Êm như nước chảy

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Hoa phô sắc hương trong màu nắng nhẹ. Mấy chú chim đỏm dáng nhảy múa choành choạch trong lồng. Ông Trương Thỏa đang thư thái thả mình trong thế giới bình lặng vườn nhà thì cậu con thứ Trương Kiên chạy về, mình mẩy dính đầy máu me, sát khí đằng đằng. Kiên hùng hục vào buồng tìm vũ khí, định lao đi. Ông Thỏa nhanh chóng ngăn con lại. “Mày làm sao thế? Đánh nhau hả Kiên?”. Mặt Kiên làm ông Thỏa hiểu rằng mình đoán đúng. Với dáng hình xộc xệch thế kia, máu vương trên trán và cánh mũi, hai bàn tay trầy xước, thâm tím là biết vừa có trận so găng kinh hoàng. “Con phải giết nó”. Kiên giãy ra, cố thoát khỏi sự kiềm tỏa của cha. Nhưng bàn tay ông Thỏa siết mạnh, dứt khoát không muốn con gây họa chỉ vì giây phút nóng nảy, tức khí. Người ta có thể ngoan ngoãn bao năm, chỉ một vài giây không kiềm chế là rất nhiều cố gắng trước đó sẽ vèo trôi.

– Thôi nào, một sự nhịn chín sự lành.

Kiên bị Hồ Văn Báo, cháu đích tôn nhà họ Hồ ở Dương Tây gây chuyện, hai người đánh nhau dưới chân tháp cổ. Hai người xích mích từ lâu nên hễ gặp nhau là kiểu gì cũng hục hặc, động tay động chân. Con nhà võ động tay chân là mệt lắm. Hiện tại, Báo hơn hẳn Kiên về võ thuật nên hắn thường khiêu khích, cố làm Kiên mất kiểm soát được bản thân mà làm liều. Lần này Kiên đã mắc mưu. Trận huyết chiến dưới chân tháp cổ không phải cuộc tỉ thí kết thân tình bạn, mà chỉ no thỏa cái bực dọc, tranh giành cao thấp của hai con hổ, một con khát máu. Trận huyết chiến tiếp tục khơi sâu mối thâm thù của hai dòng họ. Các võ đường hoặc bấm bụng nghe ngóng, hoặc hả hê vì “hai hổ đánh nhau ắt có một bị thương”.

– Con sẽ cắt tiết cả nhà nó!

– Nếu con định đi đánh nhau, con phải vượt qua xác cha!

Không khuyên can nổi con, ông Thỏa buột miệng kêu lên. Mặt ông đỏ gay, đôi mắt mở trừng. Kiên cứng đơ, rưng rưng nhìn cha, đôi mắt vằn lên những vệt đỏ như lửa. Sau cùng, lửa dịu, Kiên phải buông đao để cha cất đi.

– Con nuốt không trôi nỗi hận hôm nay, cha ạ!

Kiên bước vội ra nhà sau, trút giận lên mấy bao cát.

Cả trăm năm qua, họ Trương ở Mật Thiện luôn nổi tiếng hơn họ Hồ của Dương Tây. Vì thế, người họ Hồ luôn đố kỵ, cứ được dịp là tìm cách hạ bệ họ Trương. Hai xã chỉ cách con sông nhỏ. Đúng ra những người luyện võ phải khoan hòa, nhường nhịn, nêu cao tinh thần thượng võ, đằng này họ Hồ xây bức tường ngăn cách, khiến họ Trương không khỏi buồn lòng.

Dòng họ Trương có những miếng võ gia truyền tuyệt đỉnh. Khách xa đến vùng đất võ trời văn, thể nào cũng tìm đến xin ông Trương Thỏa múa vài bài quyền để được thỏa lòng ngưỡng mộ. Thời thế đổi thay, chuyện học võ của thanh niên thay đổi, người võ sinh không ưa sự khiêm cung làm nổi lên tinh thần võ đức mà để sự đua chen, ích kỷ thấm vào từng đường quyền. Ông Thỏa thường dạy các võ sinh, thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân. Ý rằng, trời thì cao nhưng bên ngoài bầu trời còn có bầu trời khác, người tài giỏi chắc chắn có người tài giỏi hơn. Vì vậy, dù làm gì cũng tối kỵ ngạo mạn. Thế nên ông Thỏa không dạy hết những miếng đánh hiểm cho các võ sinh trong võ đường, đề phòng họ làm phản.

Họ Hồ lại khác. Chủ trương của ông Hồ Chín, chủ võ đường Dương Tây đặt chuyện thắng thua lên hàng đầu. Trong thi đấu họ Hồ ra đòn nhanh, mạnh, luôn triệt hạ đối thủ. Hồ Văn Báo được cha dạy tất cả tuyệt chiêu hiểm độc, không nương tay, vì thế nhiều lần Kiên đại bại dưới tay hắn. Lòng Kiên dâng lên nỗi uất nghẹn, muốn trả thù, nhưng hết lần này đến lần khác bị thân phụ cản ngăn. Sự nóng nảy, kiêu ngạo không hợp với người học võ. Ông Thỏa luôn muốn con mình theo đường chính đạo, chẳng nên cuốn vào mối thù và sự gây gổ bên ngoài.

***

Mối thù hằn nảy sinh từ thời cụ Trương Thương và cụ Hồ Mười. Năm qua năm, thế hệ sau không ngừng vót nhọn mối thù, khoét cho vết thương sâu hoắm. Cụ Thương là cha đẻ ông Thỏa, cụ Mười là cha đẻ ông Chín. Hai người phụng sự hai dòng họ, hai võ đường. Cụ Thương là người trong số ít võ sư làng võ cổ truyền tinh thông thập bát ban binh khí. Nào côn, đao, thương, kiếm, xà mâu, thiết lĩnh, bồ cào, kích, giáo… Cụ là huyền thoại với nhiều giai thoại đậm tinh thần thượng võ đất Bình Định. Trong khi cụ Mười kém xa cả vốn hiểu biết lẫn các quyền cước độc đáo. Ở đời, chỉ một chín một mười đã thành kỳ phùng địch thủ, đằng này người ở chiếu dưới lúc nào cũng muốn thể hiện ngang hàng. Bản lĩnh của một võ sư, ngoài tài năng còn ở đức nhân ái, khiêm tốn, nhún nhường, tôn trọng người khác và truyền lan võ đức cho thế hệ sau.

Mùa xuân năm đó, cụ Trương Thương buộc phải nhận lời thách đấu của cụ Hồ Mười để phân cao thấp, dẫu cụ Trương nhiều lần chối từ. Đúng ngày, giờ hẹn, hai cụ đến khu đồng đất giữa hai xã, nơi cánh cò vẫn dập dờn bay lượn trên những tán cây. Trước bao người dân, học trò, hai cụ cam kết không đả thương nhau mà chỉ dùng mực ghi dấu trên võ phục đối phương để phân định thắng thua. Sau màn đấu quyền, những vết mực trên áo cụ Mười nhiều hơn. Cụ Mười thua trận này. Đến trận đấu roi, hai binh khí roi mỗi đầu bọc đệm bông trắng được đưa ra. Roi cụ Thương cầm thấm mực xanh, còn roi cụ Mười thấm mực đỏ. Thời gian đấu là tàn một cây nhang, võ phục người nào ít bị điểm mực hơn tức là thắng. Sắp tàn cây nhang, cụ Mười nhảy ra ngoài, ngượng ngùng nhìn những vết mực xanh chi chít trên võ phục mình, chắp tay bái phục. Mọi người ào ào tán thưởng. Sau trận đấu, những tưởng cụ Mười sẽ kính nể, tâm phục khẩu phục, ai dè, cụ nuôi hận, bảo con cháu phải chăm chỉ luyện võ rửa nhục.

Cụ Thương không để ý điều đó, vẫn nghĩ cụ Mười rộng lượng, vui vẻ, vô tư. Mùa xuân năm sau, mai vàng rộ nở, người người háo hức, ngư dân vui mừng trúng lộc biển, ngoài đồng mùa màng tốt tươi. Cụ Mười lần nữa thách đấu thì cụ Thương mắc cảm, cáo ốm. Họ Hồ nghĩ họ Trương coi thường, thù hận càng thâm sâu. Ít ngày sau, một tên tướng cướp nổi tiếng hung ác xuất hiện, võ nghệ cao cường, tung hoành ngang dọc xuất hiện. Tiếng tăm của cụ Thương làm hắn khó chịu, nhưng vẫn muốn thuyết phục cụ theo mình. Không được chấp nhận, tên tướng cướp liền khiêu chiến. Không thể chối từ, cụ Thương đành nhận lời thách với tinh thần của một chính nhân quân tử.

Đêm bịt bùng. Gió rít từng hồi. Cụ Thương một mình cầm roi đến điểm hẹn. Lúc này, tên tướng cướp cho đám đàn em ra thử sức trước. Với đường roi nghịch, cụ Thương đánh bại hơn chục lâu la trong băng đảng tên cướp. Tên tướng cướp cầm đao tấn công tới tấp đối thủ. Song mỗi cú ra đòn của hắn đều bị cụ Thương hóa giải. Cụ tung những đòn roi nghịch áp đảo đối phương. Sau nhiều đòn đánh hiểm hóc, tướng cướp đã chịu thua.

Bọn cướp ôm hận, quyết trả thù. Một lần, bọn chúng theo dõi cụ Thương đi làm đồng, mật phục vây đánh bất ngờ. Nhưng vẫn bị cụ Thương lấy khăn làm binh khí, đánh cho nhóm của tên cướp tơi tả. Bọn chúng phải quỳ gối xin tha mạng và hứa không dám đánh lén.

Cụ Thương trở thành huyền thoại làng võ. Tiếng tăm cụ và võ đường Trương Thương càng nổi tiếng, lan rộng, võ sinh đến dự học càng đông thì càng bị võ đường bên kia căm tức. Cụ Hồ Mười hiểu rằng, mình không thể sánh được Trương Thương, nên nhiều lần né tránh không gặp. Cụ bí mật cho con mình là Trương Chín học thêm nhiều môn phái khác, hòng tụ hội tinh túy, sức mạnh, có thể đánh thắng các cao thủ họ Trương.

***

Giờ cụ Trương Thương, Hồ Mười đã thành người thiên cổ, ông Chín vẫn chẳng có miếng võ nào thắng được những đường roi nghịch, là cách đánh chẳng thuận theo lẽ thông thường của dòng họ Trương ở Mật Thiện. Ông Chín năm lần bảy lượt nghiên cứu các thế đánh, tham khảo tuyệt kỹ đánh roi của nhiều môn phái, song không thể điều khiển ngọn roi một cánh biến hóa, linh hoạt, hiệu quả như ông Trương Thỏa. Thằng con trai Hồ Văn Báo, ngỗ ngược, trịch thượng nhưng ông Chín mỗi ngày càng làm hắn xấc láo hơn. Cách đây gần chục năm, chính hắn cướp trắng người yêu của Kiên, khi mối tình đang chớm nở. Năm đó cô Khuê là nữ sinh, cũng là võ sinh xinh đẹp đến võ đường Trương Thương. Lúc tình cảm hai người đang dần bén thì Báo nhảy vào, đâm bị thóc, chọc bị gạo và nuôi một dã tâm lớn trong mình. Hắn lén lút theo dõi võ đường Trương Thương và những bước đi của Khuê. Bằng mưu mẹo của kẻ xấc láo, hắn đã bắt gia đình Khuê phải gả con gái.

Khi Khuê không thể đến võ đường, Kiên mới hiểu sự tình. Gia đình cô nợ gia đình Báo quá nhiều mà với cô gái yếu đuối, chẳng có cách gì cưỡng lại. Từ đó, cô như con rùa trong xó cửa, sinh con, nuôi con, lặng lẽ nhìn những mùa xuân trôi trong ngậm ngùi sầu tủi. Trong sâu thẳm, cô cất giấu nỗi nhớ thương Trương Kiên, chàng võ sư lành hiền, hiểu chuyện và trượng nghĩa. Ông Hồ Chín mãn nguyện, hả hê vì đã cho họ Trương một phen bẽ mặt. Trước mặt con trai, ông tuyên cha: “Chúng ta cướp được càng nhiều võ sinh từ võ đường dòng họ Trương càng tốt. Khi đó dòng họ Hồ sẽ nở mày nở mặt”. Chờ có thế, Báo cấu kết kẻ xấu, tung lời thất thiệt về võ đường Trương Thương. Trong sâu xa, hắn nghĩ đến một chơi cuộc sống còn. Hắn miễn phí cho tất cả các võ sinh đến võ đường nhà mình. Quả nhiên, chiêu này của hắn đã hiệu nghiệm, nhiều võ sinh đang học cha con ông Thỏa chuyển sang học ông Chín. Điều này làm Kiên chai rối.

– Chẳng lẽ chúng ta chịu ngồi yên hả cha?

Với người thường, đúng là chẳng thể ngồi yên. Còn ông Thỏa vẫn điềm nhiên:

– Như vậy cũng không sao cả. Con cứ bình tĩnh, tiếng tăm của dòng họ ta đâu dễ dàng mất đi như thế. Chuyện đó cũng rất tốt, có nghĩa là chúng ta có cơ hội sàng lọc những võ sinh không kiên trì, chỉ ham cái lợi trước mắt. Những người ở lại với võ đường ta sẽ là những người hiểu hết triết lý của ta. Ít nhưng tinh mới tốt, con ạ.

– Con chỉ muốn họ phải đại bại.

Ông Thỏa lắc đầu:

– Làm như thế, con lại sai với tinh thần võ học rồi. Người ta hại mình, mình mang thù hận mà đối lại thì mình cũng mang lòng sân hận. Họ càng xử tệ, mình càng phải đối đãi tốt. Có thế họ mới nể, dần dần hiểu ra và càng trọng mình. Đó là cái đức mưu phạt tâm công.

Từ trong sâu thẳm, Kiên tự nhủ, mình chẳng bao giờ học được hết sự thâm sâu trong ý nghĩ của cha cũng như sự cao thượng của ông đối với mọi người, ngay cả người muốn hãm hại mình. Gần cả cuộc đời ông, những đụng độ với họ Hồ đâu phải ít, nhưng ông vẫn giữ thái độ hòa hảo. Đến nỗi, có lần, ông Hồ Chín cao giọng: “Ông khinh tôi, chứ cái ngữ ông thì nhường nhịn ai!”. Mặc. Người ta muốn tung lời lăng mạ, xúc xiểm gì thì tùy. Tâm thế ông vững ở một nếp nghĩ, mình cứ lấy lòng tốt ra mà đối đãi, rồi người ta sẽ hiểu. Cách đây hai chục năm, trong một cuộc tỉ thí, chính ông Thỏa đã cứu thể diện cho dòng họ Hồ. Thế mà Hồ Chín còn cứng: “Ai cần nhà ông giúp!”. Ngay tại các đại hội rực rỡ cờ hoa, trước mặt hàng vạn người, cả quan khách quốc tế, ông Thỏa, với sự khẳng khái, một tinh thần ôn hòa, luôn coi trọng và tôn cao họ Hồ. Ông vẫn tự nghĩ, con người ta ai cũng có sĩ diện. Với người luyện võ, cái chất sĩ trội hơn, nhưng điều đó vẫn chưa thể hiện được bản lĩnh hay đẳng cấp một võ sư.

***

Ngày qua ngày, lòng đố kỵ được nuôi nấng, chất chồng lên đầu óc cha con ông Chín. Ông Chín đã truyền hết những độc chiêu cho Báo. Ông bảo con, giờ là thời của con, danh thơm dòng họ phải tăng thêm. Điều đó có được hay không là ở khả năng soán ngôi.

Hồ Văn Báo mang vũ dũng của mình đi thách đấu Trương Kiên. Hắn nghĩ, càng hạ bệ, làm nhục được người họ Trương, võ đường gia đình mình càng phát đạt. Nghe lời cha, Kiên tìm cách từ chối, nhưng hết lần này đến lần khác, Báo viết thư khích bác, bôi nhọ họ Trương, đánh đập đệ tử của Kiên. Trương Kiên lo lắng tâm sự điều này với cha. Phải làm sao bây giờ? Không. Ta không thể trốn chạy. Ta phải đối mặt với mình, với hắn. Dù phải chết cũng nhận lời. Song anh cảm thấy mất tự tin hơn bao giờ hết. Bầu trời lặng, tâm trạng ủ dột. Anh không biết mình sẽ đánh đấm kiểu gì. Chẳng lẽ danh tiếng của dòng họ sớm bị hủy hoại trong thời của anh?

Trái ngược vẻ lo lắng của con, ông Thỏa lại rất tự tin. Ông pha trà, gọi con ngồi lại. Lúc này, trong hương trà quyện hương hoa, với tiếng chim lích chích ông Thỏa mới gợi mở, rằng Kiên có khả năng, chỉ là chưa hiểu được hết bản thân mình. Nếu Kiên có thể khám phá và phát huy hết khả năng, Hồ Văn Báo chẳng phải đối thủ. Kiên ngơ ngác. Anh không thể hiểu những ý sâu xa trong từng lời nói, chiêu thức võ nghệ của cha.

– Vậy phải làm sao hả cha?

Ông Thỏa tiếp tục gợi mở:

– Trong thập bát ban binh khí, khăn được xếp vào loại nhuyễn tiên. Nếu biết sử dụng sự mềm mại, uyển chuyển của khăn, con có thể chế ngự được những chiêu thức mạnh, nhưng thô bạo của Báo.

Thì ra, trong các chiêu thức đơn giản, lúc chậm, lúc nhanh, lúc êm đềm, khi ào ạt mà ông Thỏa dạy cho, Kiên vẫn chưa lĩnh hội được hết. Song, những điều đó sẽ dễ dàng được hoàn thiện khi anh kiên trì tập luyện thêm. Ông Thỏa bảo:

– Cũng may con có ba ngày nữa. Ta sẽ dạy cho. Binh khí khăn có thể đánh vung ra một vùng rộng, phóng ra uốn lượn như rồng bay; có thể tấn công dài, ngắn, xa, gần đều thích hợp.

– Vâng – Kiên thưa – những điều này, bình thường con đã không quan tâm. Bao lần cha luyện võ khăn, con lại cứ nghĩ cha chỉ tập cho vui.

Ông Thỏa nở nụ cười tươi.

– Người luyện võ chúng ta lâu nay vẫn quan niệm võ nghệ là phải hơn thua mà ít ai nghĩ đến chuyện nâng lên thành nghệ thuật. Nghệ thuật đánh khăn đòi hỏi sự nhịp nhàng, uyển chuyển, quyền biến, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thăng bằng… Muốn được vậy, con phải phối hợp thuần thục tấn pháp, bộ pháp, thân pháp cùng các kỹ pháp của khăn…

Càng tập, Kiên càng ngộ ra, võ thuật biến hóa vô cùng, thâm sâu vô cùng. Ngày hẹn đã đến, cha con Kiên và một số võ sinh đến bãi đất rộng ven sông, khí thế rộn ràng. Những gương mặt nam nữ võ sinh ngời ngời lạc quan. Nơi đây nhìn ra mênh mông cánh đồng, ngửa mặt lên là bầu trời bồng bềnh mây trắng. Võ sinh nhà họ Hồ đã tụ tập cả trăm người. Cha con Hồ Văn Báo đang diễu võ dương oai.

Thấy Kiên, Báo lên tiếng trước:

– Họ Trương đã đến. Chúng ta sẽ kết thúc nhanh việc này.

Báo vừa dứt lời thì các võ đường khác cũng kéo đến xem, đông như đi hội. Chính Hồ Văn Báo kiêu ngạo đã mời họ đến chứng kiến sự nhục nhã của dòng họ Trương vì tin rằng phần thắng sẽ thuộc về mình. Cuộc tỉ thí quy ước ba hiệp đấu. Ai thắng hai hiệp người đó toàn thắng. Sau hai hiệp, người thua cả hai hiệp trước có thể xin dừng đấu hiệp ba, vũ khí tự chọn.

Mọi người đứng xung quanh hình thành một võ đài cho hai võ sĩ. Tiếng trống vang lên cổ vũ. Báo chọn đao, còn Kiên khoác tấm khăn đỏ lên vai. Lúc đó, các võ sinh há hốc miệng. Họ biết binh khí khăn, nhưng thời này ít ai dùng, bởi với họ nó quá yếu mềm. Báo vung đao thị uy, rồi hắn vung đao chém vào không khí vun vút, nghĩ rằng võ sĩ trước mặt chỉ chịu được vài chiêu trước thanh đại đao này. Không gian bỗng chốc như bị cắt vụn. Học trò của Báo hô vang, lùi lại phía sau nhường chỗ rộng hơn cho hai con hổ. Kiên bình tĩnh, đứng thư thái quan sát. Cái cười của anh nhẹ như hơi thở. Ở bên ngoài, ông Thỏa hiểu con trai đang nhập tâm cao độ.

Trận đấu bắt đầu. Mọi người nín thở. Không gian căng nhức. Báo chém ngang, chém dọc, song phi cắt gió, khí thế hăng hái. Còn Kiên, êm ái, nhẹ nhàng như lụa mà cũng lanh lẹ, dứt khoát để tránh những đòn tấn công của đối thủ.

Sau hàng loạt cú ra đòn, đao của Báo không thể đụng đến cơ thể Kiên. Báo dừng lại, nghĩ một hồi, rồi tiếp tục tung những đòn sấm sét.

Thật kỳ diệu. Mọi người ồ lên. Chiếc khăn vốn chỉ là vật giản dị, choàng cổ, chống nắng, khi dùng làm binh khí lại trở nên linh hoạt đến thế. Kiên và khăn hòa làm một, lấy chuyển động vòng tròn làm chính, tạo sức công phá trên nguyên lý ly tâm, dễ quấn bắt nhờ vào sự linh hoạt của cánh tay, phối hợp các phần của cơ thể mà tạo ra sức mạnh.

Khăn chọi với đao. Mềm mại đối đầu cứng rắn uy mãnh. Báo vung, chém những nhát dao trăm cân nhưng không trúng Kiên nên hắn càng sôi máu. Tức thì, bằng động tác nhẹ như đám mây đầu thu, Kiên tung người, bay lên, quấn khăn vào đao, rồi giật lại quàng vào cổ Báo. Cú giật mạnh làm hắn ngã nhào. Hắn bật dậy, vung đao chém bốn phương tám hướng. Lần này, nhát đao sượt qua áo Kiên. Anh lại tung khăn, chiếc khăn như con rồng nhào lộn, quấn vào đao, kéo sát Báo làm hắn mất lợi thế. Bằng động tác thuần thục, dứt khoát, một lần nữa, Kiên làm Báo ngã nhào. Anh đoạt được thanh đại đao rồi mỉm cười nhẹ. Báo đưa tay chặn ngực, máu miệng ộc ra.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Hết hiệp đầu, Báo ra hiệu không nghỉ mà vào hiệp sau. Nhưng hắn càng nóng nảy, vội vàng, càng để lộ sơ hở, tạo thuận lợi cho Kiên thi triển võ nghệ. Chỉ thêm vài chiêu thức, Báo ngã lăn, không thể dậy nổi.

Ông Chín đứng bên ngoài, thầm nghĩ: “Đúng là tuổi trẻ tài cao”.

Ông Thỏa đứng bên ngoài, thầm nhủ: “Con mình thật có khiếu. Hình như nó có ý nhường Báo. Nếu cậu ta ra đòn mạnh, con mình không còn đường…”.

Bất ngờ, ông Chín cầm roi, nhảy vào. Ông Chín vẫn tự hào về côn pháp của Hồ gia, được tập luyện theo phương pháp thực chiến, không hoa mỹ, không hình thức, chiêu thức không nhiều, kỹ thuật chẳng quá phức tạp nhưng từng đem lại hiệu quả cao. Ông triệt để dùng phép âm dương ngũ hành cùng năng lực biến hóa của đồ hình bát quái để khai triển đấu pháp và bộ pháp di chuyển. Ông Thỏa hơi bất ngờ, sững lại vài giây. Đúng lúc ấy, Kiên làm động tác “xin mời”, ý rằng sẽ tiếp chiêu võ sư Hồ Chín.

Các võ sinh theo ông Chín, nay mắt tròn mắt dẹt. Họ được chứng kiến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông Thỏa chú tâm quan sát. Trong khi Kiên tự tin đứng trong tư thế xuống tấn. Rồi đột nhiên, anh chuyển sang xuống thế thái cực quyền, với những động tác ảo diệu, kết hợp tấm khăn trên tay.

Ông Hồ Chín chờ xem chàng trai trẻ trước mặt có bản lĩnh gì. Ông ào ạt vung roi. Bằng sự điêu luyện đến vô vi, Kiên đã né được. Anh cũng ra đòn, sao cho không làm tổn thương đến vị võ sư già. Thực tình, anh chỉ muốn làm ông tâm phục khẩu phục. Kiên thấm đẫm triết lý vô vi. Vô vi nghĩa là “không làm gì mà không gì là không làm”. Giống như nước, mềm mại uyển chuyển nhưng có sức công phá lớn, không hình dạng cố định mà có thể có bất cứ dáng hình nào tùy vào vật chứa nó. Kiên đã kết hợp thái cực quyền và binh khí khăn, tạo nên sự ảo diệu vô bờ bến. Đây là sự sáng tạo của riêng anh, ngay lúc này, mà chính ông Thỏa cũng bất ngờ.

Chỉ sau vài chục chiêu, võ sư Hồ Chín đã bị đánh bật, ngã nhào.

Hồ Văn Báo ra hiệu cho các võ sinh chuẩn bị xông lên. Hắn cũng chộp lấy thanh đại đao đang nằm đất, định chém. Nhưng ông Hồ Chín đã kịp ngăn lại.

– Không. Ta thua rồi.

Ông Hồ Chín lặng lẽ đứng dậy, tiến gần võ sư Trương Thỏa, chắp tay, bái.

– Ông đúng là đã dạy được một nhân tài. Chúng tôi xin chịu thua. Võ khăn kết hợp thái cực quyền, đúng là một sự thi triển tuyệt hảo, như nước mà không phải là nước. Cậu Kiên đã khiến chúng tôi được mở mang tầm mắt.

Ông Thỏa chắp tay, đáp lễ.

– Dạ, ông quá khen. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là, với võ thuật càng giản dị càng tốt. Cha con tôi vẫn tiếp nối triết lý võ thuật xa xưa, lấy nhu thắng cương, lấy sự bình tĩnh nhẹ nhàng để áp chế sự nóng nảy, vội vàng.

Ông Hồ Chín cúi đầu, ngậm ngùi:

– Tôi hiểu rõ mọi sự, nhưng những năm qua tôi không vượt qua được chính mình. Tôi xin lỗi ông. Tôi vẫn hằng đem lòng đố kỵ, điều đó làm ảnh hưởng đến hòa khí của hai nhà. Tôi thật là…

Lúc này, tất cả các võ sinh đều hướng mắt về ông Thỏa và Kiên. Hồ Văn Báo lúc này còn chưa hiểu ý của cha mình.

– Sao cha lại làm như thế?

Ông Chín kéo con đến gần Kiên. Ông bảo:

– Con phải gọi Kiên là sư phụ. Võ thuật của cha con ta chẳng là gì so với cậu ấy. Cậu ấy ra đòn đều êm đềm, rất nhẹ nhàng, chỉ như dòng nước chảy nhẹ mà hiệu quả cao. Nếu con để ý thì con sẽ thấy, sự thi triển các chiêu thức của cậu ấy đều là lợi dụng sức mạnh của con để áp chế con. Con càng đánh mạnh thì càng thua.

Báo nhăn mặt, định quay đi như thể không muốn chấp nhận sự thật, nhưng ông Chín túm lại:

– Con đừng ương bướng nữa, chúng ta thua rồi. Cha xin lỗi vì đã dạy con chưa tốt.

Ông Chín thấy, đây là lúc mình nhẹ nhõm nhất vì cởi bỏ được sức nặng của lòng đố kỵ. Ông tự nhủ, mình đã vượt qua chính mình.

***

Vào ngày hoa nở thắm, mây trắng bồng bềnh, cảnh vật ôn hòa, hai võ sĩ trẻ nhào lộn tung quyền cước trong niềm nô nức chưa từng thấy. Đó không phải cuộc tỉ thí phân chia cao thấp, mà là sự giao hữu hòa hảo của hai võ sĩ trẻ hai dòng họ. Kiên và Báo đã bắt tay, ngay trên chính nơi mình vừa cày xới bằng những màn đấu gay cấn. Nắng và gió vẫn nhè nhẹ. Nắng và gió không có thắng thua. Chúng tôn bồi nhau, chúng làm cuộc sống con người thêm phần ý nghĩa. Ông Thỏa, ông Chín ngồi bên nhau, cười mãn nguyện.

NGUYỄN VĂN HỌC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hai dòng chảy

Căn gác trọ buổi sáng im lìm như bỏ hoang, các cô gái đã ngủ vùi. Lý tựa cằm lên khung cửa sổ, hướng về dãy núi xa. Nỗi nhớ khẽ khàng, chậm chạp gặm mòn…

Về mái hiên xưa

Trong bàng bạc ký ức nơi xóm làng, luôn có một mái hiên. Đó là nơi những vòm cây che mát bọn nhỏ chơi nhảy dây. Là nơi hàng tre rì rào kêu những trưa hè chờ đám bạn đến lớp…

Bài học của Dế Cơm

Ánh nắng đầu ngày xuyên qua những lá cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Những giọt long lanh bắt đầu nhỏ xuống làm lạnh buốt thân thể đầy thương tích của Dế Cơm làm nó choàng tỉnh…

Ấm cà phê

Không chút chối từ, Angela ngồi xuống, quàng tay quanh cổ tôi như một chiếc khăn quàng cổ trắng, vùi đầu vào ngực tôi để tìm hơi ấm, do nàng thấy lạnh…