Hồn đá

(VNBĐ – Truyện ngắn).

Chiều đó, anh em Mun lại hớt hơ hớt hải khiêng ông Thức về. Bà Ngàn đang đút cho con gái ăn, thả luôn cái chén rơi xuống sàn vỡ tan tành. Bà chạy vội ra, ông Thức nằm bẹp dí trên tấm cáng, đầu bết máu, chân tay trầy xước, người tái mét. Lần thứ tư rồi, ông Thức về nhà trong trạng thái thương tích đầy mình như thế. Bà Ngàn nhờ Mun bế ông vào nhà, gửi tiền thuốc thang, lại dặn dò để ý giúp bác lần sau nhé! Anh em Mun sống ngay chân núi nên lần nào cũng chính họ cứu ông. Trèo leo, lặn lội miết trên những mỏm đá, ngày ăn uống sơ sài, thể trạng lại không khỏe, thì thể nào xuống núi chẳng có lúc trượt chân. May mà chỉ trầy xước, trật tay, dập đầu chứ chưa trọng thương. May mà không đụng mìn trên mỏm 2!

***

Dù Thức đi biền biệt, năm ba bữa mới ghé về phụ Ngàn chăm con một chút, sửa sang cái nọ cái kia một chút, dù những lúc Thức tỉnh táo, vui vẻ để cùng ăn một bữa cơm, kể một câu chuyện, xem một bộ phim vô cùng ít ỏi, thì Ngàn vẫn luôn muốn Thức về. Dù mỗi lần về, việc đầu tiên Thức sẽ thắp nén hương trầm và rơm rớm trước bàn thờ anh Toàn, làm Ngàn nghẹn ngào, thì Ngàn vẫn mong Thức về. Thức cứ đi, rồi về. Lành lặn thì tốt, trầy trụa một chút cũng không sao, miễn là Thức về. Dù tỉnh táo hay ôm đầu điên loạn la hét khi tiếng chan chát, rào rào của máy nghiền đá khoan vào não làm Thức không chịu nổi, hay mỗi bận karaoke nhà bên mở to quá làm Thức vật vã. Đến khi qua cơn, Thức sẽ hiền khô, ngô nghê hỏi: Bọn nó rút hết chưa? Anh em chiếm được mỏm 2 rồi đúng không? Ngàn đều ừ hết. Sẽ biết ơn hết thảy! Miễn là Thức về. Ngàn sợ hãi nghĩ đến một ngày, trên tấm cáng khiêng về, Ngàn lay mãi lay mãi mà Thức cứ nằm im, thì Ngàn và con sẽ thế nào?

Sẽ thế nào? Sẽ lại ngày mỗi ngày lụi cụi bón cho Gái ăn, tỉ mẩn lau từng kẽ tay, kẽ chân, từng khe nhỏ lồi lõm, nhăn nhúm trên cơ thể tật nguyền của nó. Rồi nựng nịu, cù vào nách cho Gái cười ngặt nghẽo. Rồi soi từng chút trên ánh mắt, hơi thở, làn da và vui mừng thấy con hồng hào, tươi tắn hơn hôm qua. Nhưng sẽ không còn những câu chuyện rù rì kiểu: Bố cô lại đi đâu từ mờ sáng Gái nhỉ? Giờ con nằm đây xem ti vi ngoan, mẹ tìm bố về ăn tối nhé! Ông ấy ngày càng gầy, xót quá! Luôn chân leo trèo ngày này tháng nọ thế kia không rộc người mới lạ! Rồi bà đét vào gò má rúm ró của con nựng nịu. Mấy chục tuổi đầu rồi, lo mà tìm anh nào đó về chăm đi nhé, tôi già đến nơi rồi. Gái nhìn mẹ ngoác mồm cười như một đứa trẻ. Bà sẽ gõ gõ bịch bịch vào chiếc tivi cũ kỹ cho có tín hiệu, mở gì đó cho Gái xem, rồi đến thắp cho ông Toàn và thằng Cu nén hương trầm. Toàn à, anh đã dắt em đi lối này, thì cho em mạnh mẽ bước tiếp nhé! Anh vẫn đang dõi theo chúng em đúng không? Bọn em chẳng sờn chí đâu. Anh phù hộ cho chúng em sức khỏe để tìm được anh về! Cu à, sống khôn thác thiêng phù hộ bố mẹ mạnh khỏe để chăm em con nhé! Thơ nay xinh lắm con à! Mà sắp giỗ trận, bố con sẽ lại suy sụp một thời gian. Mẹ mỗi chiều lại ra đầu bản ngóng mong ông ấy trở về lành lặn, bình an. Thằng Cu trên bàn thờ nhìn bà tình cảm lắm. Nó ra đời, tròn trịa đủ đầy. Bên ngoài thì thế, nhưng dị tật tim bẩm sinh, dặt dẹo đau ốm suốt từ nhỏ. Chăm bẵm cỡ nào nó cũng èo uột. Tim phổi, nội tạng nó như bong bóng, cựa là vỡ. Vậy mà Cu cũng ở được với ông bà gần mười năm. Giờ nó ngồi trên ấy, nhìn bà mỗi ngày. Có khi thế còn đỡ chạnh lòng hơn là nhìn nó vật vã giữa những cơn đau. Cu bỏ bà đi vào một chiều đầy gió.

***

Gió ở nơi này lạ lắm. Gió lồng lộng giữa núi đồi. Gió thông thốc vào mặt. Gió lùa mọi ngóc ngách, len lỏi vào ký ức xưa. Gió cuốn theo những mát lành của đá, quyện hòa cùng hơi ẩm từ thung lũng nên lắm khi xoa dịu bao nỗi niềm. Ngàn hay ngồi trên phiến đá to màu xám bạc lúc chiều buông. Ngàn ngồi đó, đưa mặt hứng gió. Gió phần phật làm mái tóc dài xõa tung của Ngàn lượn thành một suối đen mềm mại vẽ lên nền trời xanh dịu. Gió dán chặt chiếc áo mong manh vào cơ thể Ngàn, hằn rõ những đường cong tròn trịa. Gió giật tung cả cúc áo Ngàn cũng chẳng hay. Ngàn ngồi đó, ngóng miết về những mỏm núi trước mặt, chờ mong. Không biết đến một người đàn ông luôn đứng phía xa dõi theo, lo lắng. Và chập choạng tối, nếu Ngàn vẫn chưa chịu trèo xuống phiến đá, Thức sẽ mang chiếc áo khoác lên vai cô, chờ đợi đến lúc Ngàn đứng dậy. Rồi họ cùng lặng im xuống dưới chân đồi, trên con đường thoai thoải tím rịm tam giác mạch, họ sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một người đàn ông đang nằm lại đâu đó trên tít mù đỉnh núi đá kia. Rồi Thức đưa Ngàn về căn nhà cuối bản và quay về. Nhiều chiều như thế. Nhiều tháng như thế. Rồi Ngàn giữ Thức ở lại. Mặc kệ những đàn ông đẹp đẽ, mạnh khỏe theo đuổi, si mê. Ngàn chọn Thức, mặc kệ những dở người ẩm ương vào ngày trái gió trở trời. Mặc kệ Thức dè dặt, ngại ngùng không dám chủ động, Ngàn biết rõ những yêu thương trong ánh mắt Thức dành cho Ngàn. Một chiều gió lồng lộng thế, Ngàn đã chủ động ôm khi Thức đưa Ngàn về đến cửa nhà. Người Chăm quê Ngàn con gái cưới chồng mà. Nếu ở quê, Thức phải đến nhà Ngàn ở rể thôi. Còn giờ, Ngàn đã vì anh Toàn mà bỏ quê xa tít về đây, thì sẽ cưới Thức về nhà vợ chồng Ngàn chứ sao. Chắc là anh Toàn cũng đồng ý với Ngàn thế thôi. Ngàn tin vậy! Chẳng thế thì sao cứ xui khiến Thức bỏ gia đình dưới xuôi lên đóng cọc cao nguyên đá này khi trận chiến đã tan. Để mỗi chiều lại tìm Ngàn trên đồi đá, kể cho Ngàn nghe anh Toàn đã dũng cảm thế nào, đã cứu Thức trên đỉnh đồi thịt băm tháng ngày ấy ra sao. Thức nhất định ở mãi nơi này đến khi nào tìm được chồng Ngàn. Ngàn cưới Thức và mang Thức về chăm sóc, cùng dựa vào nhau thôi. Đâu phải ngày nào Thức cũng gàn dở, ôm đầu la hét. Đâu phải ngày nào cũng lẩm bẩm ngớ ngẩn. Thức bỏ Ngàn đi biền biệt, trèo lên từng chỏm, từng chỏm, tỉ mẩn cột dây đánh dấu những chỗ đã tìm, lặn lội, khổ cực thế là mong được đưa anh Toàn về gần Ngàn mà. Thì Ngàn còn ngần ngại gì mà không cưới Thức. Trước ảnh anh Toàn, Thức cứ chảy nước mắt nói lời xin lỗi, không dám ngẩng mặt. Ngàn không nói lời xin lỗi. Xin lỗi gì cơ! Đó, anh bỏ em đi chỉ mới sau một tuần làm vợ. Chỉ vài lần được làm đàn bà. Chưa kịp nếm trải hết nồng nàn, chưa kịp hít hà vùi mình vào ấm áp, thì Toàn đã bỏ Ngàn đi. Chẳng kịp gửi lại cho Ngàn giọt máu nào để đỡ nhớ nhung. Mang Ngàn về cao nguyên đá làm vợ, chưa giúp Ngàn thân thuộc với nơi này, thì Toàn đã bỏ đi. Trong khi bao nhiêu người bản này, làng này đã quay về. Lành lặn về. Thương tật về. Nguyên vẹn hình hài về. Xương cốt về. Thì chồng Ngàn vẫn mãi chưa thấy về. Ngàn trẻ thế này, người đàn ông nào có thể ngày đêm bên Ngàn và cùng tưởng nhớ anh. Ngàn chỉ cảm thấy tin cậy nếu ở bên Thức, đồng đội cũ của chồng. Anh là tiểu đội trưởng đúng không, vậy hãy bảo Thức đi, Thức ngại ngần, mặc cảm lắm kìa! Thức luôn canh cánh về việc anh còn nằm lại nơi nào đó lạnh lẽo trên kia. Thức cần được chăm sóc, em cần một chỗ dựa cho đỡ chông chênh. Đúng thế không anh?

***

Chắc là anh Toàn xa quá nên chẳng nghe gì! Nhiều khi Ngàn vùi vào lòng Thức, giữa đê mê, Thức bỗng tụt khỏi người Ngàn, và thở dài thườn thượt. Thức khóc. Ngàn khóc. Cả đêm trắng sau đó không ai nói với ai lời nào. Thức lọ mọ dậy mặc đồ ra khấn vái. Chưa đưa được anh về, chúng em không yên lòng anh ơi! Sống khôn thác thiêng, thương em và Ngàn thì chỉ cách cho em tìm được anh, anh Toàn ơi! Ngàn úp mặt vào gối khóc. Ngàn không giận Thức mà càng thương và xót xa. Ngàn thương Thức, không da diết, mãnh liệt như hồi trẻ yêu anh Toàn, nhưng Ngàn rất thương Thức. Họa hoằn, giữa giấc ngủ chập chờn, Thức úp mặt vào ngực Ngàn say mê, nâng niu, vừa cưng nựng vừa tôn thờ, kiểu như vẫn không thể tin nổi Ngàn dành cho mình tất thảy những diệu kỳ này, không tin nổi mình có được phúc phần quá lớn này. Ngàn hạnh phúc lắm. Hạnh phúc vì được thỏa mãn những căng tràn lâu nay, hạnh phúc vì xoa dịu, làm Thức quên đi phần nào đau đớn tinh thần và thể xác. Nhưng những đêm vậy không nhiều. Thường là Ngàn rấm rứt khóc, Thức sẽ chẳng nói lời nào mà ra hiên rít thuốc. Đến sáng, Thức sẽ đi từ rất sớm. Biền biệt mấy ngày lặn lội tìm kiếm đỉnh núi này, đồi đá kia.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Những đêm ít ỏi ấy cũng kịp mang lại cho Ngàn hai đứa con. Thằng Cu và con Gái. Những buổi chiều muộn, khi nghe tiếng vợ chồng trẻ bên cạnh réo gọi con về, Ngàn hay ra đầu ngõ, chỉ để nhìn hai đứa trẻ hàng xóm đi ngang, xộc xệch, bẩn thỉu, gùi vài quả ngô, vài đọt bí, híp mắt cười vui vì chùm quả rừng chát xít hái được. Ngàn ngồi đó chờ, chỉ để cho bọn nó vài cái kẹo Ngàn mua sẵn. Chỉ để nhìn bọn nhỏ giật lấy, nhai ngấu nghiến, rồi chạy vù về nhà. Ngàn mong mình cũng sớm có được một đứa trẻ như thế. Chỉ vậy, chỉ vậy thôi mà sao không thể thế này! Khi biết Cu mang bệnh, Ngàn vẫn hy vọng thấp thỏm và chờ đợi ngày Gái ra đời. Ngàn thèm có một đứa con bình thường như bao phụ nữ khác. Biết khóc, biết cười, biết nói, biết lẫm chẫm. Nó sẽ lủn tủn chạy qua chạy lại bên chân Ngàn, vòi cái này một chút, dỗi chuyện kia một tẹo. Ngàn chết lịm người khi nhìn cục thịt đỏ hỏn, méo mó, không tay không chân mình sinh ra. Thức mỗi lần nhìn Gái là rớt nước mắt ân hận. Càng thương Ngàn, Thức càng né tránh. Thức đổ lỗi bản thân đã mang cho Ngàn và hai con biết bao đau khổ. Giá mà chỉ mình anh gánh hết! Giá chỉ những trận đau đầu điên loạn, những thương tật đầy mình, những kí ức chập chờn nhớ nhớ quên quên. Những cánh rừng. Những con suối đầy chất độc…

Thức ôm đầu lăn lộn…

Ngàn xích lại cỡ nào cũng thấy hụt hẫng chơi vơi.

***

Sao cứ đẩy Ngàn ra? Ngàn cô đơn kinh khủng. Hệt những ngày đầu Toàn tham gia mặt trận Vị Xuyên. Cao nguyên đá, núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, chỉ có Ngàn là đơn độc, lạnh lẽo. Ngàn men theo dãy núi, ngắm nhìn những cung đường hình sin uốn lượn, lần theo tiếng khèn réo rắt trong ảo giác như những ngày Toàn còn bên Ngàn. Mây chập chùng mây, nhấp nhô núi đá in lên bầu trời xanh những đường cong tuyệt mỹ. Ở nơi này, mặt trời lặn đẹp đến nao lòng. Ngàn nhớ nhà quá! Hoàng hôn quê Ngàn cũng đẹp lắm dù chẳng phải bạt ngàn đá như ở đây. Quê Ngàn cạnh biển, Ngàn thường chạy dọc bãi biển, bò toài trên cát, rồi ngụp lặn vẫy vùng ngắm khoảnh khắc chiều tà. Kế ngay trên bãi biển ấy là khu mộ cổ trên năm trăm tuổi của người Chăm Bàni. Gia tộc, dòng họ nhiều đời nối tiếp nhau nằm tại đó. Ông bà tổ tiên Ngàn cũng nằm tại đó. Làng Ngàn, khi một người chết đi, sẽ chẳng quan tài, chẳng xây mộ, chẳng áo quần đem theo, chỉ tấm vải mỏng quấn quanh người, và cứ thế về với đất mẹ. Con cháu sẽ đặt hai hòn đá để đánh dấu, hòn to là đầu, hòn nhỏ là chân. Những ngày giỗ tộc Ngàn và họ hàng sẽ nằm rạp trên cát, nghe những linh hồn đá rù rì. Ngàn thấy mình có một sự liên kết đặc biệt với đá. Năm Ngàn mười lăm tuổi, nhiều gia đình ở thôn Ba không dưng liên tục gặp tai ương trên trời rơi xuống. Hàng loạt người lăn ra ốm. Làng Ngàn có truyền thống lâu đời làm nghề thuốc, ba Ngàn cũng là thầy thuốc rất giỏi, nhưng chẳng ai biết mọi người đang mắc bệnh gì. Rồi những cái chết bất đắc kỳ tử. Có người giữa trưa nắng chạy ra biển tắm, kẹt trong gành đá mà chết dù ngày thường bơi giỏi như rái cá, và bãi biển thì thuộc làu. Có người, đi xe đạp trên con đường làng sạch đẹp rộng rãi, xui khiến thế nào, đâm thẳng vào phiến đá bên cổng làng đến vỡ đầu mà chết. Vô lý hơn cả là cái chết của Nhóc, bạn Ngàn. Buổi chiều học xong, cả bọn rủ nhau nghịch trò té nước. Viên đá của Seim tầm ngón tay cái, ném ra biển không ném, chọi thẳng vào đầu Nhóc. Không máu me, Nhóc ngã đụi xuống đất, cứ nghĩ nó đùa, vậy mà nó chết. Trước ánh mắt bàng hoàng của Ngàn và lũ bạn. Ngàn rùng mình, những cái chết liên quan tới đá. Sư Cả bày lễ cúng cầu xin. Hương trầm nghi ngút tỏa khắp làng, khắp khu mộ cổ. Giữa rầm rì cúng bái, giữa cái nắng chang chang trên đầu, Ngàn nghe tiếng rin rít của những hòn đá cọ xát vào cát. Những đường đá dài uốn lượn như đang vặn mình. Những linh hồn đang giận dữ. Ngàn áp tai mình trên cát bỏng rát. Rồi Ngàn vùng chạy, khi buổi cúng vẫn đang diễn ra, giữa ánh nhìn sửng sốt của dân làng. Ngàn chạy, Ngàn vấp. Ngã sóng soài trên cát. Như ma đuổi. Ngàn chạy. Giữa những đường cong, cát lấp lánh chuyển động tạo ra một lối nhỏ. Ngàn chạy miết, chạy miết đến cuối bãi, khu mộ cổ ở lại sau lưng. Những viên đá ở lại sau lưng. Cát dưới chân Ngàn vẫn đang chuyển động, và đùn lại làm Ngàn té sấp mặt vào đống lưới rách dân biển bỏ hoang. Không dưng mọi thứ tĩnh đến lạ. Cát cũng không còn chuyển động. Vẫn nằm sấp, tay Ngàn chạm phải đá. Một, hai, ba, bốn, năm. Năm hòn đá đang đớn đau vặn vẹo dưới bùng nhùng lưới tanh tưởi. Những linh hồn đá đang yên nghỉ tại khu mộ cổ bị kẻ nào đó quẳng ra nơi này. Những linh hồn đang bị xúc phạm. Đá mách bảo, dẫn lối. Sư Cả hiểu mọi chuyện. Cả làng đi vòng tìm vị trí của những hòn đá lạc mất và mang trả về khu mộ. Mọi chuyện mới bắt đầu bình yên…

***

Giờ chồng bà cũng nằm đâu đó trên bạt ngàn đá kia, sao bà không nghe được mách bảo nào? Giữa trập trùng đá, bà biết làm sao tìm chồng. Dù ông Thức vẫn mải miết. Dù bà vẫn luôn hy vọng có một nối kết nào với đá như xưa, để nghe đá rù rì, chỉ lối. Hay tại bà bỏ quê lâu quá, không về làng những ngày giỗ tộc nên đá cất lời bà không nghe được. Bà chỉ mong đưa ông Toàn về gần nhà. Mấy mươi năm rồi, bà vẫn chưa yên. Mấy mươi năm rồi, ông Thức nặng lòng.

Sáng nay, ông Thức dậy rất sớm. Bà giúp ông thay bộ quân phục đã được là phẳng phiu. Ông Thức đến trước ảnh anh Toàn lầm bầm khấn vái. Bà Ngàn biết thể nào ông cũng đang rơm rớm nước mắt. Bà thương ông lắm, biết tính chồng dễ khóc, dễ xúc động nên bà luôn né những lúc đó. Hôm nay giỗ trận, sẽ gặp lại nhiều anh em đồng đội: Ba Sang, Tứ Còi, Quốc, Hùng đẹt… anh nhớ hết chứ? Em và đồng đội đưa bọn nó về bên nhau rồi. Đứa về trước, đứa về sau. Tiểu đội mình chỉ còn mỗi anh. Ông Thức chặm nước mắt, quay ra nựng con Gái, rồi cầm tay bà thiệt lâu. Mí mắt bà Ngàn cay cay. Vờ phủi phủi mấy nếp nhăn trên bộ quân phục vừa dặn chồng. Chiều ông đừng về trễ quá nhé, kẻo lại nhỡ chuyến xe cuối như năm trước!

Chiều ấy, ông Thức không trễ chuyến xe mà về cùng một đồng đội cũ. Bà Ngàn bước vô nhà thấy hai người đàn ông mặc quân phục đang đứng trước bàn thờ anh Toàn khóc. Họ đã khóc bao lâu, bà không biết. Họ gặp nhau thế nào, bà không hay. Ông Thức vừa nhìn thấy bà thì chạy đến ôm chầm và nức nở, tay run run đưa cho bà một gói nhỏ được bọc vải màu xanh chỉn chu, cẩn thận. Ngàn ơi, là của anh Toàn, anh Toàn gửi cho Ngàn ngày ấy. Mãi đến giờ… Bà không kịp hiểu gì. Không kịp nghe thêm gì. Bốn viên đá nhỏ màu xám được mài nhẵn, viên nào cũng khắc một chữ N ở giữa. Bà bấu tay vào mép bàn thờ.

Chao ôi! Những viên đá thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của anh. Những viên đá sống trong câu chuyện, trở mình trong sự dằn vặt tái tê của Thức vì Thức nhớ rõ ràng anh Toàn đã trao gửi… “Thức, bình an nhé, tìm về quê anh, tìm Ngàn đưa cho cô ấy những viên đá này! Ngàn mê đá, cô ấy luôn bảo đá có linh hồn, anh gửi cả linh hồn mình trong ấy, nhớ nhé Thức!”. “Tiểu đội trưởng! Tiểu đội trưởng! Tỉnh dậy đi anh!”. Anh Toàn cố gắng lần tìm tay Thức. Rồi buông. Mảnh bom đã banh tung một mảng ngực khi anh cố nhoài người đẩy Thức rạp xuống sau mỏm đá. Chỉ vài giây sau tiếng rít xoẹt ngang trên đầu. Đạn pháo xối xả. Những mảng đá vỡ bắn tung tóe. Căn hầm ngạt mùi khói, bột vôi, nóng như sắp thiêu rụi, tan chảy mọi thứ. Thêm một loạt bom. Miệng hầm toang hoác. Ngồi đây nữa thì cả xác anh và Thức sẽ nát bét hòa cùng những bột vôi. Thức ôm anh Toàn lao ra ngoài. Máu anh đẫm ngực Thức… Thức chỉ nhớ bấy nhiêu, chỉ nhớ được vậy, còn bọc đá rơi vãi hay Thức đã bỏ lại nơi nào? Bao năm rồi, dù Thức có vắt nát bộ não mình ra cũng chẳng nhớ được gì.

Gần bốn mươi năm, nay đá tìm về!

Người đồng đội của ông Thức khóc ròng trước hồi ức, trước sự xúc động của Thức. Ông ấy ôm chặt cánh tay Thức. Những câu chuyện lộn xộn, chắp vá, nối kết. Tớ tìm cậu lâu lắm rồi Thức à! Cậu không nhớ gì là đúng rồi! Ngày đó đạn pháo nã mỏm 2. Không đếm nổi bao nhiêu anh em đã hy sinh và nằm lại trên đồi cây khô ấy. Tớ nhìn thấy cậu khi lăn từ trên mỏm 2. Hai tay vẫn ôm chặt tiểu đội trưởng. Cậu và anh ấy đã xuyên qua làn pháo dày đặc diệu kỳ. Cậu mê man ngay khi tớ nhào đến. Giữa những tỉnh mê, cậu luôn miệng nhắc đến anh Toàn, nhờ tớ chôn anh ấy. Cậu nhắc đến Hà Giang, đến Ngàn, và đưa cho tớ bọc đá này. Anh Toàn, ừ, ừ, chính tay tớ đã chôn anh ấy. Ừ, tớ có chôn kèm theo anh ấy viên đá cậu bọc cẩn thận. Tớ quấn vội anh ấy bằng lớp tăng võng bên mình. Chỗ ấy, nhìn xéo lên, chếch hướng phải là đồi cây khô dạo nọ. Tớ chắc Thức à! Có điều tớ không xác định được vị trí mỏm đó, ngọn đồi đó. Cậu biết chắc mỏm đó thì ổn rồi. Hy vọng chúng ta sẽ tìm được và đưa anh ấy về. Hóa ra lâu nay cậu tìm nhầm trên mỏm 2 à? Cậu đã lăn xuống, vẫn ôm chặt anh ấy, và bất tỉnh. Cậu không nhớ gì là đúng rồi, trách bản thân sao được Thức.

***

Gió nơi này vẫn lồng lộng giữa núi đồi. Thông thốc vào mặt. Lùa mọi ngóc ngách, len lỏi vào ký ức xưa. Lâu lắm rồi, từ sau ngày có Cu, Gái và Thoa, bà Ngàn mới lại leo những ngọn đồi đá. Đá vẫn thế! Đá nối tiếp đá. Đá bạt ngàn đá. Đá tựa vào nhau. Bà đi giữa những đồng đội của anh Toàn. Tay bà nắm chặt gói đá anh Toàn gửi về. Lòng bà đau đáu. Bà đã chẳng khóc nữa từ hôm giờ. Đường lên núi đá càng lúc càng dốc đứng, có những đoạn bà và mọi người phải treo người giữa nhấp nhô mà bò từng bước nhỏ. Bà hiểu ông Thức đã cực khổ thế nào ngày này tháng nọ tìm kiếm. Lần này, lần này sẽ đón được anh về thôi, anh Toàn nhỉ! Bà lẩm bẩm, giữa tiếng rầm rì của những người đàn ông về trận địa năm đó. Các cậu chắc chắn mỏm 2 ở vị trí kia đúng không? Người đồng đội cũ chỉ tay hỏi Thức. Ông Thức gật đầu chắc nịch. Vậy thì anh ấy sẽ nằm lại đâu đó phía bên này. Tớ nhớ rõ nhìn qua phải. Ừ, chếch qua phải. Nhưng toàn đá và đá. Tảng nào tảng nấy na ná nhau. Như trận địa không lối thoát. Người đồng đội hoa mắt tìm kiếm. Chập chùng nhấp nhô. Là tảng nào giữa trăm ngàn đá kia, anh Toàn ơi! Bà Ngàn bỗng tách những người đàn ông. Bà vượt lên trước. Bà xuyên qua những rặng cây. Bà bỏ đường mòn. Bà quay ngược lại bờ lau dại. Bà đi giữa nhấp nhô đá. Đá lớn. Đá nhỏ. Những hòn đá uốn éo. Bà Ngàn vẫn cứ đi, giữa ánh mắt nghi hoặc của những người đồng đội. Bà đã nghe, những viên đá bắt đầu rù rì. Rõ ràng bà nghe tiếng vặn mình dù rất khẽ. Hệt tiếng thở dài của những viên đá đã rẽ lối chỉ bà từ khu mộ cổ năm xưa. Bà áp mặt mình xuống bỏng rát đá. Và lại đi. Bốn viên đá vặn mình trong tay bà. Bà Ngàn ôm ngực khuỵu xuống trước bụi cỏ dại rậm rì. Bà nghe tiếng đá rù rì rù rì. Bà thắp nén hương trầm. Những người đàn ông bắt đầu phát quang. Bắt đầu đào bới…

Bà Ngàn ngồi đó. Trước lồng lộng gió của cao nguyên đá. Gió thổi phần phật làm xổ tung búi tóc phía sau. Bà Ngàn ngồi đó, mân mê những viên đá có khắc chữ N. Bà ngồi đó, nhìn những tấm lưng đẫm mồ hôi miệt mài. Và nhào đến khi ông Thức khóc òa nhìn thấy mảnh tăng võng mục nát đầu tiên. Rồi bà cầm trên tay viên đá thứ năm. Viên đá lâu nay nằm bên cạnh những gì còn lại của anh Toàn mà đồng đội đang gói ghém…

Bà Ngàn ngồi đó, hai tay ôm lấy năm viên đá nhỏ. Giữa trùng trùng đá bám đá. Bất tử nơi này!

LƯU THỊ MƯỜI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Nguyễn Tấn On

Nhiều khi núi đứng lặng thinh
Một chiếc lá rớt – giật mình – nhớ quê
Rưng rưng lỗi hẹn cuộc về
Thương từng vạt cỏ, bờ đê sông gầy.

Thơ dự thi của Ngô Văn Cư

Có bàn chân trần kể chuyện trăm năm
Ngọn đèn dầu soi vào trầm tích
Gương mặt người hồng lên màu đất
Tạc vào bóng đêm

Một đêm trên núi

Kiểm tra lại những bức ảnh mình đã chụp lần nữa, gã cẩn thận bỏ máy ảnh vào ba lô. Vậy là hết một ngày gã quần thảo nơi đây để có thể chụp những bức ảnh chân thực nhất…