Hán Nôm Bình Định: 50 năm bảo tồn và phát huy di sản dân tộc

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Bình Định – vùng đất võ, xứ văn chương không chỉ nổi danh với truyền thống thượng võ mà còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, phản ánh bề dày lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Trong suốt 50 năm qua, công tác nghiên cứu Hán Nôm tại Bình Định đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Bình Định sở hữu một khối lượng lớn tài liệu Hán Nôm, bao gồm sắc phong, bia ký, thần phả, gia phả dòng tộc, văn thơ chữ Hán của các nhà Nho nổi tiếng, cũng như các tư liệu liên quan đến lịch sử, tín ngưỡng và phong tục tập quán của địa phương.

Nhiều văn bản Hán Nôm tại Bình Định chứa đựng thông tin quan trọng về lịch sử các triều đại phong kiến, sự hình thành và phát triển của các làng xã, các danh nhân khoa bảng và sự giao lưu văn hóa giữa Bình Định với các vùng miền khác. Những di sản này không chỉ có giá trị về mặt sử học mà còn giúp hậu thế hiểu rõ hơn về nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các công trình đã được xuất bản, như: Vũ Ngọc Liễn với bộ ba tư liệu về Đào Tấn, và các khảo cứu về Hán Nôm địa phương trong Góp nhặt dọc đường, chuyên khảo về Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ; Lộc Xuyên Đặng Quý Địch với gần 20 chuyên luận về Đào Duy Từ, các nhân vật lịch sử, văn hóa, khoa cử và tôn giáo ở Bình Định, các tư liệu khác về Đào Tấn…

50 năm – Những chặng đường chính

Giai đoạn 1975 – 2000, công tác nghiên cứu Hán Nôm tại Bình Định chủ yếu do các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện. Một số tài liệu Hán Nôm được thu thập, sao chép nhưng còn khá hạn chế do thiếu nhân lực và điều kiện nghiên cứu. Giai đoạn này, Bình Định chứng kiến sự đóng góp đáng kể của các nhà nghiên cứu như Mạc Như Tòng qua các tư liệu sưu tầm cá nhân về Mộng Mai ngâm thảo (Đào Tấn), Tuồng Nôm Cổ miếu vãn ca (Nguyễn Diêu), Đinh Văn Tuấn (sưu tầm và dịch Hý trường tùy bút lục, 1981), Đàm Đình Tâm (một số tác phẩm trong Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, 1985), Huỳnh Văn Trứ (bản dịch sơ bộ về tư liệu sách phong của Đào Tấn,1988), Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (Đào Duy Từ khảo biện, 1998), trong đó có sự đóng góp tích cực của các hội viên Hội VHNT Bình Định mà tiêu biểu là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn với những công trình bước đầu về thư mục Đào Tấn, kẻ sĩ đất thang mộc, sắc phong, gia phả, tư liệu tác giả Hán Nôm và di sản chữ Hán tại địa phương; nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân với những văn bản Hán Nôm được sưu tầm về văn học Tây Sơn, văn hóa biển, tục thờ Thủy thần, ông Nam Hải trên địa bàn tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn.

Giai đoạn 2000 – 2010 là thời đoạn đẩy mạnh sưu tầm và dịch thuật. Từ những năm 2000, với sự hỗ trợ từ các cơ quan văn hóa địa phương, một số cá nhân và nhóm chuyên môn đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, phiên dịch và số hóa tài liệu Hán Nôm. Trong giai đoạn này, nhiều công trình nghiên cứu quan trọng ra đời do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (Sở Văn hóa – Thể thao), Chi cục Văn thư lưu trữ nay là Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ tỉnh Bình Định), Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định đã phối hợp với các nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Đầu, Vũ Ngọc Liễn, Đặng Quý Địch, Huỳnh Chương Hưng,… Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung thực hiện các chương trình sưu tầm điền dã về các mảng tư liệu quan trọng như: Địa chí Bình Định, tư liệu về văn bia, văn tế Bình Định, sắc phong và thần phả của các đình làng Bình Định. Mặc dù chỉ là những bản thảo sơ bộ nhưng đã tập hợp các văn bia Hán Nôm phản ánh lịch sử địa phương, cung cấp tư liệu quý về tín ngưỡng thờ cúng và lịch sử đình làng tại Bình Định. Đặc biệt là các bản dịch về châu bản triều Nguyễn liên quan đến Bình Định, gia phả, địa bạ và thơ văn Hán Nôm giúp phục hồi và bảo tồn hệ thống tri thức cổ của cha ông. Hiện tại các tư liệu này đều được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Thư viện Tổng hợp và Trung tâm lưu trữ lịch sử Bình Định. Trong giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cho công bố bản dịch Địa chí Bình Định – Địa bạ và phép quân điền (2002). Bộ tư liệu Đào Tấn – Thơ và Từ (2003), Đào Tấn – Tuồng hát Bội (2005) và Đào Tấn qua thư tịch (2006) của Vũ Ngọc Liễn là điểm nhấn rõ nhất. Bên cạnh đó, Đặng Quý Địch cũng cho công bố Đào Phan Duân – Lý lịch và tác phẩm (2002), Trần Đức Hòa – Tư liệu (2004), Song Trung miếu và thơ xướng họa (2007), Hương sơn cố sự (2008), Văn tế ở Bình Định (2008), Bình Định Hán văn trích diễm (2008), Nhân vật Bình Định (tái bản, 2010). Nguyễn Phu – Nguyễn Thiều với Các nhà khoa bảng Bình Định dưới triều Nguyễn (2004). Huỳnh Chương Hưng (bản dịch tác phẩm Tang sự trích biên và một số bài thơ của Đào Tấn, 1998)… Có thể xem đây là những tài liệu bổ khuyết quan trọng cho tư liệu nghiên cứu địa phương.

Tác phẩm “Góp nhặt dọc đường” và bộ 3 tác phẩm về Đào Tấn của NNC Vũ Ngọc Liễn. Ảnh: Tư liệu gia đình

Giai đoạn 2010 đến nay là giai đoạn ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản Hán Nôm tại Bình Định. Đây là giai đoạn các nhà nghiên cứu như Nguyễn Thanh Quang(1), Hoàng Bình(2), Phan Trường Nghị(3), Võ Minh Hải(4), Trần Thị Tú Nhi, Nguyễn Thị Quý(5), Nguyễn Văn Hòa(6),… đã chung vai với các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, biên phiên dịch tư liệu và nghiên cứu các vấn đề cụ thể được đặt ra từ thực trạng tư liệu Hán Nôm hiện có của địa phương. Thời đoạn này, công tác bảo tồn và nghiên cứu Hán Nôm tại Bình Định bước sang một giai đoạn mới với sự ứng dụng công nghệ số. Theo Báo cáo số 52/BC-SNV ngày 22 tháng 3 năm 2024 của Sở Nội vụ về việc báo cáo kết quả thực hiện sưu tầm tài liệu quý, hiếm tỉnh Bình Định, thì từ năm 2011 đến 2024, đơn vị chuyên môn của tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác sưu tầm, và số lượng cụ thể như sau: “247 sắc phong và chiếu chỉ, 1.192 tài liệu Hán nôm về gia phả, tộc phả, văn khế ruộng đất, 105 tư liệu các di tích văn hóa tỉnh Bình Định,…173 tài liệu mộc bản, 711 tờ châu bản triều Nguyễn, 96 bản đồ địa giới hành chính các huyện xã tỉnh Bình Định…”. Những kết quả đạt được hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định. Từ năm 2025, đơn vị này đã phối hợp với các nhà nghiên cứu tiến hành số hóa hàng ngàn văn bản Hán Nôm, tổ chức hội thảo khoa học và triển lãm nhằm quảng bá giá trị của di sản này. Đặc biệt, năm 2015 và 2021, các triển lãm Bình Định quan tư liệu Hán Nôm do Trung tâm lưu trữ lịch sử, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu và công chúng. Điều này đã góp phần khẳng định vai trò của tư liệu Hán Nôm trong công tác nghiên cứu, bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương. Cũng cần nói thêm, các công trình như Làng xã Bình Định xưa và nay (2024) của Phan Trường Nghị, Văn tế Hán Nôm Bình Định (nghiên cứu và tuyển chú) (2021), Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ: Diện mạo và đặc điểm (2023) và các tiểu luận về Đặng Đức Tuấn, Đào Phan Duân được xuất bản là một minh chứng quan trọng cho quá trình phối kết hợp trong nghiên cứu, dịch thuật tư liệu của các nhà nghiên cứu, các giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn với Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định.

Thách thức và hướng đi trong tương lai

Mặc dù đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên công tác nghiên cứu Hán Nôm tại Bình Định vẫn đang đối mặt với một số thách thức đáng quan tâm. Trước hết là sự mai một của tư liệu gốc, nhiều tài liệu Hán Nôm bị hư hỏng do thời gian và điều kiện bảo quản không đảm bảo. Thứ đến là thiếu hụt nhân lực chuyên môn. Hiện nay, đội ngũ nghiên cứu Hán Nôm của Bình Định vô cùng khuyết thiếu, các cơ quan quản lý cần có chính sách đào tạo và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia. Cuối cùng là Bình Định chưa có hệ thống truyền thông và phổ biến rộng rãi, chúng ta cần mở rộng các dự án số hóa và tạo ra thư viện trực tuyến để công chúng có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Trong thời gian tới, Bình Định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và quảng bá di sản Hán Nôm thông qua các hình thức sáng tạo như tổ chức tọa đàm, triển lãm, đưa di sản vào chương trình giáo dục địa phương và ứng dụng công nghệ AI trong dịch thuật.

Trong thời gian đến, để có thể huy động nhiều nguồn lực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm, thiết nghĩ, địa phương cần quan tâm đến những vấn đề như: Văn bản Hán Nôm và lịch sử Tây Sơn để tập trung nghiên cứu tư liệu về triều đại Tây Sơn, các nhân vật lịch sử giai đoạn này; Di sản Hán Nôm trong đời sống tôn giáo – tín ngưỡng: Đình, chùa, miếu mạo có văn tự Hán Nôm và giá trị tâm linh; Bảo tồn và số hóa di sản Hán Nôm: Ứng dụng công nghệ trong lưu trữ, phiên dịch và phổ biến di sản; Phong trào Tây Sơn và ý nghĩa lịch sử: Đóng góp của anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ – Nguyễn Lữ trong đại cục Việt Nam thế kỷ XVIII; Văn hóa thời Tây Sơn: Nghiên cứu về văn hóa, giáo dục, võ thuật và nghệ thuật thời Tây Sơn; Di sản Tây Sơn ở Bình Định và Gia Lai: Kiến trúc, bia ký, đền thờ, lễ hội gắn với nhà Tây Sơn; Ứng dụng di sản Tây Sơn trong giáo dục và du lịch: Giảng dạy lịch sử Tây Sơn trong trường học, phát triển du lịch di tích Tây Sơn.

Nhìn chung, có thể nói, nửa thế kỷ qua, công tác nghiên cứu văn hóa Hán Nôm tại Bình Định đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần lưu giữ kho tàng tri thức quý giá của cha ông. Tuy còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự chung tay của các nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng, di sản Hán Nôm Bình Định chắc chắn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Công tác bảo tồn di sản Hán Nôm không chỉ là giữ gìn những trang giấy cũ, mà còn là bảo vệ cội nguồn văn hóa và bản sắc văn hóa địa phương.

TS. VÕ MINH HẢI – ThS. NGUYỄN VĂN HÒA

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khúc đoạn trường của chiến tranh

Bằng những hình ảnh thật chân thực và xúc động, bài thơ “Má tôi và những tiếng chuông” mang đến một giải tỏa tâm linh, một ám ảnh xa xót từ vết thương do chiến tranh để lại…

Sắc màu của tình bạn

Truyện đưa chúng ta vào thế giới của loài rồng, một loài vật ngỡ chỉ có trong huyền sử xa xôi, mơ hồ trong những tô vẽ tưởng tượng của loài người…