(VNBĐ – Văn trẻ). Thi thoảng, vào những hôm trời sáng trăng, Ngà hay thả lòng mình vào những khoảng không mà tư lự. Cô cho mình một khoảng thời gian gần với sự lãng mạn nhưng bắc cầu với hồi tưởng để mình không trở thành một con người khô cứng giữa dòng đời nơi phố thị. Cứ chốc chốc Ngà lại nhìn xuống khoảng trống trước nhà, nơi mới ngày nào thôi vẫn còn là những khoảng đất trống, thế mà bây giờ nhà cửa đã san sát tới nỗi Ngà cảm thấy nghẹt thở, thèm một khoảng không khí rất riêng như còn ở dưới quê.
Từ khi xa quê tìm cách đổi đời nơi phố thị cô vẫn hay chững lại trước ngôi nhà mình về mỗi tối. Cô tìm kiếm một chỗ để ngồi ngắm trăng như thời hãy còn cùng anh ngồi đếm sao, cái trò lãng mạn của những cặp đôi thuở thiếu thời, dù sao trên trời thì ngút ngàn chẳng bao giờ đếm được. Nhưng phố thị mà, tấc đất tấc vàng, nhà cửa san sát, kiếm một mảnh sân dường như rất khó. Từ cổng chính bước một bước nữa đã tới cổng nhà, làm gì có khoảng sân nào mà có thể vui đùa chạy nhảy. Tự nhiên cô lại ước mong được quay về ngôi nhà thơ bé của mình khi xưa, nơi mái hiên thật to và khoảnh sân thật rộng đủ cho cô vui đùa mỗi buổi tối. Tôi vẫn hay bắt gặp Ngà đứng sững lại trước ngôi nhà mới của mình, một ngôi nhà khang trang quá đỗi mà giữ trong lòng một nỗi buồn man mác, ánh mắt ấy buồn đến nỗi cô cho người ta thấy rõ vật chất chẳng mua nổi kí ức trong cô. Những hôm trời nóng nực, khi tôi và Ngà ngồi trong cái nhà to đùng và máy điều hòa quạt vù vù mát rượi, cô hay bắt đầu câu chuyện của mình.
– Ở dưới quê, nhà em thuộc dạng nghèo nhất nhì đấy chị. Được cái đất rộng mà thôi. Nhưng quê mà, đất rộng cũng đâu được gì.
– Vậy mà chị thích ở dưới quê hơn đó, thoải mái, không quá gò bó như phố thị.
– Nhưng nghèo, chị ạ…
Ngà nhìn tôi mỉm cười khi nói ra câu đó. Nhà Ngà nghèo lắm, cả gia đình bốn người chui rúc trong một ngôi nhà cấp bốn mà mỗi mùa mưa, trời trở gió chỉ biết ôm nhau co rúm. Ba cô cứ nửa đêm lại leo lên mái, giăng đầy áo mưa che cho chị em cô khỏi ướt, còn mẹ cô thì lấy xô chậu hứng nước từ áo mưa đổ đi cho khỏi tràn.
– Nhưng nhà em khi ấy vui lắm, chị biết không, có một mảnh sân thật to, và đặc biệt có một cái hè em rất thích.
Cái hè, hay là cái hiên phía trước nhà, là nơi cô cùng chúng bạn trẻ thơ hay chơi trò “cá sấu lên bờ” xập xình vui nhộn. Bọn trẻ sẽ gom tất cả dép mà chúng có, một đứa đóng giả làm cá sấu, những đứa còn lại sẽ hát một bài và chạy vượt mặt lấy được dép trước mắt “cá sấu” sao cho không bị đứa kia chặn bắt.
– Cái hè ấy mát lắm chị. Mùa hè, cả nhà em lau thật sạch, em sẽ đi mua một cục đá về bỏ vô thùng nước uống, mang ra hiên nhà. Ba sẽ nằm dài trên hè, má sẽ nằm bên cạnh, còn hai đứa em thể nào cũng quấn lấy chân ba.
– Hiên mát lắm hả em?
– Dạ, mùa hè mát rượi nên nhà em hay ra đó nằm cho mát hóng gió đó chị. Ở quê nhiều nhà cũng làm như thế, cứ chốc chốc ra hết cả hiên nằm, nhà này í ới gọi nhà kia qua hàng rào nhỏ.
Lời Ngà kể làm tôi mường tượng ra những ngôi nhà um tùm cây cỏ, có một mái hiên be bé nhưng mát rượi mỗi hè về, có những gia đình đùa vui nằm xoãi chân đầy thú vị trên những mái hiên ấy. Cô bé Ngà thường chăm chú vào công việc bây giờ bỗng chốc thành một cô gái nhỏ đang huyên thuyên với hai bím tóc rất dễ thương. Ánh mắt của Hà trở nên mơ màng khi nhớ về gia đình, nhớ về lũ bạn. Tôi vẫn hay nghe kể mái hiên ấy gắn bó nhiều với những kí ức trong cô, thực thể mái hiên ấy gắn kết với ngôi nhà nơi cô đã sống suốt quãng thời gian thơ bé quá chừng kỉ niệm. Bỗng chốc Ngà giật phắt:
– A chị, em còn nhớ em bị đánh đòn trên cái hè ấy nữa cơ!
Tuổi thơ của Ngà không thiếu những trò vui nghịch, mà cứ mỗi khi nghe Ngà kể lại tôi sẽ không tin nổi cô bé Ngà chững chạc của bây giờ lại tinh nghịch như thế. Cô trở nên trẻ con hẳn khi kể với tôi về cái “sự thương em” ngây ngô của cô. Khi cô được ba cho ít tiền đi mua đá lạnh về uống, cô đã thấy có một cái vòng nhựa, rẻ thôi được bày bán, tự nhiên cô lại nghĩ tới đứa em ở nhà, thế là đánh liều mua cho kì được, rồi về nhà nói với ba là đá đã hết. Thế là cô bị ba nọc ra đánh vì tội nói dối vì ba vừa thấy người ta chở cả cây đá về, mà cô lại nhất quyết không nói tiền đã đi đâu. Chỉ có cô em chỉ biết khóc rưng rưng nhìn chị mình chịu trận khi đang mang trên tay chiếc vòng chị cho.
– Ngà thương em quá nhỉ?
– Vâng, thương lắm, mà đôi khi cũng ghét lắm, có ngày mẹ nọc hai đứa ra đánh ngay trên cái hè đó chị ạ, cũng bởi hai đứa nghịch quá, đi giành nhau một cuốn truyện mà chẳng chịu ăn cơm.
Tôi cười khúc khích và Ngà cũng cười, nhưng rồi nụ cười bỗng tắt đi:
– Bao lâu rồi Ngà chưa về quê?
– Chắc cũng lâu rồi chị, công việc bề bộn quá.
– Ngà về quê đi, ba mẹ cũng mong, không gì quan trọng bằng gia đình Ngà nhỉ?
Tôi biết Ngà luôn giữ trong lòng câu chuyện của đời mình, ngày bố bỏ mẹ mà đi cũng là ngày Ngà không muốn quay về ngôi nhà ấy nữa, trong tim Ngà như có một khoảng trống, như muốn trách cứ ba, như thương mẹ, mà như cả đau nữa. Ngày ấy nhà nghèo, vỡ nợ đủ thứ, ba bỏ đi tìm kế sinh nhai rồi biệt tích, mẹ còm cõi nuôi con, rồi Ngà lên phố, xa quê, xa ngôi nhà đong nhớ những tình thương, xa mảnh hiên quen thuộc, xa luôn kí ức đẹp của mình. Ngà thăng tiến trong công việc, xây được nhà khang trang, cô rước mẹ lên phố nhưng mẹ cứ nhất quyết ở nhà đợi tin ba.
***
Một hôm, Ngà qua tìm tôi:
– Chị ơi, ba em về rồi!
– Chú về rồi hả Ngà? Thật không? Em về quê ngay đi.
– Nhưng… em, em chưa tha thứ cho ba. Em…
Nước mắt Ngà rơi như đứng giữa ranh giới của sự nhớ nhung và sự tha thứ, từng ấy năm ông đã bỏ nhà đi để lại gia đình ngập chìm trong nước mắt. Mẹ điện thoại kêu Ngà về, ba đã về mà Ngà vẫn cứ chần chừ. Tôi theo Ngà đi dạo, khi về đến cửa nhà, Ngà vẫn đứng sững như mọi khi. Động thái lần này hơi có phần thảng thốt. Chẳng phải là Ngà đứng đây để tìm kiếm một mái hiên như xưa kia cô vẫn kiếm, chẳng phải Ngà đang đi tìm kí ức của ngày xưa mà là cô đang hồi tưởng, cô đang tìm cho mình một lí do để có thể thứ tha, để có thể yêu thương như ngày xưa ấy.
Rồi Ngà sang tạm biệt tôi để về quê. Nhìn những bước chân vội vã và có phần dứt khoát của cô ấy, tôi nghĩ Ngà chắc hẳn đã tìm thấy lý do để trở về.
Truyện ngắn LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)