(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Chỉ còn một tuần nữa là nghỉ Tết nhưng thầy hiệu trưởng bất ngờ và phấn khởi báo tin có một công ty xây dựng sẽ về hỗ trợ cho trường 20 chiếc xe đạp cùng mười suất quà mỗi suất năm triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ăn Tết. Hôm đại diện công ty đến trao quà, “cô Bụt” của học trò nghèo cũng phải đến dự đó – ra lệnh mềm mỏng theo cách của thầy. Tôi “dạ” to, mừng ơi mừng, đây là lần đầu tiên học sinh nghèo của trường có món quà Tết khủng như vậy.
Sáng đó, tôi cố tình đến trường sớm, nhưng vẫn muộn so với thầy hiệu trưởng và quý nhân của trò nghèo. Vừa bước vào cửa thì nghe:
– Công ty mình ở xa nhưng lại quan tâm đến trường, tôi muốn hỏi có lí do gì đặc biệt cho sự hỗ trợ lớn lao này không anh?
– Dạ, vụ này là do sếp, chứ em phận “lính” sai đâu đánh đó thôi ạ!
– Sếp em người ở đâu?
– Dạ, Bình Định!
“Bình Định”, trong đầu tôi bất giác xuất hiện hàng ngàn con chữ. Những bức thư được lưu trong tim và cất kĩ trong rương. Là kỷ niệm. Cũng là nỗi day dứt khôn nguôi…
***
Đó là một buổi chiều, tôi có thư. Chần chừ không nhận vì sợ nhầm. Không nhầm đâu cô, thư gửi từ trại giam đó – chị đưa thư quả quyết. Ôi trời, tôi thiếu nước ngã nhào. Giữa thời đại công nghệ thông tin, người ta mail, chat tưng bừng, mình tự dưng có thư tay, lại từ trại giam mới ớn.
Mở thư, đây là bức thư tay thứ hai của tôi. Bức đầu tiên của chàng trai xóm núi. Hồi đó hăng hái lên non gieo chữ, dự định vài năm rồi về chứ không tính sẽ gắn bó đời kiếp. Nhưng thư tỏ tình của chàng trai bản địa đã níu chân cô giáo trẻ. Giờ nghĩ lại mới thấy lúc đó mình điên nặng khi bất chấp ngăn cản mà nhắm mắt bước ào. Để rồi khi nhà tranh biến thành nhà ngói, xe đạp thành xe ga, vợ lành thành vợ què thì chồng thẳng chân đá hất như cái cách người ta ném chiếc khăn nhàu nhĩ bẩn thỉu trên bàn ăn sau khi tàn tiệc. Bức thư đầu tiên là nỗi ám ảnh tồi tàn. Giờ cầm bức thứ hai trên tay, đã lột bì xong còn tàn nhẫn nghĩ một bức thư viết tay có khi nào lại là một cú lừa đội vỏ chân thật?
“Em bây giờ lạc lõng, bế tắc… Em ước mình lãnh án chung thân luôn vì không hình dung sau này sẽ đối diện thế nào với bố mẹ, anh chị em, bạn bè. Em biết mình xứng đáng nhận sự phỉ nhổ nhưng em lại sợ điều nhục nhã. Cô biết không, người đầu tiên đã rời xa thằng tù em là cô gái đã hẹn hò gần bằng số năm em lãnh án. Cô ấy chắc đã vứt hết những bức thư của em vào sọt rác. Em và tất cả những gì thuộc về em đều ghê tởm. Cô nói xem, liệu cái chết có giúp em đền tội với ba mẹ, cô thầy; với người đàn bà tội nghiệp bị em chặn đường và cả với cô gái em yêu không?”.
Thư viết kín một đôi giấy. Cậu học trò đó tên N, quê Bình Định, nhận án bốn năm tù nhưng mới thi hành được nửa năm và hiện đang rơi vào khủng hoảng. Em bảo viết thư cho tôi vì khi đang tuyệt vọng, bế tắc thì được bác giám thị trại giam đưa tờ báo mà trong chuyên mục góc sẻ chia có tên và địa chỉ của cô. Ra vậy.
Đọc xong tôi gấp cất, không nghĩ mình đủ dũng khí để hồi âm cho một thằng tù.
Đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được. Có cái gì đó rất khó chịu, cứ dằn vặt, thôi thúc. Tác giả bức thư đang muốn chết để đền tội hay để chạy trốn sự trả giá? Ngày trước, trong lúc đớn đau ngập tràn, tôi cũng đã nghĩ đến cái chết như một cách giải thoát. Em gái phát hiện chửi một trận, còn dạy thêm bài học sống nó moi đâu ra không biết: Nếu Thượng Đế đã đem ta đến với thế giới này theo ý lành của Ngài thì ta phải sống thật đàng hoàng, và chỉ được phép chết khi Ngài đồng ý. Con em thật hỗn nhưng tôi biết ơn nó. Cậu học trò ơi, dù cậu có chết đi thì tội lỗi vẫn cứ còn. Không biết tuổi tác của cậu là bao nhiêu; nhưng vì cậu xưng “em” gọi “cô” nên tôi mặc định xem như cậu là học trò.
Đắn đo, lưỡng lự. Viết thư cho một tù nhân không quen, một người chắc chắn tay đã nhúng chàm, liệu có nên không? Cậu ấy sống hay chết cũng chẳng liên quan đến mình. Nhưng biết đâu, một lá thư – giống như câu “giáo huấn” của con em gái ngày nào – có thể giúp bắc chiếc cầu cho một sinh linh băng qua vực thẳm tuyệt vọng?
“Cô trước giờ vẫn tin rằng không phải người nào vào tù cũng là người xấu, người ác, người bỏ đi nên đã trân trọng hồi âm cho em. Điều làm cô vui là em biết xấu hổ với tội lỗi của mình. Cô nhớ có ai đó đã nói vinh quang được xây trên nền hối hận và xấu hổ…”.
Hơi lý thuyết. Nhưng thú thật, trong tình huống này tôi chẳng nghĩ ra được gì ngoài việc lê thê bảo rằng cuộc sống ai chẳng có sai lầm, quan trọng là đứng dậy thế nào, rồi sai lầm nào cũng có giá trị như một bài học đích đáng, tích cực hơn thì xem đó là bệ phóng để thay đổi. Hãy chấp nhận và lạc quan để thấy lao tù là “giảng đường” của trường đời, là cơ hội rèn luyện và tích lũy… và, v.v… Rồi tôi kể về cuộc đời của nhà văn được xem là một bậc thầy truyện ngắn thế giới – O. Henri. Ông từng ngồi tù vì tội biển thủ công quỹ – do sổ sách không khớp – sau đám tang của vợ. Trong tù, ngoài thì giờ làm việc, ông vẫn sáng tác để gửi tiền về nuôi con gái. Tóm lại, cô muốn em thấy một minh chứng rành rành rằng: nếu vượt qua được thử thách khắc nghiệt, con người ta sẽ vững vàng, cao đẹp hơn.
***
“Bố mất vì ung thư gan, sau đó mẹ bị đột quỵ, và chị gái là giáo viên mới về ngôi trường cấp ba em đang theo học cũng qua đời vì tai nạn giao thông. Nỗi đau quá sức chịu đựng. Em đau đớn, chán nản rồi trốn học, bỏ tiết, vô lễ với thầy cô giáo, đập phá tường rào… và cả đem dao tới trường đòi đâm bác bảo vệ. Khi bị đuổi ra khỏi trường, em lập băng nhóm, chơi game, cá cược, rượu chè, gái gú. Kết quả em luôn trong tình trạng thiếu và cần tiền. Em đã chặn đường, hất nhào người ta xuống xe giật dây chuyền, cướp túi xách… Hối hận, giày vò, thứ cảm giác kinh khủng đó đang gặm nhấm từng ngày, em đau như da thịt mình bị lóc ra từng miếng nhỏ…”.
“Cô là cô giáo dạy Văn. Đọc thư em, cô nhận ra em rất “có duyên” cùng chữ nghĩa… Tôi bắt đầu bằng lời khen động viên thực lòng để nhân cớ đó khuyên em tập trung đọc sách báo, tìm lối thoát trong con chữ những khi yếu lòng, stress. Sách là người thầy vĩ đại, người bạn chân thành và người tình không bao giờ bội ước… Thư hồi âm lần này không dài, nhưng khi gửi đi, tôi chủ động gửi cả sách báo cho em.
Thư sau và thư sau nữa, lạc quan hơn, em sôi nổi kể chuyện trong tù. Ngoài thời gian chăm chỉ lao động thì em đọc sách, báo cô gửi và tìm đến phòng đọc dành cho phạm nhân. Những quyển sách báo đã làm thân tình hơn mối quan hệ của những tù nhân với nhau. Bác Q giám thị cũng dùng thời gian rảnh vào việc đọc nên em và bác trao đổi sách cho nhau. Được sự hỗ trợ của bác, em và một nhóm bạn khác làm thơ con cóc chuyền nhau đọc, rồi viết tiểu phẩm và tập tành để biểu diễn. “Vui lắm cô ơi! Cuộc sống trong tù không còn ngột ngạt nữa, em đã tìm thấy lí do để sống tốt rồi. Tất cả là nhờ cô, cô giáo thân thương của em….”. “Cô giáo thân thương”? Hẳn là em đang “nói quá” trong cơn hưng phấn! Vậy nhưng, nếu không phải là nói quá? Tự dưng có một mối bất an nào đó đang lơ lửng, chờn vờn trong tôi. Đem chia sẻ chuyện thư từ với cậu học trò – tù nhân, em gái tôi hét toáng:
– Trời đất! Nghĩ sao lại thư đi tin lại với một thằng tù hả trời? Đời bà chưa đủ rối hay sao còn muốn nó rối thêm?
– Nhưng cậu ấy là… học trò – Tôi chống chế yếu ớt.
– Phải. Là học trò nên khi ra tù nó sẽ chẳng nghĩ chuyện về quê với bố mẹ đâu. Nó sẽ… đi thẳng đến trường tìm cô giáo trẻ đẹp đơn thân mà đeo bám đó cô giáo nhé! Làm ơn nghe tui: buông giùm ra. Không thư từ lại qua gì nữa trước khi quá muộn, lạy chị!
Bộ dạng con em nghiêm trọng tưởng sắp lạy thật khiến tôi cũng đâm hoảng. Trong nhà ngoài ngõ ai cũng khen em tôi chín chắn, sắc sảo trong khi tôi mang tiếng vụng về hậu đậu. Đáng ghét, lẽ ra nó phải sinh trước, làm chị tôi mới đúng…
***
Không hồi âm nữa, tôi vẫn tiếp tục nhận thư từ trại giam.
“Giám thị Q, có một người cháu là giáo viên thể dục ở trường cô nên em đã biết một chút về những bi thương của cô. Em xin lỗi, em thật ích kỷ và vô tâm khi chỉ khư khư ôm và xem nỗi buồn của mình là nhất mà không chia sẻ với nỗi lận đận đời cô. Em biết cô đã mạnh mẽ vượt qua nhưng dù sao đi nữa em cũng muốn cô mở lòng đón nhận cuộc sống mới, suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn nữa, biết đâu rồi hạnh phúc lại đến, cô sẽ được bù đắp sau những ê chề mất mát…”.
Thôi rồi. Lời “tiên tri” của con em tôi vẻ như đang ứng nghiệm. Hay tại tôi quá nhạy cảm? May cho tôi vì đã nghe em gái mà dừng sớm. Hy vọng cậu ấy sẽ nản mà không tiếp tục thư từ…
Nhưng không, tôi vẫn đều đặn nhận thư. Học trò – phạm nhân rất biết giữ chừng mực, không viết điều gì quá lố. Tự nhiên thấy cắn rứt, tưởng như mình đang làm gì đó… sai sai. Đem chia sẻ với em gái. Liệu chị hành xử vậy có… “máu lạnh” quá không?
– Lạnh nóng gì cũng được, đời đàn bà đơn thân chỉ cầu bình an trên hết.
Con em phán – như một bà già từng trải sự đời, kiên quyết.
Vật cuối cùng tôi nhận được nơi cậu học trò – phạm nhân, thay vì thư, là một chiếc móc khóa hình hai trái tim kết từ những sợi len cùng mảnh giấy ghi: “Cầu mong mẹ con cô mạnh khỏe, bình an!”. Và hết.
Tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình, xem những bức thư tay của cậu học trò là kỷ niệm. Mỗi lúc nhớ về quá khứ, nỗi bứt rứt trồi lên lại tự trấn an rằng mình không làm gì sai, rằng thì là v.v và v.v… Lạ thay, trấn an kiểu nào vẫn cứ lướng vướng. Vẫn mơ hồ thấy mình còn… mang nợ! Một món nợ mơ hồ luôn gây ám ảnh, bởi nó không nên hình dạng, không cụ thể thành giá trị bạc tiền để ta có thể trả phứt. Nợ chưa trả được là chưa yên…
***
Mười năm.
Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia bảo:
– Em đã cất những bức thư của cô trong chiếc rương đựng đồ quý giá, chưa bao giờ quên, lúc nào cũng nhớ nhưng em muốn được gặp lại cô trong tư thế đường hoàng nên ra tù đã gần sáu năm, nay em mới đủ tự tin tìm cô.
Tôi nín thở lắng nghe, muốn cắt lời nhưng vẫn không có cơ hội vì em cứ tuôn trào như suối.
– Giờ em muốn được ngồi cà phê với cô, mong cô…
Nguy rồi, tôi lật đật cắt ngang:
– Bây giờ có muốn cũng không gặp được, cô đã chuyển trường chuyển chỗ ở lâu rồi.
– Cô chuyển đến đâu em cũng tìm được!
Giọng điệu thể hiện một quyết tâm không lay chuyển. Tôi mất bình tĩnh, trán vã mồ hôi. Nhưng cô bây giờ đã có một tổ ấm mới. Cô không muốn có bất kì một sơ suất nào cho hạnh phúc muộn màng này. Tha lỗi cho cô… Hết cách. Không chần chừ, tôi tắt máy, rút sim bẻ gãy.
Lần đầu tiên tôi hành động tỉnh táo và quyết đoán, không có tí ti hậu đậu!
***
Trao quà cho học trò xong, tôi không cười tươi như mọi bận được. Mắt cứ rưng rưng khi nghĩ đến cậu học trò ra tù đợi cho đủ tự tin để đối diện cùng “cô giáo ân nhân” nhưng đã bị cô khước từ thô bạo. Chỉ trời mới hiểu tôi đã bứt rứt, giằng xé bao lâu về hành vi đó của mình.
“Vi nhân nan” (làm người khó), lời đức Khổng Tử.
“Xin lỗi chàng trai, nếu lúc đó “cô giáo thân thương” của em vẫn là một người mẹ đơn thân thì có lẽ chúng ta đã có một cái kết khác…”. Tôi gửi những lời này theo cơn gió xuân sớm vừa chạy ngang. Gió đã hòa vào mênh mông nắng. Nắng đầu xuân vàng trong, lấp lánh đổ xuống thung xa đẹp như tranh vẽ. “Học trò – phạm nhân” ơi, phải chăng trực giác tôi không nhầm, em chính là vị sếp hảo tâm bí ẩn đã trao quà cho các em học sinh nghèo hiếu học?
Đột nhiên tôi thấy lòng thật thanh thản – cứ như cái gánh nặng mười năm bỗng chốc cất khỏi vai mình! Học trò ơi, mùa xuân về thật rồi… – tôi lại cầm đôi tay nhỏ bé của những khuôn mặt hồn nhiên, chúc các em có một cái Tết nồng ấm, rồi nhẹ tênh bước về giữa nắng xuân lộng lẫy…
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN