Đời cần lắm, những vần thơ

(VNBĐ – Thơ & lời bình).

1.
Thời thế nào cũng chất ngất nỗi niềm. Thế kỷ thứ mười chín, Nguyễn Khuyến đi tìm chốn tạm dung cho mình bằng cần câu, con cá, vũng ao: ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ lá vàng trước gió sẽ đưa vèo/ tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ cá đâu đớp động dưới chân bèo (Thu điếu). Dù chỉ là ao thu, dù chỉ là chiếc thuyền câu bé xíu, dù chỉ là làn sóng biếc, dù chỉ dăm chiếc lá vàng nhè nhẹ bay bay, nhưng ít ra, người trong Thu điếu còn ít nhiều lãng mạn: tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Thú tiêu khiển tuy mộc mạc, nhà quê, mà lại tao nhã vô cùng. Và niềm vui tuy đơn sơ, nhưng nhàn nhã, ung dung.

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.

My Lăng, My Lăng, chỉ hai tiếng My Lăng thôi, mà đã rất hư hư thực thực, huyễn ảo, huyền bí, mơ hồ.

My Lăng, My Lăng, chỉ hai tiếng My Lăng thôi, mà như chứa ngàn muôn tâm sự, chẳng biết tên ai đặt mà lạ lùng, mà phong sương, mà đầy chất thơ đến thế.

My Lăng, My Lăng, chỉ hai tiếng My Lăng thôi, mà tôi đã cảm ra như, bến cùng tôi, thân thuộc tự bao giờ.

Thường, cứ nhắc đến bến, là gần như ngay lập tức, trong đầu người ta, nghĩ đến chuyện chia xa, biệt ly, người đi, kẻ ở. Cứ nhắc đến bến là gần như ngay lập tức, trong đầu người ta, hình dung ra những hàng lau lách trắng đìu hiu, cô liêu và mênh mông, trải dài theo dòng sông, lành lạnh, tĩnh êm, lặng lẽ, và dưới đáy sâu kia, biết đâu, cuồn cuộn những nguồn cơn.

Nhưng Bến My Lăng thì khác, My Lăng chỉ toàn trăng và trăng, hai mươi hai câu, mà đã có đến tám câu chứa trăng: trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách, chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao, tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng, nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly, sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi, ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách, gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng, ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

2.
Mười sáu, mười bảy, mà Yến Lan đã vẽ được, đã diễn tả được tâm tình của một người sáu mươi, bảy mươi, như thế là tài lắm chớ chẳng phải không:

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

My Lăng, My Lăng, có phải là nơi tìm đường lánh nạn của kiếm sĩ nhà Trần sau trận Thành Đồ Bàn bi thương thuở ấy? Nếu không phải là như thế, thì sao ông lái đò, lại phải mang một niềm ân hận hoài mãi. Chỉ vì, mải đọc sách, ngủ quên, để hồn lên tắm ánh trăng cao mà không nghe được tiếng gọi đò hối hả. Cái tiếng kêu trong oan nghiệt và đầy oán trách ấy, cứ ám ảnh mãi ông, khiến ông, sau đó, khắc khoải khôn nguôi.

Khiến ông, suốt bao trăng còn lại của đời mình, chỉ dành đợi khách.

3.
My Lăng ơi là My Lăng, bến sông trăng My Lăng có thật hay không? Và ở nơi nào trên xứ sở của triền miên chiến tranh, binh đao, loạn lạc?

My Lăng ơi là My Lăng, bến sông trăng My Lăng có thật hay không? Và ở nơi nào trên xứ sở đầy ly biệt và ngóng trông?

My Lăng ơi là My Lăng, bến cũ ấy, nay còn không, núi sông, con đò, lá vàng, bầu rượu, cuốn sách, dòng trăng?

Cả một đời thơ, đôi khi, chỉ cần một bài thơ, cũng đủ, như trường hợp Yến Lan. Nhắc đến Yến Lan là phải nhắc đến Bến My Lăng, và, ngược lại, cứ nói về bến sông, cụ thể hơn, một bến sông trăng, thì không thể không nhắc tới Bến My Lăng của Yến Lan.

Tôi thích cái chi tiết, vì rượu hết rồi nên ông lái đò mới không thức mà buông câu. Ông nằm chờ trên đò, đọc sách, đợi người kêu. Nào dè, gió mát quá, thêm ánh trăng rơi vàng màu mộng; mộng thực khó phân, thành thử, ông mới ngủ quên.

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Giá như, bữa ấy, còn rượu. Còn rượu, ông sẽ thức mà nhâm nhi. Giữa đêm trường vắng lặng, ông sẽ nghe rõ mồn một, tiếng gọi đò. Còn rượu, chắc ông sẽ không phải hoài ôm niềm ân hận, và buộc mình vào tâm thế, bên bến, chờ mãi tiếng gọi xưa.

Đời, có phải không là luôn thế không? Nghĩa là, luôn hoài sống trong hối tiếc, luôn hoài buột trong vô thức, vô vọng, câu buồn trĩu, giá như.

4.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Nói thêm một chút về câu, ông không muốn run người ra tiếng địch, vì, không phải bạn đọc thơ nào cũng cảm được đặc điểm ý tại ngôn ngoại của thơ; không phải bạn đọc thơ nào cũng quen với sự ngược ngạo, sự phi lý, sự không tuân theo bất kỳ một trật tự nào của ngữ pháp, cái loại ngữ pháp mà, chỉ thơ, chỉ trong thơ, mới có. Loại ngữ pháp của thơ là loại ngữ pháp kỳ dị, như một đặc quyền riêng, xưa nay, bất thành văn vậy.

Địch ở đây là sáo. Người thổi sáo thì thường phải lấy hơi nhiều, nếu để ý, ta sẽ thấy những lúc ấy, đôi bờ vai họ, khẽ run. Nghĩa của toàn câu là, đêm nay, ông lái đò không muốn thổi sáo. Ông không muốn vì tiếng sáo của mình, mà làm động đến vẻ u huyền, võ vàng, vẻ tĩnh mịch của đất trời đìu hiu, khi vắng mặt những vì sao lấp lánh. Không gian và thời gian như đứng lại, cả bến sông, cả trăng trên bến sông, bàng bạc tàn phai.

Ảo ảnh. Chập chờn. Thoát tục.

5.
Ông tưởng ông không say rượu thì có thể thức chờ khách gọi đò. Có biết đâu, không say rượu, nhưng ông, lại lạc vào trận say trăng.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng.
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Say trăng, say những tờ lá vàng trôi quanh thuyền, lạnh lẽo. Say trăng, say sợi tơ vương trời, say giải trăng trăng. Say trăng, say nẻo quạnh trôi dài, say đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Phải chăng, Yến Lan cho ông lái đò say trăng là bởi vì trăng đêm trên bến quá đẹp? Có nhà thơ nào mà không say cái đẹp? Có nhà thơ nào mà không lãng mạn, phiêu bồng, say cùng trăng, trôi cùng sông, và mộng ảo cùng thơ?

Ba câu cuối bài được viết theo kiểu liên vận, tức chỉ một vần, vần bằng, tạo nên một cảm giác cô quạnh tuyệt đối, mang mang một nỗi tủi buồn, và chơi vơi, niềm lữ khách: Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng/ Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng/ Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

My Lăng ơi, bến cũ còn không? Và ông lái đò ngày xưa nữa, nay đã về đâu?

6.
Trăng đêm nay không sáng, trăng suốt mấy ngày qua bị mây phủ mờ che, nhưng tôi bỗng dưng hình dung ra rười rượi màu trăng ấy, nên đem bài Bến My Lăng ra đọc lại, rồi viết mấy dòng này, mời các bạn yêu thơ thưởng ngoạn.

Thơ, có khi, với tôi, là nỗi chán chường. Nhưng thơ, với tôi, có khi, như bài Bến My Lăng của Yến Lan chẳng hạn, lại cảm ra, đời cần lắm, những vần thơ. Im lặng quá, đêm nay, trăng màu lưu ly nhúng đầy ai áo, tôi đợi người về, say chén, Bến My Lăng.

Bến My Lăng

YẾN LAN

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng.
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

Sài Gòn, 24.9.2024
PHẠM HIỀN MÂY

* Ảnh nguồn: internet

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Còn nhớ, khi lần đầu tiên đọc bản thảo truyện ngắn “Thời gian” của nhà văn Cao Duy Thảo cho một tạp chí văn nghệ hàng tỉnh, tôi đã thốt lên: “Đây là một truyện ngắn tuyệt vời!”…