Tóc có còn đau

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Đến với bài thơ Chải tóc của nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng, tôi ngỡ mình đang đứng trước một ngôi nhà nhiều gian được sắp đặt theo chiều dọc. Đặt chân lên mấy gian đầu, thấy có tóc rụng vương vãi trên nền nhà. Tò mò, tôi quyết đi tìm “người chải tóc”.

Chải tóc không ngoài mục đích làm cho tóc suôn. Nhưng có vẻ như người chải tóc không quan tâm đến điều này mà lại rất chú tâm đến “tóc rụng”. Tóc rụng là hệ lụy khi chải tóc. Đó là điều bình thường. Nhưng cái lạ ở đây là người chải tóc lại “đếm” từng sợi tóc rụng và định giá trị tương ứng với nó. Một sợi tóc rụng xuống/ Những giàn mướp bí ra hoa/ Mưa tháng Giêng trổ đầm đìa nỗi nhớ. Khổ thơ gồm ba câu được sắp đặt theo mối quan hệ nhân – quả. “Một sợi tóc rụng xuống” là “nhân” còn hai câu sau là “quả”. Nhân chỉ có “một” mà “quả” thì nhiều. Đó là những giá trị vật chất “những giàn mướp bí ra hoa” và những giá trị tinh thần “Mưa tháng Giêng trổ đầm đìa nỗi nhớ”. Nhìn cái “quả” như thế này, ta như thấy được công sức rất lớn của người “trồng”. Cái công sức này được “cân đo” bằng “sợi tóc rụng”.

Cũng theo cách sắp đặt như thế, thi sĩ tiếp tục để nhân vật trữ tình đếm tóc rụng ở hai khổ thơ tiếp: Hai sợi tóc rụng xuống/ Trùng trùng non tơ mọc khắp đất này/ Người chở phù sa trôi về lục ngạn/ Sông đầm đìa ướt một dòng trôi// Ba sợi tóc rụng xuống/ Người quỳ gối đất đai/ Ơn mưa móc tưới vụ mùa khô hạn/ Những sợi tóc đau như một cuộc tình.

Tóc rụng càng nhiều thì “quả” càng sai. Giữa “nhân” và “quả” tỉ lệ thuận. Hai sợi rụng thì “trùng trùng non tơ mọc khắp đất này” mang lại cho con người cuộc sống ấm no, sung túc “Người chở phù sa trôi về lục ngạn/ Sông đầm đìa ướt một dòng trôi”. Đến ba sợi rụng thì kết quả thật bất ngờ “Người quỳ gối đất đai/ Ơn mưa móc tưới vụ mùa khô hạn”. Hình ảnh “người quỳ gối đất đai” cho bạn đọc liên tưởng đến câu ca dao “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày”. Vậy ra, đây là cái “quỳ gối” lạy tạ ơn trời đã ban mưa “tưới vụ mùa khô hạn” cho “đất đai” màu mỡ, tốt tươi. Có thể nói đây là cái “quả” to nhất sau ba lần đếm tóc rụng. Nhìn lại cái “quả” của những sợi tóc rụng, ta phải khẳng định rằng đây là cái “quả ngọt”.

Có ai làm nên quả ngọt mà không vui? Nhưng thật bất ngờ, một tiếng thở dài lại cất lên: Những sợi tóc đau như một cuộc tình. “Cuộc tình” mà tác giả đem ra so sánh với “tóc đau” hẳn là tình lỡ, tình mất… Vì chỉ có lỡ, có mất thì mới “đau”. Vậy ra những sợi tóc rụng là “những sợi tóc đau” . Đếm tóc rụng là đếm nỗi đau khi tình lỡ. Câu thơ này đã hé mở một cánh cửa khác cho người đọc bước vào để tìm ra nguyên nhân “tóc rụng” và vì sao “tóc rụng” lại có sức làm nên những “quả ngọt” kia. Cái lý do đó nằm ở khổ thơ tiếp: Người ngồi đó điềm nhiên chải tóc/ Nắng mưa dông bão qua lòng/ Từng sợi rụng vào năm tháng/ Rụng vào nỗi đời riêng.

“Từng sợi rụng vào năm tháng” không hề lạ. Năm tháng chất chồng cứ đưa con người dần đi về phía hoàng hôn của cuộc đời thì tóc “từng sợi rụng” là lẽ đương nhiên. Còn “Rụng vào nỗi đời riêng” mới là đặc biệt. Chính cái “nỗi đời riêng” này mới gây ra “Nắng mưa dông bão qua lòng”, mới làm cho “tóc rụng”. Đã gọi là “nỗi đời riêng” thì chỉ người trong cuộc mới biết thôi và chỉ người trong cuộc mới có cách riêng vượt qua. Và đây là cách: “Người ngồi đó điềm nhiên chải tóc”.

“Điềm nhiên”? Có phải nỗi đau đã làm trơ lì cảm xúc? Không. Và đây cũng không phải là vẻ “điềm nhiên” của một thiền giả mà là của một người có bản – lĩnh – sống. Dẫu biết rằng mỗi lần “chải tóc” là mỗi lần “tóc rụng”, là mỗi lần thấy lòng “đau” nhưng vẫn “điềm nhiên” như sẵn sàng đối mặt lòng “đau”, thách thức bão dông mà tiếp tục dấn thân vào cuộc sống để làm nên sự sống. Càng đau thì càng trở nên mạnh mẽ. Đây chính là lời lý giải vì sao “tóc rụng” càng nhiều thì sự sống càng phồn nhiêu. “Những giàn mướp bí ra hoa”, “Trùng trùng non tơ mọc khắp đất này”.

“Ơn mưa móc tưới vụ mùa khô hạn”, sự sống đó cứ hiển hiện diệu kỳ dưới bàn tay của người đếm “tóc rụng”. Quả là một bản – lĩnh – sống! Bản lĩnh vượt khổ đau và biến khổ đau thành sức mạnh.

Chân dung người chải tóc được hoàn thiện hơn ở khổ thơ cuối: Từng đêm tối người vẫn ngồi vấn tóc/ Soi lòng mình trong những cơn dông.

“Đêm tối” và “vấn tóc” là hai điểm nhấn được thêm vào bức chân dung. Các bà, các mẹ, các chị ta xưa nay thường “chải tóc” rồi “vấn tóc” khi thức dậy, chuẩn bị một tác phong gọn gàng để làm việc trong ngày. Còn ở đây, nhân vật trữ tình lại “vấn tóc” trong “đêm tối” khi chuẩn bị ngủ nghỉ. Chính điều khác lạ này đã tạo ấn tượng đặc biệt cho bức chân dung. Trước mắt ta lúc này là một bức vẽ chỉ hai gam màu sáng, tối. Trên nền tối bao trùm bức vẽ, một luồng sáng dọi vào làm bật nổi một búi tóc gọn gàng và đôi mắt mở to nhìn thẳng vào đêm đen. Có phải đây là lúc người “Soi lòng mình trong những cơn dông”? Phải, người ta chỉ “soi lòng” khi mình đối diện với chính mình mà “đêm tối” là thời điểm thích hợp để soi. Thấy gì khi “soi”? Vẫn là “những cơn dông”. Nhưng “những cơn dông” không quật ngã “người” mà càng làm cho “người” thêm vững vàng, mạnh mẽ dấn bước vào cuộc sống. Có thể nói, với hai cụm từ khóa “điềm nhiên chải tóc” và “vấn tóc”, Trương Công Tưởng đã hoàn chỉnh bức chân dung “người chải tóc”. Rất thần thái và rất bản lĩnh! Đó là ánh sáng tỏa ngời ở bức chân dung.

Cuộc đời người phụ nữ lỡ làng duyên phận phải lặng thầm mang vết thương lòng, ôm khổ đau là đối tượng trữ tình cho người cầm bút có tâm huyết. Và đó cũng là đề tài vô tận cho thơ ca từ cổ chí kim. Trương Công Tưởng có nhiều bài thơ viết về người bà, người mẹ, người chị, người em với tất cả tấm lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc, chân thành. Họ không đâu xa cả, họ ở quanh ta, rất gần gũi ta. Họ có “nỗi đời riêng” cần được sẻ chia, đồng cảm. Người phụ nữ trong bài thơ Chải tóc là một trường hợp tiêu biểu. Có thể nói cuộc đời họ là chuỗi ngày buồn. Nhưng viết về họ, giọng thơ Trương Công Tưởng không có một điệu buồn. Bình thản, đôi khi có phần rắn rỏi. Bởi, ngòi bút của thi sĩ không đào sâu vào nỗi đau của họ mà chủ yếu hướng vào mặt tích cực của họ: vượt thoát nỗi đau, vượt qua số phận, sống tích cực với đời.

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động của hình tượng này. Bài thơ có cấu tứ đặc sắc. Trước tiên, tác giả thả những “sợi tóc rụng” trên con đường thám mã của bạn đọc làm tín hiệu để tạo hấp lực. Bạn đọc cứ nương theo tín hiệu này mà tìm đến chủ nhân “sợi tóc rụng”. Khi cánh cửa cuối cùng của ngôi nhà thơ được mở, bạn đọc thật sự ngỡ ngàng, cảm phục trước ánh sáng của bức chân dung “người chải tóc”. Ngôn ngữ thơ mới mẻ, giản dị, hình ảnh thơ giàu sức gợi. Cộng hưởng với cảm xúc mãnh liệt chân thành của chủ thể trữ tình. Tất cả đã làm cho Chải tóc tạo được hiệu ứng thẩm mỹ và hiệu ứng rung cảm cho bạn đọc về đối tượng trữ tình.

Chải tóc

TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG

Một sợi tóc rụng xuống
Những giàn mướp bí ra hoa

Mưa tháng Giêng trổ đầm đìa nỗi nhớ

Hai sợi tóc rụng xuống
Trùng trùng non tơ mọc khắp đất này
Người chở phù sa trôi về lục ngạn

Sông đầm đìa ướt một dòng trôi

Ba sợi tóc rụng xuống
Người quỳ gối đất đai
Ơn mưa móc tưới vụ mùa khô hạn

Những sợi tóc đau như một cuộc tình

Người ngồi đó điềm nhiên chải tóc
Nắng mưa dông bão qua lòng
Từng sợi rụng vào năm tháng

Rụng vào nỗi đời riêng

Từng đêm tối người vẫn ngồi vấn tóc

Soi lòng mình trong những cơn dông.

(Văn nghệ Bình Định số 133 tháng 5.2024)

TUỆ MỸ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.