Nơi yên nghỉ cuối cùng

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu. Nhưng lại chẳng tìm thấy một điều gì cả. Khải không biết là mình đã đi qua bao nhiêu ngã tư, và rẽ qua bao nhiêu con phố vắng lặng, tịnh không một bóng người. Khải cứ đi. Mải miết đi, vì chẳng biết dừng lại để làm gì. Chốc chốc, gió lại không ngừng gào thét hai bên tai. Tựa như tiếng một người ai oán trách than số phận đời mình sao mà nó hẩm hiu đến vậy. Khải thấy đầu mình âm ẩm đau, dạo gần đây vì công việc tăng đột biến, thời gian ngủ bị thu hẹp lại, cậu thấy sức khỏe của mình sa sút dần. Chợt cậu thấy hai mắt mình nhòe đi, ý thức trôi tuột xuống một vũng bùn đen đặc quánh, cậu chẳng kịp ú ớ thì bản thân đã khuỵu xuống lòng đường.

Cuối con đường, giờ này khi mọi thứ đã ngủ yên. Vẫn còn một nơi, trông như là cửa tiệm café đang mở. Khải thẫn thờ đăm chiêu, ngước vội lên nhìn bảng hiệu “Nơi yên nghỉ cuối cùng”. Trước cửa tiệm, chẳng có vẻ gì gọi là hấp dẫn. Bốn cánh cửa gỗ, được mở xiên ra phía đường. Bất cứ ai khi bước vào, đều phải lách mình nhẹ qua khe cửa hẹp ấy. Cả một con phố dài đều tối đen như mực, duy chỉ còn mỗi nơi này là đèn bảng hiệu phát sáng, thứ ánh sáng nhàn nhạt tỏa ra một bầu không khí ảm đạm vô cùng. Nếu Khải đưa mắt tập trung hơn để nhìn, cậu sẽ thấy rõ, đèn bảng hiệu chưa từng phát sáng, mà có một màu vàng khi ẩn khi hiện bao trùm lên nó. “Sao tên tiệm lại lạ thế này? Giờ này thì còn bán café cho ai nữa?”. Khải nhủ thầm trong bụng.

“Xin chào! Tiệm mình còn mở cửa không ạ?”, Khải cất lời, gọi với vào trong. Vừa đưa mắt dáo dác nhìn xung quanh, vì sợ bản thân làm ồn ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của mọi người.

Chẳng có một ai đáp lại. Âm thanh vừa vang ra dường như bị hút vào một nơi tận cùng hư vô nào đó. Khải bị hấp dẫn bởi cái bóng tối sâu thẳm vô tận bên trong kia. Nhưng đồng thời một phần ý chí bên trong cậu cũng phản kháng mãnh liệt. Dự cảm rằng đó là một nơi nguy hiểm hay một cái bẫy giăng sẵn chờ cậu, chớ nên tiến vào trong. Mình thì có quái gì để mất đâu mà sợ, một người bình thường như mình thì ai muốn giăng bẫy cơ chứ – Khải tự trấn an lòng mình, và cứ như vậy tiến vào. Với một thân hình không có vẻ gì là đầy đặn, trái lại còn ốm yếu, Khải dễ dàng thuận lợi lách vào bên trong cánh cửa. Khải nhìn bốn phía, mọi thứ đều tối đen như mực. Chỉ có một con đường nhỏ, dẫn lối vào bên trong. Khải cứ đứng như vậy, chần chừ nửa tiến lên, nửa quay bước, đi trở ra bên ngoài. Một cái gì đó thôi thúc, cuộn trào bên trong Khải thúc đẩy cậu phải đi lên phía trước. Dù sao cũng đã vào trong đây rồi, thôi thì đi tiếp vậy, mình ghét phải quay đầu lại – Khải lẩm nhẩm.

Cậu hạ quyết tâm cất bước tiến lên. Giờ đây, sự tò mò đã chiến thắng lòng sợ hãi. Cậu muốn biết xem đằng sau bóng tối đó là gì. Những bước đi đầu tiên luôn luôn khó khăn, nhưng nếu không đi thì con người ta chỉ mãi dừng lại tại chỗ. Cậu vừa đi, vừa dò dẫm, hai tay vung về trước tìm vật cản, để cho mắt mình dần quen với bóng tối, căng tai nghe bất kỳ âm thanh nào có thể phát ra. Phát huy những giác quan nào có thể dùng được trong mức tối đa. Bất ngờ, Khải vấp phải một cái gì đó, và lao đầu về phía trước. Cú ngã đó đánh bay tất cả sự can đảm của Khải. Cậu nằm sõng soài một lúc lâu, phần vì chân cậu nhoi nhói đau, phần còn lại do sự sợ hãi đã ngập tràn trong trái tim cậu. Trước cái tĩnh lặng tuyệt đối của thanh âm, kèm theo bóng đêm dày đặc vô cùng tận, tâm trí của con người chỉ là chiếc lá mỏng manh bay trước gió.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Thình lình đèn được bật sáng, hai bên hành lang giờ đây đã tỏa ra một ánh sáng màu vàng nhạt dễ chịu. Khải nhìn lại phía sau, hóa ra là mình vấp phải bậc của hành lang. Khải đứng dậy và lấy lại dũng khí cho bản thân. Khải nhìn về phía trước. Một âm thanh đang vang vọng lại. “Cộp, cộp… cộp…”. Là tiếng giày của ai đó đang nện xuống mặt sàn bằng gỗ. Âm thanh đó lúc lại dồn dập như sắp đến gần, lúc lại xa xăm như từ một nơi nào đó bên cạnh. Khải vừa đi tập tễnh vì đau. Cố gắng đuổi theo kịp tiếng giày. Chợt cậu sững lại, cảm giác nghi hoặc xộc vào bên trong cậu. Cậu đưa mắt khắp xung quanh, hành lang trải dài sâu hun hút, cậu thấy ánh sáng nhưng lại chẳng biết nó phát ra từ đâu, cậu nhìn khắp nơi lại chẳng phát hiện ngọn đèn nào. Chắc có lẽ nó được áp dụng một công nghệ hiện đại nào đó. Là quán café nhưng sao mình chẳng thấy cái bàn nào nhỉ? – Cậu thắc mắc. Cậu cố gắng nén đau lê đôi chân đi từng bước một. Bởi cậu muốn biết rốt cuộc “Nơi yên nghỉ cuối cùng” này là gì. Khi đã mang một câu hỏi trong lòng, nếu không tìm được câu trả lời thỏa đáng, cậu sẽ thấy lòng mình bồn chồn không yên.

Bỗng từ đâu xuất hiện một người đàn ông trong bộ áo dài trắng, từ từ tiến lại gần. Người đàn ông với gương mặt chữ điền, ngũ quan hài hòa cân đối, mái tóc đã bạc tạo cho người ta có cảm giác gần gũi ngay khi mới tiếp xúc lần đầu. Người đàn ông nở một nụ cười lịch thiệp, kiểu cười của những người đã từng phục vụ lâu năm trong ngành dịch vụ. Cùng với một chất giọng trầm trầm làm con người ta cảm thấy an tâm.

“Chào cậu!”, người đàn ông cất tiếng. Giọng nói tựa như một nơi xa xăm nào đó vọng lại, nhưng nó tạo một cảm giác xoa dịu đi mọi áp lực và căng thẳng bên trong Khải.

“Chào ông! Ông cho tôi hỏi? Đây là tiệm café nhỉ? Sao nhìn nó chẳng giống một cửa tiệm café gì mấy. Trông nó như là nhà ma trong phim kinh dị thì hơn”. Khải nói ra thắc mắc suốt từ nãy đến nay của mình.

“Cậu có thể xem nó là tiệm café cũng được. Tôi thì thích gọi là nó bảo tàng của thời gian. Đây là nơi cậu có thể lắng nghe âm thanh thời gian của chính cậu”. Người đàn ông ôn tồn giải thích cho Khải.

“Tại sao nó lại là bảo tàng thời gian. Mà lại còn là thời gian của chính tôi”. Cuộc đối thoại dường như trở thành một bên được hỏi và một bên chờ đợi để trả lời.

“Cậu cứ nhìn sang bên trái, tự khắc cậu sẽ hiểu”. Người đang ông vừa nói vừa hướng ánh mắt nhìn về hướng ấy.

Trong vô thức, sau khi nghe người đàn ông nói, Khải liếc mắt nhìn sang trái, những ánh đèn vàng khắp hành lang dường như chợt tắt, rồi tụ hội vào một điểm duy nhất trong tầm mắt của cậu. Không biết từ lúc nào, cậu bỗng thấy một khung ảnh nghiễm nhiên được treo ngay trên bức tường tối đen ấy. Nhìn kĩ hơn, cậu lại thấy rằng người trong khung ảnh ấy là cậu. Đó là bức ảnh mà mẹ cậu chụp lại, khi mà cậu biết đi lần đầu tiên. Bức ảnh tuy đã phai mờ theo năm tháng, nhưng mắt cậu vẫn nhìn rõ được đó là mình.

“Đây là tôi khi còn nhỏ mà. Đến giờ tấm ảnh ấy vẫn còn nằm trên bàn làm việc của tôi”. Khải chỉ tay vào bức ảnh lắp bắp đặt câu hỏi trong miệng.

Người đàn ông chỉ mỉm cười không đáp lại. “Giờ thì cậu nhìn sang bên phải xem nào”.

Khải đổi hướng mắt của mình sang bên ngược lại. Chếch về phía trên một chút, hai khung ảnh dường như được đặt so le với nhau. Lần này một tấm ảnh khác lại được hiện ra. Là tấm ảnh ngày đầu tiên cậu đi học mẫu giáo. Cậu nở một nụ cười thật tươi đứng giữa cha và mẹ của mình. Ký ức bỗng ùa về như một làn gió thu mát mẻ, giờ đây cậu có thể nhớ rõ quang cảnh ngày ấy sống động bên trong bản thân. Tiếng ồn ào của những đứa bé cùng tuổi cậu, tiếng cô giáo kêu gọi tập trung xếp hàng vào lớp. Và đặc biệt, khi ấy cậu đang cảm thấy hoang mang, lo lắng vì rời xa cha mẹ, nhưng lúc được gọi chụp ảnh, cậu lại mỉm cười tươi hơn bao giờ hết. Chợt cậu thấy một chút gì đó nghẹn đắng trong cổ họng mình.

Cứ như thế, theo sự dẫn dắt của người đàn ông, Khải tiến lên từng bước, hết nhìn sang trái rồi lại sang phải. Xem từng khoảnh khắc của cậu tồn tại trên đời này. Từ tấm ảnh mẫu giáo, cho đến tấm ảnh ngày đầu tiên cậu vào lớp một, rồi đến kỳ tổng kết và cậu nhận giấy khen cũng được cha và mẹ chụp lại. Sau đó, cậu lại tiến vào cấp hai, rồi lại cấp ba, đến khi lên đại học. Càng nhìn từng tấm ảnh, cậu càng nhận ra vì sao lại gọi nó là âm thanh của thời gian. Cậu càng lớn lên bao nhiêu, cậu lại càng nhận thấy cha mẹ của mình ngày càng nhỏ bé đi bấy nhiêu. Tấm ảnh chụp ngày tốt nghiệp năm cấp ba, cậu nhìn kỹ thì thấy tóc của cha đã lấm tấm vài sợi bạc, khóe mắt của mẹ đã hằn vài vết chân chim. Đến ngày tốt nghiệp đại học, cậu nhìn thấy tóc của cha phần trắng nhiều hơn đen, mẹ cười nhưng sao nhìn mẹ nhỏ bé và gầy gò đến lạ.

Từng tấm ảnh lấp đầy những gì mà Khải đã quên bẵng bấy lâu nay. Mỗi khi thất vọng cậu thường nhìn những tấm ảnh mà động viên mình nên tiếp tục cố gắng. Cậu thấy bản thân mình vẫn còn hạnh phúc hơn mọi người ngoài kia, ít nhất cậu vẫn còn cha mẹ đợi mình quay về nhà. Chỉ riêng lần này, cậu thấy một điều gì đó cắt sâu vào tim, và dự cảm chẳng lành sau khi xem một vòng trưng bày các khoảnh khắc kia. Cậu dừng lại khi thấy không còn một viền vàng treo lơ lửng nào trong hành lang nữa. Khải chợt thắc mắc và quay sang hỏi người đàn ông.

“Sao mọi thứ lại chấm dứt thế này? Tấm ảnh ngày tốt nghiệp đại học là cuối cùng rồi sao?”.

“Đúng! Vì sau tấm ảnh này, cậu cắm cúi làm việc quên đi cả sức khỏe bản thân mình. Mỗi năm cậu chỉ về quê đúng vào dịp Tết, rồi lại ở lì trong phòng. Chẳng còn hứng thú với mọi chuyện. Cậu cũng đã quên mất một điều rằng là những tấm ảnh này, đều là hai người họ chủ động chụp với cậu. Còn cậu thì lại chưa từng lưu giữ khoảnh khắc nào bên họ”. Giọng nói của người đàn ông kèm theo cả sự phẫn nộ mà trước nay cậu chưa từng nghe bao giờ. Nó không lớn cũng không nhỏ, nhưng sức nặng trong từng câu chữ lại ghì chặt trái tim cậu. Khi nghe giọng nói ấy, làm cho cậu cảm thấy rằng cậu đã đánh mất đi phần quan trọng nhất trong đời.

“Tôi muốn cố gắng phát triển, để sau này có thể lo cho họ một cuộc sống êm đẹp hơn mà. Tôi làm vậy thì có gì là sai chứ!”. Cậu nói ra nỗi lòng của mình, nhưng đồng thời cũng che giấu đi phần cốt lõi bên trong nó.

“Đến mức này mà cậu cũng còn tự dối lòng mình sao?”. Người đàn ông khinh bỉ nhìn Khải rồi tiếp tục: “Cậu bào chữa cho sự dối trá của mình bằng việc lấy cớ rằng muốn tốt cho người khác, cậu cho rằng cha mẹ lải nhải và can thiệp quá sâu vào cuộc sống của cậu nên cậu không muốn về nhà. Cậu ở lì trên thành phố, thỉnh thoảng vài ba lần gọi về hỏi thăm họ đôi câu, nhưng rồi cậu lại quên ngay vào khoảnh khắc tiếp theo. Có lẽ cậu không sai, thực sự cậu cũng có một phần ý muốn lo cho cuộc sống họ đủ đầy, báo đáp công ơn cho họ. Nhưng cậu có nghĩ là họ cần tiền của cậu hơn là cậu không? Đôi khi thứ họ cần chỉ là biết cậu bình an, vui vẻ là họ đã mãn nguyện rồi”.

Khải lắp bắp không nói thành lời, những gì người đàn ông nói đều chính xác, đó là điều làm cho Khải bận lòng suốt một thời gian dài. Cả hai điều ấy cứ không ngừng mâu thuẫn mà giày xéo trái tim cậu.

“Vậy thì giờ tôi chỉ cần về quê nhiều hơn với họ là được rồi”. Khải buông lời hời hợt.

“Muộn rồi! Thời gian của cậu đã hết! Vì vậy mà cậu mới đến được đây. Ngay từ khi đặt chân vào, cậu cũng đã thấy biển hiệu nơi đây rồi còn gì. Cậu nghĩ thời gian mình vẫn còn nhiều, nhiều hơn mức cậu dự tính. Cậu thoải mái với suy nghĩ ấy, cho rằng đoạn đường phía trước vẫn còn dài. Kỳ thực thời gian của một người vốn chưa từng có hình dạng, nó có thể là một đoạn dài thẳng tắp, đồng thời nó cũng có thể ngắt bất cứ khi nào nó muốn. Cậu nghĩ rằng cậu sống thêm một ngày, nghĩa là cha mẹ sẽ sống bên cạnh thêm một ngày. Và rồi đùng một cái, cậu sống tiếp, còn cha mẹ đã dừng lại và không còn đi tiếp nữa”. Người đàn ông giải thích.

“Nghĩa là?”, Khải vừa nói, nhưng cảm giác như có một cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ.

“Cậu chết rồi”. Người đàn ông đáp lại một cách vô tình. Lần này không còn vẻ ấm áp, cũng chẳng có sự tức giận nào, nó chỉ đơn thuần là một giọng nói vô cảm được đọc từ loa phát thanh nào đó, từ nơi xa vọng lại.

Khải cảm nhận được một cái gì đó lạnh lẽo, chạy khắp cơ thể mình. Nó đi từ đỉnh đầu, và dần dần lan xuống đến cổ rồi vai, tiếp đó lại đi xuống phần tay và bụng. Cuối cùng nó kết thúc ở những điểm cuối của đầu ngón chân. Khải cảm nhận được hai dòng nước mắt của mình bắt đầu rơi. Khải nuối tiếc về những việc mà bản thân chưa làm được cho cha và mẹ. Chưa đền đáp được công ơn dưỡng dục, sinh thành, nay đã rời xa thế giới này. Khải ước mình có thể quay lại quá khứ, để có thể về bên hai người họ nhiều hơn. Nhưng cái gì đã qua, thì làm gì còn để mà quay lại như lúc ban đầu.

Ánh đèn vàng nhạt trong hành lang đã không còn, những khung ảnh và người đàn ông đã hòa mình vào cùng màn đêm. Một cảm giác bất lực len lỏi khắp tâm trí cậu. Giờ đây cậu đã chẳng còn sợ cái bóng tối đang phủ khắp người. Cậu để cho nó bao bọc trọn vẹn thân thể mình. Cảm giác bất lực qua đi, cùng lúc cậu cảm thấy nhớ giọng của mẹ và cha da diết, cậu bắt đầu nghĩ về những tháng ngày sau này, khi mà họ phải trải qua mà không có cậu bên cạnh mình. Khi họ bắt đầu già yếu, sẽ không có một ai chăm sóc họ, viễn cảnh ấy hiện lờ mờ bên trong tâm trí Khải. Cùng lúc đó, cậu nghe thấy tiếng vọng từ nơi xa xăm, đang yếu ớt gào tên mình.

Ở phía bên kia. Có hai con người già nua, một đàn ông và một đàn bà. Họ đang ngồi co ro trên một băng ghế chờ đợi thông báo của bác sĩ về con trai. Đèn thông báo chớp đỏ đã chợt tắt. Cửa phòng mở ra, bác sĩ tìm kiếm thân nhân của người bệnh.

“Bác sĩ ơi! Con trai của chúng tôi sao rồi bác sĩ?”. Cả hai người đều đồng thanh hỏi.

“Bệnh nhân hiện thời đã qua cơn nguy kịch. Nhưng cần phải tiếp tục theo dõi…”. Những lời tiếp theo của bác sĩ, hai người ấy đã không nghe lọt tai nữa rồi. Bởi những gì họ muốn nghe đã rõ ràng ở hai câu đầu. Sau đó, họ rối rít chắp hai tay lại, cảm ơn bác sĩ một cách chân thành.

Khải cảm thấy mình đang trôi lơ lửng trên không. Bất chợt cậu cảm thấy mắt mình nặng trĩu. Giây phút cậu cố gắng mở đôi mắt của mình ra. Cậu thấy một màu trắng xóa trên mắt cậu. Không phải là thứ ánh sáng vàng nhạt êm dịu, làm cho cậu thấy nuối tiếc kia. Mà là một thứ ánh sáng trắng quen thuộc mà cậu thường thấy trong các bệnh viện. Phải mất một khoảng thời gian cậu mới làm quen lại được với mọi thứ xung quanh. Giây phút cậu nhìn rõ, cậu thấy hai bóng người quen thuộc đang nắm tay cậu. Một bên trái và một bên phải.

“Con xin lỗi!”.

Cậu cất giọng nói yếu ớt của mình, rồi thiếp đi. Cậu có cảm giác, mỗi bên bàn tay của cậu, được hai bàn tay nắm chặt. Một chai sạn và thô ráp. Một nhỏ bé và yếu ớt. Kèm với đó là những giọt nước mắt ấm áp trong tay cậu.

NGUYỄN THÁI THOẠI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…