(VNBĐ – Đọc sách). Cháy một mùa lặng lẽ là tập thơ mới nhất của nhà thơ Ngô Văn Cư, được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2025. Với 99 bài thơ được viết theo thể nghiệm mới với thể thơ 1-2-3, tập thơ là một hành trình giàu cảm xúc, thể hiện tâm thế sống, tình yêu quê hương và khắc khoải nội tâm của một thi nhân đã bước sang tuổi thất thập nhưng vẫn đầy đam mê sáng tạo.
Được viết theo cấu trúc 1-2-3 (gồm 1 dòng tựa đề; 2 dòng khai triển; 3 dòng kết), thể thơ do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng, tập thơ với lối thể hiện khá hiện đại, ngắn gọn nhưng chất chứa nhiều suy nghiệm. Ngay bài thơ mở đầu “Nắng vàng rơi từ trời xanh// Thấm vào tận xưa sau/ Những mùa thu mong manh không níu được tay người// Có ước hẹn bình thường lê la nơi hè phố/ Nỗi nhớ len lén trôi vào chiều bỡ ngỡ/ Trổ màu” (chữ in đậm, câu 1 cũng là tên bài thơ) là một minh họa đẹp về cách thể thơ 1-2-3 giúp thi sĩ dựng nên cảnh sắc và cảm xúc chỉ với vài dòng ngắn. Ở đó, nỗi nhớ, ký ức, thời gian… len lỏi qua từng dòng, như mạch ngầm trầm tĩnh mà tha thiết.
Ngô Văn Cư không trói mình trong một đề tài cố định. Ông viết về thiên nhiên, thân phận, tình yêu, lịch sử, quê hương, triết lý sống, những nghịch lý đời thường… tất cả đều được soi chiếu dưới ánh sáng của một cái nhìn nhân văn, tỉnh táo. Thơ ông mang trong mình vẻ đẹp dung dị, nhưng không đơn giản. Đó là “mùi ái ân còn phảng phất trên chăn gối”, là “tiếng gà gáy vẫy chào ngày hôm qua”, là “trái tim nào cũng đập nhịp khát khao mong đợi”… Những chi tiết đời thường được nâng lên thành thi ảnh, vừa gần gũi, vừa triết lý. Ví như, bài thơ “Con cào cào bay lên từ đám cỏ// Bầu trời thêm một nét xanh/ Mặc cho lũ chim chấp chới cánh bay về// Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ngọn cỏ cứ vươn lên/ Con dế uống sương mai quên gọi bạn tình/ Góc vườn đã phai mùi hoang dã” mang đến hình ảnh giản dị của thiên nhiên nhưng được nâng tầm thành biểu tượng sống: bé nhỏ nhưng không bi lụy, mong manh nhưng không lùi bước. Hình ảnh “ngọn cỏ cứ vươn lên” trở thành mệnh đề nhân sinh cho tất cả những ai sống giữa thời đại đầy những chênh chao này.
Chủ đề xuyên suốt trong tập thơ là thời gian và thân phận, nhưng không bi lụy, trái lại là một cái nhìn tích cực. Trong bài Trong cái lạnh dịu dàng tháng Chạp, nhà thơ viết: “Chữ nghĩa mới toanh trong pho sách cũ mèm/ Tự tin truyền cho đời kinh nghiệm/ Ta yên tâm gieo vào đất những hạt vàng”, một tuyên ngôn sống và sáng tạo đầy tự tin, đầy hy vọng. Bên cạnh đó, sự cô đơn hiện diện trong nhiều thi phẩm nhưng không tăm tối, như bài thơ Những người đàn bà một mình đi trong ngõ nhỏ khắc họa nỗi cô quạnh qua hình ảnh rất đời: “Tự xòe tay tự nắm lấy tay mình”. Câu thơ như cái chạm khẽ vào nỗi niềm người đọc, gợi thương cảm và thấu hiểu. Ngô Văn Cư cũng không ngại phản ánh thế thái nhân tình, như bài Không mặt trời làm gì có bóng: “Ta cầm trong tay hạt cát ngỡ cầm được thế giới/ Hoang tưởng thông kim cổ đông tây/ Sao ta mãi tìm cái bóng của ta”. Hay sự chua chát trong Ai cũng muốn tốt đẹp nên phán xét người khác, ông viết: “Rèn bao lâu để con vật có kỹ năng biết tiến biết lùi/ Rèn bao lâu để đôi mắt nhìn thấy lòng mình?”. Ở một khía cạnh khác, tình yêu, tính dục cũng được nói đến một cách tự nhiên, chân thực, đôi khi đầy ẩn dụ như bài Ước gì được một lần là vợ chồng hay Phiêu bồng trong miền tình… Điểm nhấn trong tập thơ là tình yêu quê hương và những vùng đất kỷ niệm, với những bài đặc sệt dấu quê như: Chiều nhẹ nhàng thả hoàng hôn xuống bãi biển Quy Nhơn, Về trong cơn mưa chiều Hoài Ân, Dường như mùa đã về Đồng Dài quê tôi, Nhớ chiếc cầu tre Đồng Dài bắc ngang sông An Lão… Những địa danh ấy không chỉ là không gian địa lý, mà còn là “tọa độ cảm xúc”, là nôi của thơ, của tuổi trẻ, của khát vọng.
Nhà thơ Ngô Văn Cư sinh năm 1954 tại Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định. Ông viết đa mảng với gần 20 đầu sách. Ở mảng thơ, ông có các tập thơ: Điều bây giờ mới nói (2003); Đợi ngày xưa (2007); Soi mình vào dáng quê (2009); Chỉ còn nỗi nhớ (2012); Lang thang miền nhớ (2014); Gió lãng du (2016), Những khúc ru tôi (2020), Thời cách ly chống dịch (Trường ca, 2022), Đi trên đường một chiều (Trường ca, 2022), Thơ tình Ngô Văn Cư (2023). Với Cháy một mùa lặng lẽ, tập thơ là sự kết tinh của một cuộc đời sống giữa học trò, đồng ruộng, mái trường, quê kiểng… và vẫn giữ nguyên trái tim bền bỉ với nhịp đập thi ca không nguội lạnh. Đọc thơ ông, người đọc như có cảm tưởng đang được ngồi với một người bạn thân gần, để cùng uống trà, nhìn ra thềm cũ, nghe tiếng chim, và nghĩ về muôn sắc nhân sinh… Với thể nghiệm mới của mình với tạng thơ 1-2-3, ông đã cho thấy sự sẵn sàng làm mới, bước qua những vùng biên quen thuộc, cơi nới không gian tiếp nhận. Tập thơ này là chứng tích cho một tâm hồn thi sĩ chưa từng ngơi nghỉ trước thời gian và nỗi người, để cháy, dù lặng lẽ. Nhưng cũng chính sự lặng lẽ ấy tạo nên điểm nhấn sáng trong dòng chảy thơ của Ngô Văn Cư.
YẾN THANH