Thằng cu Đẹt

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Tôi có cảm giác chờn chợn khi bắt gặp cái nhìn chằm chằm của nó. Không biết từ đâu, nó nhảy xổ ra, áng ngay giữa lối đi. Tay chống nạnh, chân đứng dạng hàng hai, trông nó làm tôi phát khiếp lên được, mặc dù nó đứng thấp hơn tôi một cái đầu và người thì trùng trục như một củ khoai lang tím. Nó hất hàm vẻ trịch thượng:

– Ê, “thằng người thành phố”! Mày cháu bà Tư phải không?

– Dạ, em…

– Dạ, dạ cái con khỉ. Mày cỡ bằng tuổi tao. Mẹ tao bảo thế!

– Thế anh là…

– Mày cứ gọi tao là cu Đẹt. Tao con ông Tư Đùng có bà con với nhà bà Tư, ngoại mày. Nhà tao ở bên kia!

Nó đưa tay chỉ về phía ngôi nhà lụp xụp cách nhà ngoại tôi một khoảnh vườn và hàng rào chè tàu. À, thì ra, nó là hàng xóm của ngoại.

Nó đổi giọng rủ rê:

– Mày thích ăn cá nướng không? Thích thì đi với tao!

Và cũng không cần biết tôi có đồng ý hay không, nó nắm tay tôi lôi đi…

Cuộc gặp gỡ, làm quen đầu tiên giữa nó và tôi là thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Quê ngoại chỉ biết qua lời kể của mẹ. Đầu mùa hè, cậu Bảy tôi từ quê vô thăm, tôi phải nài nỉ mãi, ba mẹ mới cho phép tôi về quê ngoại thăm chơi cho biết bà con, họ hàng. Đang lạ nước, lạ cái, chưa có bạn để chơi thì nó đến, như một sự sắp đặt sẵn…

***

So với đám bạn đồng trang lứa, nó thuộc loại chậm lớn. Tên nó là Huân nhưng mọi người gọi nó là cu Đẹt. Thằng cu Đẹt. Nó nhe răng cười, coi như không có gì. Da nó đen nhẻm. Tóc nó vàng hoe, cháy nắng. Cũng như những đứa trẻ nông thôn khác, ngày một buổi nó đến trường, buổi còn lại ở nhà phụ giúp ba má công việc đồng ruộng. Nhà nó nghèo. Ba má nó ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Cứ ra sao thì ra. Nó học hành “chữ tác, chữ tộ” nhưng công việc ruộng đồng lại giỏi cực kỳ. Đặc biệt, nó có nhiều tài lẻ. Lặn xuống ao, nó là con rái cá. Bữa ra mắt làm quen, nó dắt tôi lên Hốc Quýt. Vừa đi đường nó vừa kể nguồn gốc tên gọi Hốc Quýt. Đó là cái ao nước sâu ngập lút đầu người, được người ta khoét từ cái hầm đá ong thông từ trong gò ra ruộng. Bờ ao mọc đầy cây quýt gai. Nước ao trong xanh leo lẻo, chảy từ mạch ngầm đá ong, hiếm khi cạn vào mùa nắng. Thấy tôi ngơ ngác, nó bảo:

– Mày thích tắm ao không? Mát lắm!

Tôi lắc đầu. Nó cười nhe răng:

– Mày không biết bơi hả?

– Ừa.

– Dễ thôi mà. Hôm nào tao chỉ cho. Ôm trái dừa khô ba bữa là biết bơi liền!

– Tao nghe cậu Bảy nói cho chuồn chuồn cắn rún là biết bơi…

Thằng Đẹt cười toe toét:

– Ổng xạo mày đó! Trước cũng có mấy ông lớn lớn xạo tao y chang luôn. Cho chuồn chuồn voi cắn sưng rún rồi xuống ao uống no nước thôi. Muốn nhanh biết bơi thì phải ôm trái dừa khô hay cây chuối vài bữa. Để mai tao chỉ cho. Giờ nướng cá ăn cái đã.

Nó vơ nắm lá khô và đám cây bổi rồi rút trong túi quần ra cái hộp quẹt ga, bật lửa. Lửa bén, nó bỏ thêm mấy cây gộc khô, bảo tôi ngồi canh lửa rồi nhảy ùm xuống ao, nước văng tung tóe. Nhìn nó tung tăng, quẫy đạp, bơi lặn như con rái cá khiến tôi thêm phần nể phục.

– Này, thích không?

Thằng Đẹt ngoi lên sau một cú lặn dài và hét toáng lên, khoe với tôi con cá đang vùng vẫy trong tay nó. Miệng phun phì phì, một tay nó vuốt nước trên mặt, còn tay kia thì giữ chặt con cá. Nó rướn người ném con cá lên bờ cho tôi.

– Cá trê đấy! Mày không bắt được đâu. Coi chừng nó đâm ngạnh vào tay đau nhức lắm!

Nhìn con cá giương vây, căng ngạnh chuồi trên đất cố gắng đào thoát khiến tôi chùn tay, đúng là không dám bắt. Rồi lại tiếp con thứ hai, thứ ba… Không biết thằng Đẹt giấu cá chỗ nào dưới ao mà mỗi lần lặn xuống, lúc ngoi lên trong tay nó đều có cá. Sau một hồi hụp lặn thì nó lên hẳn trên bờ, bẻ mấy nhánh ổi non, tuốt lá rồi xiên dọc thân những con cá trê vàng ươm, gác lên đống lửa than. Mùi cá nướng bắt đầu sực lên, mỡ chảy xuống than xèo xèo, thơm nức mũi. Sau một hồi gác, trở xiên cá, thằng Đẹt bẻ cái đầu cá đưa lên miệng gặm gặm rồi đưa nguyên mình con cá nướng vừa chín tới cho tôi:

– Mày ăn thử coi. Cá trê nướng gặm từ trên xuống mới đã!

Nghe lời nó, tôi cắn nguyên miếng lưng con cá rồi giật một cái, nhai lấy nhai để vì nóng. Chao ôi! Đầu tiên là vị béo, vị bùi, ngòn ngọt bủa vây lấy cái miệng háu ăn của tôi. Thịt cá vừa bùi vừa dai, nhai tới đâu thấm ngọt tới đó. Da cá béo ngậy, sít vào chân răng khiến dư vị cứ nấn ná nơi đầu lưỡi. Tất cả đều bất ngờ, lạ lẫm và cuốn hút. Đúng là tôi chưa bao giờ được thưởng thức món cá nướng ngon như vậy, dù lâu nay, tôi vẫn cho rằng mẹ tôi là người nấu ăn giỏi nhất. Nhìn bộ dạng phấn khích của tôi, Thằng Đẹt cười như nắc nẻ.

– Ngon. Đúng không? Mày xử hết đi. Tao ở đây ăn hoài, ngán rồi!

Nó ngồi nhìn tôi ăn, thỉnh thoảng bẻ cái đầu cá trê gặm gặm rồi thả vào đống than cho mùi khét xộc lên đầy vẻ hào hứng.

– Mày xin bà Tư ở quê chơi với tao hết mùa hè này nha!

– Ừ, tao cũng muốn lắm nhưng mẹ tao chỉ cho chơi hai tuần thôi. Tao còn phải về đi học hè nữa.

– Ở đây cũng học hè nhưng tao không thích. Tao chỉ thích đi chăn bò, bắt cá với bắn chim thôi.

– Mày giấu cá sẵn dưới ao phải không?

Nó cười hì hì:

– Mẹo nhỏ thôi. Mày không biết chứ dưới ao này có nhiều hốc đá. Hốc sâu, hốc cạn tao thuộc nằm lòng rồi. Mấy con cá này có thói quen ẩn nấp khi có động. Lúc tao nhảy xuống ao đập nước loạn xạ là tụi nó hoảng hồn chui vào hốc để trốn. Việc còn lại chỉ là lặn xuống, thò tay vào hốc lôi ra từng con một. Mày xem nè!

Nó chìa cánh tay phải đầy những vết trầy xước còn rướm máu về phía tôi:

– Đá ong cắt đấy nhưng chẳng thấm tháp gì đâu. Tao quen rồi! Giờ ăn no rồi, về hen!

***

Ngoài tài bắt cá, thằng Đẹt còn là một tay xạ thủ. Lúc nào trước ngực nó cũng tòn teng chạng ná thun. Nó quý cái ná ấy lắm. Chạng ná được đẽo từ chạc ổi có hình chữ Y, mỗi chạc to chừng cườm tay. Nó kỳ công dùng mảnh chai chuốt cho chạc nhỏ vừa tay rồi thoa dầu bóng lưỡng. Quai ná được cắt ra từ ruột banh đỏ, loại cao su non có độ co giãn rất tốt. Tôi đã từng mục kích nó bắn tan xác con chuồn chuồn ớt đậu trên dây phơi cách xa hơn mười mét. Còn chim thì nhiều vô kể. Quành quạch, manh manh, cu cườm, cu xanh… nó thuộc từng tập tính ăn uống và bầy đàn của chúng. Đi với nó, tôi đâm ra nghiền thịt chim nướng chấm muối ớt. Ớt xanh giã chung với muối hột nhét vào bụng rồi cuộn với lá chanh, nướng thịt chim trên lửa than giữa đồng thì cũng giống như nướng cá vậy. Ăn một lần là không quên được.

Thấy tôi cũng mê trò ná thun, nó mày mọ làm thêm một cái. Xong, nó ném cái ná cho tôi và buông một câu gọn lỏn: “Của mày đó!”.

Một buổi trưa, thằng Đẹt rủ tôi lên vườn nhà bà Bảy bắn chim. Bà Bảy sống một mình, cai quản cái vườn cây ăn trái lâu năm rộng chừng hơn một mẫu. Cả xóm chỉ có vườn nhà bà Bảy là có nhiều cây cối xum xuê, rậm rạp, chim chóc hay kéo về làm tổ, nhảy nhót. Lên đó, tha hồ mà giương ná, điểm xạ.

Mọi khi là thế nhưng không hiểu sao hôm đó bọn chim chóc lại đi đâu hết. Không gian im ắng đến kỳ lạ. Đi mỏi, tôi và và thằng Đẹt ngồi nghỉ dưới một gốc me. Hai thằng nhấm nháp lá me và nhẩn nha ngắm mây trời. Trên chạc cây ôma trước mắt tôi, con gà trống choai của bà Bảy đang tuổi tập gáy, nghểnh đầu nhìn chúng tôi như chế giễu. Đột nhiên, nó vỗ cánh phành phạch rồi cất tiếng gáy: “Ót… e… e… te… te”. Đang buồn bực tay chân, tôi giương ná về phía con gà. Phựt! Nghĩ là dọa nạt chơi, ai dè trúng thiệt. Con gà lộn cổ xuống đất, giãy đành đạch. Thằng Đẹt quay sang nhìn tôi, mắt tròn như chữ O: “Hả? Mày…”. Tôi điếng người. Chưa kịp nói câu nào để thanh minh thì bà Bảy từ trong bếp bước ra. Bà nhìn chúng tôi rồi quay sang nhìn con gà đang giật giật ngoẹo đầu trút hơi thở cuối cùng. Như một phản xạ, thằng Đẹt nắm tay tôi, co giò bỏ chạy…

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Cả xóm đang ngủ trưa chợt bị dựng dậy. Bà Bảy ôm con gà vừa đi vừa chửi. Tới nhà thằng Đẹt, bà vứt con gà xuống sân, đứng chống nạnh, réo gọi tên ba thằng Đẹt, má thằng Đẹt, rồi thằng Đẹt, chửi như xối nước. Tôi chỉ dám đứng trong bếp nhà ngoại nhìn sang nhà thằng Đẹt qua song cửa sổ. Bên này, ba thằng Đẹt lăm le cây roi mây, bắt nó nằm úp mặt xuống chiếc phản. Thằng Đẹt im lặng, cun cút làm theo. Vút… bịch! Vút… bịch! Từng nhát roi như cứa vào lòng tôi. Mấy lần tôi định chạy sang thú thật với ba nó, với bà Bảy rằng tôi là người bắn con gà chứ không phải nó. Nhưng sự hèn nhát đã giữ chân tôi lại. Tôi đứng chôn chân trong nhà bếp, chứng kiến từ đầu đến cuối trận đòn đổ xuống người nó…

Sau khi mọi việc lắng xuống, tôi mới dám lò dò mò sang. Bà Bảy, chửi đã nư thì ôm con gà về làm thịt sau khi ba thằng Đẹt đánh đòn và bắt nó vòng tay xin lỗi từ sau không tái phạm. Thằng Đẹt đang lục đục dưới bếp, thấy tôi, nó chào bằng cách nhe răng cười. Cái điệu bộ coi như chẳng có điều gì xảy ra của nó càng làm cho tôi thêm xấu hổ.

– Đẹt, tao xin lỗi mày. Vì tao mà mày bị đòn oan.

– Xin, xin cái con khỉ. Xoa giùm tao chút coi!

Nó giúi vào tay tôi chén muối giã nhuyễn, nước rỉ ra xâm xấp, rồi cởi áo, trật mông, khệnh khạng nằm dài ra nền đất. Tôi đếm trên người nó có chừng năm, sáu“con chạch”. Nó thì thầm:

– Xoa muối cho nhanh bớt.

– Có rát lắm không? Tôi vừa xoa, vừa hỏi.

– Có. Nhưng không sao đâu.

Nó nói không sao nhưng mỗi lần tay tôi chạm vào “con chạch”, nó lại nảy người và rên khe khẽ. Tôi như đang xát muối vào lòng mình. Từng cử chỉ chầm chậm như xoa vào vết thương của chính mình.

– Cái thằng! Mày đừng nghĩ ngợi như người lớn nữa được không? Mày có nhận, rồi xin lỗi, người lớn cũng đâu có tin là mày bắn chết con gà?

Nó lồm cồm bò dậy.

– Nhưng… đúng là tao bắn con gà.

– Hì, tao quên chuyện đó rồi! Người lớn chắc cũng đã quên rồi. Có điều, tao vừa nhớ ra là tao đã hứa sẽ chỉ cho mày biết bơi!

Rồi nó nắm tay tôi lôi đi.

Hai chúng tôi chạy ù một hơi lên Hốc Quýt trong tiếng cười giòn tan giữa trưa hè…

MAI NGUYÊN

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Bá Duy

Tháng Mười mưa trắng núi Tình
biết phương ấy mẹ một mình dưới mưa
buồn theo cơn bão cuối mùa
phận người mỏng mảnh hơn thua được gì

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…