(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Năm 2024, nhiều tác giả văn học đang sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với Bình Định đã ra mắt những ấn bản sách, có tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi. Những ngày cuối năm, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả.
Nhà thơ Nhiên Đăng: Muốn lưu lại những hình ảnh đẹp vào trang viết
Nhà thơ Nhiên Đăng tên thật Trần Quốc Toàn, sinh năm 1992, ở Tuy Phước đã ra mắt tập thơ Linh giác trắng (NXB Hội Nhà văn, 2023). Đầu năm 2024, anh nhận giải Nhất cuộc thi Thơ hay năm 2023 của tạp chí văn nghệ TP.HCM.
– Chúc mừng anh với giải quán quân Thơ hay năm 2023 của tạp chí văn nghệ TP.HCM. Khi làm thơ anh quan trọng nhất điều gì?
+ Trong năm nay tôi cũng có nhiều thơ đăng trên các tạp chí như Văn nghệ Quân Đội, Sông Hương, Thái Nguyên, Nhật Lệ, báo Văn nghệ… Để viết được với riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ về hai sự, đó là sự đọc và sự đi, sự đi bắt đầu từ khi tôi đọc cuốn Nước non Bình Định của cố thi sĩ Quách Tấn. Những thành quách, đền tháp, những dòng sông trầm tích, sử tích, trong dòng chảy vô tận của thời gian đồng hiện trong tôi. Tôi đi đến những nơi còn lưu lại những dấu vết ấy, có thể đó là dòng Kôn từ thượng nguồn chảy xuyên qua những thác ghềnh, làng mạc, tưới tắm phù sa cho ruộng rẫy hoa màu, hay hình ảnh của tháp đền nghìn năm in vào dòng chảy những biến động lịch sử từ thuở đất nước còn vua. Cứ thế, khi đứng nhìn dòng chảy của sông suối đi qua những núi non, chùa tháp, thôn xóm, những đám mây có thể của nghìn năm trước vẫn còn hiện hữu trên dòng sông đang chảy về biển cả, tôi đã lưu giữ những hình ảnh, chuyển động đó vào những trang viết. Niềm vui cũng từ đó được âm thầm nhen lên…
– Sau ấn bản thơ Linh giác trắng, anh có lập trình gì cho kế hoạch xuất bản của mình không?
+ Năm 2025, tôi có dự định in tập thơ có tên là Đảnh lễ mùa màng và tiểu thuyết Xưởng tái chế linh hồn mà tôi thai nghén đến nay tròn 6 năm, đang dần hoàn thiện những chương cuối cùng. Tôi thích nghĩ ngợi về huyền sử, những câu chuyện nửa thực nửa hư huyền, nhất là về đời sống làng quê ngày càng mất đi những bờ tre, tiếng chim, tôi muốn lưu lại những hình ảnh đẹp đẽ đó vào trang viết của mình…
Nhà văn Mộc An: Khi bắt đầu viết là đã bắt đầu vui
Nhà văn Mộc An (tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Trinh) là tác giả viết cho thiếu nhi xuất hiện với tần suất khá dày trong những năm gần đây với nhiều đầu sách như: Nếu một ngày chúng tớ biến mất (truyện, NXB Kim Đồng, 2022), Cây cầu lấp lánh (thơ thiếu nhi, NXB Trẻ, 2022), Nhạc sĩ đường phố (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2023)… Năm 2023, chị nhận được giải Khát vọng Dế Mèn do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức với bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng. Và năm 2024, chị đạt giải B giải sách Quốc gia lần thứ VII – năm 2024.
– Năm 2024 là năm có nhiều niềm vui của chị trong sáng tác…
+ Thật ra khi bắt đầu viết là đã bắt đầu vui rồi, vì niềm vui nằm ngay ở sự viết. Từ những cuốn sách đầu tiên của cá nhân viết cho các bé in năm 2022, đến những quyển sách nhỏ nhắn năm tiếp theo, ở mỗi cuốn là một gom chứa những niềm vui, những dễ thương trong sáng tác. Năm 2024 là sự tiếp nối với những cảm xúc mới mẻ, hai tác phẩm ra đời trong năm – Ở một nơi có rất nhiều Rồng, Chú bán cà rem và Quyển sách thần kỳ – nhất là niềm vui bất ngờ với giải thưởng Sách quốc gia. Tôi không hay biết bộ đôi sách Nếu một ngày chúng tớ biết mất và Nhạc sĩ đường phố được đề cử cho giải thưởng Sách quốc gia, và cũng không nghĩ tới bộ đôi tác phẩm này đạt được giải B. Cảm giác góp được chút gì đó cho văn học nước nhà thực sự làm mình hạnh phúc.
– Ngoài mảng thiếu nhi, chị còn sáng tác thơ, và xuất hiện ở tập Cồn (NXB Hội Nhà văn, 2024) với nhiều tác giả khác. Ở một biên độ khác của cảm xúc, khác với lối thể hiện như viết cho các bạn nhỏ, phải chăng thơ là một biểu hiện của đời sống khác “thực hơn” của chị?
+ Với tôi, thơ là một trải nghiệm mang tính riêng tư hơn. Thay vì bay bổng trong thế giới tưởng tượng, lẫn những thông điệp muốn gửi gắm đến người đọc khi viết truyện thiếu nhi, tôi sáng tác thơ trước hết là cho chính mình, trong cuộc độc thoại – đối thoại với chính mình, sau đó là sẻ chia những đồng điệu.
– Chị đang khởi động năm 2025 với những bản thảo mới?
– Tôi đang trong giai đoạn cho phép mình được không làm gì cả, sau vài bản thảo khiến tôi muốn hụt hơi (cười). Tôi nghĩ tác phẩm ra đời nên thuận tự nhiên, không nên cưỡng cầu. Nuôi dưỡng xúc cảm cũng cần thiết như viết. Mùa xuân đang đến, khí xuân đang ấm dần, mong những gì tươi mới và ấm áp sẽ đến với bạn đọc.
Nhà thơ My Tiên: Khi cần tụng ca cái đẹp, tôi chọn thơ, khi cần nói về nỗi đau, tôi viết truyện
Nhà thơ My Tiên (sinh năm 1993, quê ở Tuy Phước) đã xuất bản tập thơ Ký tự nàng (in chung với Mẫu Đơn, NXB Hội Nhà văn, 2020). Chị từng đoạt giải Ba cuộc thi truyện thơ Bình Định 2019 – 2020. Năm 2024, chị in tập thơ Vùng da thiêng (NXB Hội Nhà văn). My Tiên là tác giả trẻ, nhiều năng lượng sáng tạo, thơ chị đầy tính nữ, mang đậm dấu ấn của đam mê bản ngã, và ý thức vùng thoát khỏi những ràng buộc để tìm kiếm những khoảnh khắc tự do trong tâm hồn.
– Chúc mừng chị với tập thơ Vùng da thiêng. Dường như với thơ, chị được “thành thật” với mình nhất…
+ Thơ là cách để tôi vượt qua dòng chảy dàn đều của đời sống, để thấy mình đọng lại đâu đó trong khoảnh khắc vui buồn, trong vẻ đẹp bốn mùa và nhặt về cho mình những ký ức đẹp đẽ. Thơ đưa tôi đi tận ngọn nguồn xúc cảm để khám phá chính mình trong nỗi hạnh phúc lẫn đớn đau. Và như thế, thơ là hành trình kiếm tìm bản thể và đưa mình đến cái lớn lao hơn. Với Vùng da thiêng, tôi nuôi dưỡng cho mình một “cõi riêng”, đó là những tưởng tượng, ước mơ, khao khát riêng như cách để tồn tại không bị xóa nhòa. “Vùng da” vừa là xúc cảm yêu thương rất trần thế, vừa là những suy nghĩ rất thoát ly trong ngôn từ và hình ảnh thơ ca trừu tượng. Đó là “cõi thơ” của riêng tôi tôn thờ, nơi tôi được tự do, được an ủi và nương náu như một điểm tựa tinh thần. Tập thơ là tiếng nói tụng ca vẻ đẹp tình yêu và vẻ đẹp tính nữ, là âm thanh đồng vọng từ thân phận người nữ mang mẫu số chung. Những cỏ hoa ngoài trời, những va chạm với đời và tất cả những gì lướt qua ta, đều hãy cảm nhận bằng con mắt tình tứ yêu thương, bằng trái tim nồng say, chiếm lĩnh. Để thế giới kết đọng trong vẻ đẹp lung linh của tình yêu.
– Tôi được đọc khá nhiều truyện ấn tượng của chị, như: Tĩnh vật, Bên kia bức tường, Chiếc bóng, Vết sẹo… Ở mỗi mảng, chị thể hiện một lối xúc cảm khác nhau?
+ Chủ đề trong các tác phẩm truyện của tôi chính là nỗi cô đơn phận người và hành trình kiếm tìm lối thoát. Nếu thơ giúp ghi lại cảm xúc của khoảnh khắc, tựa như giọt sương nhỏ bé nhưng dung chứa vô vàn hình ảnh, thì truyện giúp xây dựng tính cách nhân vật trong các mối quan hệ đời sống. Thơ đôi khi là hư ảnh, truyện là những hình ảnh thực gây ám ảnh bằng các chi tiết. Truyện thể hiện được tâm hồn phức tạp của con người trong thế giới đa chiều. Truyện tạo dựng được nhân vật với số phận đầy dư ba biến động và diễn biến tâm lý phức tạp là điều mà thơ khó làm được. Viết truyện giúp tôi kể được những câu chuyện quanh mình và cho mình, thể hiện được nguồn cảm xúc bất tận và tự do tung tẩy của chữ nghĩa. Khi cần tụng ca cái đẹp, tôi chọn thơ, khi cần nói về nỗi đau, tôi viết truyện.
Năm 2025, tôi sẽ bắt đầu một hành trình sôi nổi hơn, sẽ tiếp tục cảm nhận và viết, sẽ tham gia nhiều hơn các diễn đàn văn nghệ nếu có cơ hội. Nếu được, tôi sẽ in cả thơ và truyện trong năm tới.
Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong: Luôn dành chỗ đặc biệt cho quê nhà
Nhà văn Trương Văn Dân (quê gốc Tây Sơn), sau khi tốt nghiệp tú tài năm 1971, ông du học ở Ý và trở thành chuyên gia hóa dược. Sau gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, gần đây ông cùng vợ là nhà văn, tiến sĩ ngôn ngữ học Elena Pucillo Truong về Việt Nam, sống tại TP.HCM. Vợ chồng ông giảng dạy bậc đại học, viết văn, có nhiều tác phẩm được các NXB chọn in ấn, phát hành. Năm 2024, vợ chồng ông ra mắt cùng lúc hai tác phẩm truyện, tùy bút, gồm: Hạt bụi lênh đênh (truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo Truong; Trương Văn Dân dịch) và Gia đình những nỗi đau ngọt ngào (truyện, tản của Elena Pucillo Truong; Trương Văn Dân).
– Tôi đã từng được nghe ông bà tâm sự về hai bản thảo Hạt bụi lênh đênh và Gia đình những nỗi đau ngọt ngào, nhưng đến nay các tác phẩm này mới chính thức ra mắt bạn đọc…
+ Tập truyện ngắn, tản văn Hạt bụi lênh đênh là góc nhìn về Phật giáo của một người phụ nữ Ý sinh sống nhiều năm ở Việt Nam, những triết lý đạo Phật được truyền tải nhẹ nhàng qua những câu chuyện của Elena. Cuốn Gia đình những nỗi đau ngọt ngào được chúng tôi viết chung, xoáy vào chủ đề gia đình. Cả hai quyển được chúng tôi hoàn thành hơn ba năm trước đây, và tôi đều dịch cho Elena. Năm 2022, chúng tôi mới quyết định gửi bản thảo cho NXB TP.HCM, cả hai quyển đều được chọn in ấn phát hành. Sau nhiều khâu chuẩn bị thì năm 2024, sách mới được giới thiệu với bạn đọc.
– Tôi rất ấn tượng với tác phẩm ông bà viết chung Gia đình những nỗi đau ngọt ngào, ngay tên sách cũng đã gói ghém nhiều điều…
+ Trong tác phẩm, có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì sẽ mang lại cho ta rất nhiều đau khổ. Nhưng tình yêu không phải là một sản phẩm được đóng gói để sẵn sàng được sử dụng. Nó được giao cho chúng ta chăm sóc. Nó cần những nỗ lực liên tục để được tái tạo và hồi sinh mỗi ngày. Khi tôi nói về cái tựa chung cho tập truyện thì Elena mỉm cười “Ở Ý nhiều năm trước người ta thường nói: Hãy đi đến nơi nào trái tim mách bảo, nhưng em thích nói: Sống ở đâu cũng phải mang theo trái tim hơn”. Đây có lẽ là quan niệm sống của người bạn đời bên tôi. Sống vui vẻ và luôn quan tâm đến người khác”.
– Thưa bà Elena, về lại Bình Định những ngày cuối năm này, bà cảm giác nơi đây thế nào?
+ Phải nói ngay là tôi rất vui và thích thú. Làm dâu đất Bình Định và gắn bó với Việt Nam một thời gian dài đủ để tôi tự tin nói rằng mình đã hòa vào cuộc sống nơi đây. Ở Italia, tôi cũng giới thiệu nhiều về nét đẹp văn hóa Việt, nên đã tổ chức nhiều hội thảo ở Italia về Việt Nam với các đề tài như “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”, “Đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt”… Bình Định lại càng đặc biệt vì đây là quê hương của chồng tôi, và tôi cũng xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở đây, chúng tôi quen biết rất nhiều người bạn, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Tôi rất thích không khí ở đây, những cảnh đẹp bình yên và con người chân thành, hiếu khách. Và biển, như bạn thấy đấy, chúng ta đang ngồi trên đường Xuân Diệu và ngắm biển Quy Nhơn, một ngày đông, nắng lên rất đẹp. Tôi cũng rất thích ẩm thực Bình Định nữa, tôi mê các món ăn dân dã như bánh xèo, bún chả cá, bún sứa, mắm ruột…, rất hấp dẫn, đậm đà. Tất nhiên, Bình Định xuất hiện khá nhiều trong các tùy bút, truyện ngắn của tôi. Như năm 2011, tôi viết truyện ngắn Trên chuyến tàu về quê ăn Tết trong cảm hứng hồi tưởng những chuyến tàu về Bình Định dịp cuối năm. Hay năm 2013, tôi viết Kho tàng của sự im lặng sau khi thăm một ngôi chùa ở Bình Định. Thực sự không thể kể hết, chỉ có thể nói rằng, vợ chồng tôi đều dành một chỗ đặc biệt cho quê hương Bình Định.
– Còn với nhà văn Trương Văn Dân, hẳn đất và người Bình Định đã tạo nhiều xúc tác cho trang viết của ông?
+ Đúng vậy! Rải rác trong các trang viết tôi có nhắc về quê nhà Tây Sơn, về Bình Định. Thậm chí tôi từng lấy tên một truyện ngắn có bối cảnh về Quy Nhơn để đặt tên tập sách – Hành trang ngày trở lại, in năm 2007. Đặc biệt, tôi đã hoàn thành xong bản thảo hai tiểu thuyết: Ước hẹn cuối cùng và Lỗi định mệnh và có kế hoạch in ấn trong năm 2025. Trong đó, Lỗi định mệnh nói nhiều về lịch sử Bình Định, về Gò Lăng, Phú Lạc, Phú Phong…; về văn hóa, đặc sản, con người… Tác phẩm lấy bối cảnh ở một làng chài không xa Quy Nhơn, xoay quanh nhân vật là một nhà báo đọc nhiều hiểu rộng, sống thu mình, không thích sự phô bày chộn rộn. Từ cuộc gặp gỡ định mệnh ở làng chài này với một “nàng thơ”, một tình yêu đã chớm nở, và xoay quanh đó là những câu chuyện khác mang đậm dấu ấn của đất và người Bình Định cùng các góc nhìn đa chiều về văn hóa, lịch sử, về quan niệm sáng tác…
Những bản sách của chúng tôi cũng được in ấn bằng tiếng Italia và được giới thiệu với bạn bè ở Italia. Năm nay, chúng tôi ăn Tết ở Việt Nam, và sẽ về lại Italia dịp tháng 5.2025 để tổ chức ra mắt sách.
Trân trọng ơn tạp chí Văn nghệ Bình Định đã kết nối và cho chúng tôi chia sẻ với quê nhà. Sắp đến Tết truyền thống người Việt, tôi mong tất cả chúng ta có một cái Tết sum vầy và đầm ấm bên người thân và gia đình.
P.V (thực hiện)