(Đọc tập truyện ngắn Bóng rồng, Nxb. HNV, 2020 của Triều La Vỹ)
(VNBĐ – Đọc sách). Với 13 truyện ngắn của tập truyện, nhà văn Triều La Vỹ đưa người đọc “gặp lại” các nhân vật lịch sử và văn hóa: Mạc Đăng Dung, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Võ Tánh, Lê Đại Cang, Nguyễn Diêu, Tản Đà… Cả những nhân vật trong huyền sử hoặc khuất lấp, mơ hồ trong lịch sử: Thánh Gióng, Nguyễn Thị Định – mẹ vua Duy Tân, Ông Chảng – Đinh Văn Nhưng… “Gặp” theo cái cách khá riêng biệt: về căn bản là cùng tác giả nhập vai với những nhân vật phụ cận, tiếp xúc với nhân vật chính. Nhập vai, đương nhiên rồi, để sống cùng thời, để chứng kiến mà cảm thông, yêu thương, căm thù, phẫn nộ. Và quan trọng hơn, sống cùng họ, hòa vào họ mỗi cung bậc, trạng thái tình cảm, tâm hồn mà khao khát và tiếc nuối – bi kịch muôn thuở của nhân sinh. Đó là những Bằng Công công – người theo hầu Mạc Đăng Dung (Mạc trà), là Quản lãnh thị vệ cận kề Lê Thái Tông (Gương mặt thủy thần), là Quận chúa Lê Ngọc Phiên, người thiếp hồng nhan tri kỷ của Lê Đại Cang (Mùa cá linh), là lão Bộc và Liễu – người hầu gái của Võ Tánh (Lửa hát), là thường dân Tùng, những nàng cung nữ Mai Hoa, Cúc Hoa với Trúc Lâm Đại sĩ (Tuyết mai Yên Tử), là nàng Trầm Hương hư thực, một kỳ nữ – “hướng dẫn viên du lịch” cho Tản Đà (Trầm Hương)… Có khi là sự phân thân – một “tôi” khác của Ngô Thì Nhậm (Dưới hiên Văn Miếu); hoặc một Tiên Cô dẫn dắt cuộc mơ tiên của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu (Cầu tiên). Chỉ duy nhất nhân vật Trần Minh Tông (Vết xăm hình rồng), nhà văn không xây dựng bất kỳ nhân vật “cùng thời” nào mà trực tiếp hóa thân vào cơn bão nội tâm dằn vặt những đúng sai, yêu và giận, ân hận và biện minh về vết hằn đầy tiếc nuối trong nội bộ triều Trần: cái chết oan khiên chấn động của Trần Quốc Chẩn, một hoàng thân, Quốc Phụ, bậc đại công thần đương triều.
Nhập vai, phân tích tâm lý nhân vật – thủ pháp quen thuộc của văn chương, đã được khai triển hết tốc độ và khá biến hóa.
Nhưng vấn đề là, những nhân vật lịch sử, văn hóa qua truyện ngắn Triều La Vỹ hiện lên thế nào? Để làm gì? Hay đúng hơn, cái đích nhà văn hướng tới khi lựa chọn đề tài lịch sử?
Không phải văn chương hóa lịch sử. Không phải dựng lại chuyện xưa làm bài học hay “mượn xưa nói nay” nhằm ký gửi những ẩn ức, phản biện nhân sinh, nhân thế, thời cuộc. Đơn giản, nhà văn muốn nhìn lịch sử, con người lịch sử ở góc nhìn khác, cái góc nhìn mà sử gia và người đời thường bỏ qua bởi quá chú tập đến vai trò lịch sử của họ: “con người” này là ai, chứ không phải “nhân vật” này thế nào. Tách “con người” ra khỏi “nhân vật” không chỉ riêng Triều La Vỹ thực hiện trong văn chương mảng đề tài này, nhưng nếu phần lớn nhà văn sử dụng như một thao tác kỹ thuật, tác giả Bóng rồng lại lựa chọn như xuất phát điểm cách tiếp cận.
Với lịch sử, Triều La Vỹ quan tâm đến yếu tố đầu tiên và cuối cùng của nó: con người! Vì, dẫu bề nổi lưu lại những thịnh suy, tồn vong các triều đại, những thăng trầm thời cuộc, thế sự như các bài học lớn, như “tấm gương” soi chiếu để đúc kết để điều chỉnh, rốt ráo, lịch sử vẫn là lịch sử con người. Con người, dù là anh hùng dân tộc, tâm trí “vằng vặc sao Khuê”, là “Phật hoàng”, là vua với tột đỉnh quyền lực, ông thánh của “đền thiêng văn chương”…, thì ngoài các chiều kích gắn với tâm thế ấy, họ vẫn là một thực thể sinh học với những bản năng cố hữu của mình.
Như Trần Nhân Tông chẳng hạn: một vị vua anh hùng, 2 lần là linh hồn Đại Việt đánh bại quân Nguyên – Mông xâm lược, một Thượng hoàng điều hành đất nước thịnh trị, một Trúc Lâm Đại sĩ sáng lập Thiền phái mang tinh thần, văn hóa dân tộc, một “Phật hoàng” như người đời nay xưng tụng, nhà văn cũng có góc soi chiếu riêng khá thú vị. Đây, suy nghĩ của chàng trai đốn củi chân núi Yên Tử: “Tùng không ưa cái người mà bọn họ hay cúi đầu kính cẩn gọi là Trúc Lâm Đại sĩ kia. Chàng thường chặc lưỡi than thầm. Thiên hạ sao cứ rỗi hơi tìm đạo ở một người không mấy tình nghĩa thế nhỉ. Này nhé, hàng trăm cung tần mỹ nữ phải chịu cảnh góa bụa khi ông ấy vào núi đi tu. Đã vậy, mấy chục phi tần đã liều mình ở suối Hồ Khê để mong Đại sĩ hồi tâm nhưng ông ấy có động lòng đâu” (tr.130, Tuyết mai Yên Tử). Hay đoạn cuối, khi cung nữ Cúc Hoa (vợ Tùng) tình cờ gặp Thượng hoàng – vị sư thầy áo chàm gầy gò sau một đêm trọ nhà, trò chuyện với ông nội Tùng về những năm tháng chất ngất hào khí Đông A – cô run sợ quỳ xuống chào. Và đây là quan sát, tâm trạng chàng trai: “Tai chàng ù đi. Tim chàng đau nhói. Chàng nhìn sững sư thầy. Đôi mày bạc khẽ nhíu lại. Một thoáng thảng thốt ngỡ ngàng trong đôi mắt sâu thăm thẳm khiến Tùng thấy ngẩn ngơ khó chịu. Chỉ một khắc thôi, sư thầy đã lấy lại vẻ ung dung tự tại thường trực”. Tất nhiên sư thầy né tránh thân phận thật của mình, nói trại sang “Trúc Lâm Đại sĩ thầy ta…” và “quay người đi thật nhanh ra khỏi ngõ nhà Tùng. Dáng gầy liêu xiêu. Cành tuyết mai nghiêng nghiêng run rẩy trên con dốc mờ sương” (tr.136, Tuyết mai Yên Tử). Dù là một đại sư kiên định tâm – chí – trí, cái khoảnh khắc đối diện với mình, mình thật, mình khác, Triều La Vỹ đã tin, đã chinh phục bạn đọc rằng, nhân vật quá lớn các chiều kích lịch sử và hào quang kia, cũng còn đó, tận sâu thẳm trong mình chất “phàm trần”.
Còn với Nguyễn Trãi, là một bi kịch của nhận thức và hành động. Đây là góc nhìn của Quản lãnh thị vệ, bạn cùng lứa thuở nhỏ của Nguyên Long – Thái Tông, người có mẹ là Ngọc Trần, một thiếp yêu của Lê Lợi bị hiến tế thủy thần cầu nghiệp lớn: “Trãi từ quan về Côn Sơn ẩn ở lều cỏ. Ngày câu cá, đọc sách. Đêm viết sách luận về việc nghĩa. Ngài ngự muốn hỏi kẻ viết sách Bình Ngô một câu cháy gan cháy ruột rằng, nếu mẹ ngài còn sống, Tiên đế có đánh tan bọn chó Ngô?
Tôi không thích Trãi. Một lão thần nhỏ thó, già nua, khắc khổ, cứng nhắc và cuồng chữ thánh hiền. Trãi luôn kiêu hãnh lấy nhân nghĩa làm lẽ sống/…/ Nhưng Trãi đã viết gì trong tờ sớ đọc trước thần Quả hôm Tiên đế Thái tổ hiến thiếp cầu nghiệp đế? Cứ mỗi lần làm điều gì hổ ngươi, bất nhẫn, ngài ngự cũng hỏi Trãi câu đó. Mắt ngài ngự đỏ ngầu. Đầy trách móc. Căm hờn. Trãi co dúm người. Mặt tái nhợt. Thất thần. Trông Trãi lúc đó thật tội nghiệp. Tôi thấy Trãi cô đơn và lạc lõng quá. Giữa triều chính lắm lúc Trãi như kẻ đần người ngọng. Trãi lú lẫn khi già mồm hơn thua với bọn hoạn quan về lễ nhạc đã đành, còn ngô nghê dạy khôn ngài ngự dùng lễ nghĩa giáo huấn bọn đầu trộm đuôi cướp./…/ Thiên hạ dè bỉu lão đã hiến thiếp cho ngài ngự cầu danh lợi. Chậc. So với Tiên đế, Trãi còn thua xa mấy bậc” (tr.79, 80, Gương mặt thủy thần).
Ở một truyện ngắn khác (Cầu tiên), khi cùng Tiên Cô trong giấc mộng bay vào xứ tiên chơi, Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, một tác giả tuồng Hát bội trứ danh Bình Định – tôn sư và nghiệp sư Đào Tấn – đã gặp Nguyễn Trãi và Nguyễn Du nơi tiên cảnh, hai danh nhân kiệt xuất nước Việt hiện diện trong văn Triều La Vỹ khá bất ngờ. Đây, Nguyễn Trãi:
Xa xa, nơi dòng suối uốn quanh có cây cầu nhỏ bằng vàng soi bóng xuống dòng suối xanh biếc. Một ông lão tướng người nho nhã, râu tóc bạc phơ gánh một gánh nước đi qua cầu, đổ nước qua bờ bên kia. Rồi lại gánh nước từ bờ bên kia sang đổ qua bờ bên này. Cứ thế qua lại không biết chán. Quỳnh Phủ lạ lắm, hỏi Tiên Cô:
– Ai đó?
– Một đại quan nhà Lê, người viết Bình Ngô sách.
– Thì ra là Ức Trai tiền bối. Một chữ nhân nghĩa mà đuổi được mấy vạn giặc thù. Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê, tiếc là vì nữ sắc mà liên lụy ba họ.
– Bịa đặt, bịa đặt. Những lời trâng tráo đó của bọn sử quan bồi bút mà chàng cũng tin sao.
Quỳnh Phủ nhún vai:
– Ta đến chào tiền bối, tỏ lòng kính trọng được chăng?
– Ức Trai suốt ngày tập gánh nước chẳng màng tới chung quanh nữa.
Quỳnh Phủ thở dài:
– Nước không còn Sử Ngư nữa, tập gánh nước làm gì.
Đoạn văn tỏ thái độ với “bọn sử quan bồi bút” đã đành, nhưng chính là xây dựng cái bi kịch chất ngất của Nguyễn Trãi, suốt ngày thao thức với nước, hình ảnh gánh nước từ bờ này sang bờ kia đổ và ngược lại, như một sự mỉa mai, chua chát với người lòng “sáng tựa sao Khuê”, khi từng thấu nỗi: “Ai ai đều đã bằng câu hết/ Nước chẳng còn có Sử Ngư” (Mạn thuật 4).
Với Gương mặt thủy thần và Cầu tiên, Ức Trai tiên sinh không phải là nhân vật chính, nhưng chỉ vài nét phác thảo, văn chương dường như đã bổ sung khá thấu tỏ, không chỉ khía cạnh con người (của nhân vật lịch sử) mà còn góp phần lý giải những góc khuất thời cuộc. Còn đây, theo cái ước thiết “tam bách dư niên hậu” của nhân vật lẫy lừng “đền thiêng văn học” gửi vào hậu thế đã được Triều La Vỹ mời bạn đọc song hành cùng giấc mơ tiên của Quỳnh Phủ mà “gặp gỡ”. Người dáng vẻ thư sinh ấy đang mài viên đá trong suốt như ngọc bên suối như mài mực, dưới trăng, hỏi làm gì, đáp đang tập làm thơ.
– Tài thi phú của tiên sinh nức tiếng gần xa, từng chữ từng ý như châu như ngọc, cần gì phải nhọc lòng thế.
Tố Như ngừng tay mài, giọng buồn buồn:
– Mai kia có loạn buôn chữ, nhà nhà làm thơ. Ta không viết nữa, ai còn nhớ Tố Như này.
Nói xong ôm mặt khóc. Tiên Cô vội cầm tay Quỳnh Phủ kéo đi, giọng xúc động:
– Ông ấy mắc bệnh cuồng thi, suốt ngày đi tìm chữ. Cứ sợ thiên hạ không ai hiểu mình. Tội nghiệp. (tr.161, 162, Cầu tiên).
Với cách tiếp cận lịch sử qua con người này, Triều La Vỹ đã lý giải khá thấu đáo những oan khiên vọng rợn năm, bảy trăm năm qua: vụ án Lệ Chi viên và việc đại thần rường cột Trần Quốc Chẩn bị giết. Cái ẩn ức của “ngài ngự” Thái Tông việc mẹ bị hiến tế, thiếu tình mẫu tử từ bé, đến lúc làm vua, gặp Thị Lộ, nhân vật nhập nhòa giữa đứa bé khát thèm vỗ về ấp iu và kẻ chiếm đoạt, một kiểu “phức cảm Oedius”, một lý do cho oan khuất. “Ngài ngự” từ nhỏ không chịu học hành, làm vua càng không thèm ngó chữ thánh hiền, bỗng “ngoan” hẳn khi Thị Lộ vào cung: “Chiều nào Thị Lộ hầu giảng, ngài ngự cũng chăm chú ngồi nghe. Thỉnh thoảng còn đòi Thị Lộ kể chuyện cổ tích. Thị Lộ suýt sặc vì cười nhưng cũng chiều lòng ngài ngự. Trông ngài ngự ngoan ngoãn hồn nhiên như một đứa bé. Mồ côi mẹ từ bé nên tâm hồn ngài ngự luôn héo khô, cằn cỗi. Những ân cần, âu yếm, dịu dàng của Thị Lộ ào đến như những cơn mưa mát lành” (tr. 88). Và đây là cái song hành tất yếu: “ánh mắt dài dại của ngài ngự đòng đưa trên bầu vú trắng ngần căng mẩy của người đàn bà đã ngoại tứ tuần mà ngỡ như vừa chớm quẫy cựa những thanh xuân tươi trẻ”. Rồi: “Thị Lộ đáng tuổi đẻ ra ngài ngự đấy, sao ngài ngự đè ngửa như phường mèo mả gà đồng giữa thư phòng?” (tr.90, Gương mặt thủy thần). Tất nhiên, chuyện Thái Tông đột tử và đương triều vu hại tàn khốc “tam tộc” Nguyễn Trãi, văn chương còn nhiều cách tiếp cận, giải mã khác.
Vụ Trần Quốc Chẩn là cuộc cạnh tranh thế lực ngấm ngầm nội bộ triều Trần, một đằng là Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật (cha nuôi Minh Tông) cùng Thiếu bảo Trần Khắc Chung, một bên là Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn (cha vợ) với công tích 2 lần bình Chiêm lẫy lừng. Thêm cái nhì nhằng xa hơn, gờn gợn sự thù hằn tranh đoạt thời tiền triều, nhóm “Miền Trên” Chí Linh, Vạn Kiếp và “Miền Dưới” chính thống Tức Mặc. Vì đại cuộc đánh giặc Nguyên Mông, những hiềm khích được gạt sang một bên, nhưng liệu các thế hệ sau có ổn? Lại thêm ám ảnh cách đoạt nhà Lý, việc duy trì nội hôn, dòng chính, dòng thứ… Nhưng đáng kể là, qua ngòi bút Triều La Vỹ, vấn đề “ám thị” thủy tổ dòng tộc làm nghề sông nước, những tiền nhân Cá Kình, Cá Chép, Cá Dưa… “Nhà ta người Miền Dưới, đời đời làm nghề đánh cá. Và cũng đời đời chuộng dũng cảm. Nếp nhà theo nghề võ, thường xăm hình rồng vào đùi”. (Tr. 168, Vết xăm hình rồng). Khi đã kết hợp được Miền Trên và Miền Dưới thành sức mạnh vô địch, “Đất Tổ Tức Mặc của họ Trần và Kinh sư đã liền nhau như môi với răng”, khi bền vững đời đời ở Thăng Long, một dòng tộc tột đỉnh uy quyền nỗ lực vượt thoát vết tích thân phận, cái thói quen vẫn còn. Hãy xem cuộc “luận tội” của Minh Tông với Quốc Chẩn: “Vết xăm hình rồng trên đùi là niềm kiêu hãnh của họ nhà ta ư? Thật nực cười. Ngươi không thấy phụ hoàng ta vì nó đã phải trốn về cung Trùng Hoa rồi sao? Khi nội ta nhận ra tính lẩm cẩm của mình, thì ngươi, chính ngươi đã trở thành người thay thế cho hoạt cảnh dở khóc dở cười đó. Ngươi tưởng đó là một ân huệ ư. Ngươi đã lầm. Đó là vết xăm định mệnh của đời ngươi” (tr. 169,Vết xăm hình rồng). Cạnh tranh quyền lực nội bộ là chuyện mọi thời, nhưng “vết xăm hình rồng” là cái lõi tư tưởng, là phát hiện độc đáo của nhà văn về ám thị nguồn cội, nhất là khởi thủy tranh đoạt không mấy vẻ vang của nhà Trần khi diệt nhà Lý.
Viết về lịch sử, Triều La Vỹ đã chọn sự chuyên chú giải mã con người, và tạo nên đóng góp khác biệt.
Lựa chọn cách bóc tách con người như một soi chiếu lịch sử, nhà văn nhập vai, hóa thân đã đành. Hiểu tường tận cứ liệu lịch sử, tham chiếu dã sử, huyền sử một lẽ. Thấm đẫm văn hóa, tâm thức thời cuộc, đương nhiên. Lựa chọn cách tiếp cận nhân vật phù hợp để dễ bề tung hoành thám sát mọi ngóc ngách ẩn khuất hồn người là cần thiết. Triều La Vỹ có cả những chuẩn bị chu toàn này. Nhưng dấu ấn độc đáo là nhà văn sử dụng ngôn ngữ, bút pháp hiện đại để chuyển tải. Sự việc xưa, đủ cả địa danh, cứ liệu, trang phục, không gian, nhưng người, từng hơi thở, tâm lý tâm trạng, đều như thật gần gũi với hiện tại. Tưởng như đang nhìn thấy các nhân vật hí hóp thở qua thứ ngôn ngữ nhiều sinh khởi, đẫm chất trữ tình – ngôn ngữ của một nhà thơ. Thì đúng, Triều La Vỹ là một nhà thơ viết văn xuôi.
Không gian trữ tình hầu như xuyên suốt các truyện ngắn. Họ, những người nữ hư cấu hoặc nhân vật lịch sử. Đó là Mị trong trò chơi quyền lực của Mạc Đăng Dung (Mạc trà), là những Huyền Trân công chúa, Mai Hoa, Cúc Hoa và Trần Nhân Tông (Tuyết mai Yên Tử), là Thị Lộ và Thái Tông, Quản lãnh thị vệ (Gương mặt thủy thần), là Ngọc Phiên quận chúa và Lê Đại Cang (Mùa cá linh, Phù sa sông Nhị), là Liễu, cô hầu gái và Lão Bộc, Võ Tánh (Lửa hát), là Trầm Hương với Tản Đà (Trầm Hương), là Tiểu Mai và Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh (Hoàng mai tửu)… Những nữ nhân xuất hiện trong truyện ngắn Triều La Vỹ đều có dụng ý nghệ thuật. Ví dụ, nàng Mị – sơn nữ tuyệt sắc có tài pha “đao trà” cho Mạc Đăng Dung cũng là công cụ cho mưu toan giết vua Quang Thiệu, cuối cùng, khi cướp ngôi bằng uy vũ, kẻ hiếu sát tột đỉnh uy quyền cô độc đến nỗi thèm một ngụm “tâm trà” trước khi chết. Những nàng cung nữ, thê thiếp Mai Hoa, Cúc Hoa đã như một đeo đẳng “nghiệp” của Trúc Lâm Đại sĩ. Một “hồng nhan tri kỷ” Ngọc Phiên chia sẻ cảm thông cuộc “lên voi xuống… khiêng võng” và nỗi niềm dân, nước của Lê Đại Cang. Rồi Tiểu Mai khiến Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh hiện lên khí chất anh hùng hay tiểu nhân, trai thời loạn hay kẻ gồm thâu thiên hạ… Tất cả đều can dự thiết thân vào nội dung, vào “con người” lịch sử, góp một khóa mở vào trăm năm tịch mịch bí ẩn.
Triều La Vỹ sử dụng thủ pháp “giấc mơ” khá nhiều. Và một số truyện ngắn đắc dụng, như trong Mùa cá linh, Lê Đại Cang khi trấn nhậm vùng đất Tây Nam bộ đã gặp hoàng tử Linh Ngư, tức Hỗn Điền – người khai sinh đại quốc Phù Nam quá khứ (hiện thân Bà Chúa Xứ bây giờ), để lắng nghe những lời dạy về lòng dân, cách chăm lo cho dân: “Thuận lòng trời thì được đạo. Thuận lòng dân thì được nước” (tr.103).
“Điều dân yêu quý ư? Phải tìm nó ở đâu, thưa Hoàng tử? – Hãy tìm nó trong chén cơm, manh áo của họ” (tr.104). Hoặc giấc mộng của Quỳnh Phủ – bậc chữ nghĩa mới có thể “lên tiên” gặp Nguyễn Trãi, Nguyễn Du trong Cầu tiên. Hoặc tác giả “Giấc mộng lớn”, “Giấc mộng con” sành thưởng thức có dịp lang thang vào miền văn hóa, huyền sử Bình Định mà cảm nhận về vùng đất phát tích phong trào Tây Sơn, về Hát bội, về lụa Phú Phong…
Tôi thích cách chọn tư liệu để xây dựng tứ truyện của Triều La Vỹ. Cảm hứng từ thanh “Định Nam đao” dẹp loạn và cũng lạm sát của Đô lực sĩ xuất thân Mạc Đăng Dung, nhà văn sáng tạo ra “đao trà”. Hoặc chi tiết mộ ngựa chôn cạnh mộ Võ Tánh ở thành Hoàng Đế, tác giả kể con ngựa quý bất kham đất Cao Miên tặng cho Nguyễn Ánh bất hợp tác mọi điều, chỉ chấp nhận Ngọc Du em gái Ánh lại gần chăm sóc. Và rồi khi Nguyễn Ánh tặng ngựa cho Võ Tánh, anh hùng và giai nhân và ngựa quý gặp nhau: thiên tình sử người, rồi cuộc gắn kết trường chinh hồng mã với tướng quân, qua thời trận mạc khép lại bằng hình ảnh ngựa hồng chở Lão Bộc, cô hầu Liễu bay vào lửa chết theo chủ tướng. Tư liệu mơ hồ nhưng đã thành gia vị đậm đà, xúc động, cho cuộc tuẫn tiết vì bá tánh đầy tráng liệt của Phò mã – Võ Chưởng Hậu quân.
Hay, thật thú vị, sau mơ tiên, Quỳnh Phủ tỉnh giấc khá “ê chề”, nhưng độc đáo: hương thơm từ da thịt Tiên Cô bỗng “lợm giọng buồn nôn. Mùi uế khí tràn ngập không gian. Quỳnh Phủ giật mình ngồi dậy, hơi thở hổn hển. Dưới trăng, chàng thấy một con cáo cái đang nằm ngủ ngon lành trên thảm cỏ nhàu nhụa mùi tình” (tr.163, Cầu tiên). Thì ra, nhà viết kịch này vừa viết xong dòng cuối vở kịch trứ danh Cổ miếu vãn ca rồi ngủ thiếp đi, dân Bình Định thường gọi là Nguyệt Cô hóa cáo bởi nhân vật chính Nguyệt Cô vốn là cáo tu luyện ngàn năm thành người, sau cuộc làm tình, bị “trai đẹp” Tiết Giao dụ cướp “ngọc người”. Mất ngọc, cáo hoàn kiếp cáo. Ai hiểu tuồng tích mới thấy lựa chọn chi tiết xây dựng tứ truyện đầy ý vị về Nguyễn Diêu, tác giả kịch Hát bội và thơ, có nhiều bài thơ cầu tiên khá lạ. v.v… Mỗi truyện ngắn là một dụng công lựa chọn tư liệu, tìm tòi cách tiếp cận và thể hiện nhân vật.
Bóng rồng là tập truyện đầu tay của nhà thơ Triều La Vỹ. Những truyện ngắn đã in các báo, tạp chí, chủ yếu trên các diễn đàn lớn: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội. Giải thưởng truyện ngắn VNQĐ (cuộc thi 2018-2019) như một sự ghi nhận xứng đáng tác giả, mảng đề tài này. Tôi tin, với cách xử lý tư liệu công phu, hướng tiếp cận thiên về con người và bút pháp linh hoạt, trữ tình, đậm đặc chất đời sống của mình, nhà văn Triều La Vỹ còn tiếp tục thành công. Đọc Triều La Vỹ để tin rằng, những người muôn năm cũ không cũ bao giờ.
Phú Hòa, 06.01.2021
LÊ HOÀI LƯƠNG
(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)