Bầu trời không còn nắng

(VNBĐ – Tản văn). Men theo những con đường quanh co đi sâu vào trong những ngôi làng, tôi nhìn rõ những đám trẻ nô đùa, đá bóng, trụi trần như không hề biết trời đầy nắng giữa trưa hè chang chang. Mùa hè nóng như đổ nhưng che trên đầu bọn nhỏ xanh ngắt bóng dừa, những tia nắng nhỏ lọt qua khe lá chỉ để tô vẽ cho bức tranh thêm nhiều đường nét. Bóng mát tỏa khắp miền dừa Tam Quan.

Câu hát “Về Tam Quan qua hàng dừa xanh, mới hiểu quê ta sao không còn nắng, bầu trời trong xanh bát ngát là dừa, dừa Tam Quan bóng ngả lối xưa…” đã toát lên hết cái thần thái vùng đất này. Nếu ai đó một lần tới Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) thì sẽ ngỡ ngàng với rừng dừa bạt ngàn và hiểu rõ vì sao bầu trời “không còn nắng”.

Dọc quốc lộ 1A, đi về phía Bắc Bình Định, những quán cóc ven đường đầy những buồng dừa tươi là chỉ dẫn vào Tam Quan, lạc vào xứ mát mẻ quanh năm mặc cho nắng có đổ lửa. Chuyện kể rằng, vì ngưỡng mộ những người phụ nữ giỏi giang, biết yêu thương, chăm sóc, biết tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ từ cây dừa nên vùng đất đã ban tặng họ một làn da trắng trẻo. Có người cho rằng, làn da trắng là được uống nước dừa từ trong bụng mẹ, tắm tưới sự ngọt ngào dưới bóng mát chở che… Nhiều câu chuyện được thêu dệt thêm, được hư cấu, chắt chiu thêm chỉ mong diễn tả cho kì hết những ưu ái, những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người ở đây.

Người dân gọi dừa Tam Quan để chỉ cho vựa dừa Hoài Nhơn, một trong những vựa dừa lớn nhất nước, nằm tập trung ở Tam Quan và vùng lân cận. Dừa nơi đây được trồng dày và nối tiếp từ dãy núi phía Tây đến sát bờ biển phía Đông. Dừa trồng quanh nhà, quanh vườn, nghiêng ngả trên những lối đi, tràn ra tận bờ sông, bờ suối, và dù có ở đâu chúng cũng luôn biết xếp hàng đều nhau chạy dài hun hút, cứ thế dang đôi cánh ra bao đời che mát cho những ngôi làng, che mát cho tuổi thơ, che mát cho những con người cần mẫn nuôi dưỡng từng thân dừa.

Nắng không thể lọt qua được lớp lá để chạm vào đất nên giữa trưa hè nắng nóng, lúc nào cũng thấy nhiều đám thanh thiếu niên tụ tập đá bóng, chơi bóng chuyền dưới những tán dừa xanh. Chúng lấy lá dừa làm kèn thổi, thi nhau thổi ai kêu to hơn; đứa thì làm đồng hồ, mắt kính, nhẫn đeo; con gái thì thắt con rít làm dây đeo tay hay dây chuyền đeo cổ; đứa khéo tay hơn thì thắt thành những con hạc, con chim… Thế giới tuổi thơ ngọt lịm dưới bóng dừa kể mãi như một bản trường ca.

Chơi đùa xong hay đi làm về mệt mỏi, trèo lên cắt một buồng thả xuống là tha hồ giải khát. Hầu hết người dân Tam Quan ai cũng biết leo dừa, nhiều phụ nữ cũng leo lên được những cây cao chót vót. Đến Tam Quan lúc nào cũng có thể nhìn thấy người leo dừa, họ giống như con sóc, thoắt một cái nhẹ nhàng là lên đến ngọn. Tôi nể phục sức dẻo dai của họ, nhất là phụ nữ, khi mỗi ngày trèo hàng chục cây dừa, vừa hái vừa làm vệ sinh dừa để hạn chế bọ và dừa hư rụng. Từng buồng dừa trĩu quả được cột vào dây thừng, nương theo những tia nắng thả xuống dệt thành bức tranh quê thật tuyệt giữa đời thường. Đó là lúc họ tận hưởng thành quả của mình.

Nước dừa Tam Quan thanh và ngọt lịm nhờ thổ nhưỡng màu mỡ, nhiều khoáng chất, ít nơi nào dừa ngọt bằng. Nhiều câu ca dao từ xưa đã thốt lên: Tam Quan ngọt nước dừa xiêm/ Dối cha dối mẹ em tìm theo anh; Ai về Bình Định đang trưa/ Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan; Tam Quan tốt đất trồng dừa/ Nam thanh nữ tú cho vừa ý anh… Nước dừa xiêm Tam Quan như sợi chỉ xe kết duyên đôi lứa, làm cho nam thanh nữ tú, làm cho nghĩa tình hơn, duyên dáng hơn và trù phú hơn.

Ít có nơi nào, đặc sản nào có nhiều ca dao được nhiều đời hun đúc và nổi tiếng như dừa Tam Quan: Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan; Bao giờ rừng quế hết cây/ Dừa Tam Quan hết nước, em đây mới hết tình; Dừa xanh trên bến Tam Quan/ Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu… Đọc nhiều bài ca dao mới thấy dừa Tam Quan đi vào đời sống tinh thần của người dân sâu sắc đến vậy. Những đêm trăng ngồi se dây dừa, dệt thảm xơ dừa nam nữ hò đối đáp, hát Bài chòi, ngâm ca dao theo nhịp khung cửi rộn ràng tạo nên một đời sống đầy nghĩa tình.

Không chỉ cho nước uống, sản phẩm từ dừa cũng rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Thân cho gỗ, cành cho củi, vỏ cho xơ, sọ làm than hoạt tính, cơm nấu dầu, nước để uống… Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nấu nướng các món ăn như kho thịt, kho cá, nấu chè, làm các loại bánh như bánh tráng nước dừa, bánh hồng, bánh ít… được người dân tận dụng dừa triệt để. Từ trong bụng mẹ, những đứa trẻ đã được nuôi dưỡng bằng nước dừa, sinh ra được tắm bằng nước dừa nuôi dưỡng làn da mịn, trắng nõn nà. Ngay cả dầu dừa còn được làm dùng để thoa lên tóc để từng sợi tóc bóng và đen mượt.

Đi dưới bóng dừa Tam Quan có thể thấy cả một truyền thống hào hùng. Những thân dừa “thương binh” còn nguyên vết tích bom đạn ghi dấu một thời chở che, gánh đau thương trên những thân thể rắn chắc. Ngồi nghe lời thầm thì của dừa kể lại những câu chuyện ác liệt thời chiến chinh, kể lại chuyện hẹn hò của trai gái dưới những gốc dừa, kể lại nỗi bịn rịn khi đi xa quê hay nỗi hân hoan của người con xa xứ được quay về uống ly nước ngọt ngào… mà dừa chứng kiến, lòng như cơn gió mát dịu thoảng qua. Hình ảnh cô gái da trắng mịn, tóc đen mướt bẽn lẽn mời một trái dừa ngọt ngào và những món quà từ xứ dừa cứ níu chân lữ khách đường xa.

Dừa trải một thảm xanh che mát cho một vùng đất và làm dịu mát lòng người.

NGỌC OANH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…