(VNBĐ – Thơ & Lời bình). Những năm đầu thập kỷ 1980, tôi về công tác ở Hoài Nhơn, còn được chứng kiến những cây dừa sống sót sau chiến tranh. Những cây dừa toàn thân sứt sẹo. Không thể đếm hết những vết thương ba bề bốn bên trên thân thể dừa qua năm tháng bom đạn khốc liệt ở vùng chiến trường trọng điểm bắc Bình Định này. Tôi lặng người hình dung những lần mảnh thép găm sâu, xé toạc mảng da thịt cây, và cây ứa nhựa, đau đớn. Cái thân cây không nhánh cành, tròn trịa, nhiều nước của dừa đầy thương tích, gợi cảm giác đau thương hơn bao cây lá bị thương khác. Sau này, thế hệ dừa lão thương binh ấy dần xong phận dừa qua mỗi đợt bão dông. Đã có rừng dừa mới lên xanh thay thế…
Dừa và người trên vùng đất đau thương, anh hùng này có gì thật giống nhau: cả hai đều là đối tượng nhằm tới của bom đạn. Trước khi chiến tranh lan rộng và thành nơi đối đầu khốc liệt, xứ dừa từng được nhà thơ ngợi ca bằng hình ảnh rất độc đáo: “Nắng bột chen dừa Tam Quan/ Gió buồn uốn éo/ Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ/ Mờ soi Bình Định trăng mờ” (Tình sông núi – Trần Mai Ninh). Diễn tả cái nắng ở đây như qua rây bột thì khó thể nói hay hơn, đúng hơn về tán lá rợp trời che mát.
Ai từng sống trong vùng dừa trước chiến tranh hẳn cảm hết cái mát lành của bóng lá. Trong chiến tranh, dừa cũng che chắn cho người: kẻ thù biết điều này và tàn sát rừng dừa bằng bom đạn, bằng thuốc khai quang như một chiến tích. Dừa không đâm nhánh cành, khi ngọn dừa bị hư hoại, dừa chết. Rừng dừa rợp tràn sức sống của Tam Quan chôn chân bất lực trước sắt thép man rợ, là một thực tế đau đớn.
Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng, tự nhiên một niềm yêu thương, đẫm đầy thiên chức nữ:
Có một cô gái đã về đây
khóc dưới gốc những cây dừa không lá
cô gái ấy bây giờ không còn nữa
cô hy sinh trong một trận chống càn.
Hình ảnh cô gái khóc dưới gốc những cây dừa không lá thực ám ảnh: không phải cái ủy mị, đa cảm của một nàng Lâm Đại Ngọc, cô gái là chiến sĩ cách mạng, cô khóc thương dừa như khóc một đồng đội, một người thân hy sinh! Và cũng như dừa không còn màu xanh lá kia, rồi da thịt thanh xuân của cô gái cũng không còn nữa, trên mảnh đất này. Nhẹ nhõm như không, dung dị và tường minh câu chữ mà đạt đến sự hoàn hảo nhất, ám gợi nhất mà thơ có thể!
Cô gái đã nhẹ nhàng xong việc, câu chuyện tiếp tục là của người còn lại, với dừa. Dừa không lá giờ không chỉ hiện hữu qua mắt nhìn, nó thường trực trong tâm tưởng, một vết hằn không phai nhòa: đi qua mất mát, đau thương, hình ảnh đọng lại là sức sống khác của dừa đầy biểu tượng: “Những cây dừa không lá hiên ngang”. Về mặt tạo hình, những cây dừa không lá cứ đứng trong đất trời như thách thức, như một bất khuất, kiêu hãnh. Nhưng, chúng ta đã chứng kiến câu chuyện, dừa đâu chỉ một mình đau thương hay hiên ngang. Dừa gắn với cô gái, với những con người nằm xuống trên mảnh đất này. Và hình ảnh dừa không lá luôn cộm lên nỗi đau, sự nhói buốt trong người còn lại: “những đỉnh dừa nhọn xóc lô xô”.
Nên câu chuyện khi đất nước đã yên bình, người còn lại về thăm phần mất mát xưa, là tiếp nối không thể khác.
Vẫn cứ là cái bóng lá cháy khát trên mộ người nằm xuống, quay quắt và ám ảnh:
Tôi trở về thăm bạn, ban trưa
đi trong nắng của trời hè oi ả
khát cháy lòng là khát về bóng lá
xanh không nguôi trên mồ bạn yên nằm.
Có lẽ không cần bình tán gì thêm về đoạn thơ khi trước sau, hình ảnh “những đỉnh dừa nhọn xóc lô xô” đeo đẳng nặng nợ trong tâm cảm, và bóng lá xanh cứ chập chờn không nguôi, day dưa một tiếc nhớ, thương tưởng.
Câu chuyện cô gái và dừa không lá được kể cho thế hệ trẻ đang “trồng lại những mầm dừa trên vườn cũ” khi xứ dừa đã yên bình. Có thể bạn trẻ lớn lên trong hòa bình khó thể cảm hết hình ảnh cô gái hy sinh trên đất này từng khóc dừa thế nào. Nhưng câu chuyện thơ vẫn tiến triển tới thế hệ tương lai, tới những vá lành vết thương xưa như điều không thể khác. Phải, bao nhiêu dừa không lá, bao hy sinh, xương máu đổ xuống đất này sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu rừng dừa không lên xanh!
Bài thơ khép lại bằng một nối tiếp khác, nhưng là mở ra, hướng tới tương lai. Đó là sức sống, là sự trường tồn của vùng đất:
Cái rặng dừa không lá Tam Quan
xanh rất thật giữa vùng cây đang lớn.
Rất nhiều lần bài thơ nhắc tới “dừa không lá”, tuyệt nhiên không hề là “dừa cụt ngọn”, dù cũng mô tả sự chết. Nhà thơ có chủ ý rõ ràng: đau thương đã rõ, cô gái gục khóc đã rõ, nhưng dừa không chết, dừa hiên ngang bất khuất, và dừa sẽ xanh lại, sẽ hồi sinh.
Bài thơ Dừa không lá của Cao Duy Thảo dung dị một câu chuyện kể bằng chất liệu và ngôn ngữ thật bình thường, sáng tỏ như đời sống. Nhưng phía sau câu chữ tự nhiên, nhẹ nhàng như lời tâm sự, như một trò chuyện thân tình, là thực tế quá biểu tượng về xứ dừa tột cùng đau thương và anh hùng. Bài thơ đã tạo nên một hiệu ứng thực sự khi sức sống đất và người nơi đây bừng lên thật mãnh liệt: một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại!
LÊ HOÀI LƯƠNG