(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Chiều đông. Từng cơn gió thổi qua rừng dương tạo tiếng hú buồn mênh mông. Biển ầm ì như tiếng thở dài ai oán. Biển vắng thuyền buồn bã, cô đơn. Mặt biển tím thẫm. Từng con sóng xô vào bờ, xõa trắng bờ cát như tô đường viền ranh giới không xóa nhòa. Trời lạnh cắt da, cắt thịt. Trên bãi cát một người mân mê từng hạt cát như mân mê viên ngọc quý.
Con người ngồi thừ ra đấy, nhìn chằm chằm theo từng con sóng ấy là Trần Dương Hoài Thương. Anh sinh ra vào mùa biển động. Năm ấy, cha anh cùng mười ngư dân ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Cuối đông, trời còn bão tố. Bão cuốn phăng những ngư dân tài ba, đem vùi vào lòng biển cả. Những người vợ mỏi mòn ra biển ngóng trông như hóa đá vọng phu. Xóm biển chìm trong tiếng nức nở nghẹn ngào. Người mẹ trẻ ru anh một thời gian dài bằng tình yêu, nước mắt. Ngày đầy tháng, mẹ đặt tên anh là Hoài Thương để gửi nỗi lòng vào cuộc tình tuyệt vọng, thủy chung.
Ở xóm biển, người ta nhắc tới anh nhiều hơn nhắc tên con mình. Mười tám tuổi đầu, ngoài những ngày lênh đênh trên biển, về nhà không có chuyện gì anh chê. Sáng hì hục chẻ củi, chui vô bếp nấu cơm. Chiều giặt giũ quần áo không để mẹ phải giặt. Hàng xóm nhờ gì anh cũng giúp. Siêng năng, hiếu thảo thấy mà thương. Hổng thương sao được, làm gì mệt anh cũng cười vui chứ có nhăn nhó, giận hờn ai bao giờ.
Người ta bảo, mẹ anh bất hạnh bởi gãy gánh giữa đường. Ông trời có mắt, bù lại có thằng con giỏi giang, hiếu thảo. Bà không phiền muộn vì con nên gần năm mươi tuổi mà trông còn trẻ lắm. Nhiều đàn ông trung niên, nhìn bà chép miệng, nuốt nước miếng ừng ực. Thèm như mèo thèm mỡ. Trái tim bà đã dành hết cho con. Bà sợ cảnh con anh, con tôi, con chúng mình không nhường nhịn cứ gây lộn nên bà ở vậy mà không đi bước nữa.
Anh nghe kể lại, lúc anh còn chập chững, ngày ngày mẹ cột sợi dây võng dài, vừa đưa anh vừa đan lưới. Từng mắt lưới như thắt chặt lời ru của mẹ: “Chớ ầu ơ… gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm…”. Và, anh đã lớn lên theo lời ru ấy. Lời ru thấm đẫm tình quê nên anh yêu hết thảy từng con người, từng hạt cát xóm biển này. Xóm biển biết bao thương nhớ. Những hàng dừa nghiêng mình reo trong gió. Những ngư dân lực lưỡng, chiều về, thuyền đầy ắp cá, tôm.
Thấy anh thương hết thảy mọi người mẹ mừng mà chẳng thấy anh yêu ai nên nóng ruột, nóng gan. Mẹ bảo, kiếm đám nào vừa ý để mẹ lo hỏi cưới đặng có cháu nội cho mẹ bồng. Mỗi lần như thế, anh cười xởi lởi: “Từ từ mà, con của mẹ có ế đâu mà lo”. Người mẹ mắng yêu: “Cha mầy, lồng ngồng rồi chứ nhỏ nhoi gì nữa!”.
Anh soi gương thấy mình lớn thật rồi. Lênh đênh trên biển hoài có quan tâm đến gương lược đâu. Rửa mặt xong, lấy tay vuốt vuốt mái tóc cho khỏi bờm xờm là được rồi. Nhận ra mình đã lớn, anh đến bên mẹ ấp úng. Mẹ đỡ lời: “Thương nhỏ nào hổng dám nói phải không?”. Anh giãy nảy như đỉa phải vôi: “Đâu có, mẹ cho con…”, anh ngập ngừng chưa dám nói, lòng mẹ như lửa đốt, sốt ruột. “Cho con giống gì khó nói lắm hả con?”. “Dạ, mẹ cho con đi bộ đội, về con sẽ cho mẹ cháu nội để bồng”. Người mẹ chưng hửng. Ngẩn ngơ. Từ khóe mắt những giọt nước yêu thương lấp lánh tràn mi.
Ngày vào bội đội, dân cả xóm biển tiễn anh lên đường nhập ngũ. Người ta tiễn anh đông hơn tiễn chủ tịch tỉnh về xóm biển thăm dân. Anh vào bộ đội, mừng hơn được đi du học. Mừng thì mừng, ai đời lúc nào cũng nhớ mẹ. Nhớ đến độ mắt cứ đỏ hoe. Anh em hỏi, sao mắt Thương đỏ vậy? Đâu có. Có mà, còn chảy nước mắt kìa. À, tại bụi đó. Ai tin, nhớ người yêu hả? Chẳng lẽ nói nhớ mẹ, mắc cỡ chết. Thương đành ừ đại. Thế là anh em hát trêu: “Ngàn năm thương hoài một bóng hình thôi/ Lòng đã yêu rồi mộng khó nhạt phai…”.
Được trở thành người lính, anh thấy mình trưởng thành hơn nhiều. Bản tính chịu thương, chịu khó nên anh dễ dàng thích nghi với kỷ cương quân đội. Anh siêng năng nên được về phép sớm. Về với mẹ anh mừng rơn, sà vào lòng, thấy bình yên và ngập tràn tình mẫu tử. Mân mê cánh tay anh, da thịt săn chắc dù sạm đen. Mẹ mừng, hỏi, ở quân ngũ khổ lắm không con? Làm gì khổ hở mẹ. Ngày xưa khi còn chiến tranh, người lính ở chiến trường mới khổ. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như tơ nhện. Đói khổ luôn rình rập. Nhiều khi hết gạo, thiếu muối phải ăn củ chuối rừng để chiến đấu. Ăn củ chuối mà thiếu muối nhạt quá, kiếm ớt thay vào. Cái cay thay cái mặn dễ ăn hơn, ai ngờ táo bón. Nhiều khi mót quá cũng cố nhịn vì sợ. Sợ mất thời gian và sợ đau… Kể chuyện gian khổ thì đến nghìn lẻ một đêm cũng chưa xong. Làm lính Cụ Hồ ngày nay đâu có gian nan như thời chiến tranh phải không mẹ. Mẹ cười và vuốt đầu anh, nhắc chi cái thời khổ cực, khốc liệt. Hãy để đau thương của chiến tranh lùi vào dĩ vãng con ạ.
Thời gian trôi nhanh nhiều khi con người quên đi. Hai năm trong quân ngũ, nhìn lại tưởng hôm qua. Thương xuất ngũ mà lòng buồn rười rượi. Cuộc chia tay nào không buồn, không nhớ! Anh bước chân trên con đường làng cát lún mà tim bồng bềnh nhớ thương màu áo lính. Anh về, bọn trẻ chạy ra đầu làng reo, anh Thương kìa, anh Thương đã về!… Chúng reo mừng hơn mừng xóm biển này được mùa tôm, cá.
Bước chân vào nhà, chẳng thấy mẹ đâu. Nhìn chiếc võng lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của mẹ ngày xưa. Buồn lắm, da diết lắm. Càng nhớ anh càng thương mẹ. Bỗng từ dưới bếp, cô Hoài bước lên. Hai người nhìn nhau, mặt ai cũng ửng đỏ.
– Hoài đến nấu cơm cho mẹ à?
– Đâu có!
– Không có, sao dưới bếp lên?
– Thì sang thăm anh, mai Hoài vào thành phố Quy Nhơn, may ở xí nghiệp rồi.
Nhìn sâu vào mắt Hoài, Thương thấy lấp lánh giọt nước trong ngần. Giọt nước nghĩa nặng tình thâm. Thấy Thương im lặng, Hoài đành mở lời:
– Anh đi biển nữa không? Nghề biển, trên sóng dưới gió, khổ quá phải không anh?
Chạm lòng tự ái, Thương nhìn vào xa xăm mà không nhìn Hoài:
– Cảm ơn Hoài đã lo cho tôi. Dân xóm biển mà không đi biển là hổ thẹn. Dù có cực nhọc nhưng đó là nghề ông cha mình để lại. Từng con sóng đã vỗ cùng nhịp đập tim tôi. Đi biển với tôi chẳng những là nghề mà đó còn là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc ta.
Thương mặc Hoài đứng tần ngần, anh đi về phía biển. Hoài lẽo đẽo theo sau. Hai bóng người bước đi trên cát. Cát mát rượi bàn chân. Chân trời phía Tây màu tím thẫm đang từ từ buông xuống. Nền trời pha sắc vàng lộng lẫy. Gió lùa vào mái tóc dài óng ả của Hoài bay sang Thương. Thương đi chậm lại để gỡ suối tóc ấy. Chỉ chờ có thế Hoài ôm chặt anh như sợ không bao giờ còn được ôm anh nữa. Hai tay Thương buông thõng hững hờ mà trái tim thì đập loạn xạ.
– Em xin lỗi anh. Em chỉ lo cho anh nên nói vậy chứ đâu có ý xấu gì.
Thương vẫn im lặng. Gió vẫn rì rào. Hai người vẫn bước đi như hình với bóng, không ai nói lời nào. Con đường phía trước tối dần. Thương đứng khựng lại. Hoài liền ngồi bệt xuống cát, ôi, em mỏi chân quá. Thương lừng khừng rồi như cái máy ngồi xuống theo.
Mặt trời chín màu vàng sẫm quả cam chui tọt xuống biển. Hoài nắm lấy tay Thương, mạnh dạn bắt chuyện:
– Đi bộ đội có vui không anh?
– Có.
– Anh bắn giỏi lắm nhỉ?
– Giỏi.
– Chắc nhiều cô yêu anh bộ đội chăm chỉ, giỏi giang lắm nè!
– Không có.
Thương ít lời quá khiến Hoài lúng túng, không biết hỏi gì thêm. Ngày mai Hoài mới lên may ở thành phố mà Hoài đã nghe dặn đủ điều. Nào bọn con trai ở thành phố hễ thấy gái thì huyên thuyên như chim sáo. Nên chớ có nghe những lời đường mật, có cánh mà mang họa vào thân. Còn anh Thương sao kiệm lời với mình quá vậy cà! Đã đành con trai xứ biển ít nói nhưng lòng dạ thì mênh mông, dạt dào như sóng biển. Im lặng mãi, tiếng sóng reo cũng buồn não nùng lắm. Hoài đành mở lời, “Thôi mình về đi anh, kẻo mẹ trông”.
Hai con người lại bước đi, Hoài vấp dây muống biển, ngã sõng soài. Thương liền đỡ Hoài đứng lên. Hoài được nằm trên cát nghe mát dịu, êm ái làm sao. Hoài nghe máu chạy râm ran. Thương nhấc lên không được, mất đà ngã chúi trên người Hoài. Hai người nằm chỏng queo, nghe nóng ran dòng máu. Cả hai lần đầu chạm vào nhau liền mềm ra như mít ướt sút cùi. Tim đập mạnh như văng ra khỏi lồng ngực. Hoài rên khe khẽ. Cảm giác xốn xang mà dễ chịu làm sao. Trên trời, tiếng chim ăn đêm kêu tha thiết lắm. Mặc. Xa xa, tiếng tiếng sóng reo khúc tình ca muôn đời của biển cả. Mặc, họ có nghe thấy gì nữa đâu…
* * *
Bây giờ cuối đông, gió Nồm non xập xòe trên biển, những con sóng lăn tăn reo khe khẽ vỗ vào thân tàu. Thương lại tiếp tục những chuyến dài ngày với biển. Hai năm rồi nhưng anh còn thuộc làu từng hòn đảo nhỏ của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mùa xuân và hạ, trời êm biển lặng tàu anh đến Trường Sa. Giờ đây, với anh con tàu là nhà, biển cả là quê hương và anh em là các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
Từng lá bàng vuông reo trong gió ở Trường Sa đã theo vào giấc mơ của anh. Trong cơn mộng mị không đầu không cuối vẫn luôn hiện hữu hình ảnh người chiến sĩ Trường Sa. Đánh được cá, ban đêm anh mang thêm can rượu lên đảo. Dù ở đảo Trường Sa Lớn hay đảo Song Tử Tây đều được các chiến sĩ ở đây đón anh như đón người thân. Giữa đại dương mênh mông, tiếng đàn ghi ta hòa cùng lời ca, cùng sóng vỗ dưới ánh sao trời niềm vui chảy tràn lai láng.
Chiều nay, trời đổ mưa dông bất chợt. Đảo Trường Sa Lớn mù mịt trong mưa. Gió mỗi lúc một mạnh. Dông, bão bất ngờ là điều bất hạnh muôn đời của ngư dân. Con tàu chòng chành. Anh vẫn cầm chắc tay lái. Từng đợt sóng muốn nhấn chìm con tàu. Anh hạ ga rồi tăng tốc. Cứ thế, anh điêu luyện như diễn viên xiếc trình diễn trên sân khấu.
Bất ngờ những đợt sóng lớn liên tiếp như muốn nuốt chửng con tàu. Sóng lớn quá đã quật đổ đống dây neo trên thuyền. Dù các thuyền viên nhanh tay cũng không kịp. Dây neo quấn vào chân vịt tàu như quấn chặt từng con người ném về biển cả. Tàu đứng máy. Số phận con tàu và con người như ngàn cân treo sợi tóc. Mọi người còn lúng ta, lúng túng. Anh trao tay lái cho thuyền phó. Sự dũng cảm của người lính giúp anh nhanh nhẹn và bình tĩnh xử lý tình huống. Anh nắm dây và cầm con dao lao xuống nước. Khó khăn lắm anh mới cắt hết dây neo đã quấn vào chân vịt tàu. Anh chuẩn bị trồi lên, đúng thời khắc không bám víu vào gì, một đợt sóng đánh ập anh vào chân vịt tàu. Mọi người kéo lên, cánh quạt chặt vào giữa người anh, máu ra lênh láng.
Anh được đưa vào đảo Trường Sa Lớn. Những giọt máu hiếm hoi đã được các chiến sĩ truyền cho anh cùng niềm tin sự sống. Sau những ngày yêu thương, chăm sóc của các chiến sĩ, anh đã hồi phục sức khỏe nhưng công cụ giống đực của anh không còn nữa.
Anh cảm nhận nỗi đau thân xác thì ít mà xót xa cho tình thương yêu của mẹ rất nhiều. Anh nằm, nhìn lên trần nhà, thấy hai con thằn lằn tặc lưỡi, giao hoan. Anh nghĩ và thương mẹ mình da diết. Ước mơ có cháu nội của mẹ sẽ không bao giờ có được.
Ngoài trời, gió vẫn từng cơn thổi qua cửa sổ.
* * *
Ở xí nghiệp may Hoài cứ cặm cụi may, lầm lũi làm việc. “Hoài dạo này ít nói hẳn nhen. Trước đây vui vẻ, nói cười. Độ này cứ im thin thít. Lặng câm như hến. Sao vậy Hoài?”. Hoài nhếch môi mà không bung nổi nụ cười. Hoài thấy mình không nên nói. Nói câu nào cũng sợ chạm, sợ bục vỡ điều giấu kín thì nói làm gì. Hoài cũng không muốn cười nữa. Cười gì nổi khi nỗi buồn ngày càng hiện hữu. Cười mà cứ thấy vô duyên thì cười mà chi!
Hoài cứ nghe buồn nôn. Nghe mùi tanh là nôn thốc nôn tháo. Những lời độc địa bay vào tai Hoài.
– Con Hoài có thai bay ơi!
– Con Hoài không đi ra khỏi xí nghiệp nửa mét mà làm sao có thai. Nó ấp đất mà có à?
– Lụt lịt là chín là mười… đó nhen!
Những lời độc địa cứ quất vào tai Hoài như cơn bão lạc mùa đổ ập lên ngư dân xóm biển của Hoài. Dân biển nghe bão là lo sợ, ghét khủng khiếp rồi. Bão lạc mùa còn tàn khốc và hậu quả không lường vì ai đời trời êm biển lặng lại thình lình nổi cơn bão tố. Thuyền giữa biển khơi biết đi đâu, về đâu?
Hoài nghĩ có nên nói cho anh Thương biết không ta? Nói ra chắc gì anh đã tin chứ? Không nói, chẳng lẽ con mình sinh ra không có cha? Không, mọi đứa trẻ trên đời này đều phải được có cha, có mẹ! Người lớn đừng vì sĩ diện ảo, đừng vì cái tôi quá lớn mà để những đứa trẻ vừa lọt lòng đã phải nhận lấy những khổ đau. Phải về thôi. Về để nghe sóng biển vỗ về an ủi khi lòng mang nỗi xót xa.
Thu xếp hành trang, Hoài lên tàu về quê. Bước trên con đường quê mà lòng phập phồng, thấp thỏm. Nghe con quẫy đạp. Hoài nhìn xuống bụng mình, lại nhìn về phía biển cả. Bên tai Hoài tiếng sóng vang vọng bản tình ca muôn đời của đại dương nhưng nghe sao mà buồn buồn, nỗi buồn không hiểu từ đâu!
Xóm biển này, chuyện bé thường xé ra to. Hoài nghe tim mình đập thình thịch. Lòng nóng ran như lửa đốt. Hoài liền chạy về nhà Thương. Lòng thầm cầu mong Thương có ở nhà. Cầu được ước thấy. Nhìn Hoài xanh xao, da tái mét. Thương vô tư, mở lời: “Ở thành phố, coi bộ đói lắm hả em?”. Hoài quay lưng, vù chạy. Chạy như người ta chạy trốn nợ.
Dân xóm biển này bàn tán xôn xao. Đêm đêm, Hoài chỉ biết lấy nước mắt an ủi cõi lòng. Lòng Hoài lửa đốt tim gan. Mong thời gian trôi nhanh đến ngày khai hoa nở nhụy. Người ta có thai thường mừng rỡ. Bây giờ, chuyện hiếm muộn con cái tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Hoài có buồn, có lo… nhưng nghĩ đến con của mình, mọi lo âu tan biến. Hoài nghĩ việc gì đến nó sẽ đến. Phải sống tất cả vì con! Bao giờ tình mẹ cũng mênh mông như biển Đông!
Bây giờ đi đâu cũng nghe xầm xì, to nhỏ, “Tội nghiệp, Thương không ăn ốc mà bị đổ vỏ”, “Thương chai ngắt với những dâng trào yêu thương, làm gì có chuyện có con ta?”… Cứ thế những câu chuyện tình gay cấn không hồi kết, những lời mắm muối, độc địa… dệt nên chuyện tình lâm ly, bi đát. Người ta lại đồn ầm lên chuyện mẹ của Thương vui cười, nét mặt rạng rỡ. Có người hỏi sao lại vui, phải buồn chứ ta? Bà không nói ra. Nói để làm gì chứ. Bà cứ im lặng, cười tủm tỉm một mình. Từ tâm thức, bà luôn tin rằng thai nhi trong bụng của Hoài là giọt máu của dòng tộc nhà mình.
Ngày Hoài sinh con, cả xóm một phen rôm rả. Chỉ rôm rả rồi lịm tắt khi thấy mặt thằng bé. Nó giống cha như đúc. Nhìn Hoài chảy tràn niềm vui lên khóe mắt. Thương thầm cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn mẹ và vợ con…
Chiều cuối đông. Từng cơn gió thổi qua rừng dương tạo tiếng hú nhưng không buồn mênh mông. Biển ầm ì như đẩy tiếng thở dài ra thật xa, xa lắc lơ. Thương nghe vui tai đến lạ.
Ngoài kia, hoàng hôn màu đỏ tía. Gió vẫn từng cơn thổi qua cửa sổ. Gió sưởi ấm xóm đảo này.
MAI DUY QUÝ