Hương cau quê nhà

(VNBĐ – Tản văn). Tôi đứng nơi sân nhà, trước hàng cau cao vút như chạm vào mây trời, bỗng nhiên thấy lòng mình xao xuyến lạ. Những tàu lá lấp lánh dưới nắng chiều, những chùm hoa trắng ngà vừa bung nở, tỏa hương thơm ngan ngát. Một mùi hương vừa ngọt ngào vừa thanh khiết, quen thuộc đến nao lòng.

Tôi nhớ lần đầu tiên được theo cha tôi đi hỏi vợ cho anh Cả. Khi ấy tôi còn nhỏ, cứ tíu tít theo chân người lớn, háo hức mà chẳng hiểu chuyện đời là gì. Cha tôi – ông giáo làng hiền lành mà nghiêm cẩn, chỉ kể cho hai họ nghe chuyện sự tích trầu cau – một câu chuyện về tình nghĩa chồng vợ sắt son, là nền móng cho biết bao cuộc xe duyên nơi làng quê đất Việt. Câu chuyện, qua giọng kể trầm trầm của cha, đã ăn sâu vào trí nhớ tôi từ thuở ấy.

Mẹ tôi lúc sinh thời rất thích ăn trầu. Bà có một cái ống ngoáy trầu bằng cát tút đạn, mà anh tôi lấy được khi anh còn là dân quân tự vệ trên trận địa phòng không bắn máy bay Mỹ. Mỗi lần rảnh tay bà lại nhẩn nha têm một miếng trầu đỏ thắm, rồi đưa lên miệng nhai chầm chậm. Miếng trầu cay cay, chát chát, quyện lấy miếng cau thơm dịu, như thể ôm trọn hồn quê vào lòng.

Cây cau vừa đẹp vừa hữu dụng, vừa là cây phong thủy cho từng gia đình theo quan niệm cổ xưa. Thân cau mọc thẳng, dáng cao gầy những vững chãi. Gió bão có thể lay nhưng khó quật ngã được thân cau. Người ta vẫn hay ví người quân tử như cây cau – sống ngay thẳng, kiên cường giữa bão dông. Tàu cau rụng xuống thì mo để làm quạt, lá thì làm củi đun bếp, những bẹ non đôi khi trở thành nơi trú ngụ của những tổ chim sẻ nhỏ bé. Trong ký ức tuổi thơ tôi, mo cau rụng xuống, cho em ngồi lên để kéo, những trò chơi dân dã cứ thế mà nảy nở quanh gốc cây thân thuộc ấy.

Mỗi độ hoa cau nở, là cả một khoảng trời thơm lừng thức dậy hồn quê. Tôi từng đi xa quê, từng có những năm tháng bôn ba giữa chốn thị thành đông đúc, nơi khói bụi đã nhạt nhòa tình người. Nhưng có những khi, trong một khoảnh khắc nào đó giữa lòng thành phố, bất chợt bắt gặp đâu đó mùi hương hoa lạ, tôi lại mường tượng ra hương cau – cái mùi quen thuộc của quê nhà. Và rồi lòng lại cồn cào, như đứa trẻ lạc mẹ giữa chốn phồn hoa.

Hương cau trong tôi không chỉ là một mùi hương. Nó còn là ký ức, là tình thân, là hình bóng của những người thân yêu đã khuất. Là ánh mắt hiền hậu của mẹ, là bàn tay thô ráp của cha, nhớ tiếng nói trầm ấm của người năm nào. Là những ngày thơ ấu chân đất chạy quanh sân, nô đùa bên gốc cau, là cái Tết đầu tiên được phép têm trầu giúp mẹ. Là lần đầu theo người lớn đi hỏi vợ, lắng nghe câu chuyện trầu cau và bâng khuâng khi nghĩ về tình yêu đôi lứa…

Hàng cau còn là biểu tượng của làng quê bình dị. Bất cứ nơi đâu có cau mọc lên, nơi ấy có bóng dáng quê nhà. Không chỉ hiện diện trong các câu chuyện kể, cau còn có trong thơ ca, nhạc họa, đi vào lòng người với tất cả sự thanh khiết và thiêng liêng. Cau hiện diện trong các lễ cưới hỏi như một phần không thể thiếu được của phong tục truyền thống. Với những người xa quê, chỉ cần thấy cau thôi là lòng đã se sắt nỗi nhớ, như thể một sợi dây vô hình kéo họ trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Chiều nay hương cau lại nồng nàn trong gió. Tôi đứng lặng bên hiên nhà, lòng miên man như sống lại một phần đời đã xa. Trở về quê nhà khi tuổi đã xế chiều, lại vinh dự được làm người lớn đi hỏi vợ cho thằng cháu, tôi như tiếp nối một vòng quay truyền đời của quê hương, của cha ông đi trước.

Có thể một ngày nào đó, cháu tôi cũng đứng nơi sân này, và kể cho con cháu mình nghe về sự tích trầu cau, về tình yêu, về truyền thống. Và rồi hương cau – thứ hương mộc mạc mà sâu lắng ấy – vẫn mãi còn len lỏi trong ký ức, trong từng câu chuyện kể, trong từng nỗi nhớ của những người con xa xứ. Bởi cau không chỉ là cây, là hương, là vị, mà là cả một miền quê hương thương nhớ, ai đi xa cũng muốn trở về về…

ĐƯỜNG XUÂN HÙNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Món quà năm mới

Sau khi dùng bữa tối một mình tại nhà, Jacques de Randal cho phép người hầu ra ngoài và ngồi xuống bàn để viết vài bức thư. Anh luôn kết thúc mỗi năm như vậy, vừa viết vừa mơ mộng.

Tháp cổ đổ bóng

Người canh tháp mơ ngủ, ú ớ gọi tên ai đó. Ông Tám thở dài. Đang thanh niên khỏe mạnh, tương lai rạng ngời, sau một đêm bỗng thành ngớ ngẩn. Người làng đồn nó bị đức vua và hoàng hậu quở trách…

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980, quê ở Nam Định. Anh đã xuất bản 04 tập thơ: Giữa hai chiều thời gian; Bóng người trước mặt; Sóng trầm biển dựng và Ngoài mây trời đầy trống vắng…

Quy Nhơn ngày tập kết và ngày trở về

Đã 70 năm từ ngày chúng tôi lên đường “tập kết” và 50 năm ngày trở về giành lại quê hương, biển Quy Nhơn vẫn vậy, hiền hòa, trong trẻo và thân thiện như vòng tay, ôm cả cuộc đời này…