(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Bình Định được mệnh danh là Miền đất võ Xứ văn chương từ những thành tựu có tính “truyền thống” lâu đời. Võ thì sau phong trào Tây Sơn tiếp tục đạt những tinh hoa nối tiếp đến nay, được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là nơi được chọn 2 năm một lần tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền. Văn dù còn nhiều khuất lấp, nhưng những di sản còn lại từ Đào Duy Từ đến các danh sĩ thế kỷ XIX, từ thời Thơ mới đến nay, đủ để văn giới cả nước ngạc nhiên, tôn vinh.
Trung tâm của Bình Định, cái nôi chính của miền đất cũng đã “ngàn năm văn vật”, là thị xã An Nhơn và những phụ cận bây giờ!
An Nhơn: địa – văn hóa
Khi Chăm-pa xưa chính thức dời đô từ Indrapura – Trà Kiệu về Vijaya (Đồ Bàn) đầu thế kỷ XI, đến 1471 thuộc Đại Việt sau cuộc hành binh của vua Lê Thánh Tông, vương quốc này đã có gần 5 thế kỷ phát triển rực rỡ và suy vong. Đồ Bàn (Nhơn Hậu – An Nhơn nay) cuối thế kỷ XVIII được xây dựng lại là Hoàng Đế thành, vương triều Tây Sơn của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc. Không chỉ là “kinh xưa” của hai vương triều, hàng trăm năm vùng đất này còn là trung tâm phủ thành Quy Nhơn – Bình Định (1602-1898). Thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 5 (1862) nơi đây còn được lập Trường thi Hương, đến 1915 đời Duy Tân, tổ chức 22 khoa thi, lấy 355 cử nhân cho đất nước. Đất An Nhơn cứ 2-3 năm lại quy tụ kẻ bút nghiên từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, rồi đến Bình Thuận, ngựa xe lều chõng lớp lớp về thành ôn luyện, thi thố, mộng được xướng danh vinh quy.
Đặc sắc vùng trấn biên Đại Việt trên nền văn minh Chiêm Thành gom tụ những tinh hoa văn hóa qua thăng trầm lịch sử cả ngàn năm, dễ dàng hình dung An Nhơn – Bình Định, với lưu vực sông Côn chảy qua Tuy Viễn xưa (Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước,…) ra biển: dòng chảy chuyên chở theo nó những khốc liệt và hào hoa bậc nhất, sản sinh bao lớp anh hùng và nghệ sĩ trên từng thành bại, hưng phế, thành hồn cốt một vùng đất. Sử sách chỉ lưu dấu như “phần cứng”. Còn “phần mềm” là việc của văn chương, mọi thời.
Hãy xem, vùng chiến địa Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, từng là nơi lộng lẫy uy linh:
“Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành// Đây, trong ánh ngọc lưu li mờ ảo/ Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà/ Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo/ Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa” (Trên đường về – Chế Lan Viên). “Nơi, một tối, máu gào vang chiến địa/ Nơi, loa vang, ngựa hí, với đầu rơi/ Bầy voi Chàm hung hăng như sóng bể/ Hung hăng theo ánh lửa của dân Hời// Nơi, ôi những nơi, từ xưa kia, rực rỡ/ Những lâu đài, thành quách, với cung đền!/ Nơi ngựa hí xương rền vang trong gió/ Nơi vang lừng tiếng hát vạn dân Chiêm!” (Chiến tượng – Chế Lan Viên). Nếu tập Điêu tàn của họ Chế xuất hiện năm 17 tuổi “như một niềm kinh dị” với cảm hứng chủ đạo về một vương quốc thịnh đạt rồi tàn phai, thì Yến Lan – thi sĩ bản địa – lưu giữ vùng hồi quang quá khứ bằng vẻ đẹp trác tuyệt, siêu thực: “Ôi Bình Định tự thanh cao trao gửi/ Buồn xế tà qua mấy cửa rêu xanh/ Nơi đến đọng những vũng chiều lạnh đợi/ Buổi trăng gầy, gió lụy xuống mong manh.// Đây tôi sống trong thanh nghiêm thánh thất/ Đèn lưu li hao sáng mộng tràn đầy/ Lan can đổ xuống dần từng bậc bậc/ Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây” (Bình Định 1935). Hoặc: “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu li/ Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi// Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” (Bến My Lăng).
Nhiều văn nhân ngày nay về Bình Định có chung ý nghĩ trăng Bình Định khác, tháp Chàm khác, sóng biển cũng khác…, có thể đúng cảm nhận này, nhưng chắc ám ảnh nhiều từ thơ tiền nhân.
Nếu trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là vẻ đẹp thiên về những khoái cảm và đau thương trần thế, thì trăng Yến Lan đẹp vẻ huyền mị. “Chàng kỵ mã” nào? “Bậc bậc khói hương xây” nào qua “mấy cửa rêu xanh”? Nó đẹp thì đã hẳn. Nhưng bàng bạc nỗi buồn những thời gian hưng phế. Ở đây, họ Yến và họ Chế đã gặp nhau.
Tôi đã nhắc tới 3 thi sĩ trong số 4 người của “Bàn Thành tứ hữu” – Nhóm thơ Bình Định lẫy lừng thời Thơ mới: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, trong đó Quách thi sĩ kiên trì với thơ cổ, và ông là “đại diện xuất sắc cuối cùng” của thơ Đường, theo đánh giá của Hoài Thanh.
Sao lại là bốn người bạn của thành Đồ Bàn, khi Hàn là một công chức ở Quy Nhơn, Quách người Tây Sơn? Địa điểm họ thường gặp nhau trao đổi chuyện văn chương có thể nơi này nơi kia, nhưng quả nhiên khó thể dùng địa danh khác ấn tượng hơn, thời ấy, khi muốn khẳng định cùng văn giới cả nước: vừa là chất thơ lạ, vừa gắn với đặc trưng biên trấn trăm năm Bình Định, một đánh dấu bền bỉ cho những cuộc lưu dân rốt ráo sau này của đất nước “hành phương Nam”.
Trừ Quách Tấn, những người bạn thơ còn lại đi xa hơn khi tiến tới hình thành Trường thơ Loạn (ban đầu là Trường thơ Giếng loạn, lấy tên tập thơ đã thất lạc của Yến Lan), có tuyên ngôn là lời bạt cho tập Điêu tàn của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử viết. Trường thơ mới mạnh mẽ đi qua phong cách lãng mạn, vào hẳn địa hạt tượng trưng, siêu thực, với những đặc sắc riêng, thêm thi sĩ tài hoa Bích Khê – Quảng Ngãi, và nhiều cây bút khác gia nhập. Tất nhiên, những chuyển động rất nhanh của thời kỳ lịch sử này: Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trường thơ Loạn chỉ tồn tại mấy năm, nhưng đã ghi dấu vào văn học sử nỗ lực tìm tòi những độc sáng cho văn chương Việt.
Một trong những yếu tố quan trọng vì sao Bình Định hình thành chất thơ khác lạ, có phần bí ẩn, kinh dị của các thi sĩ Bình Định (hoặc sống, sáng tác ở Bình Định: Hàn người Quảng Bình, Chế – Quảng Trị) với “Bàn Thành tứ hữu” rồi Trường thơ Loạn, không thể không nhắc tới các vấn đề địa – văn hóa kể trên. Và Đồ Bàn, Hoàng Đế thành – An Nhơn, là cái lõi chính.
Lúa và thơ
Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi còn là Nghĩa Bình (chung tỉnh với Quảng Ngãi), đâu đâu cũng rập ràng bài hát Nghĩa Bình quê hương tôi của Nguyễn Đức Toàn. Bài hát có câu: “Đất An Nhơn quê hương của lúa/ Lúa trải dài trên những cánh đồng”. Một nhà thơ phản ứng trong lân rân rượu rằng, “An Nhơn sao lại lúa? Thơ chứ!”. Rồi nhanh chóng lan truyền như giai thoại văn nghệ. Thời còn bao cấp, còn hợp tác xã nông nghiệp, An Nhơn có hợp tác xã điểm toàn quốc, nhiều đoàn về tham quan học tập. Tuy cánh đồng An Nhơn không phải rộng lớn nhất, hạt lúa, đời sống dân còn nhiều khó khăn, dù sao, nhạc sĩ cứ viết vậy, ngợi ca tuyên truyền vậy. Vấn đề không phải chuyện khổ nghèo, mà, tự hào lúa không… sang bằng cái đáng tự hào hơn là thơ!
Chuyện vui thôi, những lúc tụ bạ thơ rượu, nhưng có niềm tự hào thật của giới cầm bút: nhà thơ lớn Yến Lan sau năm 1975 đã về lại ngôi nhà cũ, sống và sáng tác bên cửa Đông, thành xưa. Chứ sao, nhân vật của Bàn Thành tứ hữu lẫy lừng đây, cái bến My Lăng huyền thoại của ông là bến sông Trường Thi, cách nhà non cây số! Ngay tên sông cũng hình thành từ hơn nửa thế kỷ điểm Trường thi Hương tấp nập sĩ tử xưa. Quanh ông, lực lượng cầm bút hậu bối nở rộ, bên cạnh Hội VHNT tỉnh, duy nhất An Nhơn có Hội VHNT của mình, nhiều chuyên ngành. Ngoài những cây bút từng xuất hiện trước 1975: Đặng Tấn Tới, Mang Viên Long, Nguyễn An Đình…, An Nhơn luôn đông đảo những gương mặt văn chương mới: từ Nguyễn Thanh Hiện, Đào Viết Bửu, Trịnh Hoài Linh, Nguyễn Hoàn, Phạm Văn Phương, Phạm Hữu Hoàng đến Nguyễn Hữu Duyên, Lâm Huy Ánh, Lê Vinh, Kiêm Tiết, Khổng Trường Chiến…; những cây bút ra trường công tác ở tỉnh thành trong, ngoài tỉnh: Lâm Huy Nhuận, Hương Đình, Mai Thìn, Nguyễn Thái Dương, Trần Quang Lộc, Lê Văn Hiếu, Trần Quang Khanh, Trần Văn Bạn, Lưu Thị Mười, Trần Lê Sơn Ý, Vân Phi… Mảng âm nhạc An Nhơn cũng đình đám các tên tuổi trước, sau năm 1975: Phạm Thế Mỹ, Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Châu Đức Khánh, Vũ Trung, Vũ Thành… và cả điêu khắc gia Lê Trọng Nghĩa, người không chỉ thành công mảng điêu khắc mà còn để lại dấu ấn ở âm nhạc và thơ. Kể Phạm Thế Mỹ không thể không nhắc đến 2 người anh của ông là các nhà văn nhà thơ nổi tiếng: Phạm Văn Ký ở Pháp, Phạm Hổ – Hà Nội.
Thật, An Nhơn là thơ (tức văn nghệ) chứ sao là lúa, dù “có thực mới vực được đạo”? Không chỉ niềm tự hào chung chung, đất này mê thơ đến… lên đồng. Cần gì máy móc in ấn như bây giờ, thời công điểm mấy lạng lúa, những Hương Đình, Lê Văn Hiếu, Phạm Văn Phương… tự tổ chức “Giai phẩm” văn nghệ viết tay mừng xuân, có họa sĩ vẽ minh họa, trình bày đẹp. Được “in” ở đây như niềm hạnh phúc. Hãnh diện lắm. Chưa kể ngày hội thơ lớn sau này, sân chơi tầm hợp tác xã cũng có đêm thơ, trang trí cây trúc, vầng trăng…, là thơ nhạc đắm đuối. Say nghiêng ngả, rượu Bàu Đá và không khí văn nghệ.
Một Mai Thìn, thời sinh viên đã có nhiều thơ in báo và đoạt giải nhất cuộc thi thơ trẻ Bình Định, 1990. Một Trần Quang Khanh khi đang học Tổng hợp Huế, nghỉ hè về, được địa phương nhờ viết kịch bản tuyên truyền cho hội thi cấp huyện, đã tự nhốt mình trong nhà làm việc hợp tác xã, cơm nước có người tiếp tế, quyết hoàn thành nhiệm vụ trong hứng khởi vô biên. Một chủ tiệm vàng Lê Trọng Nghĩa (không phải nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa bây giờ), mê thơ đến độ say la đà suốt ngày, chứng nhập từ thiền đến Phạm Công Thiện, từ Giê-su đến Thích ca. Nông dân thứ thiệt như Trịnh Hoài Linh một đời cày ruộng làm thơ, sướng một đời chuyện xách túi đi Hà Thành dự Hội nghị viết văn trẻ. Một nông dân khác, Nguyễn An Đình, cũng cuốc cày dành dụm, trồng hoa cúc, hoa mai mà bán vàng in Suối tạnh. Một Đào Viết Bửu say ngất với Hồ trường…
Ôi, thơ! Không đâu trên đất này, con người sẵn sàng suốt ngày đêm ngồi với nhau chỉ vì thơ, như An Nhơn! Mê đắm, lên đồng, và tự tôn. Người thơ xa quê: Hương Đình, Lê Văn Hiếu… bao giờ về, cũng gom bạn bè văn nghệ An Nhơn, Quy Nhơn vầy tụ.
Và Hội VHNT An Nhơn, từ thời cấp huyện đến giờ là đô thị loại III, vẫn luôn duy trì Đặc san Văn nghệ An Nhơn, trải các thời kỳ, chất lượng khác nhau nhưng đều nền nã, tự trọng. Khi Ngày thơ Việt Nam và Đêm thơ Nguyên tiêu thành ngày hội cả nước, ngoài Hội VHNT tỉnh, huyện thị chỉ duy nhất có An Nhơn đủ tiềm lực tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu hàng năm. Không chỉ cách làm, chất lượng thơ, mà quan trọng chính là sự cộng thông lớn: tác giả tự trình bày hoặc người thể hiện đạt niềm rung cảm máu thịt trong hòa nhập cùng công chúng. Mỗi đặc san, cuốn sách của văn nghệ An Nhơn xuất hiện là có sự kiện “ra mắt” đầm ấm, vui vầy chúc mừng nhau của lãnh đạo thị xã, văn giới.
Với An Nhơn, thơ không chỉ như một địa chỉ, một lý do gặp mặt, mà là miền hạnh ngộ!
“Rượu ân tình – Bình Định – xứ lên men”
Vùng phụ cận quanh Đồ Bàn, Hoàng Đế thành cũng là phủ An Nhơn xưa gồm cả Tuy Phước, Tây Sơn… Chỉ là chuyện địa lý, hành chính. Nhưng điều đáng nói, cái vùng sáng trung tâm có sức hút, lan tỏa lớn: sẽ không khó lý giải vì sao các danh sĩ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều hiển lộ nơi đây: từ Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Bá Huân, Hồ Sĩ Tạo đến Mai Xuân Thưởng, Đào Phan Duân, Đào Tấn, Nguyễn Diêu… Rồi Quách Tấn, Nguyễn Mộng Giác sau này…
Có một kết hợp khác kỳ lạ: vùng dư ba An Nhơn không chỉ sản sinh ra anh hùng và nghệ sĩ, mà còn là sự kết hợp hai phẩm tính ấy từ mỗi con người. Câu hát nam trứ danh của Đào Tấn trong Hộ sanh đàn: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay” hẳn chỉ mượn bối cảnh sử sách xưa của Trung Quốc, cái chính là bóng dáng người Bình Định, từ Chàng Lía đến các hiệp khách Tây Sơn, một trường bi tráng kinh thiên động địa; từ Lê Đại Cang khi vẩy bút tài hoa, phất trường đao dẹp yên biên viễn, khi làm lính thú khiêng võng không ta thán; từ Mai Tướng công ngửa cổ đọc vần thơ khí tiết rồi đầu rơi…
Vậy nên đâu chỉ ánh trăng huyền mị và chàng kỵ mã hào hoa bến My Lăng, Yến thi sĩ còn “Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/ Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” (Xuân tảo); nông dân Nguyễn An Đình khoái hoạt, tự tại cảnh: “Anh đốt lửa giữa đồng trơ gốc rạ/ Em nướng trui vài con cá rô đìa/ Ngồi nhấm nháp cho đã mồ đã mả/ Mây núi này bay qua chóp núi kia”(Uống rượu ăn cá nướng giữa đồng).
Danh tửu Bàu Đá An Nhơn, gốc tích dù được chỉ rõ, nhưng chắc rằng xa xưa đã có: đất đế đô, nơi quy tụ anh hùng và nghệ sĩ (người Chăm xưa càng là những nghệ sĩ, ưa chiến trận!), phải có thức uống đúng tầm này. “Xứ lên men” – cụm từ quá đắc của Yến thi sĩ diễn tả ý tứ sâu xa, vùng đất quê mình!
“Xứ lên men” đã quy tụ 4 chàng thơ huyền thoại của Bàn Thành tứ hữu dù Hàn, Chế người tỉnh khác. Cũng nơi đây, kẻ xa quê Hương Đình một lần hồi hương, ngồi với bạn thơ đã bật ra cuộc lặng thinh kỳ tuyệt: “Bốn người như núi trầm ngâm/ Dọc ngang về vãi một rằm phấn hoa/ Một lần như thế quê nhà/ Đêm tàn lặng lặng trăng qua mái đầu”.
Quê nhà! Miền ngân vọng dấu tích những huy hoàng và tịch mịch, có thể thành chỗ vin tựa cho cả thơ tình. Đây, Gió thiếu phụ của Trần Quang Khanh: Gió buông tuồng đi qua những cánh đồng/ qua núi qua sông/ qua thời gian mịt mù tháp cổ/ tóc em ngược bay qua mùa gió/ men theo bờ tháng năm.// Gió thiếu phụ lang thang/ con gánh củi bơ vơ dò tìm vô định/ con voi đá bao đời vẫn lạnh/ cổng hoàng thành hoang phế, uy linh. Em trong ngui ngút thời gian qua rêu phong cổ tháp, qua con voi đá trơ lạnh cùng tuế nguyệt: gió thiếu phụ nơi này cũng khác biệt. Rồi đây, với người yêu, Ngày em lên xe hoa, Mai Thìn viết: ngày em lên xe hoa tôi sẽ thuê một trăm thớt voi xếp hai hàng từ nguồn xuống bể một trăm chiếc thuyền rồng trang hoàng rực rỡ đưa em về kịp lễ nghinh dâu/…/quà mừng em ngày cưới thêm một gánh trầu không một trăm buồng cau mẹ vừa mới hái rượu Bàu Đá đầy vò… hai họ khỏi cần lo/ ngày em lên xe hoa tôi sẽ trèo lên ngọn núi Mò O mài bút nghiên viết lên trời bài thơ tiễn biệt. Bài thơ không vần không sắc không thanh chỉ có ngọn gió lành thổi về từ tuổi nhỏ thổi về từ quê hương em đó trái me non lẫn với bùn non. Có thể nói đến giờ, “quê nhà” – nguồn cội, là những chất liệu khởi sinh và khẳng định tên tuổi anh – nhà thơ. Từ thành Hoàng Đế, núi Mò O, Văn miếu, Bến Gỗ, ao Dìm Chuông, đền tháp… đến Bàn Thành tứ hữu, hàm ân, cảm thán hay tự hào, mỗi địa danh, sự kiện đều là nguồn cảm hứng vô tận cho ngòi bút Mai Thìn, dù nghiên cứu văn nghệ dân gian, tản văn hay thơ.
Có cảm giác cái “xứ lên men” này ai cũng thành văn nhân, thi sĩ!
Tưởng đâu đi dạy, công tác cơ quan rảnh rổi ứng lên vài bài thơ cho vui, bỗng đến lúc nghỉ hưu, mươi năm cuối đời Huỳnh Kim Bửu cấp tập cho xuất hiện 2 tập tản văn giọng điệu mới lạ về phong hóa An Nhơn – Bình Định. Rồi một người hưu khác, Trần Duy Đức, tiếp nối mạch này những cuốn sách dày dặn, bề thế. Hàng ngàn trang sách của hai tác giả “hưu” như gấp gáp lưu giữ vốn quý cha ông, hẳn không bao giờ là cùng tận, dấu xưa miền đất ngàn năm dâu bể này.
Một lần dự đêm thơ Nguyên tiêu của An Nhơn, tôi thực sự ngạc nhiên khi ngoài những gương mặt thơ quen thuộc, có những doanh nhân, thầy cô giáo, chàng kỹ sư… lên đọc thơ. Thơ có chất. Người thể hiện máu thịt, nhập vai. Chẳng thể nào phân biệt ai là thơ “chính danh” ai “nghiệp dư”. Thì đúng, thơ cao sang nhưng luôn bình đẳng. Huống chi trên miền đất thi ca này.
Cách đây mấy tháng, khi dịch Covid bùng rộ, nhà nhà âu lo 5K, bất ngờ gần trưa có vị khách tìm tới nhà tôi. Ông đạp xe đạp cà tàng từ Nhơn Hưng, An Nhơn từ sáng. Nghe người bạn quen nói Lê Hoài Lương ở Nhơn Phú – Quy Nhơn, hỏi thăm rất nhiều, đi vòng rất vất vả mới tìm được nhà tôi, một địa chỉ quá mơ hồ. Ông là Đoàn Đức Tuyên, sinh năm 1940, nghề thợ mộc. Làm quen, chuyện vãn chút, ông tặng tôi 2 tập thơ Ngàn nét tơ thầm và Rừng hoa nở, rồi cáo từ, bảo tiếp tục đạp xe vào phố gặp một bạn thơ nữa. Ông tự viết “Lời nói đầu” tập thơ, có đoạn: “Bỗng một ngày nào, tôi lần giở ra những trang thơ rời cũ nát, tôi biết ơn đồng loại đã cho tôi cảm xúc để tự tình với những vô biên miên viễn, những âm thanh, những màu sắc dẫn đường cho tôi cầm bút gắng ghi những phút chốc nhiệm mầu vây bọc khắp mọi vùng, mọi phía, gom lại thành kiếp con người tôi sống”. Chắc ông kỳ vọng một tri cảm từ tôi với hàng trăm bài thơ gieo vần, lặp chữ khá lạ, có âm hưởng Bùi Giáng của mình, mà lặn lội mấy chục cây số tìm gặp. Ngồi với nhau, tôi đề nghị người đàn ông gầy gò ngoài tám mươi gỡ khẩu trang để biết mặt. Một gương mặt khắc khổ, lành hiền như bao người lao động lớn tuổi khác. Hỏi thăm, biết ông ra tận Đà Nẵng chăm sóc bản thảo – chữ thơ ông hẳn nghịch lạ với biên tập viên – tổng chi phí tập thơ đến 20 triệu đồng. Tính theo thời giá, so ra, 4 cây vàng cho Suối tạnh – 1974 của Nguyễn An Đình chưa hẳn là cao! Ông già thợ mộc sống một mình, tiền in thơ nghe nói con hỗ trợ thêm chút ít, đạp xe ngần ấy cây số trưa nắng mùa dịch giã, tìm người tri âm thơ!
Tôi chợt nghĩ, với thơ, An Nhơn không chỉ là “xứ lên men”, mà còn là đất “ngọa hổ tàng long”!
LÊ HOÀI LƯƠNG
(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)