La Vuông vẫy gọi

(VNBĐ – Ghi chép).

Đến với cao nguyên La Vuông

Chúng tôi đến cao nguyên La Vuông giữa lúc tuyến đường bê tông đang được khẩn trương thi công để chuẩn bị đón khách tham dự ngày hội La Vuông –  cao nguyên xanh vẫy gọi và giải chạy địa hình quốc tế sẽ diễn ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 này. Chiếc xe Ford Transit 16 chỗ rướn mình bò lên khoảng một phần ba đường dốc thì bị khựng lại, do nước máy quá nóng, nên cả đoàn đã phải đi bộ lên dốc khoảng một tiếng đồng hồ trong lúc chờ xe cứu viện. Có đi mới hiểu nỗi vất vả của công nhân mở tuyến đường này. UBND thị xã Hoài Nhơn đã giao khoán cho nhiều nhà thầu để thi công nhiều đoạn đường. Bởi vậy có những đoạn bê tông rất đẹp, nhưng có chỗ còn ngổn ngang đất đá, xe công trình, đất hai bên taluy có chỗ sạt lở do những trận mưa lớn, chưa kịp kè lại! Trong buổi làm việc với lãnh đạo thị xã trước đó, chúng tôi đã kịp tìm hiểu sơ lược thông tin và những định hướng phát triển La Vuông trong tương lai, nhưng chỉ khi đi thực địa mới hiểu rõ bao nỗi khó khăn cũng như quyết tâm của địa phương để đem lại một diện mạo mới cho La Vuông. Đây là vùng đất ngày xưa người Pháp đã từng dự định biến thành khu nghỉ mát cho các quan Tây như Tam Đảo, Sa Pa nhưng rồi mới chỉ ở mức độ khảo sát thì bỏ cuộc. Năm 1901, chính phủ bảo hộ đã giao quyền khai thác vùng đất khoảng 500 ha theo hình thức nhượng địa cho một chủ đồn điền có tên Alavoine. Kể từ đó, dân địa phương đã gọi tên vùng đất theo tên Việt hóa là La Vuông. La Vuông trở thành một giao điểm nối liền các huyện An Lão – Hoài Nhơn và Ba Tơ (Quảng Ngãi) với những con đường mòn xuyên rừng do đồng bào các dân tộc tạo nên trong cuộc mưu sinh.

Cuộc đi bộ bất đắc dĩ khiến ai cũng đầm đìa mồ hôi và rã rời chân tay hóa ra lại là một trải nghiệm quý giá để có dịp suy ngẫm về bước chân của bao thế hệ đã từng đến đây khai phá vùng đất đến giờ vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, tỉnh đã từng lập nên nông trường La Vuông nhưng những trận gió bình nguyên khắc nghiệt đã cuốn trôi dự định tốt đẹp và để lại câu truyền miệng “trồng dâu nuôi… bò” chẳng mấy vui vẻ gì! Trên con đường dốc còn nhiều chỗ gập ghềnh, khi quá giang được xe máy của các cán bộ Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ vào địa điểm tập kết, chúng tôi mới có dịp nhìn những dấu tích còn sót lại với những khung nhà trơ mái, những chiếc máy xúc, máy đào đã hoen gỉ, cỏ dại phủ đầy mà không khỏi ngậm ngùi cho bao công sức vẫn chưa tạo nên một cuộc sống mới, bộ mặt mới cho La Vuông.

Lần theo dấu tích lịch sử

Cao nguyên La Vuông có độ cao 700m so với mặt biển, có những bãi cỏ tự nhiên tạo thành bình nguyên, thảo nguyên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi. Bởi thế nơi đây đã từng có trang trại bò từ thời Pháp thuộc. Nhưng khi chúng tôi đến địa phận thôn La Vuông thì cảm nhận sự thưa thớt dần của những xóm nhà. Tiến sâu hơn vào đến gần khu vực Núi Chúa, nơi lưu truyền câu chuyện về con đường lên chỉ có một cửa sinh, nhiều cửa tử như bát quái trận đồ của Khổng Minh, chúng tôi chợt nhận ra một dấu vết lờ mờ của lịch sử vùng đất vốn là nơi được các triều đại phong kiến khá quan tâm. Vùng đất này có những phát hiện khảo cổ với các rìu đá đa dạng chứng minh là một trong những di chỉ quan trọng của thời đồ đá cũ trải dài từ thế kỷ 25 – thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Nghĩa là nơi đây người nguyên thủy đã quần tụ trong nhiều thế kỷ. Đây cũng là vùng đất gắn với công sức của các thế hệ tiền hiền của xứ Đàng Trong, khi huyện Bồng Sơn thuộc phủ Hoài Nhân gắn tên tuổi Cống quận công, Khám lý Trần Đức Hòa. Đường vào cao nguyên La Vuông (Đồng Vuông) có một nhánh rẽ qua mộ của Cống quận công. Có ngẫu nhiên chăng khi quê quán của bậc tiền hiền ở Bồ Đề, Bồng Sơn nhưng khi mệnh chung thì ngài lại chọn vùng đất An Đồ của Hoài Sơn an nghỉ, vọng về Núi Chúa? Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 3 còn ghi lại về Cống quận công là người giúp chúa Tiên, chúa Sãi “trong vỗ về cư dân, ngoài góp lương quân, được triều đình dựa làm trụ cột” đâu phải lời khen suông? Tôi hình dung mảnh đất của phủ Hoài Nhân (sau 1602 gọi là phủ Qui Nhân) thuở chúa Nguyễn gây dựng cơ đồ, nơi địa đầu mở cõi còn lắm hiểm trở gian nan – rừng thiêng nước độc và lòng người chưa quy về một mối, quan Khám lý đã dốc lòng phò tá, tạo dựng kho quân lương để nuôi quân lâu dài, đã phải có con mắt tinh đời để chọn cao nguyên La Vuông như địa điểm lý tưởng để nuôi đàn trâu cả ngàn con. Và duyên kỳ ngộ đã gặp được Đào Duy Từ – người chăn trâu cho phú ông. Phải là người chăn trâu tầm cỡ ấy mới đủ lọt vào mắt xanh của Cống quận công, chứ đâu đơn giản như ta hình dung chàng mục đồng vắt vẻo lưng trâu chăm chừng… vài chục con trâu như thời hiện tại! Liệu có phải những phút đứng trên đỉnh cao thảm cỏ Đồng Vuông, vị quân sư tương lai của chúa Sãi đã thu vào tầm mắt dáng hình nước non hùng vĩ, sang sảng ngâm ngợi bài Ngọa Long Cương để rồi phú ông để ý cho dự tiệc hội họp các danh sĩ, được quan Khám lý tiến cử và sau này thành công thần số một của chúa Nguyễn. Các địa danh Đồng Vuông – Cẩn Hậu – An Đồ – Núi Chúa… chợt gợi lên một thế phong thủy thật hợp lý. Bởi thế mà hậu duệ chúa Nguyễn đã tạo dựng công trình quân sự Đồn Thứ tạo thế phòng thủ vững chãi vào thế kỷ XVIII – XIX chính tại nơi đây. Còn công trình Trường Lũy hàng trăm kilomet cũng dừng lại tại địa bàn hiểm yếu này. Tất nhiên những suy luận này cần phải có thời gian kiểm chứng, khảo nghiệm thêm từ phía các nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự để khẳng định tính hợp lý. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho du khách khi đến Hoài Nhơn muốn tìm hiểu sâu về lịch sử thì không thể bỏ qua hành trình lên với La Vuông.

La Vuông, cái tên có từ đầu thế kỉ XX như lời của Trưởng ban Tuyên giáo thị xã nói với chúng tôi là cách gọi Việt hóa vị chủ đồn điền người Pháp kết hợp với tên gọi Đồng Vuông thuở xưa, lại lưu một chứng tích lịch sử về tham vọng của các ông chủ thực dân muốn biến nơi đây thành một nông trường tầm cỡ như Mộc Châu, Sơn La ngoài Bắc. Bạn của tôi từng kể thời ông cố, ông nội phải đi làm thuê cho ông chủ Tây, thời mà nơi đây vẫn nhiều loài thú hoang dã. Có lẽ vào thời điểm ấy chính quyền thực dân chưa đủ mạo hiểm đầu tư vào một nơi quá nhiều rủi ro, nhất là người H’rê, người Bhanar cũng chẳng muốn bị trói buộc vào cuộc sống nô lệ, như cái cách họ đã nổi lên chống lại nhà Nguyễn cả trăm năm. Dấu tích còn lại giờ đây là khung cảnh thanh bình của những đàn trâu gặm cỏ ở bãi Thầy Lầy, đàn bò cả trăm con nhởn nhơ buổi sáng trên bãi Đồng Vuông…

Một góc Đồng Vuông. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Thời “21 năm”, đã có lúc Hoài Nhơn trở thành chiến địa ác liệt nhất giai đoạn 1964 – 1972, La Vuông trở thành sân bay dã chiến của Sư đoàn không vận số 1 Hoa Kỳ, Lữ đoàn 173 và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng đối phương đâu có ngờ đến sự xuất hiện của một tuyến đường băng từ An Lão qua Hoài Sơn mang tên “con đường Hòa Bình” tiếp viện lương thực, cung cấp vũ khí đạn dược cho Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân dân Hoài Nhơn đối đầu với kẻ thù. Chiến tranh đã quét qua mảnh đất này khiến cho đất đai càng trở nên cằn cỗi, cả một vùng rộng lớn sau chiến tranh trở nên đổ nát hoang tàn không một bóng người. Dù rằng sau giải phóng, có lúc nơi đây đã lập lại nông trường nuôi bò, nhiều dự án quy hoạch từng được triển khai, nhưng hạ tầng quá khó khăn nên những dự định cũng đành dang dở…

La Vuông bừng thức 
Hành trình đi thực tế La Vuông của đoàn chúng tôi chỉ gói gọn trong hai ngày, nhưng cũng đủ cảm nhận được quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Định và thị xã Hoài Nhơn biến mảnh đất này thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hàng loạt xe công trình và công nhân đang hối hả hoàn thành những hạng mục cuối cùng để thông tuyến đường dẫn lên Đồng Vuông. Một viễn cảnh đã rất gần hiện lên với cuộc hội tụ hàng ngàn du khách cùng một thời điểm, với những đoàn xe nối đuôi nhau về trong lễ hội La Vuông để cảm nhận nét đặc sắc của một vùng văn hóa quê hương xứ dừa của Bình Định. Chúng tôi đã từng chứng kiến hàng chục khách du lịch người nước ngoài thử thách tay lái trên những cung đường Hà Giang phía Bắc xa xôi hiểm trở, và sắp tới đây sẽ có dịp các tay lái được thử trình độ vượt đèo La Vuông bằng nhiều phương tiện, tuy không thót tim nhưng cũng khá hồi hộp. Bởi lẽ thành viên trong đoàn của chúng tôi đi tác nghiệp bằng xe máy, khi rẽ vào đường đất để ra suối Tiên lúc trời mưa lắc rắc đã được nếm trải cảm giác “vồ ếch” làm cô gái xinh đẹp lấm lem khiến cả bọn được một trận cười. Địa hình La Vuông lý tưởng cho những người thích chinh phục cho nên đây cũng là lần đầu tiên sẽ diễn ra Giải chạy địa hình quốc tế mang tên La Vuông Ultra Trail 2024 với các cự ly 7km, 15km, 35km, 55km với độ thử thách khó hơn nhiều so với chạy marathon trên đường bằng. Nhưng tôi tin sau thử thách là thành quả ngọt ngào, khi du khách được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời thơ mộng giữa một cao nguyên lộng gió, thưởng thức khung cảnh thung lũng lúc bình minh và hoàng hôn nhuộm vàng sắc nắng. Không gian se lạnh sẽ xua tan cảm giác mệt mỏi để ta đắm mình dõi theo những dải mây trắng bồng bềnh hay mơ màng như lạc vào tiên cảnh với những rặng núi hàng cây quyện màn sương mờ ảo. Một chén trà buổi sớm hay ly rượu nồng đêm khuya bên ánh lửa hồng, nghe chim hót ríu ran, nghe tiếng rừng huyền bí là những trải nghiệm thú vị không thể nào quên. La Vuông – một địa chỉ du lịch sinh thái sẽ không chỉ là ưu đãi riêng cho dân địa phương mà dành cho tất cả mọi người. Một mai đây ánh điện sẽ bừng lên, La Vuông trở thành khu du lịch sinh thái – lịch sử văn hóa hấp dẫn vẫy gọi chúng ta đến với cao nguyên để hòa mình với sắc xanh núi rừng, để khám phá những huyền thoại ở một vùng đất mới…

Tháng 7.2024

TRẦN HÀ NAM

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…