(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Bình Định – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa – không chỉ nổi tiếng với nghệ thuật tuồng, võ cổ truyền, thơ ca dân gian mà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Bana, Chăm, H’rê… Các dân tộc này đã tạo nên những giá trị văn học dân gian độc đáo, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng và nền văn hóa chung của tỉnh nhà. Trong 50 năm qua, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã có nhiều biến động, đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng cho thấy những nỗ lực gìn giữ và phát huy đáng ghi nhận.
Những thành tựu đáng ghi nhận
Trong nửa thế kỷ qua, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số ở Bình Định đã có những bước tiến nhất định trong công cuộc gìn giữ và phát triển. Nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian được thực hiện, góp phần làm sáng rõ những giá trị văn học dân gian đặc sắc như sử thi, truyện cổ, các bài dân ca, lời khấn lễ, câu đố, tục ngữ, phương ngữ… Ở huyện Vân Canh – nơi tập trung đông người Bana, Chăm H’roi – đã có nhiều hoạt động lưu giữ và phục dựng các lễ hội gắn liền với văn học truyền miệng, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Tại huyện Vĩnh Thạnh, các làn điệu dân ca Bana được phục dựng trong các buổi sinh hoạt văn nghệ truyền thống, nhiều CLB cồng chiêng được thành lập và hoạt động hiệu quả; những lễ hội đặc biệt của người Bana Kriêm được phục dựng và thêm cơ hội gìn giữ khi kết hợp với các hoạt động du lịch cộng đồng, tiêu biểu như lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm.
Một số nghệ nhân dân gian, già làng tiêu biểu được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân như NNND Đinh Chương, NNƯT Yă Xuâng, NNƯT Đinh Y Băng… Họ là những nghệ nhân làm tốt công tác truyền dạy và biểu diễn, gắn bó chặt chẽ với các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Trong số họ, có nghệ nhân còn được ghi nhận là những “kho tàng sống” của văn hóa dân gian, vừa có khả năng biểu diễn, truyền dạy vừa làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống lại những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình, trong đó tiêu biểu có Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh. Dành niềm quan tâm đặc biệt với văn hóa, nhà nghiên cứu Yang Danh sau khi trở lại quê nhà năm 1983, ông đã bám sát địa phương, thực hiện các công trình sưu tầm, nghiên cứu của mình. Ông đã in hơn chục công trình nghiên cứu về dân tộc mình. Trong đó, nhiều công trình tiêu biểu như: Tập tục truyền thống trong gia đình Bana Kriêm (2004), Lễ hội Xa Mok của người Bana Kriêm Bình Định (2008), Cột cúng – Chơ Mrững của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2013), Lễ tục cưới hỏi của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2014), Công cụ săn bắt chim, thú, tôm cá của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2016), Rông truyền thống của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2019), Bếp lửa, cầu thang nhà sàn của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2020), Dệt, đan người Bana Kriêm Bình Định (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2021), Trống Pơ nâng – Sơ gâc của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2022)… Gần nhất, năm 2023, ông in công trình Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định (sách được Hội VHNT Bình Định hỗ trợ xuất bản theo Quy chế chi tiêu hỗ trợ các hoạt động sáng tạo VHNT giai đoạn 2021 – 2025) dày dặn và kỳ công, giới thiệu khái lược và đi sâu tìm hiểu về làng, nhà Rông truyền thống, các loại nhạc cụ cổ truyền như pơ lơng khơng, đàn goòng, tơ rưng, tơ lía, cồng chiêng…; nghề dệt, đan truyền thống; các loại hình như dân ca, truyện kể dân gian, lễ tục cưới hỏi, tri thức dân gian… Bên cạnh đó, nhiều năm nay, nhà nghiên cứu Yang Danh là người tham gia biên soạn từ điển Bana Kriêm, tiến hành điền dã, ghi âm và chuyển ngữ những bài sử thi của người Bana xưa, tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, ở mảng nghiên cứu, còn có hai nhà nghiên cứu có những đóng góp rất lớn cho văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Có thể nói, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc biệt ở mảng dân tộc thiểu số, là lĩnh vực mà nhà nghiên cứu Hà Giao (Đặng Phùng Mãi, sinh năm 1937 mất 2011) dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết và gặt hái nhiều thành công hơn cả. Ông có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, đặc biệt là về sử thi của người Bana, như: Truyện cổ Bahnar Kriêm (NXB Văn hóa Dân tộc – 1994); Dyông Wiwin (Trường ca Bahnar – NXB Kim Đồng – 1997); Chàng Dyông (Trường ca Bahnar – NXB Kim Đồng – 1998); Sử thi Bahnar Kriêm tập 1 (NXB Văn hóa Dân tộc – 1999); Sử thi Bahnar Kriêm tập 2 (NXB Văn hóa Dân tộc – 2000); Sử thi Bahnar Konhđeh tập 1 (NXB Đà Nẵng – 2002); Hơamon Bahnar Konhđeh (NXB Đà Nẵng – 2003); Hơamon Bahnar Giolơng (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2009)…
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân (1932 – 2019) cũng đã dày công xuôi ngược, lặn lội đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt, nắm bắt chi tiết, phối hợp cùng các cộng sự hoàn thành nhiều công trình có giá trị ở lĩnh vực VHNT các dân tộc thiểu số tại Bình Định. Có thể kể đến những công trình có bề dày như: Nếp sống cổ truyền của người Chăm ở huyện Vân Canh (2011, viết chung với Đoàn Văn Téo); Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh (2011, viết chung với Đoàn Văn Téo); Văn hóa cổ truyền của người H’rê ở huyện An Lão (2015, viết chung với Đinh Văn Thành)… Cũng phải ghi nhận thêm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân còn nhiều công trình khác, mảng văn hóa dân gian giàu ngữ liệu lịch sử về đất và người Bình Định, như: Văn học dân gian Tây Sơn (1999), Truyện cổ Thành Đồ Bàn (1999); Các ngôi sao Tây Sơn (2001); Văn hóa cổ truyền các làng quê Bình Định (chủ biên, 2005); Cảng thị Nại và văn hóa cổ truyền (2010); Truyện cổ thành Đồ Bàn – Vịnh Thị Nại (được Dự án Nhà nước xuất bản 2012)…

Một điều đáng quý, là trong những năm gần đây, Hội VHNT Bình Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định cùng với sự chỉ đạo sát sao từ UBND tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm gìn giữ và phát huy văn học, văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số. Trong đó, nổi bật là các dự án điều tra, kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Các hoạt động này không chỉ giúp xác định rõ hiện trạng mà còn tạo nền tảng cho việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể trong công tác bảo tồn. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ nhân dân gian, nhằm nâng cao năng lực sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa. Hội VHNT tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn văn nghệ dân gian một cách bài bản và hiệu quả giúp các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và thế hệ trẻ quan tâm đến văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thêm những kỹ năng và nhìn nhận thấu đáo về các giá trị văn hóa; hỗ trợ các công trình nghiên cứu, tổ chức nhiều chuyến thực tế về vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp cận đời sống, thêm nhiều thông tin hữu ích cho công tác nghiên cứu, sưu tầm. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương đã mở các lớp dạy chữ dân tộc, các lớp truyền dạy hát dân ca, kể chuyện cổ, biểu diễn cồng chiêng… cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số chương trình giao lưu, trình diễn văn hóa dân gian dân tộc thiểu số được tổ chức thường niên hoặc lồng ghép trong các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền núi, Liên hoan cồng chiêng – dân ca dân vũ, Hội thi kể chuyện dân gian, Festival Văn hóa dân gian Bình Định… Những chương trình này không chỉ góp phần làm sống lại không gian văn học dân gian mà còn tạo điều kiện để các thế hệ trẻ hiểu, yêu và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc mình.
Nhìn nhận và hướng tới
Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực trạng văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ở Bình Định cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Ta có thể thấy sự mai một, đứt gãy truyền thừa là điều dễ nhận diện hơn cả. Nhiều thể loại văn học dân gian như sử thi, truyện kể, dân ca, nghi lễ cổ truyền đang đứng trước nguy cơ mất dấu do lớp trẻ không còn mặn mà, thiếu người kế thừa. Trong nhịp chảy của đời sống đương đại, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và hội nhập, văn hóa hiện đại len lỏi sâu vào đời sống các buôn làng, làm thay đổi cách sống, cách nghĩ của nhiều người dân tộc thiểu số. Một số người dần lãng quên hoặc đánh mất niềm tin vào giá trị của chính nền văn hóa bản địa mình đang mang, đây là thực trạng rất đau lòng nhưng hiển nhiên đang diễn ra ở nhiều nơi. Mặt khác, nhiều năm qua, một số nghệ nhân lớn tuổi mang theo vốn tri thức quý giá về thế giới tâm linh, lịch sử, phong tục tập quán… đã khuất núi mà chưa kịp truyền lại cho thế hệ sau. Như trường hợp cụ thể về hơ’mon của người Bana Kriêm, những nghệ nhân nắm giữ những bài hơ’mon đầy đủ đã dần về với cõi atâu, để lại niềm tiếc nuối lớn khi thế hệ hiện tại chưa kịp ghi lại những giá trị tinh thần quý giá ấy. Cụ thể như trường hợp NNƯT Yă Xuâng, người nắm giữ kỹ năng, kỹ thuật hát, kể hơ’mon sinh động, truyền cảm đã mất đầu năm 2023, đã mang theo những bài hát kể hơ’mon mà không người thừa tự di sản ấy.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu hệ thống lưu trữ, tư liệu hóa. Hầu hết các tác phẩm văn học dân gian tồn tại dưới dạng truyền miệng, chưa được ghi chép đủ đầy, mã hóa, số hóa một cách khoa học. Điều này khiến cho việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn, thậm chí mất mát vĩnh viễn khi nghệ nhân qua đời. Số lượng cán bộ nghiên cứu chuyên trách về văn học dân gian các dân tộc thiểu số còn mỏng, chưa có sự kết nối bền vững giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các địa phương. Công tác xã hội hóa chưa phát huy hiệu quả, khi các tổ chức, cá nhân bên ngoài Nhà nước chưa được khuyến khích, tạo điều kiện đầy đủ để tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy văn học dân gian dân tộc thiểu số.
Một thực tế đang diễn ra, là trong cộng đồng dân cư, nhiều người – kể cả người dân tộc thiểu số – vẫn xem văn học dân gian là cái “xưa cũ”, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, dẫn đến thờ ơ, bỏ quên di sản. Lực lượng kế thừa hiện nay còn mỏng, đặc biệt là ở mảng nghiên cứu. Nếu soi chiếu thẳng vào Chi hội VHNT các DTTS thuộc Hội VHNT tỉnh, sẽ thấy rõ điều đó. Hội viên của Chi hội hết sức khiêm tốn, chỉ có 16 người. Chủ yếu đều đã lớn tuổi. Ở mảng nghiên cứu, vài người trẻ chỉ mới dừng lại ở các bài viết nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống, chưa có công trình nào dày dặn về văn hóa dân gian của dân tộc mình. Ở mảng này, tính kế thừa là một bài toán nan giải.
Trước những thực trạng trên, việc đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống và lâu dài là hết sức cấp thiết. Thiết nghĩ, cần làm tốt hơn ở một số điểm:
– Đẩy mạnh công tác sưu tầm, tư liệu hóa và số hóa. Tiến hành tổ chức các đợt khảo sát, sưu tầm sâu rộng ở các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân… Đội ngũ khảo sát cần có sự phối hợp giữa cán bộ văn hóa, nghệ nhân và các nhà nghiên cứu chuyên môn. Từ đó, các kết quả sưu tầm cần được chuyển hóa thành tài liệu in ấn, audio, video và đặc biệt là số hóa để lưu trữ, phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như thư viện số, cổng văn hóa địa phương.
– Chính quyền các cấp cần tiếp tục rà soát, lập danh sách nghệ nhân dân gian tiêu biểu để có chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần và tạo điều kiện cho họ truyền dạy lại các tri thức văn học dân gian cho thế hệ trẻ thông qua lớp học, sinh hoạt cộng đồng.
– Lồng ghép văn học dân gian vào chương trình giáo dục. Cần biên soạn các tài liệu giáo dục về văn học dân gian dân tộc thiểu số và đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường học vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Việc lồng ghép này không chỉ giúp học sinh hiểu về văn hóa dân tộc mình, mà còn tạo nền tảng để các giá trị văn học dân gian được tiếp nối tự nhiên, lâu dài.
– Nhà văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian cần được khuyến khích tổ chức các hoạt động biểu diễn, thi kể chuyện dân gian, hát dân ca… tạo sân chơi sinh động và gắn bó với đời sống văn học dân gian.
– Các cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình địa phương cần mở chuyên mục giới thiệu văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ cùng tham gia vào quá trình bảo tồn.
– Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa xã, huyện về kỹ năng sưu tầm, biên soạn, lưu trữ và truyền dạy văn học dân gian. Đây là lực lượng trực tiếp tiếp cận cộng đồng, có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách bảo tồn tại địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích và mở rộng biên độ để Chi hội VHNT các DTTS có thể kết nạp thêm hội viên là các nhà nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu ở Chi hội Văn nghệ dân gian lưu tâm và tiếp cận các vùng miền dân tộc thiểu số để có những bài viết, công trình cụ thể mang tính phát hiện. Từ đó, có cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhất là mảng in ấn cho các tác phẩm này, nếu công trình đạt chất lượng.
Văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở Bình Định là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong 50 năm qua, bên cạnh những thành quả, cũng còn không ít những nguy cơ mất mát. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn học dân gian đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các cấp chính quyền, các tổ chức, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và đặc biệt là chính cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chỉ khi mỗi người trong cộng đồng cùng trân trọng, tự hào và chủ động gìn giữ di sản văn học dân gian thì những giá trị ấy mới thật sự được “sống”, được truyền thừa một cách tự nhiên, bền vững trong dòng chảy văn hóa của thời đại hôm nay và mai sau.
VÂN PHI