(VNBĐ – Nghiên cứu và phê bình).
Từ hai câu ca:
Người Việt trong quá trình Nam tiến đã để lại câu ca thể hiện mối liên kết tình quê giữa 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa:
Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
Mang dáng dấp mối tình giống như vậy, riêng Bình Định cũng có câu:
Em về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng
Thông thường câu ca xưa lưu lại đời sau ít nhiều gì cũng có dị bản, nên với câu ca nói trên có bản “Ai về” thay vì “Em về”, “Quê chồng” thay vì “Quê chàng”. Những biến dị này thể hiện sự trải bày cảm xúc tùy lúc được sử dụng trong sinh hoạt làng quê, như hát ống, hò giã gạo ngày trước. Tuy nhiên danh xưng làng xã trong câu được biến đổi, như “Phú Gia” thay cho “Phú Đa”, đây là điều khá lý thú trong việc tìm hiểu cội nguồn địa danh qua tục ngữ, ca dao, để từ đó hình dung ra bối cảnh xã hội làng mạc lúc xưa.
Phú Gia là thôn thuộc xã Cát Tường huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày nay. Còn Đập Đá là địa danh nay thuộc khu phố Phương Danh phường Đập Đá, và Gò Găng thuộc khu phố Tiên Hội, phường Nhơn Thành thị xã An Nhơn. Có lý giải, Phú Đa trong câu ca là chợ Phú Đa thuộc thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn hiện nay.
Lần về nguồn cội các địa danh:
Đập Đá xưa thuộc làng Phương Mính tổng Thời Đôn. Phương Mính viết theo Địa bạ triều Nguyễn [芳茗] hàm nghĩa là Trà thơm. Quãng triều Tự Đức, khi 2 tổng Thời Đôn và Thời Hòa của huyện Tuy Viễn nhập tách thành 4 tổng An Ngãi, Nhơn Ngãi, Mỹ Thuận và Phú Phong, làng Phương Mính thuộc tổng An Ngãi, được đọc ra thành Phương Minh, về sau lại cải làm Phương Danh. Với cổ ngữ, tự dạng Mính [茗] cũng đọc là Minh, còn Phương Danh [芳名] với ý nghĩa là Tiếng thơm, tiếng thơm làng Phương Danh thuở bấy giờ vang xa khắp nơi. Phương Danh và Bằng Châu là làng nằm bên cạnh thành Đồ Bàn của người Chiêm, cũng là Hoàng Đế thành của triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nên người nơi đây thuần thục những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ sinh hoạt cuộc sống đất kinh đô. Nhưng xem ra người đời lại biết Phương Danh bằng tên gọi Đập Đá nhiều hơn.
Sông Côn từ thượng nguồn chảy xuống đến thôn Hòa Phong thuộc xã Nhơn Mỹ thị xã An Nhơn thì tách làm 2 nhánh. Nhánh phía Bắc khi chảy qua Tân Kiều cũng thuộc xã Nhơn Mỹ thì chia làm 2 dòng. Một dòng theo hướng Đông Bắc chảy qua thôn Thuận Chánh hướng về Phú Thành, Nhơn Lý thành sông Gò Găng, một dòng chảy qua thôn Phương Mính hướng về Đa Tài làm sông Thạch Yển, tên như vậy là gọi theo đập bổi (Yển) hằng năm được đắp trên nền đá (Thạch) của đoạn sông này. Đập Đá là ngữ nghĩa nôm na người đời gọi cho Thạch Yển. Con đập đã làm nên tên gọi con sông, đã làm thành địa danh nơi đây lưu lại đến tận bây giờ. Xưa đã từng có câu ca nói lên tâm trạng những người quy tụ về đây:
Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em
Thạch Yển từ hồi Minh Mệnh đã ghi nhận công trạng hai người phụ nữ có công khai mở nguồn nước, đắp Yển dẫn nước tưới khắp vùng ruộng chung quanh, vua ban cho (sắc tứ) 2 bà với danh hiệu Châu Thị Ngọc Mã, Trần Thị Ngọc Lân để dân nơi đây thờ phụng. Miếu nay vẫn còn nằm kề bên con đập xi măng gần đấy. Đập xi măng hình thành vào năm 1916 do hội Bảo Nông của phủ An Nhơn xây dựng bằng chất liệu kết dính người Pháp mới đưa vào, đang dùng cho công trình xây lắp tuyến đường xe lửa Bắc Nam. Đập bổi được thay bằng đập xi măng, Đập Đá thời ấy là đập xi măng có mặt đầu tiên ở Trung kỳ, đập Đồng Cam của tỉnh Phú Yên đến năm 1927 mới bắt đầu khởi công. Năm 1917, Thượng thư bộ Công, Cơ mật viện đại thần Đoàn Đình Duyệt trong chuyến hành trình vào Đà Lạt về triều có ghé Bình Định, ông đến tham quan Đập Đá mới xây dựng đã nhận xét: “Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài…”.
Gò Găng là tên gọi dòng Bắc nhánh Bắc của sông Côn khi chảy xuống Hòa Phong, Tân Kiều bắt đầu tách thành các chi lưu. Chi lưu dòng Bắc của nhánh Bắc hầu hết đi qua các làng thuộc địa phận huyện Phù Cát bấy giờ để đổ ra đầm Thị Nại như Vĩnh Lại, Châu Thành, Phú Thành, Lý Nhơn, Chánh Mẫn, Hữu Pháp… Kể từ thời Minh Mệnh khi tách Phù Ly làm 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, tách Tuy Viễn thành 2 huyện Tuy Viễn và Tuy Phước, các chi lưu sông Côn có mặt cả 3 huyện Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước nên sông Côn bấy giờ được đặt tên là sông Tam Huyện – Tam Huyện Giang [三縣江].
Không chỉ với thủy lộ, Gò Găng còn là dịch trạm nằm trên đường thiên lý thời nhà Nguyễn. Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Thượng thư Lê Quang Định hoàn thành năm 1806 triều Gia Long, sách cho biết Gò Găng là tên Nôm của điếm Khu Cương [塸掆], địa danh nằm phía Bắc trấn thành Bình Định (trước đó là Hoàng Đế thành của nhà Tây Sơn). Tại Gò Găng, nơi có con đường rẽ xuống hướng Đông để đến tấn thủ Nha Phiên (nay là vùng Trung Lương, Phương Phi của xã Cát Tiến huyện Phù Cát). Hoặc là từ điếm Gò Găng theo đường trạm đi tiếp lên phía Bắc thì đến điếm Hòa Dõng, nơi có nhánh rẽ về hướng Tây để đi lên thủ sở nguồn Thạch Bàn. Theo Đại Nam Thực Lục thì Dịch trạm Gò Găng đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) được cải thành Dịch trạm Bình An.
Gò Găng nằm ở vị trí đầu mối các giao lộ, nên từ xưa Gò Găng đã từng là đầu mối giao thương kinh tế trong vùng. Hiện nay nó cũng là chợ đầu mối sản phẩm đặc thù của quanh vùng đều được mang tên là “Nón Lá Gò Găng”. Nón ngựa làng Phú Gia của xã Cát Tường cũng phải nhờ đầu mối chợ nón Gò Găng mà khắp nơi biết tên biết tiếng.
Xưa Gò Găng thuộc làng Tiên Hội của xã Thời Lượng, tổng Hạ huyện Phù Ly. Ít nhất vào những năm đầu thế kỷ trước, Gò Găng vẫn thuộc huyện Phù Cát chớ không phải thuộc địa phận huyện Tuy Viễn là thị xã An Nhơn hiện nay, ngay cả các làng gần bên như Châu Thành, Phú Thành cũng vậy. Khu vực Châu Thành của phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, ngày xưa chính là địa phương có Phủ thành Quy Nhơn tọa lạc, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã dời lỵ sở từ thành Đồ Bàn ra nơi này. Đến năm 1773 Nguyễn Nhạc đã dùng kỳ mưu chiếm lấy phủ thành làm cứ địa, để rồi từ đây đánh ra Quảng Nam, đánh vào Phú Yên khởi dựng nên phong trào Tây Sơn, tranh chấp uy thế với phủ chúa Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Xem vậy, kể từ năm 1900 trở về trước, Đập Đá là địa danh thuộc địa phận huyện Tuy Viễn, Gò Găng là địa danh thuộc địa phận huyện Phù Cát của tỉnh Bình Định. Chúng đều mang trên mình diện mạo những làng mạc không chỉ dựa vào cây lúa, con trâu theo chủ trương “dĩ nông vi bản”. Tiểu thủ công nghiệp của Bình Định thuở bấy giờ đã không chỉ giải quyết tính nông nhàn, nó cùng thương nghiệp đã trở thành hình thái kinh tế gắn liền với sự phát triển của địa phương, nơi từng là kinh đô của một triều đại lẫy lừng.
Chợ Phú Đa hiện ở thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn. Tân Dân là do 2 làng xưa cùng tên Tân Long của huyện Tuy Viễn thời Minh Mệnh gộp lại, Tân Long của tổng Thời Đôn và Tân Long của tổng Vân Dương. Chợ Phú Đa Nhơn An chỉ là chợ quê sơ sài, nằm gần các chợ sầm uất nên không thấy chép tên trong Đại Nam Nhất Thống Chí và Đồng Khánh Dư Địa Chí như chợ Gò Chàm, chợ Đập Đá cùng khu vực. Quãng những năm 1948 – 1954, khi trường Collège de Qui Nhon dời về Hòa Bình xã Nhơn Phong gần đó, người Quy Nhơn cũng tản cư về lưu trú ở chung quanh, bấy giờ chợ Phú Đa mới thịnh lên.
Một câu hát đã đi vào ca dao vốn phải hình thành từ xa xưa, Phú Đa trong câu ca không hẳn là chợ Phú Đa ở Nhơn An. Bất quá thời ấy kế thừa câu ca xưa lưu truyền, biến thành dị bản cho thuận với tâm thế địa phương. Theo dòng lịch sử, chợ Phú Đa ở xã Nhơn An nổi tiếng sau tên làng Phú Đa của xã Cát Tài, huyện Phù Cát.
Làng Phú Đa xưa của Bình Định, hiện nay thuộc thôn Phú Hiệp xã Cát Tài huyện Phù Cát. Thôn Phú Hiệp gộp từ 2 thôn trước đó của triều Đồng Khánh: là Phú Đa và Phú Hội của tổng Trung Thành huyện Phù Mỹ. Năm 1832 khi Phù Ly tách thành Phù Mỹ và Phù Cát, 3 ấp Phú Lương, Phú Lương Đông, Phú Hội thuộc phường Phú Sơn của xã Sơn Quả được cải thành các thôn theo thứ tự Phú Lương, Phú Thực và Phú Hội, tất cả đều thuộc tổng Trung Bình huyện Phù Mỹ. Đến cuối triều Tự Đức thì Phú Lương được cải thành Phú Diễn, và Phú Thực cải thành Phú Đa. Ngữ nghĩa của Phú Thực chép trong Địa Bạ triều Nguyễn [富實] là thật sự sang giàu, Phú Đa trong Đồng Khánh Dư Địa Chí [富多] hàm nghĩa cũng đầy sung túc.
Làng Phú Đa xưa của xã Cát Tài huyện Phù Cát nằm ở vùng hạ lưu sông La Tinh đổ ra đầm Đạm Thủy, hình ảnh sung túc hẳn nhờ ở con tôm, con cá, hạt muối của đầm Đạm Thủy. Và hẳn là nó cũng góp phần tạo nên bộ mặt cho chợ Phù Ly, chợ Gồm xưa. Chợ Phù Ly hiện thuộc thôn Tân Xuân, chợ Gồm thuộc thôn Vĩnh Trường xã Cát Hanh huyện Phù Cát. Tân Xuân là làng Xuân Hội xưa, là phủ lỵ của phủ Hoài Nhơn năm Minh Mệnh 1826. Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (năm 1865) phủ lỵ dời ra Liêm Bình ngoài Bồng Sơn, Xuân Hội trở thành huyện lỵ Phù Cát. Sau huyện lỵ dời vào thôn Hòa Hội, rồi sau nữa dời vô An Hành, là thị trấn Ngô Mây ngày nay. Hạt muối, con cá ở chợ Phù Ly chợ Gồm, và chợ An Hành bấy giờ không thể không có mặt sản phẩm của Phú Đa.
Đầu triều Gia Long, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí mô tả con đường từ chợ Gồm đi xuống hướng Đông để đến cửa Đề Gi. Phía Nam gần kho Đạm Thủy (nay thuộc xã Cát Minh) có chợ, tục gọi “chợ mai Nước Ngọt” [𢄂埋渃𠮾], hai bên chợ quán xá rất sơ sài. Lui ngược về phía cầu Xuân Hiên chừng 928 tầm (khoảng 2.000 m) có “chợ hôm Nước Ngọt” [𢄂歆渃𠮾]. Hai chợ Nước Ngọt, một chợ nhóm buổi sớm mai, một chợ nhóm đầu hôm, chúng đâu chỉ riêng là chợ dân sinh phục vụ cư dân bản thôn, mà còn là chỗ đầu mối hằng ngày thu gom con cá, hạt muối, dành để cung cấp cho phiên chợ các nơi. Phú Đa ở kề bên, vì sao Phú Đa mang danh là sung túc sang giàu? Có thể đặt giả thiết người Phú Đa vừa là “nậu nại” làm muối, vừa là “nậu rổi” chạy tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Thời bấy giờ làm “đầu nậu”, thu nhập chẳng khác chi chợ đầu mối bây giờ.
Con đường giao thương thuở xưa, cùng hình thái phát triển thương mại không những góp phần tạo nên bộ mặt sầm uất các chợ phố thị, mà còn tạo cơ hội cho nam thanh nữ tú gặp được nhau, dù ở vùng sơn cước cho tới vùng hạ bạn:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên
Vĩ thanh
Vào thời Đồng Khánh (1885 – 1888), với các địa danh Phú Đa thuộc huyện Phù Mỹ, Gò Găng thuộc huyện Phù Cát, Đập Đá thuộc huyện Tuy Viễn của Bình Định, mỗi địa danh nằm một huyện. Mối liên kết 3 huyện thông qua câu ca Em về Đập Đá quê cha/ Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng, nó giống như mối liên kết 3 tỉnh Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em. Qua diễn đạt của câu ca, hầu như đôi vợ chồng không hẳn cùng lưu trú ở Phú Đa. Có thể họ định cư ở một vùng đất mới. Cũng có thể anh chàng ký ngụ nơi quê vợ hay quê mẹ, một thói tục lâu đời của Bình Định mà Đại Nam Nhất Thống Chí lẫn Đồng Khánh Dư Địa Chí đều chép.
Biết được cội nguồn địa danh, rõ được diện mạo của chúng trong cuộc sống làng quê ngày trước, mới cảm nhận được tình quê, sự thú vị trong câu ca xưa. Nếu lấy chợ Phú Đa xã Nhơn An gán vào câu ca cũng không có gì phải phân vân, chỉ thay đổi thời điểm bối cảnh xã hội, còn không gian vẫn không đóng khung cái cảnh sau lũy tre làng “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Duyên tình đôi lứa đến với nhau qua hình ảnh “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Nhất là nó không biểu lộ cái tệ “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” như Đàng Ngoài đã xảy ra.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ
(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)
Tài liệu tham khảo:
+ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Đại Nam Nhất Thống Chí – Viện Sử Học, Nxb Thuận Hóa 2006 .
+ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Đồng Khánh Dư Địa Chí – Nhóm biên tập Ngô Đức Thọ.
+ Lê Quang Định – Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí – Bản dịch Phan Đăng, Nxb Thuận Hóa 2005.
+ Nguyễn Đình Đầu – Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn Tỉnh Bình Định – Nxb Tp.HCM 1996.
+ Đoàn Đình Duyệt – Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký – Bản dịch Phạm Phú Thành trên Website Maxreading.