(VNBĐ – Tản văn).
1.
Dù chưa một lần ngắm hoa, nhiều người vẫn nghe danh loài hoa nổi tiếng trong văn chương, nghệ thuật về vẻ đẹp mong manh, “sớm nở tối tàn”, liên tưởng những “hồng nhan bạc mệnh” trong đời. Rồi đâu đó truyền thuyết chuyện tình buồn của nàng tiên nữ Phù Dung với chàng thợ săn Đồng Tâm. Con người vốn ủy mị, yếu đuối và thường hay mơ mộng, huyễn tưởng. Chuyện cổ tích kết thúc có hậu cốt kể cho trẻ con nghe về vẻ đẹp thiện lương, đầm ấm sum vầy, nhưng những xúc cảm đầu đời về giới khiến chúng nhanh chóng đi qua “khu rừng mơ tuổi nhỏ” làm người trưởng thành cùng thế giới sầu mộng: ngay khi tận hưởng những ngọt ngào say đắm nhất của yêu và được yêu, con người vẫn mơ hồ phấp phỏng nỗi lo sợ ly tan. Nên, đọng lại trên thế gian không có vẻ đẹp viên mãn. Đấy, đá Vọng Phu cũng khiến bao đời sụt sùi. Hay mấy chục năm qua triệu người thổn thức chia sẻ những khát khao vô vọng tình của chàng Hàn thi sĩ tài hoa mệnh bạc.
Đóa phù dung là một thứ diễm lệ mơn man tâm hồn người vốn đồng bóng và mỏng manh chăng?
Chẳng cần ồn ào các shop hoa trên mạng bây giờ với bao nhiêu sắc màu, ẩn ngữ phù dung rao bán, loài hoa “sang quý” này đã lặng lẽ tồn tại cùng người nông dân một nắng hai sương. Phù dung được trồng trong vườn với những bụi chuối, cây cà, cây ớt, mấy khóm mình tinh, cây cỏ mọc dại. Thấy hoa nở đẹp, sáng trắng, trưa đổi sắc hồng, xin nhánh về giâm, cây lầm lụi lớn rồi một ngày đơm hoa. Từ xa lắm, phù dung đã hiện diện cùng lam lũ, mộc mạc.
Có thầy giáo dạy văn đã viết bài ký “Đóa phù dung trong sương sớm”, một ký ức lãng mạn và xúc động về quê nhà Kim Sơn, Hoài Ân. Cô học trò ở Hoài Thanh – Hoài Nhơn bẻ từ vườn nhà một cành phù dung đến khu nội trú tặng cô giáo ngày 8.3 những năm 80 gian khó. Cứ tưởng hoa chỉ đâu trong sách vở hay xa xôi địa lý, hóa ra phù dung hiện diện cùng bữa ăn còn thiếu đói, nhiều củ lang củ mì, trên những vùng đất bom đạn khốc liệt Bắc Bình Định vừa đi qua chiến tranh. Từ đóa trắng tinh khôi, mê hoặc trong sương sớm của ông giáo văn chương đến nhành hoa trụi lá trong tay đứa học trò chất phác tình, chẳng có mật ngữ nào cả: vẻ đẹp phù dung trong các ứng xử đơn giản một hiển ngôn, rằng, không phân biệt tầng lớp, địa vị, kẻ chữ nghĩa hay người cuốc cày, tất thảy đều biết rung cảm trước cái đẹp và mỗi tâm hồn người đều tiềm ẩn một nghệ sĩ.
2.
Một nữ văn sĩ phía Bắc tỉnh gửi tặng tôi mấy khúc hom như hom mì làm giống, trước Tết tháng rưỡi. Khúc cây xám mốc đâm chồi rất nhanh, hơn hai tháng là trên ngọn trồi nụ, ngày nào tôi cũng săm soi chăm sóc, ngó chừng. Buổi chiều búp hoa căng đầy đã he hé đài, tôi nghĩ hẳn sáng mai hoa nở, mới chọn một người bạn vốn có lòng với hoa mời hôm sau đến nhà ngắm phù dung. Trên facebook bây giờ ai cũng tương thật nhiều hoa. Nhà trồng có, nhà người hay nơi công cộng có – hoa là đẹp, biết cảm cái đẹp là “sống có hồn”, đương nhiên. Nhưng để chứng tỏ thôi, mấy người thực sự nặng lòng với hoa?
Cuối bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tu viện thành Parme”- một tác phẩm mở đầu trường phái hiện thực, không thấy ở đó những mơn man ve vuốt khá quen thuộc của dòng lãng mạn – văn hào Pháp Stendhal ghi: “Dành cho thiểu số hạnh phúc!”. Cũng vậy, chỉ thiểu số hạnh phúc thức chờ ngắm hoa quỳnh nở trong đêm, lặng người trước cái xao động diệu kỳ của những cánh hoa, nhụy hoa khai hoan rung động cả lá cành. Càng ít hơn, người chứng kiến những cánh trắng thanh thoát khép dần rồi tàn đêm gục chết. Bao không gian tụ bạ ngắm quỳnh vỡ vụn vì những mặn mòi chuyện phiếm, vì không khí thơ rượu bát nháo. Có lòng khác với tò mò để thỏa cái đã từng, hời hợt.
Nhưng vì lần đầu với phù dung, buổi sáng của khu vườn tôi và người bạn hớ đậm: hoa chỉ mở đài lớn lên từ từ, đến trưa, đến chiều cũng chỉ là nụ hoa dần mở. Đến nửa đêm, thường quỳnh đã mãn khai thì phù dung mới rụt rè như hàm tiếu. Mà không phải, cánh hoa mỏng manh, mềm xốp như bối rối, như nhún nhường, như ngại ngần phải hiện diện. Dường như hoa cũng ngỡ ngàng trước cái thì của mình. Những con dế say sương đêm không còn rỉ rích gọi bạn tình, thời gian ngưng đọng, và hoa, ở cái giờ phút đất trời thiêm thiếp giấc nồng, đã lặng lẽ nở trước bình minh.
Một ngày và một đêm để sớm mai này, hoa như một nhấn sáng trắng trong, mềm mại một đóa lớn sang quý trong khu vườn còn thật nhiều sắc hoa giữa xuân!
Vợ tôi đã từng biết phù dung đổi màu từ cành hoa trụi lá cô học trò bẻ tặng, sau mỗi tiết dạy. Sáng này chúng tôi không đi đâu, chỉ muốn ngồi cùng hoa trên từng sắc diện.
Sương tan rồi nắng lên, thứ nắng tươi tắn sáng tỏ trên lóng lánh chồi non lộc biếc, trên mỗi tinh tế sắc màu khu vườn: những hình dáng và nhịp điệu lá, những chuỗi đỏ tươi xác pháo, những sum suê, mộc mạc tím đậm bách nhật, những chùm sáng trắng mai chiếu thủy, những đóa hồng nhung, hồng phấn, hồng vàng. Rồi bông súng, bông giấy, kim tiền. Sứ và mạc chu lan, ẩn nguyệt, mai xanh, linh sam…
Và đó, trong hòa hợp mọi sắc hương cùng nắng rộng rãi, vô tư, vẫn riêng biệt một lặng lẽ phù dung trắng đến hư ảo.
Phương Đông, cụ thể từ Trung Hoa, người ta gọi mẫu đơn là chúa hoa. Mọi người dễ đồng thuận tôn xưng này bởi sắc màu, dáng vẻ đài các sang quý của hoa. Dù mỗi hoa có vẻ đẹp riêng khó so sánh nhưng sự kiêu hãnh lộng lẫy của mẫu đơn thực sự có uy lực. Và dường như các loài hoa khác cạnh kề cũng tự nhún mình khiêm cung đôi phần. Cũng như, khi họa mi trỗi giọng, mãnh lực âm sắc của nó khiến các thứ chim ngừng hót lắng nghe. Mẫu đơn và họa mi giống nhau sự phô phang uy nhiếp quần hùng.
Phù dung không cạnh tranh với ai cả, làn hương cũng thoảng nhẹ cho riêng mình như một sự tự trọng.
Cánh đồng trước nhà đã ươm vàng, bọn chim sẻ lích rích phởn phơ đang tán tỉnh nhau, không thiết ăn. Mấy con sáo nghệ rôm rả đấu hót trên ngọn cau chứ chẳng xuống đường gật gù nghiêng ngó. Và đôi bìm bịp thân quen trỗi vài nhịp đâu đó rồi đỏm dáng bộ cánh tinh tươm sập sà trên các lùm bụi quanh vườn. Có vẻ đám chim đang say nắng.
Còn hoa, đầy ý tứ trải niềm hàm ân với nắng trong hân lặng: từ lòng hoa, chút phớt hồng mơ hồ ửng hiện rồi nhẹ lan. Nhẹ lắm, như không muốn chung quanh phát hiện ra cuộc tỏ tình có phần ủy mị của mình. Trong rộn vang những âm thanh buổi sáng mát trong, yên bình, dường như tự nhiên còn một thứ vọng âm khác trong cuộc tỏ bày của hoa, từ nhẹ thoảng đến hồng, rồi phớt tím, hồng đơn. Đến trưa, đến chiều. Vẫn là phù dung, dù trong trẻo thanh tân thiếu nữ hay quý phái một phẩm cách.
3.
Bây giờ người ta hay dùng cái từ thời thượng và thông thái: sống chậm. Số đông chắc chưa mon men được rìa ý nghĩa lời khuyên “hãy sống chậm” họ thường sử dụng như một thâm thúy sang chảnh. Không sao cả, con người vốn loay hoay thay đổi theo từng vị trí xã hội, thu nhập của mình, tự ti và khoe khoang.
Tôi không có mấy cơ hội trong đời nên yêu thích chỗ ngồi trong ngôi nhà thân thuộc và khu vườn vô vàn sắc hoa, sắc lá của mình. Rảnh không nên thuộc lòng từng chồi, nụ, từng lá sâu, lá úa – mối bận tâm yên bình và xúc động từng ngày. Thật nhảm nhí khi so sánh những niềm vui, nỗi buồn khác nhau từ những bận tâm khác nhau mỗi người. Như khác nhau khi đối diện với hoa, với phù dung.
Đang mùa đại dịch nhiều âu lo, bất trắc. Khu vườn đầy tiếng chim, hoa lá của chúng tôi vẫn chan hòa nắng gió như ngàn năm qua thiên nhiên vừa nghiêm khắc vừa bao dung, độ lượng. Thấy mình may mắn với phù dung điềm tĩnh, ngưng đọng những âm vang.
LÊ HOÀI LƯƠNG
(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)