháu mà trước đây hàng tháng vợ chồng anh đều gửi tiền giúp nó ăn học. Tia mắt đỏ rực, Thành nhìn anh như sẵn sàng đối phó. Anh chưa kịp trả lời thì một câu hỏi khác được bồi thêm như một cú “knock out”:

– Tiền nào là của dượng? Chứng minh đi!

Mặt đất dưới chân Đôn nứt ra. Anh thấy mình như đang rơi xuống hố. Vì anh đâu có giữ các chứng từ. Gần hai mươi năm anh đã giúp gia đình cô em này và quá bất ngờ.

– Sẵn, nói luôn! Dượng đừng nói là đã gửi tiền để con ăn học. Thú thiệt nếu không cố gắng thì sao hôm nay con trở thành luật sư? Thành công của con, nói cho dượng biết, đó chỉ nhờ nỗ lực cá nhân mà thôi.

Mặt Đôn tái nhợt! Hai chân anh run run như đang lên cơn sốt.

– Con Thúy cũng vậy. Nó giỏi và cố gắng nên tốt nghiệp bác sĩ chứ không có ai học giùm cho nó đâu!

Đôn nhìn Hoa, nhìn Thúy, nhìn Thành rồi quay qua nhìn Sơn. Anh thấy Sơn lườm mắt nhìn Thành, ý bảo phải ôn hòa. Lúc đó Đôn mới run giọng giải thích cho cậu em vợ hiểu, nhưng con cáo này điềm tĩnh lắng nghe mà không phản kháng. Sơn không ồn ào, nhưng ý định bao che, giúp con chiếm đoạt thì không kém phần dứt khoát. Khi nghe trách, cậu làm bộ lắng nghe cho đến khi Đôn dứt lời thì phớt lờ, ngồi im, phì phèo thuốc lá. Thái độ tỉnh bơ ấy làm Đôn nổi điên hơn bất kỳ sự chống đối nào. Bàn chân anh khẽ chạm cái túi xách để dưới chân. Anh nhớ đến con dao Thái Lan mà mình thường mang để gọt trái cây đang nằm trong đó. Ý nghĩ sôi bỏng trong đầu. Anh toan đâm chết thằng em rể khốn nạn. Nhưng… một ánh mắt đã làm anh khựng lại. Khuôn mặt buồn bã của Hoa, sao anh thấy giống khuôn mặt của Liên, người vợ quá cố của mình. Dẫu biết Hoa cũng có phần nào đồng lõa, hay ít ra thụ động trong âm mưu, nhưng để nó đau khổ vì mất chồng, mất con… Cảm giác như mình sẽ làm vợ mình buồn. Và thế là bắp thịt anh giãn ra, chùng xuống, anh ngồi bất động.

Tất nhiên anh thừa biết cả gia đình này đang đóng kịch. Mỗi người đều cố làm tròn vai diễn: Con Thúy cúi gằm đầu không nói. Mặt thằng Thành hiu hiu tự đắc. Diễn viên yếu kém là Hoa, ánh mắt ngượng ngùng của cô nhìn anh nửa như bẽn lẽn nửa như phải phục tùng vì sợ chồng con. Và điều làm anh nộ khí xung thiên nhất vẫn là thái độ giả dối của Sơn, không tỏ ra thô lỗ nhưng rất lạnh lùng.

Anh biết mình thua đậm, mọi lý lẽ lấy lại căn nhà anh đều không có. Đôn nói trong uất ức:

– Tiền, tiền… đồng tiền khốn nạn đã làm chúng mầy hư hỏng. Đồng tiền trời tru đất diệt!

Khi anh dợm đứng lên, Thành nói với theo:

– Dượng đừng nổi nóng! Dù gì thì cháu cũng là cháu ruột của dì Liên. Phù sa không nên chảy vào ruộng của người ngoài. Dì mất rồi, dượng chẳng còn vợ còn con, thì tài sản của dượng trước sau gì cũng để lại cho các cháu! Vì để lại cho các cháu bao giờ cũng tốt hơn cho người ngoài! Vẫn còn hơn bị nhà nước sung công!

Máu nóng trong người Đôn bốc lên. Thành thấy thế, đắc chí quật cho anh một đòn chí mạng:

– Khi chết thì dượng còn dùng nhà cửa để làm gì? Mà thực ra bây giờ cháu cũng chưa cần căn nhà, chờ cũng được. Nên vấn đề sang tên trước cũng chỉ là “đi tắt đón đầu”, làm trước thời hạn vậy thôi.

Đôn biết là chúng đang khiêu khích và chờ đợi những lời mắng nhiếc cuối cùng của anh để hợp thức hóa và trọn hưởng căn nhà. Lời chửi mắng nhằm để chúng “hóa giá”, huề. Biết, nhưng anh không nhịn được. Đá chiếc ghế: “Thật là khốn kiếp!”, rồi anh bỏ đi. Bước thật nhanh như trốn chạy mùi xú uế!

***

Bị dứt ra khỏi thế giới yêu thương, Đôn chao đảo như con chim bị chặt cánh. Trong tất cả sự gian manh và tham ác, có lẽ chưa có tội ác nào điên rồ và vô luân hơn là lừa lọc những người thân. Nhân danh gia đình, chọn nạn nhân là kẻ còn tin ở tình người thì đúng là sự đốn mạt nhất của xã hội.

Trên chuyến bay về Mỹ một nỗi buồn mênh mông và ghê gớm xâm chiếm lòng anh: cái giá trị thiêng liêng về gia đình mà vì nó vợ chồng anh đã hy sinh bây giờ đã tan tành.

Có một điều nữa đã làm đảo lộn mọi dự tính: Đôn không còn muốn về Việt Nam nữa. Anh không muốn về nơi mình đã sinh ra nữa mà chọn ở lại nơi đã cho anh tri thức và cuộc sống. Anh nhớ lại lời vợ: “Tro bụi thì ở đâu cũng là tro bụi”.

Sau cái ngày đó, Đôn như không còn là mình. Những cử động của anh đều khó nhọc, như không còn sinh lực. Bạn bè thường thấy anh ngồi im, đôi mắt thâm quầng và trống rỗng. Cái ốc đảo bình yên nằm giữa dòng sông đầy kỷ niệm của anh như vừa bị một con tàu vĩ đại đâm phải, chấn động và sạt lở. Đôi mắt hiền lành, nhân ái của anh, xưa nay chỉ quen với sách vở đã phải chứng kiến những âm mưu đến từ địa ngục. Bộ não của anh dường như cũng đang lung lay và sụp đổ. Trí nhớ bắt đầu có vấn đề. Nó như sắp ngưng hoạt động, thỉnh thoảng anh ngơ ngác nhìn chằm chằm vào mắt bạn bè như cố lật tìm trong trí nhớ, đó là ai.

Đôn đã không còn như ngày xưa. Cũng như cái thế giới trước mặt anh không còn như trước. Lúc này, Đôn chỉ là hiện thân của một mảnh đời khốn khổ, một kiếp người còn vương lại giữa trần gian khổ đau và điên dại.

– Thế thì ai sẽ trả lời trước Chúa về cái mảnh đời này?

Kể xong câu chuyện, chị Tâm thốt lên câu hỏi mà cả ba chúng tôi chỉ biết đưa mắt nhìn nhau.

***

Trước đây Đôn là một người yêu thích thể thao, bóng bàn và bơi lội. Sau một ngày làm việc, rảnh lúc nào là anh xách vợt ra sân hay nhảy ùm xuống nước. Nhưng lúc này anh không còn muốn làm gì…

Cách đây chừng 6 tháng, anh bị ói, vợ chồng tôi chở anh vào cấp cứu. Trên đường về nhà, anh nhìn tôi và nói: “Đến tuổi 70 mà ba lái xe giỏi quá!”. Tôi sửng sốt, ngỡ anh đùa.

Nhưng khi anh cứ kêu tôi bằng “ba” và tỏ ra không biết tôi là ai, tôi lờ mờ hiểu ra mọi thứ.

Bác sĩ chụp hình, làm các cuộc khảo nghiệm, cho biết trong đầu anh có nước và còn chẩn đoán là anh bị chứng mất trí “dementia” – một dạng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Không thể bỏ bạn, vợ chồng tôi đành phải đưa anh về nhà để chăm sóc. Phần vì thương anh, phần đáp lại cái nghĩa mà anh đã hết lòng giúp vợ chồng tôi trong những ngày đầu cơ cực.

Phiền một nỗi là có lúc anh không tự chủ trong vấn đề vệ sinh. Mùi nước tiểu, mùi phân nồng nặc khắp nhà. Hai vợ chồng tôi phải thường xuyên lau, dọn. Những tháng về sau anh không thể tự giữ thăng bằng. Không thể ngồi vững, không thể đi. Lúc ngã, anh không thể tự ngồi dậy.

Bác sĩ nói bệnh anh không thể chữa trị!

Ba tháng sau đó, bất kể mưa nắng, tôi tập cho anh đi, từ trong nhà ra sân. Anh bước được, tuy không nhiều. Nhưng sợ nhất vẫn là những khi anh ngã. Bởi, anh không thể điều khiển được não để có thể lay chuyển, nương theo sự giúp đỡ. Anh không thể vịn vào tôi để từ từ đứng lên. Tôi kê chiếc ghế bên này, kê thêm ghế bên kia. Ðỡ anh tựa đằng này. Nâng anh phía đằng kia. Bằng mọi cách phải nâng được anh dậy.

– Từ ngày thấy Đôn bệnh, tao cũng bỏ hết mọi thú vui, thấy cuộc đời phù du và chán ngán nhân tình thế thái. Tâm lý tao chao đảo và nỗi buồn chán vây quanh. Có lúc tao ngồi vào một góc, ngẫm nghĩ về tương lai mờ mịt của phận người.

May mà tao còn có vợ để tâm sự, san sẻ phần nào những buồn đau. “Có lúc nghe Đôn gào, la hét như để giải tỏa những uất ức, tao cứ sợ là tim nó sẽ vỡ. Khi chạy đến thì cả người nó đông cứng, mắt nhìn như hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy ba?”.

Tao lại phải dịu dàng: “Mầy ngồi xuống đi, tao đỡ!”. Chăm sóc một đứa bé bị bệnh, một người lớn bị ung thư, có lẽ còn dễ hơn rất nhiều so với chăm sóc một người mất trí nhớ mà toàn thân xơ cứng. Bởi người bệnh hiểu mình nói gì, còn Đôn, nó không biết gì hết. Nó chỉ cười những khi tao dịu giọng hay co rúm mỗi khi sợ hãi.

Có những lúc quá căng thẳng hay mệt mỏi tao nhờ Tâm trông chừng nó vài tiếng để ra ngoài cho khuây khỏa. Nhưng đi rồi khi trở về, tao càng cảm thấy chán chường hơn.

Thú thật cũng có lúc tao đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc trong việc chăm sóc nó, vì tao biết là không có hy vọng gì nữa. Tao cảm thấy mệt mỏi. Nhưng không đành lòng! Thế rồi vợ chồng tao lại tiếp tục lo cho đến ngày nào nó ra đi hay đến khi không thể lo được nữa. Mầy thấy đấy, vợ chồng tao cũng đã quá 60, đâu có còn trẻ nữa!

Nghe xong câu chuyện tôi nhìn Phúc với ánh mắt thất thần. Một kiếp người có thể rơi vào hoàn cảnh như thế được sao? Định nói vài lời để xóa tan cái không khí nặng nề, u uất… nhưng Phúc đã đột ngột nói tiếp:

– Rồi Đôn đi! Nó đã bay đi tìm Liên, người vợ mà nó suốt đời yêu quý. Đi nhẹ nhàng, như chìm vào giấc ngủ và tao nghĩ đây mới chính là phút hạnh phúc nhất đời nó.

Thấy tôi tròn mắt, Phúc trầm ngâm một lát:

– Cả đời Đôn nhọc nhằn và nếm trải mọi thứ tai họa nhưng cuối đời nó đã lãng quên: Không nhớ gì về quá khứ để khỏi hâm nóng sự khổ đau. Nó bình thản ra đi, quên hết mọi hệ lụy của cõi đời. Đó chính là món quà của Chúa!

Tối đó, tôi trằn trọc suốt đêm. Hình bóng Đôn cầm ly bia uống từng ngụm nhỏ mới ba năm trước choáng ngợp tâm hồn tôi. Bình minh lúc đó cũng vừa ló dạng. Ngày đang ửng sáng. Những vì sao trên cao dường như cũng tắt dần. Tôi bước ra ngoài. Thấy se lạnh nên vội nép mình vào một thân cây để tránh gió. Rồi một cơn rùng mình rất khẽ. Một dòng nước ấm bỗng lăn trên má, chạy xuống môi. Khi đưa tay dụi mắt, tôi bỗng thấy Đôn và Liên đang ôm nhau, hai bóng mây như đang yêu thương và che chở sau những bất hạnh kinh hoàng trên cõi thế.

TRƯƠNG VĂN DÂN

(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyện tầng 4

Tôi là đàn bà xấu. Người ta bảo đàn bà xấu không được nhận quà. Từ bé tôi đã buồn não ruột về chuyện dung nhan thua kém đàn bà trong thiên hạ…

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…