Những câu đối ở Điện thờ Tây Sơn

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).

1.

Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn – Quách Giao (Bảo tàng Quang Trung Bình Định, 1998), sau khi bị nhà Nguyễn san phẳng nhà từ đường Tây Sơn tam kiệt, nhân dân địa phương đã dựng lên trên nền cũ một ngôi đình làng thờ thần (thực chất là trá hình) để bí mật thờ ba anh em Tây Sơn, còn sắc thần để ở một ngôi miếu khác. Sau này chiến tranh, đình lại bị san phẳng, mãi đến năm 1960, người dân địa phương lại chung tiền chung sức lập lại đền thờ Tây Sơn nơi đình cũ.

Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, 1975, chúng ta có điều kiện xây dựng lại từ nơi phát tích phong trào Tây Sơn Bảo tàng Quang Trung tầm quốc gia và Điện thờ Tây Sơn tam kiệt khang trang. Đền thờ cũ và điện thờ hiện nay cùng đều dựng lên trên nền nhà xưa ba người hùng áo vải từng lớn lên rồi bước vào những vang động bi hùng nhất của lịch sử dân tộc.

Nơi thờ tự cũ và mới đã có những thay đổi lớn về tầm vóc, sự khang trang. Điều đáng nói là cũng kèm theo đây, có sự thay đổi các câu đối ở các liễn thờ. Và đã từng có sự thắc mắc không nhỏ của một vài nhân sĩ. Đến nay vẫn còn một số dư âm chưa thông tỏ. Xin nói rõ hơn về vấn đề như đã cũ này.

2.

Trước đây đền thờ có ba câu liễn thờ ba anh em nhà Tây Sơn theo ba án thờ:
Án Thái Đức: “Nhất trường oanh liệt kinh thiên địa/ Vạn cổ thần uy bính nhật tinh”. Dịch: “Một trường sấm sét khiến trời đất cũng kinh hãi/ Muôn thuở oai thần sáng rực cùng mặt trời và trăng sao”.

Án Quang Trung: “Thần võ duy dương kinh Bắc địa/ Uy linh hiển tướng lẫm Tây Sơn”. Dịch: “Trổ tài trí thông minh và oai võ khiến giặc Thanh phương Bắc phải kinh hãi/ Oai linh còn hiển hiện lẫm liệt trên đất Tây Sơn”.

Án Đông Định Vương: “Nam hải hùng phong hào đại địa/ Tây Sơn anh khí phối sùng từ”. Dịch: “Gió lớn biển Nam còn gào trên đất lớn/ Anh khí Tây Sơn phối tự tại đền cao”.
(Phần lời dịch là của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch).

Câu đối thờ là của một bậc túc nho tên tuổi Bình Định: Hà Trì Trần Đình Tân. Trần Đình Tân (1893 – 1979), 21 tuổi đỗ cử nhân thứ 11/18 của Trường Thi Bình Định, sau làm đến Thương tá tỉnh vụ Ninh Thuận, hàm Tùng Tam phẩm. Hà Trì tiên sinh có đến cả chục trước tác, từ thơ, đối, biên khảo, dịch thuật, tự điển… Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông hẳn là bậc chữ nghĩa đáng kính trọng, và khi đền thờ được dựng lên, những câu chữ thờ của ông hiển nhiên có giá trị nhất định.

3.

Điện thờ hiện nay có hai câu đối thờ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Một câu chung cho ba anh em Tây Sơn tam kiệt và một câu riêng cho vua Quang Trung.

Câu chung: “Thiên thu công tích, huynh hòa đệ/ Vạn cổ anh hùng, dân khả vương”. Dịch: “Công tích ngàn năm, có công của anh và công của em/ Là đấng anh hùng muôn thuở, vốn là dân có thể trở thành vua”.

Câu dành riêng cho vua Quang Trung: “Thần võ duy dương, kinh quốc tặc/ Uy danh bách thắng, độc minh công”. Dịch: “Mỗi lần xuất quân ra trận kinh hồn bọn giặc nước/ Uy danh vị tướng bách chiến bách thắng, chỉ có mỗi mình ngài”.
(Lời dịch cũng của chính nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn).

4.

Có 2 sự khác nhau: quan điểm và chữ nghĩa từ mấy câu đối thờ trước và sau.

Về quan điểm: Trần tiên sinh tách bạch từng người, ghi nhận công tích từng người của Tây Sơn tam kiệt. Vũ tiên sinh viết chung cho 3 người và viết riêng cho vua Quang Trung. Ba câu cũ xét kỹ thấy đánh giá công tích vua Thái Đức Nguyễn Nhạc lớn nhất, thứ đến mới là vua Quang Trung. Còn Đông Định vương Nguyễn Lữ như một sự “ăn theo”, một sự thờ gạnh (phối sùng từ)!

Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: T.L

Với Vũ tiên sinh, đã thờ phụng thì phải thờ đúng nghĩa. Ông kể có lần nói với nhà thơ Quách Tấn (cũng là nhân sĩ có nhiều chung tay cho việc lập đền thờ Tây Sơn), rằng: lâu nay các anh trong này thờ cúng như vậy, tôi nghĩ ngày giỗ, ông Nhạc ông Huệ về chứ ông Lữ không về dự đâu! Nên câu chung, ông viết “huynh hòa đệ”, và theo ông, vua Quang Trung được đánh giá công tích lớn nhất nên dành riêng câu cho bậc anh hùng này.

Về chữ nghĩa: sự tôn vinh của Trần tiên sinh dành cho tiền nhân chung chung và có phần sáo. Có thể văn chương Hán ngữ thời này cách nói vậy chăng? Ví dụ câu dành cho vua Thái Đức. Câu này dành cho bậc anh hùng cái thế nào cũng được cả. Lại nữa, chữ “hào đại địa” dù có nối ý “kinh thiên địa” rồi “kinh bắc địa” cũng cứ tối nghĩa. Cũng như, công tích vua Quang Trung nếu chỉ “kinh bắc địa” là chưa đúng với kỳ tích chinh Nam phạt Bắc, đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn, hai kẻ thù ngoại xâm Xiêm La, Mãn Thanh. Vũ tiên sinh nói đúng bản chất vấn đề hơn khi thờ Tam kiệt chữ “dân khả vương”, và đặc biệt dành cho vua Quang Trung chữ “bách thắng độc minh công”. Ngay cả chữ “kinh quốc tặc” cũng ổn hơn; “giặc nước” không chỉ ngoại xâm mà còn nội loạn.

5.

Chuyện quan điểm và chữ nghĩa khó so sánh. Càng khó luận bàn. Tôi chỉ nêu cảm nhận của cá nhân tôi, một kẻ hậu sinh không rành Hán ngữ. Nhưng điều này thì tôi có thể nói: thờ tiền nhân, viếng đối tiền nhân mỗi thời có cái lý riêng để tôn vinh phù hợp. Những câu đối ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt từ ký thác tinh anh của Trần Đình Tân tiên sinh rồi đến Vũ Ngọc Liễn tiên sinh là chuyện hợp lý bình thường. Có thể sau này lại một hậu sinh nào viếng thờ hay hơn, thì thay câu mới, có sao đâu?

Thờ là để ghi nhớ công tích tiền nhân, để noi gương, để tự hào tự tin, để sống cho xứng đáng. Mọi hàm ý riêng của cá nhân hay chủ ý nào đó của thời cuộc chỉ là nhất thời. Lịch sử vừa cụ thể vừa mơ hồ và lạnh lùng. Chỉ có thời gian và tâm thức dân tộc sẽ định giá, nối tiếp định giá.

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…