(VNBĐ – Đọc sách). LTS: Từ thực tế hoạt động của đội Chim Én (thuộc huyện đội Hoài Nhơn, thành lập ngày 22.12.1969), nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ, nguyên Tổng biên tập Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), người có một thời gian dài hoạt động trên địa bàn Hoài Nhơn thời chiến tranh, đã viết cuốn tiểu thuyết “Chim én bay”, đạt Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1985 – 1989) Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988 – 1989. Đây cũng là tác phẩm mang lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007. “Chim én bay”, gây một tiếng vang lớn về đề tài chiến tranh và hậu chiến với góc nhìn nhân văn rất đáng trân trọng.
Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc, tiểu thuyết phát triển câu chuyện xoay quanh trục nữ nhân vật chính – Quy, đi qua những khốc liệt chiến tranh và đối diện với bao xáo trộn trong thời bình, nhưng rồi sau tất cả nỗi đau, truyện sáng lên bởi cái nhìn bao dung, yêu thương, sự nhân văn của con người.
Nhà văn sắp lớp quá khứ, hiện tại đan cài nhau qua lối kể chuyện phi tuyến tính, nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ sự mạch lạc, gần gũi, gọn và chắc cùng sự bày xếp chi tiết logic của mạch chuyện. Chuyện xoay quanh những hận thù, mắc míu trước và sau chiến tranh giữa Quy và tên ác ôn Giám Tuân, kẻ đã phá nát mái ấm gia đình Quy. Giám Tuân xuất thân cũng là một cán bộ cách mạng, nhưng hắn lại chiêu hồi quay mũi súng sát hại những người đã từng thân gần hắn. Giám Tuân đã giết anh chị của Quy, hắn đã cho phát nổ căn hầm bí mật, giết anh Dương, cho xe kéo xé xác chị Hảo. Tang tóc trùm phủ xuống ngôi nhà của cô gái nhỏ, nỗi đau mất người thân như vụn nát lòng Quy. Chị đã tìm đến đội Chim Én, đội lúc bấy giờ có 5 người do anh Cường làm chỉ huy. Lo lắng cho Quy, Cường từng gợi ý cho Quy – cô gái nhỏ mười bốn mười lăm tuổi về với cha, về với gia đình. Nhưng gia đình chị nào còn nữa, nó đã bị phá hủy bởi tên ác ôn Giám Tuân. Khi Quy trở về thì cha chị đã mất, nhà cửa bị rụi thiêu trong tro tàn, nỗi đau đớn như bóp nghẹn lấy tim chị. Uất hận và căm phẫn đến tột cùng tội ác của tên Giám Tuân đã khiến chị hạ quyết tâm báo thù, tiêu diệt cho bằng được tên ác ôn này.
Trở lại đội Chim Én, chị rèn luyện ngày một trưởng thành hơn và cuối cùng được anh Cường giao cho nhiệm vụ đi tiêu diệt Giám Tuân. Lần đầu tiếp cận tên Giám Tuân, mặc dù đã nhằm thẳng súng vào kẻ thù giết người thân mình, nhưng Quy không thể bóp cò vì hắn đang bế đứa con trai nhỏ. Khi bị phát hiện, vợ Giám Tuân chạy lại kêu to: “Chạy đi”, nhờ vậy Quy đã thoát ra khỏi nhà Giám Tuân. Mấy ngày sau, Quy bị Giám Tuân lập kế bắt ở chợ, chúng đưa Quy về ấp tra tấn dã man. Không khai thác được gì từ Quy, tên Giám Tuân điên cuồng hạ lệnh cho hai thằng đồ tể phá nát đời con gái của Quy, lúc ấy Quy mới mười lăm tuổi… Ngày được cứu thoát khỏi trại giam, nỗi căm hận tên Giám Tuân như dày hơn. Lần thứ hai, Quy cùng anh Cường cùng thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tên tay sai ác ôn kia. Giám Tuân bị bắn trúng nhưng không chết. Sau đó, hắn còn được thăng chức. Đội Chim Én thêm quyết tâm tiêu diệt hắn, bởi sống thêm ngày nào thì hắn lại gieo thêm biết bao tội ác, sẽ có thêm bao cán bộ bí mật cách mạng bị sát hại. Lần thứ ba, Quy đã khéo léo qua mắt bọn cảnh vệ và lọt vào tận sào huyệt của Giám Tuân. Lần này, Giám Tuân nhìn chị bằng cái nhìn trăn trối, ngỡ ngàng. Hắn đã lãnh đủ băng đạn từ họng súng của người con gái mà hắn đã sát hại cả nhà.
Sau khi giết Giám Tuân, Quy bị bắt đày ngoài Côn Đảo. Khi đất nước thống nhất, chị trở về, được phong danh hiệu anh hùng, được đi du học tại Liên Xô, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, và trở thành một đại biểu Quốc hội. Nhưng chị mãi chịu cảnh độc hành, dù trong lòng chị cũng đầy khát khao một mái ấm như bao người phụ nữ khác. Những đòn tra tấn thâm độc của kẻ thù đã tước đoạt khả năng sinh đẻ của chị. Quy đã từng thương, từng có những rung động đầu đời với một người khác giới, điều ấy thể hiện rõ khi chị và anh Cường cùng trú ẩn chung một căn hầm: “Suốt đêm chị nằm cạnh anh Cường, người nôn nao bởi một sự gần gũi, va chạm giữa hai cơ thể xa lạ mà quyến rũ. Cảm giác ấy khiến chị sau này cứ phải ngơ ngác mãi”. Thế nhưng, Cường đã cưới vợ vì không thể vượt qua sự thực Quy bị vô sinh mặc dù anh luôn dành tình cảm cho chị. Quy thấu tỏ và không hề trách cứ anh, nhưng lòng chị luôn bị nỗi cô đơn ám bủa. Cuối cùng, Quy cũng nhận được tình cảm chân thành từ một người lính Sư đoàn Sao Vàng đã từng sống và chiến đấu trên quê hương Quy. Trong thư anh viết cho chị có những dòng xúc động khiến Quy thấy được an ủi và chia sẻ: “Con cái là hạnh phúc không thể thiếu trong đời sống vợ chồng, nhưng tuyệt nhiên nó không phải là tất cả…”.
Điều đáng chú ý ở tiểu thuyết, là đời sống tinh thần, những ứng xử thời hậu chiến. Quy rạch ròi yêu ghét, cố gắng xóa đi những khoảng cách hận thù do chiến tranh gây ra. Mong muốn ấy thúc giục Quy tìm lại gia cảnh những người phía bên kia chiến tuyến. Chị tìm đến nhà Giám Tuân, chứng kiến nghịch cảnh của gia đình Giám Tuân phải sống trước nhiều định kiến – vẫn còn những tồn tại khi con người ở những năm đầu sau chiến tranh chưa buông bỏ – Quy không khỏi chạnh lòng. Những ý nghĩ phải làm sao cho cuộc sống các gia đình trên quê hương no ấm hơn, hận thù thế hệ trước được xóa bỏ, trẻ nhỏ cùng nhau được đến trường… thúc bách chị, nhất là sau cái chết của vợ Giám Tuân cùng sự chia sẻ, gửi gắm của một – người – mẹ, Quy càng như thương hơn đứa trẻ mồ côi có nhiều mất mát. Bởi vậy, trước thắc mắc của người khác khi chị dành tình thương cho đứa con của kẻ thù, chị đã dõng dạc rằng: “Tôi không nhìn nó dưới khía cạnh là con thằng ác ôn đáng giết một trăm lần, mà nhìn dưới khía cạnh của mẹ nó…”. Quy đã quyết đi tìm đứa con trai của Giám Tuân, kết nối và hỗ trợ để đứa bé được đến trường học hành và được đối xử công bằng nhân văn hơn, vì với chị, đứa trẻ vô tội. Ngay đến khi chị biết quỹ thời gian của mình sắp hết ở cuộc đời này bởi di chứng của bao trận tra tấn dã man từ chiến tranh, Quy vẫn nhớ đến đứa trẻ, căn dặn anh Cường dùng số tiền tích lũy ở ngân hàng của chị lo cho đứa bé được ăn học đàng hoàng.
Tác phẩm kết bằng một sự hàn gắn, và sự ra đi của Quy trên giường bệnh. Nhưng sự ra đi ấy không mang lại cảm giác nặng nề, không “nhúng” con người vào những ngui ngút thương sầu mà như nhẹ nhõm: “Dường như chị đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện và đang bay lang thang như những đám mây màu trắng tinh khiết. Những đám mây báo trước những điềm lành, điểm dữ trên quê hương chị. Dường như chị đang hòa nhập vào bầy chim én không biết từ đâu bỗng ùa ra đen đặc trên bầu trời. Và tháng giêng, cái tháng giêng mà chị từng mong đợi dường như cũng đang trở về…” (Tr. 166).
Trong tiểu thuyết, người đọc dễ dàng tìm thấy những trang văn về vùng đất Hoài Nhơn, với không khí một thời của “xứ dừa” trước năm 1975 hiện lên bàng bạc: “Chợ Tam Quan hồi ấy nằm trong một vườn dừa lớn. Hàng quán bày bán trong chợ cũng nghèo nàn, chủ yếu là tôm, cá, lúa gạo và dăm bảy sạp tạp hóa. Tất cả những thứ hàng xa xỉ, đắt tiền lại được bày bán ở những cửa tiệm dọc hai bên lối phố dẫn xuống chợ.
Hôm ấy, chị đã bám sát thằng Dũng không rời một bước. Trời còn sớm nên người qua lại đông nghẹt. Cá từ Hoài Hương, Hoài Xuân gánh lên hoặc chở xích lô tới; gạo, đậu phộng từ Hoài Sơn đổ xuống. Honda, xe ba bánh chạy, phụt khói mù mịt. Tiếng chào hàng, tiếng quát và tiếng nhạc từ các tiệm ăn, tiệm giải khát tuôn ra đường trộn lẫn với mùi mồ hôi, mùi dầu nhớt khiến không khí trong lành của buổi sớm trở nên oi ngột, khó chịu” (Tr. 30). Tiểu thuyết khắc họa số phận những nhân vật đi qua cuộc chiến, tái hiện lại đời sống của một địa phương sau chiến tranh, bật sáng lên tấm lòng nhân hậu, trắc ẩn của con người. Chiến tranh đã giày xéo, phá hủy biết bao mái ấm gia đình, đã có bao người ngã xuống, nỗi hận thù, đớn đau không thể xóa nhòa một sớm một chiều. Nhưng khi gấp lại tập sách, lòng tôi như lắng lại.
Sau tất cả, mong đau thương sẽ khép lại, để con người xích lại gần nhau hơn, mở lòng yêu thương để thấy lòng nhẹ nhõm, yên bình hơn.
ĐỨC LINH