(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 26.10, tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, Chi hội Văn học và Chi hội Sân khấu (Hội VHNT Bình Định) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (18.11.1924 – 18.11.2024). Đến dự, có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại biểu lãnh đạo các ban, sở, ngành cùng các văn nghệ sĩ và đại diện gia đình nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, đưa ra nhiều ý kiến khẳng định những đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn với nền văn hóa sân khấu truyền thống Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1924 (22 tháng Mười, Giáp Tý) tại thôn Xương Lý (còn gọi là Vũng Nồm), tổng Trung An, huyện Phù Cát – nay thuộc xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định. Ông tham gia cách mạng và công tác nhiều mảng, nhưng niềm đam mê hát Bội đã gắn đời ông với nghệ thuật hát Bội. Khi Đoàn tuồng Liên khu V thành lập (1952), ông là thành viên và theo Đoàn tập kết ra Bắc. Từ năm 1959 – 1966, ông được cử sang Trung Quốc học Lý luận Sân khấu ở Hý Khúc học viện, và tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở Trung Quốc Hý Khúc Nghiên cứu viện. Khi về quê hương Bình Định, ông phụ trách Phòng Nghiên cứu Nhà hát tuồng Đào Tấn, chuyên chú hoàn thiện việc sưu khảo, hiệu đính, chú giải, phiên dịch thơ và từ, tuồng hát Bội Đào Tấn, các nghiên cứu về hát Bội và hát Bội Bình Định. Công việc nghiên cứu của ông xuyên suốt đến cuối đời, để lại nhiều công trình có giá trị bền vững về nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Năm 2012, với bộ 03 công trình về Đào Tấn: Đào Tấn – Thơ và từ, Đào Tấn – tuồng hát Bội, Đào Tấn – qua thư tịch, và chuyên khảo về hát Bội, văn hóa Bình Định: Góp nhặt dọc đường, ông đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ngoài các công trình trên, ông còn nhiều tác phẩm giá trị như: Liệt truyện Kẻ sĩ đất Thang Mộc; Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ…
Bằng sự tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, từ một phần Giải thưởng Nhà nước, ông cùng nhiều mạnh thường quân vận động thành lập “Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn – Khuyến tài Hát bội Bài chòi Bình Định” vào năm 2012. Giải thưởng đã có 10 năm hoạt động, kịp thời khen thưởng và hỗ trợ nhiều tài năng trẻ Bình Định từ các đơn vị chuyên nghiệp, không chuyên và phong trào trong toàn tỉnh. Ông đã kịp dự, trao giải lần thứ I Giải thưởng mang tên mình, trước khi qua đời vào cuối năm 2013.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được khẳng định trong giới nghiên cứu, các bậc trí giả, người yêu nghệ thuật truyền thống. Nhiều ý kiến đề xuất về một con đường mang tên ông như một ghi nhận xứng tầm. Tại tọa đàm, Ban tổ chức cũng đã trưng bày những hình ảnh về các hoạt động sân khấu truyền thống của Bình Định; trưng bày các tác phẩm, tư liệu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Dịp này, đại diện gia đình nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cũng đã trao tặng các tác phẩm và tư liệu quý của ông cho Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh.
PHI NGUYỄN