Người đi về phía tuổi thơ…

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Chuyên sâu mảng nghiên cứu lý luận về văn học thiếu nhi (VHTN), nhiều năm qua, TS. Lê Nhật Ký đã chọn cho mình một lối đi khó, ít người theo. Với ông, chọn lựa này như một ngã rẽ, nhưng đó như là một cuộc “hợp duyên” khiến ông yêu mến, dốc lòng, dốc tâm gắn bó.

1.

Tốt nghiệp đại học Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1987, Lê Nhật Ký về nhận công tác tại khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn, giảng dạy Văn học trung đại và Cơ sở văn hóa Việt Nam. Cuối năm 1996, ông được nhà trường điều động từ khoa Ngữ văn sang khoa Giáo dục Tiểu học (nay là khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non). Đó cũng là một bước rẽ ngoặt hoàn toàn mới đưa ông sang một địa hạt nghiên cứu mới để ông bén duyên và gắn bó với VHTN đến giờ. Nhắc nhớ lại chuyện xưa, ông cười hiền, thổ lộ: “Chương trình đào tạo giáo viên tiểu học chú trọng trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức về VHTN Việt Nam và thế giới. Do đó, tôi phải tìm hiểu ngay khi chưa được giao đảm nhiệm học phần VHTN. Năm 1998, tôi ra Hà Nội dự Hội thảo về Văn học trẻ em do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức. Lần đó, tôi gặp PGS.TS Vân Thanh (Viện Văn học), một chuyên gia về lĩnh vực VHTN. Tôi đã được cô Vân Thanh khuyến khích đi sâu nghiên cứu VHTN. Vậy rồi công tác dạy học và nghiên cứu VHTN đưa tôi “làm bạn” với trẻ con đến giờ”.

VHTN khác biệt với văn học người lớn. Bước vào thế giới trẻ thơ là đi vào địa hạt của những hồn nhiên, trong trẻo không bị chi phối bởi cái cái vụ lợi như người lớn. Vì thế, theo TS. Lê Nhật Ký, để giải mã được tác phẩm VHTN, người nghiên cứu đòi hỏi phải tự trang bị cho mình lí thuyết về đối tượng cũng như đặc trưng tâm lí lứa tuổi. Ông dần bồi đắp cho mình những yêu cầu ấy bằng những nỗ lực học hỏi và cả tình yêu thương dành cho con trẻ.

Nghiên cứu về VHTN nhiều năm, Lê Nhật Ký nắm rõ về dòng chảy của VHTN trong dòng chảy của văn học hiện thời. Khi đề cập đến VHTN những năm gần đây, ông chia sẻ: “VHTN Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI này đang khởi sắc, nhờ có nhiều cây bút tham gia sáng tác. Họ tâm huyết và mới mẻ về cách viết, biết cách tiếp cận bạn đọc trẻ em tốt hơn. Tôi muốn nhắc đến Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận), Nguyên Hương (Đắk Lắk), Văn Thành Lê (TP.HCM) và nhiều cây bút trẻ khác. Điểm mới ở họ là bài học giáo dục một cách nhẹ nhàng, gia tăng khả năng giải trí cho tác phẩm, tiếp thu được cách viết của các nhà văn nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng nghiên cứu văn học thiếu nhi tuy chưa nhiều nhưng không đơn lẻ như trước 1975 (chỉ có nhà nghiên cứu Vân Thanh). Đó là nhờ sự tham gia của nhiều giảng viên ở các trường có ngành đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học, THCS. Có thể kể tới Châu Minh Hùng (ĐH Quy Nhơn), Bùi Thanh Truyền (ĐHSP TP.HCM), Lã Thị Bắc Lý (ĐHSP Hà Nội), Nguyễn Thanh Tâm (ĐHSP Huế)…”.

Khi nhắc về VHTN ở Bình Định, ông nhận định: “Trong bức tranh chung, Bình Định có nhiều đóng góp cả về sáng tác lẫn nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật. Ngày càng có nhiều cây bút tham gia sáng tác cho thiếu nhi, trong đó có không ít người viết trẻ. Cách viết đã thay đổi, nhẹ nhàng và giàu tính giải trí, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ em”. TS. Lê Nhật Ký đã có nhiều bài nghiên cứu về VHTN ở Bình Định. Nhiều năm nay, ông tập trung nghiên cứu về sự nghiệp VHTN của Phạm Hổ. Kết quả nghiên cứu đủ để xuất bản thành sách. Gần đây nhất, TS Lê Nhật Ký khai thác về văn học thiếu nhi ở Làng Sông. Và ông là người đã đứng ra trình bày vấn đề này tại buổi seminar vào sáng ngày 02.7.2020 tại đại học Quy Nhơn. Từ góc độ tiếp cận của ông đã mở ra những khám phá mới về buổi đầu sáng tác VHTN. “Tôi đã có những bài viết về VHTN ở Làng Sông, chứng minh rằng những tác phẩm VHTN ra đời sớm nhất ở Việt Nam là từ Làng Sông. Tôi nghĩ, đó là chỗ tự hào của văn hóa Bình Định”, ông chia sẻ.

TS Lê Nhật Ký trình bày về VHTN tại một buổi tọa đàm, thông tin khoa học
về Sáng tác đồng thoại ở Việt Nam được tổ chức vào năm 2017. Ảnh: V.P

Lê Nhật Ký cập nhật từng chút một những tác phẩm, tác giả mảng văn học thiếu nhi hiện đại. Niềm vui như nhân đôi khi ông biết được trên mảnh đất Bình Định có tác giả mới dành những sáng tác về thế giới trẻ thơ. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt rạng rỡ của ông khi chia sẻ tin về tác giả Mai Đậu Hũ (quê Bình Định) in tập thơ vào năm 2020 dành cho thiếu nhi. Ông đánh giá cao những nỗ lực sáng tác của các tác giả trẻ. Họ, bằng tác phẩm của mình đã thuyết phục dư luận về vai trò của VHTN trong đời sống tinh thần của trẻ em nói riêng, xã hội nói chung. Bằng chuyên môn của mình, ông đánh giá khách quan và có những bài viết phân tích, giới thiệu những tác phẩm thiếu nhi của họ trên các báo và trang Blog của mình để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

2.

Miệt mài trong công tác nghiên cứu, đến nay TS. Lê Nhật Ký đã có hàng chục công trình nghiên cứu. Trong đó, ông in chung nhiều công trình về VHTN như: Văn học cho thiếu nhi (Trường ĐH Quy Nhơn, 2003, lưu hành nội bộ, viết chung với Châu Minh Hùng), Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi (NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, viết chung với Châu Minh Hùng), Trần Hoài Dương, con người và tác phẩm (NXB Hội Nhà văn, 2015)…
Đặc biệt, năm 2016, ông in riêng chuyên luận Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo dục Việt Nam). Tập sách gồm 251 trang, cấu trúc thành 9 chương. Đây là kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của ông, khảo sát sâu một thể loại văn học thiếu nhi cả về phương diện lịch sử lẫn cấu trúc tác phẩm. Sự ra đời của cuốn sách như một bước tiên phong định hình được những vấn đề cốt yếu về lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác của truyện đồng thoại. Sách được phổ biến rộng rãi, là nguồn tư liệu hữu ích cho công tác dạy và học trong các trường đại học và phục vụ cho công tác nghiên cứu VHTN.

Sáng tác dành cho thiếu nhi Việt Nam không ít, nhưng nghiên cứu chuyên về VHTN lại rất hiếm hoi, những nhà nghiên cứu tâm huyết như Lê Nhật Ký không nhiều. Ông vẫn đang thủy chung trong hành trình ấy, không ngại công sức đi nhiều nơi điền dã, sưu tầm tài liệu về VHTN. Hiện ông đã sưu tầm được khoảng 1.500 tác phẩm truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. Đó là một con số ấn tượng mà không phải nhà nghiên cứu VHTN nào hiện nay cũng làm được. Lê Nhật Ký còn tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm về VHTN; hướng dẫn sinh viên làm hàng chục khóa luận cao học về VHTN, tích cực giới thiệu các bài viết của học trò mình trong các hội thảo để các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ những quan điểm, góc nhìn nghiên cứu của mình với hội đồng có chuyên môn.

Không chỉ nghiên cứu về VHTN, TS. Lê Nhật Ký còn mở rộng biên độ, dành nhiều trang viết về văn hóa dân gian Bình Định. Có dịp đi thực tế cùng ông về vùng Tây Sơn hạ đạo, tôi lại bắt gặp hình ảnh một người trầm tính, lặng lẽ quan sát, tỉ mỉ ghi chép về văn hóa bản địa. Khi phát hiện một chi tiết mới nào đó thú vị về văn hóa dân gian, ông vui như bắt được vàng. Nói vậy, để thấy rằng ông có niềm đam mê trong những khám phá, thấy mình bị lôi cuốn bởi những điều mới mẻ, những phát hiện từ phía trầm tích của thời gian. Ông trải lòng: “Tôi quan tâm cả văn hóa dân gian và văn chương Bình Định. Đó vừa là do thúc đẩy của chuyên môn, vừa là tình cảm của bản thân đối với vùng đất mà tôi sinh sống, công tác hơn 30 năm nay. Từ lâu, Bình Định đã là quê hương thứ hai của tôi. Ở đây, tôi có nhiều bạn văn. Họ thường tặng sách cho tôi. Tôi học được rất nhiều ở trang sách của họ. Tôi đọc và giới thiệu về họ, là để bày tỏ lòng cảm ơn khi được tin cậy cũng là niềm trân trọng dành cho những người cầm bút tâm huyết”.

TS. Lê Nhật Ký sinh năm 1964, quê ở Quảng Trị, hiện đang giảng dạy tại Đại học Quy Nhơn; Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian; hội viên Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định); hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho các công trình nghiên cứu: Nhà mái lá Bình Định (giải 3A, năm 2004), Văn học dân gian trong hệ thống văn học thiếu nhi (giải KK, năm 2008), Những tiểu luận về truyện cổ tích (giải KK, năm 2016).

Công việc giảng dạy hiện tại thuận lợi cho vấn đề nghiên cứu của TS. Lê Nhật Ký nên ngoài những giờ đứng lớp, ông dành thời gian chuyên chú tìm tòi, nghiên cứu về thế giới trẻ thơ. Từng chút một, bằng sự cần mẫn, tỉ mỉ, ông tiếp tục hành trình mà ông xác định gắn bó lâu dài này. Ông thổ lộ: “Tôi đã hoàn thành xây dựng bản thảo cho bộ tuyển tập truyện đồng thoại Việt Nam gồm 4 tập và đang triển khai viết chuyên khảo về truyện cổ tích hiện đại. Càng bước vào thế giới trẻ thơ, càng khám phá được nhiều điều thú vị. Và tôi muốn chia sẻ với học trò, với những người bạn và bạn đọc những gì mình biết được với mong muốn văn học thiếu nhi sẽ được lan tỏa, được quan tâm nhiều hơn nữa trong cộng đồng”.

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…