Tiếng sáo của người bán rắn

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Rồi cũng có một ngày ông Nhót về lại Đồng Dưa.

Vẫn chiếc xe đạp cà tàng ngất ngưỡng phía sau cái lồng được trùm kín bằng mấy tấm bao bố cũ mèm, ống sáo trúc bóng nước giắt bên hông. Ông Nhót đột ngột trở lại.

Người Đồng Dưa xưa nay quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm được xắn lên trên bắp chân gầy tong đen đủi. Mùa mưa xắn lên cho dễ đi, mùa hè không can cớ chi cũng xắn y chang vậy. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm dưới mấy sợi tóc lơ thơ màu khói ướt. Tụi con nít thích gọi ông là Ông Bán Rắn cũng bởi trong cái lồng cột phía sau xe đạp luôn có bầy rắn lúc nhúc, con nào con nấy to bằng gần bằng cổ tay người lớn. Ông Nhót dạo quanh chợ huyện rao bán chán chê rồi quay về Đồng Dưa. Chẳng ai biết tên thật của ông, mà thật ra cũng chẳng ai cần biết, người ta gọi ông Nhót là đủ rồi.

Đều đặn. Mỗi buổi chiều ông Nhót lóc cóc đi qua xóm Đồng Dưa trên chiếc xe đạp vừa già vừa gầy như ông. Đàn ông xóm Đồng Dưa nói rắn ngâm rượu chỉ bán được cho nhà giàu trên phố huyện chớ ở cái hóc bà tó này đàn ông quanh năm quần quật, ngày nắng treo trên lưng hơn tám tiếng, chiều về ăn chén cơm chờ tới đêm phủi chân cái bẹt đi nằm, màng chi tới rượu rắn với rượu trăn mà ông già Nhót đi chi cho rạc cẳng, rao hoài cho nó khàn cái tiếng ra nghe như vịt đực chứ ích gì.

Mặc kệ, ông Nhót vẫn cứ đi!

Chiếc xe già nua mỗi chiều lại nghiêng ngả liêu xiêu trên con đường ngoằn ngoèo đá và bông cỏ may. Ông lóc cóc đạp qua Đồng Dưa. Miệt mài. Người xóm Đồng Dưa rồi cũng chẳng ai buồn để ý đến ông già đen cóc cáy chiều chiều ngồi nghỉ chân bên cây cầu bắc qua con kênh, thẫn thờ nhìn về phía đồng xa.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Bên kia, ngôi nhà ba tầng ẩn sau vườn cây um tùm của Lý Hoành, người giàu có nhất Đồng Dưa. Ngôi nhà được xây dựng bề thế, cầu kỳ và lạc lõng giữa một xóm nghèo vùng ven. Người Đồng Dưa xưa nay coi Lý Hoành như trọc phú bởi cái xưởng gỗ ở cuối xóm và dãy cửa hàng trên phố huyện của lão luôn tấp nập khách và người ăn kẻ làm. Lý Hoành có ba vợ, cháu con đề huề. Bà vợ lớn cùng con cái sống trong ngôi nhà bề thế đó, bà hai và mấy đứa con sống ở ngôi nhà phía sau, cũng bề thế không kém, bà ba không con, sống trong dãy nhà cùng với người ăn kẻ làm. Bà ba về nhà Lý Hoành từ ngày còn trẻ, đến nay đã hơn hai mươi năm, người đàn bà ngoài năm mươi tóc nay đã điểm bạc, gương mặt lúc nào cũng phảng phất nét u hoài, cam phận. Nghe đâu bà từng có một đời chồng ở tận miền núi. Một lần Lý Hoành lên rừng mua gỗ tình cờ nhìn thấy bà. Bà ba ngày đó là cô Tầm xinh gái, mặn mòi, lão thấy vậy liền ve vãn, hứa hẹn, đưa cô về làm vợ rồi quản lý luôn cái xưởng gỗ đang ăn nên làm ra. Cô Tầm sẵn không chịu được cảnh cơ hàn, nghe Lý Hoành vẽ ra một tương lai giàu có cô gật đầu liền, khăn gói theo lão về đây.

Cô Tầm về với lão Hoành tưởng được sung sướng tấm thân, ai ngờ lại khổ hơn. Thấy cô nhu mì, thiệt thà, bà lớn, bà hai suốt ngày kiếm chuyện chì chiết. Cô Tầm phải quần quật làm lụng không khác gì con sen ở đợ. Có lúc không chịu nổi cô lẻn ra sau vườn thầm thũi khóc. Người Đồng Dưa còn nghe cô than thở muốn trở về chốn cũ nhưng có lẽ đường xưa đã mất nẻo quay về.

Người Đồng Dưa bao nhiêu năm nay đã quen tiếng xe đạp lóc cóc lâu lâu lại rít lên vì bộ nhông sên dĩa khô dầu mỡ, người ta biết ông Nhót đi qua mà chẳng đợi tiếng rao khàn đục Ai rắn ngâm rượu đê… Tấm lưng cong vòng như cái móc câu dính liền với cái lồng sắt phía sau được quây kín bằng mấy tấm bao bố chỉ để hở vài lỗ nhỏ lấy không khí cho đám rắn thở. Tụi con nít xóm Đồng Dưa chỉ cần nghe tiếng xe đạp lóc cóc, có làm gì chúng cũng vất đó lao ra ngó chừng coi ông Nhót dừng lại nghỉ chân liền chạy tới bu quanh lồng rắn. Trong lồng lúc nào cũng có mấy con rắn hổ mang ngóc đầu thiệt cao miệng phun phì phì như mưa, khi cổ nó bạnh ra, trên lưng lập tức xuất hiện một cặp đốm đen trắng tuyệt đẹp. Chung lồng với nó còn có các loài rắn khác cũng không kém phần đáng gờm, rắn hổ trâu, sọc dưa, cạp nong, có khi thêm vài con rắn ráo.

Một năm hai mùa, người ta thấy ông Nhót miệt mài đi qua xóm nhỏ, mùa nắng ông đội cái mũ vải cũ mèm, mùa mưa sùm sụp tấm áo ni lông cứng đờ. Chạy một vòng, ông Nhót lại dừng bên gốc vông đồng cuối xóm, lụi cái xe đạp vô bụi, nằm dài trên bãi cỏ giở cái mũ vải lau mồ hôi túa ra trên khuôn mặt đỏ cháy rồi mở bình đông nước tu ừng ực. Tụi con nít Đồng Dưa chỉ chờ có vậy, chúng lao tới xúm quanh lồng rắn, đứa dạn dĩ còn bẻ nhánh cây khều tấm bao bố phủ bên trên xuống để nhìn cho rõ. Đứa nào đứa nấy cũng tò mò háo hức khi đám rắn lưỡi thò ra thụt vào phun phì phì. Có đứa thích chí bắt chước, mấy ngón tay cho vào miệng bành ra, le lưỡi giả bộ tiếng phun như rắn hổ mang.

Chiều nghiêng nắng xế. Mặc kệ đám con nít quây quanh lồng rắn mà chọc phá. Chừng đỡ mệt, ông Nhót lầm lũi đi về phía cây cầu gỗ bắc qua con kênh đào cuối xóm, cái chân cà nhót có phần chậm chạp, khó khăn. Gió từ những cánh đồng dưa rào rào thổi lên cuốn tung bụi đường đất mịt mù. Ông Nhót tựa vào chân cầu, rút ống sáo giắt bên lưng ra ngắm nghía. Ông rờ rẫm, vuốt ve cây sáo đã bóng màu thời gian, những ngón tay đen đủi còng queo miết đi miết lại trên ống sáo cứ như lần đầu ông được nhìn thấy nó, một tặng vật của người thương. Không dưng, từ hai hốc mắt bé tí hin một giọt nước ứa ra lăn xuống đôi gò má hóp lại thành một cái hố sâu. Ông Nhót lấy ống tay áo quệt nước mắt, đôi bàn tay chầm chậm nâng ống sáo lên môi, khẽ thổi.

Âm thanh ban đầu run rẩy rồi chợt vút lên da diết. Tiếng sáo thênh thang như vượt qua đám mây chiều buồn bã đang lang thang trên những cánh đồng dưa héo rũ. Đôi mắt tí hin khép lại, miên man như trôi về một nơi xa. Tụi con nít đang hò reo bên lồng rắn chợt im bặt, chúng nhìn về phía chân cầu mặt nghệt ra ngơ ngác. Tiếng sáo từ đâu đột ngột vút lên giữa trời chiều như đưa chúng về một miền sơn cước hoang vu bát ngát gió đồng chiêm, ở đó nghe ra những tiếng chim trong lành, tiếng róc rách của dòng suối tươi mát… Tiếng sáo khiến chúng quên mất việc phải tra nốt mủng phân, phải cắt cho xong gánh cỏ, phải lùa bò về trước buổi hoàng hôn.

Từ ngày phát hiện ra tiếng sáo của ông Nhót, tụi con nít Đồng Dưa đã có thói quen đợi chờ, chúng đợi chờ tiếng sáo còn hơn đợi chờ xem mấy con rắn dữ. Nhác thấy ông, cả bọn lại lao ra vây quanh “Ông thổi sáo đi! Thổi nữa đi ông!”, tụi nó nài nỉ.

Ông Nhót lầm lũi và lạnh lùng là vậy nhưng chiều con nít không chi bằng, ông lụi cái xe vô bụi rồi lững thững đến bên chân cầu. Tiếng sáo dìu dặt lại vút lên, tụi con nít mới lao xao đó thoắt đã im phăng phắc, mặt mũi nghệt ra theo giai điệu lúc réo rắt hoan ca, lúc buồn thương tủi hờn…

Bao nhiêu năm qua Đồng Dưa, ông Nhót đi mòn đường chết cỏ cũng chẳng ai thèm đoái hoài đến cái lồng rắn ngâm rượu.

Cho đến một buổi chiều…

Ông Nhót lụi cái xe đạp bên cầu, nằm vật ra bờ cỏ thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ chợt về, ông thoáng nghe có tiếng chân người đi tới. Tiếng chân đến chỗ ông nằm thì dừng lại. Ông Nhót choàng tỉnh. Một người đàn ông ăn mặc sạch sẽ tinh tươm đứng trước ông, bộ dạng khác hẳn những lực điền ở xóm Đồng Dưa. Trong khi ông Nhót còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, người đàn ông đã ra hiệu cho ông đi theo.

Ông Nhót đứng lên theo sau người đàn ông lạ mặt, cái chân cà nhót phải cố lắm mới theo kịp. Đến trước ngôi nhà bề thế nhất Đồng Dưa, người đàn ông dừng lại mở cổng ông đưa ông Nhót vào bên trong. Trên bộ gõ kê giữa nhà, một người đàn ông mặt mũi phương phi trong bộ đồ lụa màu mỡ gà ngồi xếp bằng, miệng ngậm cái tẩu phì phèo nhả khói. Ông Nhót ngơ ngác nhìn quanh căn phòng được bày biện toàn đồ gỗ bóng lộn, gương mặt thẫn thờ như vẫn còn mê ngủ. Người đàn ông đưa vào khẽ nói: “Chào ông Lý đi!”. Nghe đến tên ông Lý, cái lưng cong như bật thẳng lên, đôi mắt ti hin mở, ông Nhót sững sờ nhìn người đàn ông bệ vệ đang ngồi xếp bằng trên bộ gõ.

“Nghe nói ông bán rắn xưa rày mà giờ mới gặp, làm cho tui bộ ngũ xà ngâm rượu cho giãn gân giãn cốt cái coi!”, giọng người đàn ông sang sảng, mắt nheo nheo nhìn làn khói thuốc vừa phả lên.

Giây phút sững sờ đã qua, ông Nhót nhúc nhắc đi ra khiêng cái lồng rắn vào sân. Tụi con nít tò mò đi theo, háo hức chờ coi cái sự kiện lâu nay chưa từng. Ông Nhót lẹ làng gỡ tấm bao bố quây quanh cái lồng rồi quay qua bày biện bộ đồ nghề lên tấm bạt nhựa. Gọi bộ đồ nghề cho oai chứ thật ra chỉ là một con dao nhọn, một chậu nước lạnh, một chậu rượu gừng và một cái ly thủy tinh. Ông Nhót luồn bàn tay gân guốc vào đôi găng tay cao su, rút cây gậy treo ở ghi đông xe đạp ra dùng để mở nắp lồng. Lúc này, con rắn hổ mang mới được dịp ngóc đầu lên cao hơn, cái cổ nó bạnh ra như muốn uy hiếp những người xung quanh. Đám con nít nín thở theo dõi. Ông Nhót từ từ tiến về phía con rắn, hai con mắt ông xoáy thẳng vào nó cho đến khi con rắn lắc lư như bị thôi miên, lúc này ông mới luồn cây gậy xuống dưới đầu rắn, tay kia lẹ làng nhấc nửa thân sau của nó lên.

Tiếng hò hét của tụi con nít mất hẳn, thay vào đó là không khí lặng phắc, đến con nhặng bay qua cũng nghe ra tiếng vo ve… Ông Nhót cột chặt đầu từng con rắn treo lên, dùng dao nhọn khía phần đuôi rắn, từng giọt máu đỏ bầm chảy tong tong xuống cái ly thủy tinh. Con rắn nằm thẳng đơ, ông Nhót dùng dao mổ bỏ ruột, rửa sạch phơi năm con rắn lên cho ráo nước rồi tráng lại bằng rượu gừng trước khi xếp chúng cuộn tròn vào bình. Ông từ từ đổ rượu rồi đậy nắp.

Gần hết một buổi chiều mới xong việc, ông Nhót giao bình rượu cho Lý Hoành rồi ra vườn kiếm cớ ngồi nghỉ tay. Như tiện thể ông nhìn quanh khu nhà, gương mặt khắc khổ không giấu được vẻ ngơ ngẩn như người trong cơn mộng du.

Lý Hoành ngắm nghía bình rượu ra vẻ ưng ý, lão gật gù nhìn ông Nhót tán dương: “Ông giỏi lắm! Thôi miên được cả rắn thì giỏi lắm!”, lão vừa nói vừa vỗ vai ông Nhót. Chợt thấy cây sáo giắt bên lưng, Lý Hoành thò tay rút ra: “Cha chả, thêm tài thổi sáo nữa hả? Cho tui nghe một bài cái coi!”.

Ông Nhót như sực tỉnh cơn mê, lẳng lặng cầm cây sáo từ tay Lý Hoành thẫn thờ đưa lên môi, những ngón tay còng queo chầm chậm lướt trên cây sáo bóng loáng. Một giai điệu buồn thương vút lên như xé lòng. Tiếng sáo càng lên cao càng réo rắt. Càng réo rắt càng oán than: Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội. Người xa người rồi tội lắm người ơi. Người bỏ ra đi quên tình xưa quên ước thề. Người đi quên lối về quên tình nghĩa phu thê… Càng thổi, gương mặt ông Nhót càng dại đi như đắm vào tiếng sáo đang nức nở. Bên dãy nhà ngang, cánh cửa buồng đang hé mở chợt khép lại.

Người đàn ông lúc nãy đột ngột xuất hiện, đưa bàn tay ra hiệu cho ông Nhót dừng thổi rồi xòe ra hai xấp tiền: “Nè, tiền của ông! Còn đây là ông Lý thưởng thêm nghen!”, nói rồi ông hấp tấp đi ra cổng như muốn tiễn khách.

Trong màu chiều nắng nhạt, gương mặt ông Nhót đã choắt lại càng rúm ró đến thảm thương, ông run run cầm xấp tiền ngoái vào trong. Lý Hoành đã không còn đứng đó.

Ông Nhót chầm chậm lên xe, chiếc xe đạp cà tàng nặng trĩu dưới đôi chân gầy gò nổi những đường gân chằng chịt, tấm lưng cong lại như thể được cuộn tròn trong chiếc áo màu nâu đã bạc ở phần lưng như một miếng vá trắng xóa. Không ai, chỉ tụi con nít mới nhìn thấy trên gương mặt chằng chịt vết thời gian kia, một đôi mắt ầng ậng nước. Chúng rủ nhau tản đi, ngơ ngác không hiểu sao ông Nhót được trả công, còn được thưởng thêm một xấp tiền mà lại khóc.

Ông Nhót không dưng biến mất.

Xóm Đồng Dưa không ai còn nhìn thấy tấm lưng cong vòng trên chiếc xe đạp cùng với lồng rắn ngất ngưỡng phía sau. Không còn nghe tiếng rít lên khô khốc của bộ nhông sên dĩa già nua. Ông Nhót đột ngột biến mất như thể chưa từng tồn tại trên đời. Tụi con nít không còn nghe tiếng sáo dưới chân cầu vút lên, chúng ngơ ngác nhìn nhau nhưng đứa nào cũng im lặng lảng đi. Có lẽ trong số ít bọn chúng có đứa nhớ đến xấp tiền cùng đôi mắt ngấn lệ của ông Nhót vào cái buổi chiều cuối cùng đó. Trái tim của những đứa trẻ còn thơ dại nhưng sớm nhạy cảm và cũng đầy trắc ẩn.

Ngôi nhà bề thế nhất Đồng Dưa vẫn tấp nập người ăn kẻ làm, khách tới đặt hàng vẫn nườm nượp. Giữa lúc làm ăn phát đạt Lý Hoành đột ngột trở bệnh, căn bệnh lao phổi lâu năm đến tuổi lại tái phát. Lý Hoành chết vào một ngày mùa đông mưa dầm. Những cánh đồng dưa của làng cũng bị gió quật đến tơi bời.

Lý Hoành không còn nữa, tài sản cơ ngơi cũng bị đàn con của hai bà vợ lao vào xâu xé. Chẳng mấy chốc ngôi nhà bề thế nhất Đồng Dưa bỗng trở nên u buồn, lạnh lẽo. Người Đồng Dưa đi qua nhìn vào giờ đây chỉ thấy những cánh cửa đóng im ỉm, người ăn kẻ làm cũng bỏ đi tìm chốn khác kiếm kế sinh nhai.

Bà Tầm chớm sáu mươi tóc đã bạc trắng. Tờ mờ sáng người Đồng Dưa đã thấy bà lặng lẽ ra đồng làm lụng như một người ăn kẻ ở cho gia đình họ Lý, gương mặt vốn u hoài giờ đã trở nên câm lặng. Từ ngày gia đình Lý Hoành lụn bại, xóm Đồng Dưa càng thêm heo hút. Vào mùa mới có vài ba chiếc xe tải về chở dưa lên phố, ngày thường họa hoằn mới có tiếng xe vụt qua, rồi lặng phắc.

Tụi con nít ngày nào háo hức đợi ông Nhót đi qua giờ đã lớn, đứa lên phố học hành, đứa ở lại vào ra với những cánh đồng dưa…

Một buổi chiều, trên cánh đồng cuối bãi, người Đồng Dưa chợt nghe tiếng sáo trong vắt khe khẽ vút lên. Họ dừng tay cày cuốc, nhìn về phía con kênh đào cuối xóm. Bên chân cầu gỗ bắc qua, một người đàn ông nhỏ thó lưng còng, mái tóc trắng phau, run run nâng ống sáo trúc trên môi.

Tiếng sáo ngày nào lại khe khẽ vút lên. Da diết. Đợi chờ…

VŨ NGỌC GIAO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương

Thơ Đoàn Mạnh Phương đi giữa ranh giới của truyền thống và hiện đại, anh sử dụng khá tài tình hình ảnh, ngôn ngữ hiện đại để nói những muôn thuở của đời sống…

Những chắp vá rời

Thiện nhận tin báo có người đột quỵ tại khu biệt thự của anh vào lúc mười giờ đêm. Anh không hề ngạc nhiên khi sự việc xảy ra ngay trong khu biệt thự của mình…

Thơ dự thi của Nguyễn Hoàng Hoa

Nắng gió Trường Sa hun đúc da đồng
Biển mặn Trường Sa đậm đà giọng nói
Lính trẻ Hải quân cười tươi rói
Đón khách đất liền ra thăm đảo xa