(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Nghiêm đứng chống hai tay lên lan can phà, nhìn những đám lục bình trôi lững lờ trên mặt nước lấp loáng ánh hoàng hôn, rít mấy hơi rồi quăng điếu thuốc xuống nước. Xe thanh long cuối cùng đã được giao xong, giờ về cho bò ăn nữa là vừa tối.
Phà cập bến, Nghiêm chạy xe lên ngang nhà chờ thì thấy một bóng áo trắng ngồi trên băng ghế gỗ, nhìn giống Thùy lắm. Tấp đại chiếc xe vô hàng rào xương rồng, Nghiêm lại gần hơn nhìn cho rõ thì đúng Thùy rồi.
– Dìa hồi nào đó bà?
– Hồi sáng, con tui đòi ra đây coi tàu. Ông đi đâu dìa đó?
– Chở thanh long qua kho bán, xong rồi.
Và cứ thế, cuộc nói chuyện kéo dài cho tới khi trời sụp tối. Nước lớn dâng lên, sóng vỗ vào kè đá nhè nhẹ dưới chân Thùy. Ghế chờ ở bến phà là hai cái bàn học sinh cũ của trường tiểu học bỏ đi. Thùy ngồi một đầu, Nghiêm ngồi ở tuốt đầu kia. Em bé ngồi trên bàn, ngay giữa hai người để tránh lời đàm tiếu của cô bác xóm giềng.
Thùy vẫn vậy, vẫn nhẹ nhàng, êm dịu trong lời nói cử chỉ. Nói chuyện với Nghiêm xưng tui gọi ông như khi còn đi học. Nét cười vẫn trong sáng như hồi mười sáu tuổi, lần đầu tiên Nghiêm thấy Thùy cười khi được hỏi có muốn quá giang không.
Mặt trời chìm hẳn xuống sau đám dừa nước bên kia sông, nước sông sẫm dần, xuồng ghe vẫn ngược xuôi tấp nập. Câu chuyện tới đoạn Thùy ly hôn và ông chồng đã “về bển” rồi thì dừng lại. Hai người không biết nói gì thêm nữa. Một khoảng lặng đủ lâu khiến cho cả hai bối rối. Nghiêm ra xe, rồ máy lên rồi vừa cài dây nón bảo hiểm vừa hỏi, mẹ con bà dìa hông tui chở cho. Thùy lắc đầu nhìn theo chiếc xe Wave cũ, tháo bửng, dính đầy bùn đất và sơn. Nghiêm chạy đi nhanh quá, Thùy chỉ kịp thấy tấm lưng trần đen bóng của một người từng đẹp trai nhất trường, làm xao xuyến bao nhiêu trái tim thiếu nữ một thời. Tâm trí Thùy bắt đầu trôi về mười lăm năm trước, bến phà này khi ấy chỉ có một chiếc đò ngang…
Hồi đó cả xóm đều nghèo, con cái đa số học hết cấp hai rồi nghỉ, chỉ có Thùy với Nghiêm là được học lớp mười. Nhà cách trường hai mươi cây số đường đá đỏ, hai đứa đi chung về chung. Rồi má Nghiêm gặp má Thùy nói chừng nào Thùy lớn cho tui “xin” nha, đừng gả chỗ khác. Má Thùy bảo con nhỏ còn đi học, nói mấy cái này sớm quá không nên. Về sau, hai bà mẹ không nhắc gì chuyện đó nữa.
***
Nghiêm bới tô cơm, để con khô sặt lên mặt, chan mấy muỗng canh rau rồi ra võng ngồi, vừa ăn vừa nói chuyện với bà má đang lựa hột gà. Má Nghiêm, ở xóm hay kêu là dì Sáu, là một bà má quê mùa, chồng chết khi còn trẻ, ở vậy nuôi hai anh em Nghiêm lớn. Giờ bà chỉ còn có một mình Nghiêm nên dồn hết tâm sức và hy vọng vào đứa con trai này. Hồi nhỏ Nghiêm đẹp trai, học giỏi, đang học năm nhất đại học thì anh trai Nghiêm bị tai nạn giao thông. Nghiêm bỏ học về ở với má tới tận bây giờ. Bà không than vãn hay phàn nàn gì, con muốn gì bà chiều nấy. Nuôi hai mươi lăm con bò, hai cái đầm tôm bên ruộng rẫy, trồng năm công thanh long và có một xe tải mua bán phân bò nhưng Nghiêm còn muốn gầy thêm bầy gà nòi để đá. Bà chiều hết. Chỉ có một chuyện làm cho bà khổ tâm là ba mươi tuổi rồi nó không chịu lấy vợ. Nhờ người mai mối giới thiệu thì nó nói đi coi mà không ưng mất duyên con gái người ta, biểu tự kiếm thì nó nói con mắc công chuyện bù đầu không có rảnh.
Bà chụm bàn tay đưa từng trứng vào ngọn đèn dầu để soi, trứng nào có trống để ấp, trứng không trống thì đem bán. Vừa soi, bà vừa nói với Nghiêm:
– Hồi chiều chú Út ghé nhà mình gửi thiệp đám cưới, tháng sau thằng Tửng cưới vợ rồi, riết cả xóm còn mình mày.
– Vàng đang lên, cưới vợ tốn bộn tiền đó má. Ví dầu nhà dột cột xiêu, muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.
Lần nào cũng vậy, má nhắc chuyện cưới vợ là Nghiêm bỏ đi tắm, đẩy xe đi cắt cỏ bò hoặc đánh trống lảng qua chuyện khác. Nghiêm biết mình đã quá tuổi mòn dép mòn giày đi theo tán tỉnh một cô nào đó. Trong xóm cũng không có cô nào khiến Nghiêm vừa mắt. Nghiêm không chịu đựng được mấy cô xài kem trộn khiến da mặt mỏng tang. Người lúc nào cũng trùm kín hai ống tay áo ủ kem, ủ cho da cánh tay thật trắng, trắng đến vô lý. Cũng như những cô da ngăm đen sơn móng tay xanh đỏ, làm việc nhiều tróc sơn nham nhở không đi dặm lại, nhìn vừa xấu vừa dơ. Chị em trong xóm người ta nói Nghiêm chưa vợ cũng phải, trắng thì thấy ghê, đen thì thấy dơ, biết sao cho vừa.
Nghiêm trầm ngâm một lát xong hỏi bâng quơ:
– Má hay gì chưa, con Thùy nhà ba Kỉnh.
– Ờ, nó dìa hổm rày, nghe bác Ba mày nói cho đất nó cất nhà.
– Chồng nó dìa bển rồi.
– Hèn chi, dậy mới về đây ở luôn. Hồi đó bác Ba mày gả Đài Loan mà nó không đi dìa bển, tưởng ở Sài Gòn được sung sướng, ai dè, tội nghiệp con nhỏ hôn.
– Phải chi hồi đó nó đừng lấy chồng Đài Loan, lấy con là được rồi ha má, chồng đâu vợ đó.
– Tướng nó mỏng manh dậy lấy mày rồi tưới năm công thanh long một ngày sao nổi.
Cũng đúng – Nghiêm nghĩ thầm – Cưới Thùy rồi Thùy làm các công việc của nhà này không nổi. Nhưng mà Thùy đâu cần làm gì, Nghiêm làm một mình được hết mà. Chỉ cần Thùy ở trong nhà, để khi khát nước có người tiếp cho ly nước mát, khi đói bụng ngồi vào bàn có một bữa cơm ngon hay đơn giản là để ngắm thôi, ngắm Thùy mặc sơ mi trắng quần đen, đi đôi xăng đan màu da bò, tóc kẹp sau ót thả dài tới ngang thắt lưng, dắt xe đạp đi ngang cửa rào nhà Nghiêm, dắt cả Nghiêm đi lui về mười hai năm trước.
Hai đứa ngồi trong quán sinh tố bà Năm. Căn nhà sàn sát bờ sông, gió thổi vào lồng lộng. Nghiêm cầm đàn ghi-ta, đang so dây. Thùy nhìn xa xăm ra mấy cái sà lan trôi lù lù trên sông. Nghiêm nhìn Thùy, rồi lại làm bộ chỉnh đàn, rồi lại nhìn Thùy. Hay ngày mai mình kiếm cơ hội nói phứt ra cho rồi, mai thầy cho uống bia, làm mấy ly rồi nói cho nó mạnh miệng. Nghĩ vậy rồi Nghiêm tự cười một mình. Và cũng như thường lệ, ăn hết hũ chuối chưng, Thùy đạp xe về trước, chờ mười phút sau Nghiêm mới bắt đầu về. Hai đứa không dám đi chung, sợ hàng xóm thấy lại đồn hai đứa quen nhau. Cứ như vậy cho đến lúc cả hai thi đại học, lên Sài Gòn, rồi mải miết đi theo những mục tiêu và những biến cố của đời mình đến tận hôm nay.
Nghiêm vừa ngừng xe trên bến phà thì thấy Thùy ngồi trong quán. Nghiêm cởi nón kéo ghế ngồi xuống.
– Bà đi đâu dìa đó?
– Đi xin việc.
– Xin làm công ty hả? Xin được chưa?
– Được rồi, làm kế toán, thư ký kiêm phiên dịch cho kho thanh long Đại Thành, chủ là người Trung Quốc.
– Làm nổi không bà, làm kho thức đêm dữ lắm.
– Lựa trái đóng thùng mới thức, làm giấy tờ thì làm ban ngày thôi.
Im lặng. Cả hai không biết nói gì cho phải, cho an toàn, để người này không chạm đến nỗi đau của người kia.
– Bà tính dìa ở luôn thiệt hả, không xin lên khu công nghiệp mà làm, có bảo hiểm, có máy lạnh.
– Ừa, ở luôn, ba má tui đang coi tuổi tui để cất nhà.
– Sao không ở chung mà cất nhà chi?
– Tui về là vì muốn gần cha mẹ, chứ không báo cha báo mẹ.
– Ông kia về nước với vợ ổng à?
Thùy không nói gì. Nghiêm cũng lặng thinh, sợ mình làm tổn thương bạn, cũng không quen nói mấy câu xin lỗi khách sáo nên nhìn sang chỗ khác. Thùy nói chậm rãi:
– Chồng tui chưa từng có vợ, ổng cưới tui, sống với nhau không hạnh phúc nên ra tòa ly hôn. Tài sản, nghĩa vụ đã phân chia rạch ròi thì mạnh ai nấy sống, chứ đâu phải về nước mới chia tay.
– Ủa vậy sao cả xóm nói bà lấy chồng Đài Loan?
– Thì lấy chồng Đài Loan thiệt mà – Thùy chống cằm nhìn Nghiêm cười như đã quen với chuyện đồn đại này rồi.
– Nếu bà buồn quá có thể kiếm tui nói chuyện, bà có thể nói bất cứ chuyện gì với tui như hồi xưa, tui thấy lo cho bà ghê.
– Có những chuyện nói không được, hoặc nói ra được nhưng không ai hiểu được.
Gió sông phả vào mặt Thùy từng đợt làm tóc mái bay bay, vẫn rẽ ngôi giữa, tóc đen và dày. Có điều bây giờ da Thùy trắng hơn, trắng từ mặt đến bàn tay, đến ngón chân, không còn cái nước da bánh ít của mười hai năm trước. Mắt Thùy vẫn to tròn, hai mí rõ ràng, nhưng không trong sáng như ngày xưa, nó có cái gì đó buồn phảng phất. Nhìn Thùy không có vẻ gì là nghèo khổ nhưng Nghiêm vẫn thương, như đã từng thương bé Thùy của mười hai năm trước. Thùy vẫn mong manh yếu đuối, sống ở thành phố chục năm sung sướng, nay lại về quê đi cái xe số cà tàng, dép da hàng chợ, trên người không có một phân vàng. Rõ ràng, trong lòng Nghiêm xác định muốn cưới Thùy, không phải vì đó là người mình đã thầm yêu từ hồi đi học, đến giờ vẫn còn yêu mà vì Nghiêm thực sự muốn che chở cho Thùy.
Gió mạnh dần lên và mang theo hơi nước, sắp mưa. Mùa này sáng nắng chiều mưa là chuyện bình thường. Cả hai xuống phà vội vã để sang bờ bên kia, về nhà kịp trước cơn mưa. Phà cập bến, xe vừa lên hết thì mưa sập xuống. Ai cũng nhanh chân chạy vào nhà chờ, mưa rơi lộp độp rồi rào rào trên mái thiếc. Gió tạt bốn bên, mọi người càng dồn ép vào trong, đẩy Nghiêm và Thùy gần lại, sát vào nhau. Thùy có phần bối rối. Nghiêm nghe tim mình không đập những nhịp đập thường ngày, nó đang thổn thức. Mùi mồ hôi người, quyện trong cái không khí ẩm ướt của cơn mưa và những giọt nước mưa chảy dài từ chỗ mấy sợi tóc mai bên thái dương xuống đôi má căng tròn của Thùy. Tất cả trộn lẫn vào nhau làm cho Nghiêm như chao đảo giữa hai chiều không gian, giữa ký ức và hiện tại. Thùy đứng đó, sát bên cạnh Nghiêm, sát đến độ bờ vai Nghiêm gần như che phủ hoàn toàn tấm thân nhỏ bé ấy. Thùy nhìn ra phía con đường mưa trắng xóa. Còn Nghiêm thì nhìn Thùy, có một ý nghĩ xẹt qua trong đầu Nghiêm. Hay là, mình đánh liều hôn Thùy một cái rồi mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Giữa cơn mưa chiều ướt sũng, ai cũng co ro nhưng Nghiêm thấy trái tim mình như hòn than đỏ rực, chỉ chực bùng cháy lên thiêu đốt mọi quy tắc, mọi ràng buộc hay định kiến. Cháy hết.
Mưa ngớt hạt, người giãn dần ra, trái tim kia cũng dịu lại. Nghiêm chờ Thùy lên xe, chạy đi một đoạn rồi mới chạy theo sau. Không nên đi chung, xóm giềng dị nghị.
***
Thùy đi làm được hơn một tháng. Sáng Thùy chở con đến nhà trẻ, rồi qua phà, chạy hai cây số là tới kho. Chiều về rước con, ung dung thong thả chứ không có vẻ bận rộn như những người mẹ có con nhỏ khác. Từ ngày Thùy đi làm, làng trên xóm dưới đồn đại đủ thứ. Nghiêm nghe bà hàng xóm nói với má mình: “Nó qua bển bẹo hình bẹo dạng với mấy thằng cha Trung Quốc để kiếm một ông chứ thiếu gì công ty sao không làm. Không phải một người, mà nhiều người nói vậy, con gái đã lấy chồng Đài Loan rồi thì buông ông này bắt ông khác chứ ở không lấy gì sống”.
Nghiêm chơi với Thùy từ nhỏ, học chung từ hồi mẫu giáo cho tới hết cấp ba, chừng ấy năm bên nhau đủ để Nghiêm biết rõ Thùy là người thế nào. Nhưng má đã già rồi, làm sao có sức chịu đựng được những lời xì xào bàn tán. Má sẽ bàn ra cho mà xem, má vẫn còn phiền lòng vì nhà bên đó gả con cho một ông Đài Loan khi má đã lên tiếng “xin” trước rồi. Có đôi lúc, Nghiêm muốn nói một lần nói thiệt với má là con muốn cưới vợ rồi, và sẽ cưới Thùy nhưng trăn trở, đắn đo không biết nên nói thế nào. Với Thùy cũng vậy, cứ mỗi lần thấy Thùy chạy xe xuống phà, hai chân rà dưới đất như sợ té là Nghiêm muốn dang tay ra đỡ. Mấy lần ngồi uống nước mía chờ phà, định mở lời rủ đi chơi tối một bữa để nói hết những gì mình muốn nói, để chính thức hẹn hò rồi còn làm đám cưới. Nhưng lúc thấy Thùy nhìn mình lấp lánh mặt cười, nói chuyện kêu ông xưng tui, Nghiêm như bị ném lùi lại quá khứ, trở thành Nghiêm năm mười tám tuổi, mang trái tim than hồng đỏ rực từ đó đến giờ chưa có dịp bùng lên.
Nghiêm cũng biết Thùy không thiếu thốn. Ăn mặc giản dị, đi xe cà tàng là để không quá nổi bật giữa đám đông. Dù đã cố giấu mình như vậy nhưng Thùy vẫn không tránh khỏi những lời đàm tiếu xung quanh. Thùy bảo với Nghiêm rằng vì ở Sài Gòn bây giờ đi đâu cũng thấy kỷ niệm, mà toàn những kỷ niệm đau thương nên Thùy muốn về quê. Nghiêm nghe tới đó chỉ muốn hỏi cưới Thùy ngay lập tức, không chờ đợi gì cả. Nghiêm sẽ cùng Thùy tạo ra những kỷ niệm vui theo nhau đến cuối cuộc đời. Nghĩ vậy nhưng Nghiêm biết không thể nào vội được, phải chờ cô ấy nguôi ngoai sau chuyện ly hôn.
Từ hồi Thùy về đây tới giờ đã hơn hai tháng, hai đứa chỉ gặp nhau được vài lần. Phần nhiều là gặp nhau ở bến phà, ngồi chờ phà mới có cớ để nói chuyện. Bởi vậy mỗi lần đi ngang bến phà Nghiêm hay nhìn xuống kiếm Thùy. Tối nay cũng vậy, như một thói quen, tới gần bến phà là Nghiêm hướng mắt về phía đó. Tìm kiếm vu vơ thế mà cũng gặp được Thùy.
– Thùy đi đâu về trễ vậy? – Nghiêm đã đổi cách xưng hô, không gọi Thùy là “bà” nữa.
– À, tui đi làm dìa, bể bánh xe dẫn bộ một khúc, mới gởi bên tiệm á, mai qua lấy.
– Cực khổ ghê nơi. Thùy lên đây chở về cho.
– Thôi, ông về trước đi, tui đi bộ, chở sợ người ta thấy.
– Sợ cái gì? Không lẽ mình phải sợ suốt đời – Nghiêm tắt máy xe, dắt xe đi bộ song song với Thùy.
Trăng mười sáu sáng vằng vặc trên bầu trời trong veo, gió ngoài sông thổi vào mát rượi, vừa đủ làm bay vạt áo của Thùy. Hai người đi trên đường, giữa những vạt cỏ tranh rung rinh như sóng. Bầu không khí lãng mạn này làm Nghiêm liên tưởng đến những cặp đôi ở Sài Gòn, chiều cuối tuần chở nhau đi dạo, rồi cãi nhau, nàng giận xuống xe đi bộ, chàng lững thững dắt xe đi theo vừa đi vừa năn nỉ.
– Ông về đi, dắt bộ theo tui là ngày mai người ta đồn tới huyện.
– Tới tỉnh luôn cũng được, người ta nói tầm bạ mà trúng tùm lum tà la.
– Tui không thích bị người ta để ý rồi thêm bớt chuyện này chuyện kia thành câu chuyện cười kể trong bàn nhậu, tui còn trẻ tui chịu được, nhưng tui thương ba má tui hơn.
– Người ta hay soi mói là tại Thùy còn trẻ, còn đẹp lại ở không, bây giờ Thùy cứ lấy chồng đi, ai dám nói gì nữa.
– Lấy chồng? Lấy ai?
– Thùy thích ở đây, thì cứ lấy chồng ở đây, kiếm anh nào ruộng đất kha khá một chút, mở một cái tiệm tạp hóa bán dầu ăn, nước mắm, nuôi một bầy gà sáng nó tự đi ăn, chiều tự vô chuồng ngủ, Thùy chỉ lượm trứng bán thôi. Thùy không phải đi làm bên kho nóng và bụi, không bị thằng cha Trung Quốc hoạnh họe khi không vừa ý nó, không bị bể bánh xe dắt bộ đổ mồ hôi.
– Tui cần cho bản thân mình thêm thời gian, tinh thần ổn định lại, bớt buồn rồi…
Mình hấp tấp quá – Nghiêm nghĩ thầm – lẽ ra phải chờ thêm nữa, chỉ cần cô ấy bớt buồn, vết thương lòng dần lành lại, mình hoàn toàn có thể sắp xếp cho cô ấy một cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc.
– …rồi về lại Sài Gòn – Thùy tiếp.
– Sao lại về Sài Gòn, đã coi tuổi để cất nhà rồi mà? – Nghiêm như bừng tỉnh sau cơn mê.
– Ừ, nhưng không cất nhà nữa. Tui phải về lại Sài Gòn, đứa con phải học trường quốc tế, học tiếng Hoa, ở đây không có trường để học. Sau ly hôn, mỗi người có một cuộc sống riêng nhưng đứa con vẫn là con chung.
– Rồi liệu Thùy có đủ sức không?
– Có chứ, mỗi tháng có tiền cấp dưỡng cho con từ ba nó và tui cũng có nhà cho thuê.
Như có ai đó vừa dội một xô nước lạnh vào trái tim nóng hổi của Nghiêm. Xèo. Tắt ngúm. Kinh tế người ta vững chắc như vậy, một đàn bò với mấy vạt thanh long thì thấm tháp gì.
– Vậy sao Thùy phải cực khổ nắng bụi đi làm thư ký phiên dịch cho cái kho thanh long đó làm gì?
– Để không quên tiếng Hoa, và đi làm để không có thời gian suy nghĩ tiêu cực. Về đây tui không tâm sự với ai được, trừ ông ra. Mẹ tui không hiểu được những gì tui đang trải qua. Ông cũng không hiểu nhưng ông lắng nghe và im lặng, không phán xét, đó là thứ tui cần, tui chỉ cần nói ra thôi, không cần lời khuyên.
– Vậy Thùy có thích nghe người khác nói không, ý tui là tui muốn nói với Thùy một chuyện.
– Chuyện gì?
– À, tui…
Thùy đứng dựa lưng vào cánh cổng nhà mình, nhìn Nghiêm lo lắng.
– Ông gặp chuyện gì hả, nói đi, biết đâu tui giúp được.
Nghiêm chạm khẽ mấy vào mấy đầu ngón tay Thùy. Bàn tay ấy không biết vô tình hay cố ý, rụt lại rất nhanh và thò vào bên trong song sắt để mở chốt cổng.
– Chó sủa quá, sợ ba má tui mất ngủ. Nếu không có gì gấp thì mai mốt nói sau nhen.
Thùy lách mình qua cánh cổng rồi đi vào nhà, Nghiêm nhìn theo bóng Thùy tưởng chừng như buổi chia tay hôm nay là mãi mãi, trăm năm sau chưa chắc gì gặp lại. Nghiêm lặng lẽ dắt xe đi, quên mất là mình phải lên xe, mở máy chạy về. Bốn bề vắng tanh, bóng Nghiêm đổ dài, in rõ trên đường. Cả không gian như một khoảng lặng khổng lồ, đặc quánh ánh trăng. Trăng đẹp và lạnh, nó chỉ lãng mạn chứ không ấm áp như mặt trời để một hạt giống có thể nảy mầm.
VĨ NGUYÊN