“Mở mắt là thấy”, bức tranh đa diện, đa chiều của cuộc sống hiện đại

(Đọc tập truyện ngắn Mở mắt là thấy của Ngô Văn Cư, NXB Hội Nhà văn, 2021)

(VNBĐ – Đọc sách). Với 19 truyện trong tập Mở mắt là thấy, Ngô Văn Cư vẽ lên bức tranh khái quát về hiện thực cuộc sống con người thời hiện đại từ vùng nông thôn cho đến chốn thị thành. Điểm nổi bật là nhà văn đã chịu khó quan sát, đào sâu vào đời sống nội tâm của con người. Đây chính điểm nhấn, tạo ấn tượng và người đọc tác phẩm của anh chắc chắn sẽ nhớ với cách dẫn dắt truyện một cách chậm rãi, tự nhiên, bằng giọng kể hóm hỉnh, dửng dưng, đôi lúc lạnh lùng.

Nhân vật trong truyện của Ngô Văn Cư là kiểu nhân vật cô đơn với niềm đau câm lặng, luôn mang theo nỗi cô đơn thăm thẳm cùng với những giằng xé đầy bi kịch. Ngô Văn Cư đã rất khéo khi đi sâu vào mổ xẻ những trạng thái tâm lí phức tạp của con người trên hành trình sống, hành trình yêu.

Ngô Văn Cư đã mở ra một không gian và thời gian thích hợp để nhân vật được bộc lộ, đã tái hiện đầy đủ những diễn biến phức tạp trong thế giới tâm hồn sâu kín của con người. Từ người nông dân, người công nhân, người buôn bán, anh giáo viên, đến cả dân anh chị trong giới giang hồ, người đàn bà làm đĩ… được nhà văn khai thác dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Tất cả hiện lên bức tranh đa diện, đa chiều của cuộc sống thời hiện đại. Bằng kinh nghiệm, sự từng trải và quan sát kỹ lưỡng mọi biến chuyển, thay đổi của từng giai đoạn lịch sử mà Ngô Văn Cư có những trang viết gây ám ảnh đến người đọc.

Những con người, với hoàn cảnh trớ trêu đã ám vào đời họ tạo nên một sự mặc cảm với đời và cả với những người xung quanh. Dẫu có bị mọi người xung quanh khinh miệt, chối bỏ đi chăng nữa thì Trương Khoèo và cô Vân trong truyện Nồi đất thì còn vẫn sống, sống với một niềm tin và khát vọng tốt đẹp về tương lai.

Những nhân vật trong tác phẩm của Ngô Văn Cư chính là phiên bản của con người ngoài đời thật. Đọc văn anh, người đọc chứng kiến cuộc sống đang chuyển động, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng kéo theo bao hệ lụy khó lường. Bộ mặt làng quê khởi sắc, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường giao thông được mở rộng và nâng cấp, đời sống văn hóa được cải thiện… Tuy nhiên, kèm theo đó là thói ăn chơi, đua đòi, nhác làm lại thích hưởng thụ, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, những giá trị truyền thống tốt đẹp bị xói mòn khi giá trị vật chất, lòng tham lên ngôi. Tình cảm máu mủ, ruột rà cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đọc truyện ngắn Họp, bạn đọc cảm thấy đau lòng. Sự bất hiếu, tham lam, đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ của những đứa con trai, con dâu trong gia đình bà Đảm. Người anh lớn Hai Trước, viện đủ mọi lý do để đùn đẩy trách nhiệm nuôi người mẹ ruột của mình trong những năm tháng xế chiều, bệnh tật. Cuộc họp nội bộ gia đình của 4 anh em diễn ra: Hai Trước, Ba Lầm, Bốn Thấm, Năm Thía. Sau những phân tích và tránh né của các anh, cuối cùng Năm Thía phải nuôi mẹ. Những bi hài tiếp tục xảy ra khi những người anh đòi vợ chồng Năm Thía phải để những phần quà mà khách thăm bệnh mẹ cho gia đình các anh (bởi bạn bè ai thăm thì phải để cho người đó). Rồi khi mẹ mất, lại có cuộc họp tiếp. Hai Trước giành đem mẹ về nhà mình tổ chức tang lễ và thờ ở đó với lý do mình là con trai cả. Kết quả cuối cùng, vợ chồng Năm Thía tổ chức nhưng vì mẹ chung nên mọi chi phí sẽ chia nhau đóng góp và tiền phúng điếu mẹ cũng phải chia. Đám tang mẹ diễn ra trong mắt xóm làng rất đình đám, chu toàn. Một cuộc họp gia đình nữa lại được tiến hành để chia tiền phúng điếu. Nhưng làm gì có tiền phúng điếu đâu mà nhận vì hôm đám tang, vợ chồng Năm Thía ghi trên thùng phúng điếu cạnh bàn thờ: Chỉ nhận nhang đèn phúng điếu. Không nhận tiền! Vì không có tiền phúng điếu nên 3 gia đình người anh không đóng góp bất cứ khoản nào. Với lại còn lý do “chính đáng” nữa mà các anh nêu ra: “Mẹ mất ở nhà em. Bàn thờ cũng đặt ở nhà em. Vậy em lo xây mộ mẹ là đúng rồi”. Không biết dưới nấm mộ sâu kia bà Đảm có day dứt điều gì?

Ông Lân (Những lần về quê) vẫn nhìn thấy sự phát triển của quê nhà, nhưng ông có một dự cảm và nỗi trăn trở về một điều gì chưa rõ.
– Làng xóm thay đổi, những cơ ngơi mọc lên ngày một nhiều nhưng đó lại là tiền vay từ ngân hàng, người dân phải làm ngày đêm để trả lãi.
– Lần về quê gần nhất là nhận tin hai anh em thằng Hơn và thằng Hớn bị công an bắt vì tội chứa và môi giới gái mại dâm…
– Cha mẹ ở các vùng nông thôn chắt chiu dành dụm cho con lên phố học với khát vọng có cái chữ để thay đổi cuộc đời. Nhưng rồi, sau bốn năm tưởng tốt nghiệp được đại học, nào ngờ tay trắng bởi chúng lên phố đua đòi, ăn chơi, yêu đương nhăng nhít chứ có học hành chi đâu. Ở làng ông Lân nhiều trường hợp như thế: thằng Lực con ông Bạo, rồi con ông Liên, con ông Thảng, con ông Hoành…

Nỗi đau không gọi thành tên là một câu chuyện kể gây bất ngờ cho người đọc bởi ngay đầu tác phẩm, nhà văn đã giới thiệu những điều tốt đẹp về đôi vợ chồng Thuần – Phượng. Cuộc sống vật chất đủ đầy cùng với niềm hạnh phúc ngập tràn như cặp vợ chồng này là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Mới ba mươi tuổi mà Thuần đã rất thành công: là một chủ thầu xây dựng với thu nhập cao, có nhà đàng hoàng ở phố, có xe hơi riêng. Vợ thì có việc làm ổn định trong một công ty lớn. Con gái thì có vú nuôi chăm sóc bài bản… Phượng là người vợ rất mực quan tâm đến chồng con, hiếu nghĩa với mẹ chồng. Có thể nói đó là một gia đình hoàn hảo. Thế nhưng mọi thứ không như người ta nghĩ, cho đến một ngày kia, mọi thứ bất ngờ bị phát giác, cô đã bị công an bắt trong khách sạn vì cái tội cặp bồ với một người đàn ông khác mà vợ ông ta đã theo dõi lâu nay. Thuần đau điếng và tủi hổ khi đến làm việc chỗ công an. Người được mời đến không ai khác chính là mình và vợ của người đàn ông kia. Thái độ mắng nhiếc, chửi rủa của người đàn bà có chồng dan díu với vợ mình làm cho Thuần chết lặng. Niềm tin vỡ vụn, cho dù cố hàn gắn thế nào thì nỗi đau này cũng không thể nào nguôi quên, đó là một nỗi đau không thể gọi thành tên.

Mả ăn mày là một truyện ngắn hay với nhiều tình huống hài hước, đằng sau mỗi tình huống là lời nhận định có vẻ chắc chắn của những người liên quan đến dòng họ người đã nằm dưới nấm mả hoang từ bao đời. Nhà văn dẫn dắt và đưa ra những nhân chứng, nhân chứng nào cũng lý giải có vẻ rất hợp lý về vị trưởng tộc của dòng họ Phạm nhà mình. Nấm mả hoang ngày nào, giờ ai cũng về nhận là người của dòng họ mình. Họ đồn thổi, từ nấm mả hoang ở làng Gò Sặt đã trở thành ngôi mộ của nhà chí sĩ yêu nước Phạm Kha (phong trào Cần Vương). Đến cuối truyện, nhà văn để cho nhân vật lão Phụng xuất hiện và được ông lý giải mọi thắc mắc, đồn thổi lâu nay. Hóa ra nấm mả hoang kia cũng chẳng có người ăn mày, cũng chẳng có ông Phạm Kha nào nằm dưới đất đó cả. Chỗ đó xưa kia là cái điếm canh của làng nhưng bị bọn trẻ chăn trâu phá phách nên các tuần đinh nghĩ ra cách đắp một cái mả gió để dọa bọn trẻ mà thôi…

Mở mắt là thấy chứa đựng cả nỗi lòng trăn trở về thân phận con người trong xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Bằng giọng văn chậm rãi, nhẹ nhàng, cốt truyện hấp dẫn, với những tình huống bất ngờ đã gây sự tò mò cho bạn đọc. Và đến cuối truyện, người đọc như được vỡ òa ra, gỡ bỏ được nhiều khúc mắc.

Mở mắt là thấy lôi cuốn người đọc bởi nó rất thật, mang tính thời sự đã và đang diễn từ làng quê đến phố thị, từ những cá nhân đến tập thể, từ một số phận đến nhiều số phận, từ một gia đình đến nhiều gia đình… Bao cái được, cái mất, bao hạnh phúc – khổ đau, sự tồn tại song hành giữa cái tiến bộ và lạc hậu, giữa cái tích cực – tiêu cực, nhiều cái dở khóc dở cười tồn tại quanh mình nên chỉ “mở mắt ra là thấy”.

NGUYỄN VĂN HÒA

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.