Tính cộng đồng trong Lễ hội đổ giàn An Thái – nét văn hóa cần bảo tồn, phát huy

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). LTS: Đầu tháng 8.2024, tại Nhà Văn hóa xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), UBND TX An Nhơn phối hợp Hội VHNT Bình Định tổ chức Tọa đàm khoa học khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn), thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, các ban, ngành TX An Nhơn, xã Nhơn Phúc và các cụ cao niên ở địa phương tham gia. Với 13 tham luận cùng các ý kiến thảo luận, tọa đàm đã làm rõ những nét văn hóa đặc trưng cần được phục dựng của Lễ hội đổ giàn An Thái. VNBĐ xin giới thiệu bài tham luận phát biểu tại tọa đàm.

Lễ hội đổ giàn từng diễn ra ở thôn An Thái trong lịch sử là một lễ hội độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần quý giá. Nếu như tinh thần thượng võ của lễ hội này biểu thị sự độc đáo thì tính cộng đồng lại là giá trị cốt lõi cần được xem xét, đánh giá khoa học, đúng thực tế làm cơ sở cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội.

An Thái là một thị tứ ven sông, thuận lợi về giao thông, giao lưu văn hóa. Nơi đây, trong quá trình tạo lập và phát triển, cùng với người Việt, còn có người Hoa di cư đến từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam vào các thế kỷ XVII và XIX, mang theo những phong tục, tập quán khác nhau cùng cộng cư, giao hòa phong tục, tập quán. Đặc điểm dân cư như thế cho thấy nhu cầu gắn kết, đoàn kết cộng đồng là một vấn đề sống còn, đảm bảo cho sự tồn tại bền vững, an toàn của cộng đồng, xã hội.

Vùng đất Nhơn Phúc nói chung và An Thái nói riêng là cái nôi của võ cổ truyền Bình Định. Do vậy, nơi đây có một truyền thống thượng võ cũng trầm tích lâu đời không kém. Những câu nói truyền miệng như “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, “Trai An Thái, gái An Vinh” đã khẳng định điều đó. Nơi đây còn là nơi bậc đại danh sư Trương Văn Hiến mở trường dạy võ và là nơi phát tích môn phái võ An Thái nổi tiếng gắn với tên tuổi của võ sư Diệp Trường Phát.

“Đổ giàn” là một nghi thức trong tổng thể các hoạt động lễ hội rằm tháng Bảy, cứ bốn năm tổ chức một lần, diễn ra tại An Thái.

Theo diễn trình lễ hội, đến ngày thứ ba, trong chùa tiến hành nghi thức cúng vãn (cúng lần cuối), sau đó gióng trống, chiêng, báo hiệu cho Ban trị sự bên ngoài biết để mở đầu Lễ hội đổ giàn, tranh heo. Theo lệnh của người “chủ xướng”, các võ sư cao niên xô heo xuống… Võ sĩ thuộc các võ đường, làng võ nổi tiếng như: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, Trường Định… bắt đầu “tham chiến” theo cách “bài binh, bố trận” gồm có các nhóm tiên phong, tiếp ứng, cản hậu. Võ đường nào đột phá vòng vây, vác được heo về vị trí quy định thì phần thắng thuộc về bên đó.

Cuộc thi tài tranh heo diễn ra cực kỳ sôi nổi, hấp dẫn, kịch tính… Một bên thì cố tìm cách để mang heo thoát khỏi vòng vây, bên khác tìm mọi cách để ngăn cản không để đối phương mang heo thoát ra. Những đường quyền, cước, thế, miếng gia truyền độc đáo, “thoắt ẩn, thoắt hiện” của các võ sĩ có dịp được thể hiện, phô diễn. Mặc dù, cuộc tranh heo diễn ra gay cấn, quyết liệt, song không hề có chuyện “cay cú ăn thua”, ra đòn ác ý; tất cả đều vì mục đích đề cao nét đẹp truyền thống của võ thuật, của tinh thần thượng võ.

Các câu ca dao: “Đồn rằng An Thái chùa Bà/ Làm chay, hát Bội đông đà quá đông/Đàn bà cho chí đàn ông/ Xem xong ba ngọ lại trông đổ giàn”, “Nghe đồn An Thái, Bình Khê/ Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo” cho thấy lễ hội đã diễn ra lâu đời ở An Thái, trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống mà giá trị của nó đã thấm sâu vào đời sống tinh thần cộng đồng qua rất nhiều thế hệ. Đây là một hoạt động biểu hiện bản sắc văn hóa độc đáo riêng có của cư dân địa phương, thu hút các võ đường, võ nhân nổi tiếng, và đông đảo Nhân dân ở mọi miền đất nước về An Thái dự lễ. Điều này cho thấy lễ hội này có phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt khỏi phạm vi An Thái.

Giá trị cộng đồng của Lễ hội đổ giàn
Sở dĩ lễ hội đổ giàn An Thái thu hút đông đảo người dân sở tại và các địa phương khác tham gia, vì nó có nhiều hoạt động như: Lễ rước nước, rước cỗ, rước Phật, rước hương, chẩn tế, cầu an, cầu siêu, rước đèn múa lân và các nghi thức khác như chưng cộ đất, cúng chay ba Ngọ… Sự thành công của lễ hội do cộng đồng quyết định. Ở đây, cộng đồng những người tham gia vừa là chủ thể sáng tạo các sự kiện lễ hội, vừa là người hòa mình vào không gian đầy hứng khởi của lễ hội, thụ hưởng những giá trị mà lễ hội mang lại cho mỗi cá nhân, như mong ước cuộc sống bình an, hạnh phúc, tình bằng hữu, nghĩa đồng bào, tôn vinh đạo đức, các giá trị Phật giáo như lòng từ bi, các giá trị nghệ thuật (xem hát Bội, múa lân, chưng cộ đất, các bài võ…). Chính cộng đồng đã cung cấp ý nghĩa và quy định chức năng xã hội của Lễ hội đổ giàn. Hay nói cách khác, tính cộng đồng là mục tiêu tối thượng, cao nhất của lễ hội.

Các phái võ tranh cướp heo tại lễ hội đổ giàn An Thái, năm 2005. Ảnh tư liệu từ sách Võ cổ truyền Bình Định của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha

Lễ hội đổ giàn có tính chất của một trò chơi dân gian (cuộc đấu của các võ sĩ để giành phần thưởng là con heo quay) mà giá trị chủ đạo, cái cuốn hút, dẫn dắt cuộc chơi của cộng đồng là tinh thần thượng võ. Cuộc tranh giành phần thưởng diễn ra trong không gian sôi động, náo nhiệt đầy hứng khởi. Ngoài các võ sĩ, ai cũng có thể tham gia xem thi đấu, không phân biệt già trẻ, trai, gái, địa vị xã hội, tất cả họ được liên kết lại bởi trò vui, tiếng chiêng trống, hò reo, với những cảm xúc hồi hộp, lo lắng, ủng hộ, chê bai, bình phẩm về kẻ thắng, nguời thua… Diễn ra như thế, Lễ hội đổ giàn mang chứa trong nó giá trị xã hội (cốt lõi) liên kết mọi người lại với nhau, biểu hiện rất rõ tính dân chủ, sự công bằng, không phân biệt đối xử, ai cũng như ai. Mỗi người dự khán đều cảm nhận được giá trị này nên địa vị cá nhân được xác lập một cách “công bằng” với tất cả các cá nhân khác trong cộng đồng. Từ đó, những sự mặc cảm tự ti, những sự rạn nứt, đố kỵ, có khi cả những hận thù nảy sinh trong đời sống xã hội, trong quan hệ hàng ngày được lắng dịu một phần, cũng có khi được hóa giải, thậm chí xóa bỏ. Hệ quả là sự cố kết cộng đồng – xã hội được tái xác định và qua đó, Lễ hội đổ giàn thực hiện chức năng xã hội của nó là tái xác định ý nghĩa của những mối liên hệ xã hội đã gắn kết các nhóm xã hội, các cá nhân, đảm bảo sự cân bằng, bền vững của các mối quan hệ xã hội, từ đó trật tự xã hội được duy trì. Hơn nữa, sự “hòa nhập” của cá nhân với cộng đồng còn đem lại cảm giác an toàn cho từng cá nhân khi cảm nhận được sự bảo vệ của cộng đồng – một sức mạnh tập thể lớn hơn rất nhiều sức mạnh của từng cá thể. Đây chính là lúc nhu cầu tinh thần của cá nhân được đáp ứng, cùng với nhu cầu giải trí được thỏa mãn, và đó là ý nghĩa văn hóa quan trọng bậc nhất xét từ góc độ xã hội học văn hóa của Lễ hội đổ giàn.

Bảo tồn và phát huy giá trị cộng đồng của Lễ hội đổ giàn
Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa, xã hội và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa sẽ kéo theo sự thay đổi hệ giá trị xã hội, văn hóa và chứa đựng trong nó nhiều mầm mống có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội, như sự lên ngôi của cá nhân, sự bất chấp pháp luật và lợi ích cộng đồng, các nhóm lợi ích, sự ích kỷ…Trong bối cảnh đó, giá trị cộng đồng của Lễ hội đổ giàn có vai trò kết nối, tăng cường sự tương tác và gắn kết xã hội giữa các cá nhân và các nhóm thành viên khác nhau trong cộng đồng, có ý nghĩa như một giải pháp làm cân bằng các mối quan hệ xã hội, góp phần duy trì sự ổn định của trật tự xã hội. Giá trị cộng đồng của Lễ hội đổ giàn An Thái với ý nghĩa xã hội quan trọng của nó cần được quan tâm đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy. Xuất phát từ góc độ nghiên cứu xã hội học văn hóa, có mấy vấn đề cần lưu tâm như sau.

Lễ hội đổ giàn chủ yếu hình thành và phát triển trong giai đoạn lịch sử mà Bình Định, An Nhơn, Nhơn Phúc và cả nước có nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Con người trong xã hội nông nghiệp có nhu cầu tinh thần, văn hóa, đạo đức tương ứng với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa lúc đó, và Lễ hội đổ giàn ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của họ.

Hiện nay nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa và bang giao quốc tế, trong đó có bang giao về văn hóa, tính chất xã hội và nhu cầu tinh thần, văn hóa của con người, trong đó có người dân An Thái đã biến đổi. Do vậy bảo tồn Lễ hội đổ giàn cần triển khai trên tinh thần khoa học, hợp lý, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu văn hóa hiện tại của người dân An Thái. Có như vậy mới thỏa mãn được yêu cầu tiếp nối, phát huy truyền thống các giá trị thượng võ và giá trị cộng đồng.

Tinh thần thượng võ có quan hệ hữu cơ với giá trị cộng đồng trong Lễ hội đổ giàn, nó là giá trị chủ yếu gắn kết con người trong lễ hội mà hệ quả là giá trị cộng đồng. Tinh thần thượng võ, thông qua cuộc tỉ thí giữa các võ sĩ, tạo nên sự sôi động, hào hứng, niềm hứng khởi trong cộng đồng người dân xem hội, từ đó tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Do vậy, về mặt kỹ thuật, việc phục hồi Lễ hội đổ giàn cần tạo được không khí lễ hội với sự sôi động, hào hứng, niềm hứng khởi trong cộng đồng một cách thực chất, tránh việc sân khấu hóa, khiên cưỡng, không tạo được cảm xúc. Có như vậy, tinh thần thượng võ mới phát huy tác dụng, hiển hiện sống động và tạo nên sức sống, sự cuốn hút của lễ hội.

Trong lịch sử, Lễ hội đổ giàn là lễ hội dân gian mà cộng đồng cư dân An Thái là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ. Xuất phát từ tinh thần thượng võ, tinh thần cộng đồng và nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của cộng đồng, họ là người quyết định số lượng, nội dung và hình thức các nghi lễ, trong đó có hội đổ giàn. Do vậy, nếu phục hồi Lễ hội đổ giàn với mục tiêu bảo tồn, phát huy, nên để cho cộng đồng cư dân An Thái tự chủ động tổ chức, Nhà nước chỉ định hướng nhằm khắc phục những mặt hạn chế của lễ hội như sự căng thẳng quá mức hay sự xích mích, sát phạt gây phản cảm…

NGÔ HỒNG SƠN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…