Đi tìm tiếng khóc con

(VNBĐ – Thơ và lời bình). “Giết tiếng khóc con để cứu dân làng”, đó là âm vọng trong trái tim đau đớn của người mẹ và đó cũng là âm vọng xuyên suốt bài thơ Chuyện kể dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng của nhà thơ Lệ Thu. Một câu chuyện đau lòng, một bi kịch trong chiến tranh, bi kịch giữa trái tim người mẹ và sinh mệnh của dân làng. Bi kịch ấy khởi nguồn từ “tiếng khóc con”. “Trẻ sơ sinh khóc vì khát và đói” là một bản năng. Nhưng nghiệt ngã thay tiếng khóc đó không vang lên ở một nơi nào khác, ở một hoàn cảnh nào khác mà lại vang lên trong lòng hang lúc vú mẹ “kiệt sữa” vì cùng hai trăm dân làng “trốn chui, trốn nhủi” để tránh sự lùng sục truy giết của giặc thù. Vì kiệt sữa nên “Mẹ không dỗ được con”. Mà không dỗ được con thì hai trăm sinh mạng trong hang hoàn toàn bị đe dọa bởi “ngoài cửa hang là lính Mỹ, lính Hàn…/ súng lăm lăm chúng lùng sục, vây càn/ dỏng tai lần theo tiếng khóc!”. Nghịch cảnh đã đặt mẹ vào sự lựa chọn tử sinh.

Thường khi đứng trước sự lựa chọn hệ trọng, người ta cần có thời gian để nghĩ suy. Còn người mẹ trong tình huống dầu sôi lửa bỏng như thế này, liệu có thời gian để cân nhắc? Dù chỉ là khoảnh khắc thôi nhưng nhất định phải có. Dù trong lúc “tâm thần hoảng hốt” nhưng chắc chắn mẹ cũng phải đặt lên cân lòng: một bên là con của mẹ, một đứa trẻ sơ sinh đang đói và khát sữa và một bên là sinh mệnh của hai trăm dân làng. Giữa “hai trăm” và “một”, bên nào nặng hơn? Có lẽ vấn đề nặng – nhẹ không chỉ nằm ở “con số” mà là ở tính chất Riêng – Chung, ở tình mẫu tử với nghĩa đồng bào. Nếu mẹ cứ để con mẹ sống (khóc), hai trăm người bị giết chết thì con của mẹ liệu có sống còn? Và nếu kẻ địch lần theo tiếng khóc để giết người trong hang thì chẳng phải “tiếng khóc con” là thủ phạm? Đứng trên đỉnh của xung đột Riêng – Chung, lý trí và tình cảm, giữa lằn ranh sinh – tử đó, mẹ đã chọn “phải giết tiếng khóc con để cứu dân làng”. Cũng có người cho rằng trong lúc hoảng loạn, mẹ vô thức ép vú để “bịt” tiếng khóc con chứ không có người mẹ nào lại “dũng cảm” giết con. Nhưng, lẽ nào mẹ không ý thức được hậu quả khi “bịt” chứ? Biết, nhưng không còn cách nào khác. Nhập thân vào người trong cuộc, viết nên cái ý nghĩ “phải giết tiếng khóc con”, ngòi bút của Lệ Thu lúc này trở nên run rẩy, cắt cứa, đớn đau hơn bao giờ hết. Một sự thấu cảm, xót thương sâu sắc của người thơ thấm đẫm trên từng con chữ. Lệ Thu không thẳng thừng nói “giết con” mà chỉ lách ngòi bút vào cái nguyên nhân gây bi kịch “giết tiếng khóc con” xem như đó là lời minh oan cho người mẹ (có người mẹ nào lại giết con, mẹ chỉ “giết tiếng khóc con” thôi mà). Hành động của người mẹ đúng hay sai? Câu hỏi đó xin gửi lại cho người đời phán xét. Chắc không ai “ca ngợi” việc giết con cho dù hành động đó vì mục đích cao cả. Lệ Thu cũng thế. Nhà thơ chỉ “ghi lại” sự thật thôi, chỉ là bày tỏ lòng thấu cảm về sự hy sinh vô cùng đớn đau của người mẹ.

Không phán xét, không ngợi ca, Lệ Thu chỉ biết sẻ chia nỗi lòng người mẹ. Lúc “tiếng khóc bặt rồi” thì cũng là lúc “hồn mẹ đã theo con… bấy chừ đã chết”. Thương con là bản năng cũng là quy luật của lòng mẹ thì con chết rồi “hồn mẹ chết theo con” cũng đâu ngoài quy luật đó. Theo lẽ thường, con người ta dù lòng có đớn đau đến mấy nhưng thời gian cũng sẽ dần xoa dịu nỗi đau. Nhưng đối với người mẹ này thì đặc biệt. Hồn mẹ không chỉ chết lúc “bây chừ” mà chết cả đời. Thời gian bốn mươi năm đâu phải ngắn. Vậy mà mẹ cứ chìm trong cơn mê sảng, thảng thốt đi tìm tiếng khóc con với lời hỏi tội mình “Sao lại chính là tôi/ đôi cánh tay khô/ đôi vú kiệt sữa này/ đã ép chết con tôi tức tưởi?”. Tưởng chừng như thời gian càng sâu, nỗi đau mẹ càng dày. Thời gian càng dày, mẹ càng chôn hồn mình trong bản án giết con. Lặng thầm quằn quại, đớn đau. Bốn mươi năm đi qua, chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã lành vết thương vậy mà tim mẹ vẫn còn rỉ máu.

“Chuyện của mẹ sẽ đi vào cổ tích”. Đúng, một “cổ tích” của thế kỷ XX. Không đợi đến dự cảm ngày mai “sẽ” mà chính câu chuyện của mẹ đã là “cổ tích” rồi. Mẹ mà đi giết con; con chết bốn mươi năm rồi mà mẹ cứ đi tìm tiếng khóc con trong mê sảng, đó chẳng phải là cổ tích? Có thể người đời sẽ cho rằng “chuyện của mẹ” là hoang đường, không ai tin và sẽ để nó vào quên lãng. Nhưng “còn đây bao nhân chứng”, còn có “chúng tôi” , những người đã chứng kiến chuyện của mẹ đến giờ vẫn “nhoi nhói trái tim đau”. Một cổ tích làm nhói đau lòng người hẳn sẽ trở nên đẹp đẽ hơn trong lòng hậu thế. Những thế hệ có may mắn được sống trong hòa bình, chưa hề biết mùi chiến tranh, khi nghe “cổ tích” này chắc họ cũng sẽ ngộ ra rằng hạnh phúc họ hưởng hôm nay đã được đánh đổi bằng bi kịch “chuyện của mẹ”.

Cổ tích thường kết thúc có hậu. Nhưng “chuyện của mẹ” sao đau thương không hề có điểm dừng. Chiến tranh mà! Phải, chiến tranh gieo đau thương tang tóc, máu và nước mắt. Khăn tang đâu chỉ chít trên đầu người ở lại mà còn để khâm liệm hồn của những người mẹ lâm vào cảnh sinh tử trớ trêu.

Chiến tranh đã đi qua rất lâu mà đau thương vẫn cứ hiển hiện nhức nhối. Khi đặt hình ảnh người mẹ điên loạn đi tìm tiếng khóc con trong cơn mê sảng sau bốn mươi năm chiến tranh kết thúc ngay ở đầu bài thơ, có phải ngòi bút của Lệ Thu muốn xoáy vào lòng người đọc một nỗi ngơ ngác, bàng hoàng về tàn tích của chiến trường xưa?

Nắm bắt cái tứ thơ vụt hiện khi gặp lại người mẹ trong trạng thái điên loạn đi tìm tiếng khóc con trên chiến trường xưa, hồn thơ Lệ Thu đã cất cánh. Ký ức một thời đau thương, bi kịch về lòng mẹ trong chiến tranh cũng vụt sống lại. Mạch cảm xúc của thi sĩ cứ thế mà chảy tràn từ Hiện tại – Quá khứ – Hiện tại. Dù có chảy qua miền thời gian nào, bài thơ cũng làm nhói đau, nhức nhối lòng người về tội ác của chiến tranh, về sự hy sinh đớn đau của người mẹ. Thời gian đa chiều nhưng không gian chỉ một: chiến trường xưa. Từ không gian khắc nghiệt này, nữ sĩ đã dẫn người đọc bước vào một không gian khác: lòng mẹ với bi kịch giết con. Không gian chiến trường với những địa danh rất thực: Hiệp Hòa, Hiệp Đức, Hòn Kẽm Đá Dừng… nhưng không gian lòng mẹ thì lại mang màu cổ tích buồn. Cái không gian lòng mẹ được kiến tạo bởi ngòi bút tài hoa của nữ sĩ, sự dày dặn của nhà báo chiến trường và sự đồng điệu tâm hồn của người mẹ, đã làm cho Chuyện kể dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng gây xúc động, tạo hiệu ứng cho người đọc.

Chuyện kể dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng

LỆ THU

Những hương hồn ngơ ngác giữa non xanh
còn nằm lại dưới chân cầu nước chảy
ngầm Bà Xá, Bà Huỳnh, sông Trà Nô còn đấy
chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa

Hiệp Đức mây nhòe ngun ngút nắng trưa
thảng thốt lời ru: “ngó lên Hòn Kẽm…”
Mẹ chong mắt bốn mươi năm
bàng hoàng mê, tỉnh…
ngỡ tiếng khóc con mình còn văng vẳng đâu đây!

Sông Tranh đá dựng cát bày
nửa bờ dấu chân ngang dọc
dấu chân đi tìm tiếng khóc
ngược xuôi oan ức hình hài

Sao lại chính là tôi
đôi cánh tay khô,
đôi vú kiệt sữa này
đã ép chết con tôi tức tưởi?

Con chỉ là đứa trẻ sơ sinh khóc vì khát và đói
con đâu biết cả hai trăm con người
đang trốn chui trốn nhủi
ngoài cửa hang là lính Mỹ, Nam Hàn..
súng lăm lăm, chúng lùng sục, vây càn,
dỏng tai lần theo tiếng khóc!

Mẹ không dỗ được con
tâm thần hoảng hốt
phải “giết tiếng khóc con” để cứu dân làng!

Tiếng khóc bặt rồi
lặng cả lòng hang
trong tay mẹ lạnh dần cái xác
Mẹ quằn quại hai bàn tay bới cát
gửi con vào mép sóng dòng Tranh

“giết tiếng khóc con” để cứu những dân lành
nhưng hồn mẹ đã theo con “bấy chừ đã chết”

Chuyện của mẹ sẽ đi vào cổ tích
nhưng còn đây bao nhân chứng nghẹn ngào
trưa Hiệp Hòa nhoi nhói trái tim đau!

(Rút trong Điềm đạm Việt Nam, Nxb Văn học, 2014)

* Ảnh minh họa: internet.

TUỆ MỸ

(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.