Bi kịch cải cách và diễn ngôn lịch sử trong “Nhìn lại một vương triều” của Văn Trọng Hùng

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). “Lịch sử là một khối hổ phách khổng lồ, trong đó thời gian đã chết vẫn còn vang vọng những tiếng nói chưa nguôi” (Marguerite Yourcenar – Hồi ức Hadrian).

Trong tiến trình văn học và nghệ thuật dân tộc, đề tài lịch sử luôn là nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà văn, nhà viết kịch suy tư về thân phận con người, quyền lực, và sự tuần hoàn, đứt gãy của thời gian. Giữa bối cảnh kịch Việt đương đại đang nỗ lực làm mới hình thức và nội dung biểu đạt, kịch bản Nhìn lại một vương triều của Văn Trọng Hùng hiện lên như một hiện tượng đặc biệt: đó không chỉ là một tác phẩm mang cảm hứng hoài vãng, mà còn là một công trình giàu tính triết luận, nơi bi kịch cải cách trở thành tâm điểm của diễn ngôn lịch sử và tư tưởng chính trị, đạo đức.

Vở kịch lấy cảm hứng từ nhân vật Hồ Quý Ly – một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong chính sử để kiến tạo nên một không gian đối thoại liên thời đại, nơi những xung đột giữa lý tưởng và hiện thực, giữa cải cách và định kiến, giữa quyền lực và đạo lý được khắc họa bằng ngôn ngữ sân khấu, thi ca và chiêm nghiệm nội tâm. Ở đó, kịch không đơn thuần là nơi hành động diễn ra, mà là cõi suy tưởng của tiếng vọng quá khứ, nơi hồi ức chưa bao giờ lịm tắt.

1. Diễn ngôn lịch sử như một hình thức tư duy 

Theo George Steiner (1961), “kịch lịch sử là hình thức mà thời gian quá khứ bị triệu hồi để chất vấn hiện tại”. Trong tinh thần đó, Nhìn lại một vương triều không tái dựng lịch sử theo lối niên biểu hay kể lại sự kiện, mà dấn thân vào một “lịch sử được tưởng tượng” (imagined history), nơi ký ức, huyền thoại, quyền lực và tâm linh cùng hòa quyện trong một không gian nghệ thuật đa tầng.

Kịch bản vận dụng linh hoạt thủ pháp hồi cố và đối thoại để đặt lại các vấn đề vốn tưởng như đã được khép lại: Hồ Quý Ly là ai? Ông cải cách vì lý tưởng nào? Vì sao cải cách thất bại? Những câu hỏi đó không nhằm truy tố hay biện hộ cho nhân vật, mà mở ra một “phiên tòa nhận thức”, nơi khán giả trở thành nhân chứng, thậm chí đồng phạm của lịch sử.

Sân khấu trong vở kịch không chỉ tái hiện hành động, mà là không gian tư duy. Những sự kiện như Hội thề Đồng Cổ, cải cách tiền tệ, hay cái chết của Trần Khát Chân trở thành những cột mốc tâm lý – tư tưởng. Hồi cố, do đó, không phải để biện minh hay vinh danh, mà để phơi bày những mâu thuẫn chưa từng hóa giải.

Theo tinh thần sân khấu phê phán của Brecht, Văn Trọng Hùng để người đọc/ xem không bị dẫn dắt vào xúc cảm, mà được kích thích tư duy độc lập và khả năng phản biện. Hồ Quý Ly không còn là một cá nhân lịch sử, mà trở thành biểu tượng bi kịch của những nhà cải cách đi trước thời đại nhưng không được thời đại đón nhận và hiểu thấu.

2. Cảnh báo lịch sử và thông điệp đương đại

Có những vở kịch chỉ minh họa lịch sử. Nhưng cũng có vở, như Nhìn lại một vương triều, là sự khắc họa linh hồn của một thời: rạn vỡ giữa khát vọng canh tân và sức ỳ định mệnh.

Hồ Quý Ly không bị thần thánh hóa, cũng không bị kết tội. Tác giả khắc họa ông qua cái nhìn “phục thẩm”, cái nhìn dung hòa giữa nhân văn và chính trị. Ông không phải thánh nhân – đã từng sai lầm. Nhưng cũng không là tội đồ, bởi hệ thống mà ông muốn thay đổi đã mục ruỗng từ gốc. “Không Hồ Quý Ly này thì sẽ có Hồ Quý Ly khác” – tư tưởng ấy như nhát chém phũ phàng vào huyễn hoặc lịch sử, khơi dậy nhận thức, rằng cải cách là nhu cầu tất yếu thời đại, không phải sản phẩm của ý chí cá nhân.

Cảnh đứa trẻ lên ngôi chỉ thích “bánh ngọt và đi chơi” là một mỉa mai cay đắng, lật mặt trần trụi của thể chế. Tuyên ngôn ngây ngô: “Việc ấy đã có ông ngoại lo rồi!” là sự phơi mở trơ trọi của một nền quân chủ đã lún sâu vào hình thức, một ngai vàng bị hóa thành đồ chơi.

Những cải cách từ tiền tệ, chữ viết đến quan niệm đạo trị nước của Hồ Quý Ly đều khẩn thiết. Nhưng khi lý tưởng vào cảnh mồ côi lòng dân, chúng hóa thành giấc mộng đơn độc. Hồ Quý Ly hiện lên như một người lẻ loi: trước nho sĩ, quý tộc, và cả Nhân dân. Đó là điểm mù chí tử mà bất kỳ nhà cải cách nào cũng phải đối mặt, khi không cùng bước chân và lý tưởng lạc lõng giữa thời cuộc.

Cảnh xử tử Trần Khát Chân là điểm rơi bi kịch. Câu nói: “Trần Khát Chân! Ông biết không? Ta giết ông mà lòng ta tiếc lắm!” như tiếng thở dài bi thảm của kẻ vừa cầm dao, vừa đổ máu chính mình. Vở kịch vì vậy vang lên bản ngâm khúc cho một lý tưởng chưa trọn. Những câu hỏi nhức nhối âm vang: Quyền lực ra sao để giữ gìn nhân tính? Cải cách thế nào để đạo lý không lìa?

Max Weber phân loại ba kiểu quyền lực chính danh: truyền thống, hợp lý – pháp lý, và dựa trên uy tín cá nhân. Hồ Quý Ly không nắm giữ một căn cơ nào trong đó. Ông là nhà cải cách không nền móng. Vậy nên, mọi chuyển mình đều bị quy chụp là nổi loạn, dù bản chất chứa đầy ánh sáng.

Lời Hồ Nguyên Trừng: “Xây thành Tây Đô cũng cần, nhưng không chắc hơn xây thành trong lòng bá tánh!” vang lên như thần chú rút tỉa từ chính sử nghiệm cay đắng. Một vương triều có thể dựng bằng gươm đao, nhưng lý tưởng chỉ tồn tại bằng niềm tin của chúng dân.

Điều khiến Nhìn lại một vương triều vượt khỏi khuôn khổ một bi kịch cá nhân là vì nó đánh động đến hằng số văn hóa sâu kín. Đó là mối tương quan giữa người thực hiện khát vọng canh tân và căn tính cộng đồng. Trong từng lớp thoại, từng tình huống, người đọc và người xem nhận ra rằng: cải cách không thể chỉ là thay đổi thể chế, mà trước hết là sự khai thông dòng chảy tâm linh, phong tục, tập quán, kể cả việc thay tiền đồng tưởng như nhỏ nhặt.

Dân tộc học hiện đại nhấn mạnh: mọi cải cách chỉ thành công khi chạm vào được mạch cảm xúc cộng đồng, khi nó không cưỡng lại mà biết đối thoại với “truyền thống sống”. Hồ Quý Ly quên điều ấy, hoặc quá vội vàng. Bi kịch của ông là bi kịch của nhiều nhà canh tân khác trong lịch sử Á Đông, những người muốn đoạn tuyệt truyền thống thay vì giải mã nó từ bên trong. Vở kịch, vì thế, là lời cảnh tỉnh từ chiều sâu văn hóa, không đơn thuần là tiếng vọng từ quá khứ.

3. Cấu trúc thi pháp và chiều sâu triết luận

Không dựa vào tái hiện hiện thực đơn tuyến, Nhìn lại một vương triều là thi phẩm sân khấu hòa tụ trong một kết cấu đa tầng: vừa cổ điển, vừa hiện đại; vừa mỹ học, vừa đạo lý; vừa nghi lễ, vừa suy tưởng; vừa thi ca, vừa triết lý…

Ngay phần “Khai từ”, sân khấu đã trở thành điện thờ ký ức. Không gian đài tế, chiêng trống, tượng thần… gợi một thế giới tâm linh, nơi nhân vật không chỉ hiện diện bằng hành vi, mà còn hiện hồn trong một “từ trường linh thiêng” của dân tộc. Bài thề Hội thề Đồng Cổ: “Nếu làm tôi mà bất trung, làm con mà bất hiếu thì thần linh tru diệt” không đơn thuần là nghi lễ, mà là bản giao ước máu giữa người và tiền nhân.

Cải cách của Hồ Quý Ly cho thấy một tầm nhìn xa. Tiếc rằng, việc ông lên ngôi được xem là không chính danh, bị đại quan và Nho sĩ nhà Trần tìm cách chống đối. Ảnh: P.N

Đoạn hội thoại giữa Hồ Quý Ly trước tượng vợ quá cố – Huy Ninh là chiều sâu nội tâm và triết học: “Không! Không! Ta không sai!/ Nước non này, trăm họ này không chỉ của nhà Trần!/… Giang sơn này; gấm vóc này đã là máu thịt trong ta!”… Ở đây, ngôn ngữ không còn là trang sức, mà là hình thức kết tinh tư tưởng. Chất thơ chính là mạch sống cho nhân vật suy tư, giằng xé.

Những yếu tố siêu hình như linh hồn, tượng đá, tiếng vọng… làm phong phú ngôn ngữ kịch, gợi triết lý về vô thường và định mệnh. Trong tiếng nói của công chúa hiện hồn: “Vần thế cuộc thịnh, suy trong trời đất/ Có vương triều nào sống mãi được đâu?”, tư tưởng Phật giáo vang lên như một đối âm của tham vọng chính trị. Chất thơ làm mềm sân khấu, nhưng đồng thời làm sâu tư tưởng, trở thành điểm tựa siêu thoát số phận nhân vật, và cả định mệnh dân tộc.

Mối tình Hồ Nguyên Trừng – Thu Sương với lời thơ “Trời hỡi sanh chi kiếp đoạn trường…” là dòng suối dịu dàng giữa rừng gươm giáo, nơi cái đẹp và lòng nhân hậu vẫn le lói sáng trong hoang tàn.

Vở kịch, tác giả sử dụng hợp thể các yếu tố như hát múa, âm nhạc, nghi lễ… tạo nên một Gesamtkunstwerk (tác phẩm nghệ thuật toàn thể) mà Wagner từng khát khao, theo cách riêng Việt Nam. Văn Trọng Hùng không tái lập quá khứ, mà đánh thức ký ức dân tộc bằng cảm xúc và lương tri thời đại.

***

Nhìn lại một vương triều là một sáng tác kịch lịch sử mang cấu trúc trường ca tư tưởng, nơi thi pháp sân khấu trở thành phương tiện biểu đạt những suy nghiệm sâu xa về quyền lực và cải cách. Không dựng tượng đài cũng không phán xét, Văn Trọng Hùng khắc họa Hồ Quý Ly như một thực thể phức hợp, vừa mang khát vọng cải biến xã hội, vừa chất chứa mâu thuẫn nội tâm của kẻ bước đi giữa ranh giới lý tưởng và hiện thực.

Vở kịch không dừng ở việc tái hiện một thời đoạn lịch sử đã khép lại, mà mở rộng chiều kích suy tư, làm nổi bật các xung đột mang tính bản thể: giữa khát vọng kiến tạo và hệ lụy của quyền lực; giữa ánh sáng lý trí và bóng tối của những hệ hình cũ kỹ… Hồ Quý Ly như một chủ thể đang “trở thành”, không phải biểu tượng cố định của lịch sử, mà là hình ảnh chuyển động của con người đang vận hành giữa tiến trình lý tính và sai lầm, giữa tầm nhìn và hậu quả.

Lựa chọn một hình thức nghệ thuật (kịch thơ) đang dần bị lãng quên trong dòng chảy hiện đại, tác giả không phục dựng sân khấu như một ký ức, mà tái thiết nó như một bình diện nhận thức, nơi lịch sử không còn là phông nền hoài niệm, mà là không gian để con người đối thoại với chính mình qua tấm gương của những người đi trước: “Chiều nay thăm thành cũ/ Tây Đô nhuốm điêu tàn/ Nhắm mắt nhìn điện ngọc/ Dậy nỗi buồn mang mang!”.

Tây Đô – dấu tích còn lại của một vương triều và một lý tưởng giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Nhưng nỗi buồn ấy không tắt, mà hóa thành suy tư. Dưới ánh sáng chập chờn của sân khấu, Văn Trọng Hùng không chỉ là nhà viết kịch. Ông là nghệ sĩ tư tưởng, dùng nghệ thuật để phê phán quyền lực, phục dựng nhân vị và truy cầu bản chất của hành động cải cách.

Với Nhìn lại một vương triều, lịch sử không được gọi dậy để nhắc lại – mà để khai mở suy tư. Nơi ấy, mỗi người hôm nay có thể lắng nghe tiếng vọng của thời gian mà định hình trách nhiệm của chính mình trong hành trình tiếp nối.

TS. VÕ NHƯ NGỌC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nước mắt thời hậu chiến

Đọc tập thơ Tạ lỗi với mây xanh (NXB HNV, 2024) của Mai Thìn, có thể thấy, những bài thơ hay nhất đều nói về chiến tranh, đọng lại nỗi buồn, thành dòng nước mắt người ở lại thời hậu chiến…

Âm nhạc Bình Định, 50 năm ngân vang khúc hát

Hiện nay, Chi hội Âm nhạc tỉnh Bình Định có số lượng hội viên gần 60 người, trong đó có 16 người sinh hoạt ở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lực lượng này đang tiếp tục sự nghiệp âm nhạc…

Thắp câu thơ từ nỗi âm thầm

“Cháy một mùa lặng lẽ” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Ngô Văn Cư với 99 bài thơ được viết theo thể nghiệm mới với thể thơ 1-2-3, tập thơ là một hành trình giàu cảm xúc…