Về mái hiên xưa

(VNBĐ – Tản văn). Trong bàng bạc ký ức nơi xóm làng, luôn có một mái hiên. Đó là nơi những vòm cây che mát bọn nhỏ chơi nhảy dây. Là nơi hàng tre rì rào kêu những trưa hè chờ đám bạn đến lớp. Là nơi bà đặt chiếc ghế nhựa tựa lưng màu nâu, vừa móm mém nhai trầu, vừa kể vài ba câu chuyện mở đầu bằng “hồi ấy”. Rằng ngày còn xuân xanh, bà cũng được khối anh trong làng theo đuổi. Ông ngoại phải trồng cây si lâu lắm mới dám ngỏ lời làm quen. Rằng khói lửa chiến tranh đốt sạch mái nhà bà cố. Bà ẵm mẹ, chạy băng rừng trên đôi chân trần đầy màu bùn đất. Bên mái hiên và khoảng sân nhỏ, lũ trẻ ngồi chồm hổm quanh bà, chống cằm lắng nghe. Lắm lúc, chúng tíu tít hỏi này hỏi nọ đầy ngu ngơ. Thế sao hồi đó bà lại ưng ông ngoại? Bà chạy giặc, còn đồ đạc phải làm sao đây? Bà cười hiền, đôi mắt đầy nếp nhăn xô lệch vào chân tóc. Câu chuyện thường ngắt quãng bởi những tiếng cười rôm rả. Cứ thế, nơi đây trở thành địa hạt dung chứa những câu chuyện kể ngày xưa ngày xửa.

Bà thích ngồi ngoài hiên, trên tay là lá trầu vừa quết vôi. Những ngày trở gió, trên đầu bà quấn thêm cái khăn bằng nhung đen. Bà hay nheo mắt, ngó ra ngoài ngõ. Vài đứa con nít lên ba đang chơi năm mười rồi cãi nhau inh ỏi. Nắng tắt dần thì bọn học sinh đạp xe ngang qua, í ới rủ nhau bắn bi ve sau khi về nhà cất cặp sách. Không gian bình yên nơi xóm làng truyền vào mái hiên, khiến lòng người cũng chảy xuôi theo vẻ dịu dàng êm ả cuối chiều. Khi tiếng chó sủa văng vẳng, bóng đèn dây tóc vàng treo trước hiên cũng bật sáng. Mẹ trải chiếu rồi bưng mâm cơm tối, tiếng chén đũa gõ lạo xạo xen ngang tiếng ếch nhái ồm ộp ngoài đồng. Trên mâm cơm trải chiếu ngoài hiên nhà, những câu chuyện ngày xưa lại được bà kể tiếp.

Mái hiên cũng là nơi bà hay ngồi hong tóc. Mái tóc muối tiêu thoảng hương bưởi đầu mùa, được xả bung rồi lau nhẹ bằng cái khăn dài đã đổ lông. Kiểu tóc ngày thường được búi gọn phía sau, nay mới thấy đã dài quá thắt lưng một xíu. Mấy lần chải đầu từ cái lược gỗ gãy vài cây răng, đem tóc bà đọng lại quấn quanh như mắc cửi. Bà tháo nhẹ rồi để dành cùng mớ tóc rụng, tóc rối, chờ có ai rao ngang hiên nhà thì ới theo để bán. Vài cây cà rem hay bịch sữa chua được đổi từ mớ tóc rối, cho lũ trẻ ngồi đợi nghe bà kể chuyện ngoài hiên ăn đỡ thèm.

Lũ gà con chiêm chiếp ngoài sân, hay quấn quanh chân bà trong mấy trưa đứng bóng. Bà ngồi trước hiên rải mấy nắm thóc, rồi buồn tay bứt mớ lá điệp đỏ, thắt hình con cá treo lủng lẳng bên bờ rào. Lũ nhỏ ghé mắt lại nhao nhao, cũng hí hửng bứt lá rồi học theo bà làm hình con cá. Đàn cá nhỏ cứ lúc lắc thành đàn trước sân, tập bơi trên cạn trong cái hè đổ nắng. Ve kêu râm ran trên cây phượng già đầu làng, như kéo dài khoảng sân bình yên trong tâm trí bọn trẻ. Hè về, chúng có thêm thì giờ rỗi rảnh để nghe bà kể chuyện dưới mái hiên.

Có những hôm sấm chớp đùng đoàng, bà ngồi nép bên hiên nhà nhìn về mớ thóc còn bọc trong tấm bạt nhựa sọc xanh. Bao nhiêu miệng ăn đều ngóng chờ trong đấy. Bà lom khom kéo tấm vải dù che thêm, rồi đặt ghế trước hiên trông mưa đừng tạt ướt thóc. Bóng đèn trái ớt màu đỏ loang những vệt sáng từ ban thờ, leo lắt và mỏng tang trong gió mưa bất chợt. Bà thắp cho ông ngoại nén nhang trầm rồi đem thau nhựa ra ngồi trước hiên hứng mớ nước chảy theo kẽ ngói. Bọn trẻ nghễnh tai nghe mưa đập lộp bộp tàu chuối, quay đầu tíu tít đòi bà kể chuyện ma cỏ. Rằng đi trong rừng già mà nghe ai gọi tên thì không được đáp lại. Hoặc có ông kẹ hay rình bắt lũ trẻ trốn học đi chơi đêm giấu trong bụi tre đầu làng.

Mỗi năm Tết về qua mái hiên, rũ những vạt nắng lập xuân ủ ấm ràng bánh tráng. Loại bánh tráng pha bằng bột gạo trộn mì, vẩy bên trên vài hạt mè đen thơm phức. Bà coi nó như lương thực dự trữ. Tết đến đầy ắp bánh tráng trong cũi mới thấy vững dạ tâm an. Bà còn đem mái hiên như một điểm dừng chân, ngồi ngóng đợi con cháu về thăm khi năm tàn tháng tận. Bọn nhỏ đã chẳng còn xúm xít quanh chân bà nghe lời kể như thuở bé, nhưng lời kể vẫn cứ văng vẳng đâu đó trên những cột khói rơm cay xè mắt mũi. Lời kể cũng có khi hóa thành gió, chạm nỗi nhớ lạnh buốt vào má của đứa con xa quê.

Cứ thế, lời kể ngoài hiên của bà trở thành nơi ký thác nhớ nhung của lũ nhỏ trong xóm. Mai mốt đi đâu xa, chúng cũng cứ quay quắt nhớ quê cùng cái mái hiên nhỏ ngày trước. Có thể chúng đã chẳng còn nhớ rõ mấy câu chuyện kể của bà. Nhưng cứ hễ thấy bóng bà ngồi trên ghế nhựa trước hiên, bên tai chúng như văng vẳng lại những âm thanh nhuộm màu ký ức.

Có lẽ, ai cũng có cho riêng mình những mái hiên để neo đậu trong đời.

NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Êm như nước chảy

Cả trăm năm qua, họ Trương ở Mật Thiện luôn nổi tiếng hơn họ Hồ của Dương Tây. Vì thế, người họ Hồ luôn đố kỵ, cứ được dịp là tìm cách hạ bệ họ Trương…

Hai dòng chảy

Căn gác trọ buổi sáng im lìm như bỏ hoang, các cô gái đã ngủ vùi. Lý tựa cằm lên khung cửa sổ, hướng về dãy núi xa. Nỗi nhớ khẽ khàng, chậm chạp gặm mòn…

Bài học của Dế Cơm

Ánh nắng đầu ngày xuyên qua những lá cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Những giọt long lanh bắt đầu nhỏ xuống làm lạnh buốt thân thể đầy thương tích của Dế Cơm làm nó choàng tỉnh…

Ấm cà phê

Không chút chối từ, Angela ngồi xuống, quàng tay quanh cổ tôi như một chiếc khăn quàng cổ trắng, vùi đầu vào ngực tôi để tìm hơi ấm, do nàng thấy lạnh…