Về bức tranh được cho là cảnh Phật hoàng đến Chiêm Thành

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Tại Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc đang lưu trữ bản gốc bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”. Tranh miêu tả cảnh Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông xuống núi, được người đời sau cho là cảnh vân du Chiêm Thành.

“Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” là một thủ quyển nghĩa là cuộn tranh thư pháp, có độ dài đến gần 10m, cuộn lại có thể cầm được trên tay, thường được đặt lên bàn mở ra để thưởng làm. Tranh vẽ trên gấm có hoa văn cao 28,7 cm, ngang 20 cm. Thanh cài đầu cuộn tranh làm bằng chất liệu ngọc. Phần bồi nền tranh bằng lụa vàng. Riêng phần tranh vẽ rộng hơn 3m còn lại là phần thư pháp. Trên tranh có ấn triện của những người đã từng sở hữu bức tranh là các nhà sưu tập Mẫn Khoáng Trai, Hạng Nguyên Biện đời Minh, vua Càn Long, vua Gia Khánh và vua Phổ Nghi nhà Thanh.

Nội dung bức tranh miêu tả chuyện lịch sử Trúc Lâm Đại sĩ xuất du có tùng cúc đan xen, có cầu khe nước chảy. Đại sĩ ngồi kiệu, voi trắng chở kinh đi sau, thần dân cung kính hai bên đường. Học giả Điền Lực người Trung Quốc nhận định: “Sau khi gửi lại thâm tình vào thiên nhiên sông núi, dạo chơi cùng khắp danh sơn, tiên cảnh trong nước, những nơi ngài đến đều lưu lại nét bút, dấu xe. Khi ấy, có đạo sĩ Lâm Thời Vũ cùng đại sĩ du hành bốn phương. Một lần họ viễn du đến nước Chiêm Thành, bèn vào trong thành dùng bữa. Quốc vương nước đó biết được, liền ra khỏi cung, nghênh tiếp từ xa, đón mời nhiệt tình với đội ngũ nghi trượng tổ chức rầm rộ, đích thân đón đưa ngài trở về. Về nước, chẳng bao lâu sau, ngài từ trần”.

Học giả Trung Quốc Trần Quang Chỉ cũng cho rằng: “Thuở ấy có đạo sĩ Trung Quốc là Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại sĩ thăm thú các nơi, có lúc viễn du, giáo hóa, tế độ cả các nước láng giềng”. Theo sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn thì ngài thường xuất du các danh sơn, thắng cảnh trong nước, đến tận Chiêm Thành rồi trở về. Việc ngài qua Chiêm Thành bên cạnh mục đích giáo hóa dân chúng, khuyên bỏ dẹp đi những miếu thờ thần không chính đáng, dạy dân hành thiện thì còn có mục đích là xây dựng mối quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng đủ sức chống đỡ với âm mưu xâm lược của phương Bắc. Và để thể hiện sự hòa hiếu đó, ngài đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành.

Sử sách có ghi lại sự kiện tháng 3 năm Tân Sửu 1301, Thượng hoàng đi xuống phía Nam và ở tại am Tri Kiến của Trại Bố Chính. Đây là ngôi chùa đầu tiên được biết đến của vùng Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính mà Lý Thánh Tông đã sáp nhập vào bản đồ Đại Việt từ năm 1069 và nay là địa phận tỉnh Quảng Bình và hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Rồi từ trại Bố Chính, Thượng hoàng đã đi sang Chiêm Thành.

Về sự kiện này, học giả Trung Quốc Trần Chí Chính viết trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ như một cuộc vân du của một nhà truyền giáo đã được vua Chiêm đón tiếp trọng thị. Trần Chí Chính viết: “Có lúc ngài viễn du hóa độ các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là Thần Châu và Hóa Châu nay vậy”.

Trên bức họa, Trúc Lâm Đại sĩ ngồi kiệu. Người đi cùng đều mặc áo thô, vải bố. Voi trắng chở kinh đi sau cùng. Người cưỡi con trâu đi trước voi chính là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Đây là câu chuyện được truyền bá rộng rãi ở nước An Nam vào thời Nguyên. Tác giả mượn chuyện kể để khuyên dạy mọi người thoát tục, theo đường thiện, tán tụng hành vi và chính quả của Trúc Lâm đại sĩ, kế thừa Thích Ca Mâu Ni là việc hiếm có trên đời.

Hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bức tranh. Ảnh nguồn: Wikipedia

Các nhân vật được vẽ bằng bút pháp vẽ chi tiết, ảnh hưởng nhiều của hội họa Nam Tống, với đường nét thanh mảnh nhưng cứng cáp, có nội lực, thể hiện tình cảm sâu lắng. Mỗi nhân vật đều có thần thái đủ đầy, đạt mức tinh diệu, sâu sắc trong phép tả chân. Dùng mực vẽ sắc màu của đá nhưng ít dùng kỹ thuật vẽ hốc đá, mực nhạt và mực đậm sử dụng xen nhau. Học giả Từ Anh Chương người Trung Quốc nhận định: “Mũ áo và xe kiệu của các nhân vật trong tranh đều mang phong tục của người nước An Nam thời xưa. Bức hoạ phản ánh sự tương dung của tác giả đối với Phật giáo và Đạo giáo”.

Căn cứ vào các bài tán trên tranh, nhiều học giả đoán định rằng bức tranh đã được hoàn thành vào cuối thời Nguyên hoặc giả chậm nhất là đầu đời Minh. Bức tranh được cho là do họa sư Trần Giám Như đời Nguyên sáng tác, lấy Phật hoàng Trần Nhân Tông làm nhân vật trung tâm. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 14, một nhóm người Nam Giao đã tổ chức vẽ lại sự kiện trọng đại liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhóm người này kể lại sự kiện gần 60 năm trước đây, Đại sĩ xuống núi cho họa sư Trần Giám Như chấp bút vẽ lại theo tưởng tượng, hoàn thành vào mùa xuân năm 1363 như lạc khoản đã ghi. Bức tranh thể hiện một tâm thái an nhiên, bất cầu danh lợi, gợi lên thông điệp hòa bình, nhân ái.

Tuy nhiên, theo giám định của Bảo tàng Lưu Ninh, Trung Quốc nơi sở hữu bức tranh thì tác giả của nó không phải là Trần Giám Như. Và căn cứ vào những lời bình chú thì rất có thể bức tranh được một nhóm tác giả người Việt thực hiện. Chính Phổ Hiệp, một thiền sư Trung Hoa trong bài thơ viết thêm vào bức tranh đã khẳng định: “Bang nhân hâm diễm/ Tác vi thị đồ/ Lặc vu kim thạch/ Chung cổ phất du” (Dân trong nước hâm mộ/ Vẽ nên tranh này/ Khắc lên đồng đá/ Muôn đời chẳng thay). Năm 2016, Giáo sư Phan Huy Lê đưa ra nhận định, bức tranh được vẽ ở Việt Nam và do các họa sĩ Việt Nam vẽ.

Sở dĩ có thể nói đây là bức tranh do nhóm tác giả người nước Nam vẽ nên đã khắc họa một sự kiện lịch sử với niềm tự hào quốc nội, quốc thổ, quốc tộc được bảo vệ vẹn toàn nhờ bậc đại sĩ nhân từ mà tài trí quả cảm như đã thể hiện trong tranh. Trong bức tranh, tác giả đã đưa người – cảnh và tình hài hòa dung hợp thành nhất thể với đặc điểm là vẽ nhân vật rất chân thực sinh động. Có đến 82 người xuất hiện trong tranh với thần thái mỗi người mỗi khác. Động tác và thần thái từng nhân vật được khắc họa vô cùng tinh tế. Bậc đạo nhân cung kính, biểu lộ thành ý. Người nghênh tiếp thì mừng vui, hoan hỷ. Trong cảnh có tình, trong tình liền cảnh, vô cùng sinh động. Tác giả đã hao tốn nhiều sức lực để biểu đạt mỹ cảm độc đáo của cảnh vật tự nhiên làm cho bức tranh thêm thanh tú, tao nhã. Có suối nhỏ tuôn róc rách, bên suối, có trúc biếc và rặng liễu già. Những mầm non mới nhú lên dưới gió xuân thổi nhẹ. Tất cả cùng hô ứng với đội ngũ nghi trượng nghênh tiếp Phật hoàng phía trước. Bức tranh làm cho người xem thấy lòng mình khoáng đạt tinh thần thoải mái có được cảm giác tiêu giao ngoài thế tục.

Người đời sau viết các bài bình tán thêm vào nên đã hình thành một chỉnh thể tác phẩm thư họa mỹ thuật. Lời mở đầu cuộn thư họa là nhan đề “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ” do nhà thư pháp Trần Đăng (1362 – 1424) viết theo thể chữ triện, mạnh mẽ cứng cáp nhưng không kém phần sinh động đóng kèm dấu triện của Trần Đăng. Bài đề dẫn trong tranh là của Trần Quang Chỉ một người nước Nam, học đạo Phật ở sông Lô viết ngày Nguyên Tiêu năm Canh Tý niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18 tức năm 1420.

Người tiếp theo viết bài ký vào tranh năm 1420 là Hàn Lâm viện Tu soạn Dư Đỉnh. Cũng năm này, Phụng huấn đại phu Tăng Khải (1372-1432 ) viết thêm bài tán vào tranh. Nối thêm vào đó còn có bài thơ thất ngôn lục thi của Lâm Phục được cho là viết thêm vào trong khoảng những năm từ 1420 đến 1423. Tranh còn có bài tán của Phổ Hiệp thiền sư (1346 – 1426) viết vào năm Vĩnh Lạc thứ 21 tức năm 1423. Cũng trong năm 1423, thiền sư Đức Thủy viết bài tán của mình lên tranh.

Những người đề dẫn, tán thán lên bức tranh có thể là nho sinh, cao tăng hay đạo sĩ và ít nhiều đều biết đến nhau. Đáng chú ý có Thích Đức Thủy là một cao tăng Nhật Bản sống ở Hoa Hạ, khiến cho tầm vóc và giá trị của bức tranh vượt ra ngoài quan hệ song phương Việt – Trung, vươn tầm quốc tế. Họ đều là những gương mặt tiêu biểu cho nền học thuật và tôn giáo phương Đông. Các bài tán ký, bình luận hay thơ của họ đều góp thêm cái nhìn đa chiều về Trúc Lâm Đại sĩ. Tất cả khiến cho hình ảnh Trúc Lâm Đại sĩ gần hơn với người Trung Hoa và khiến cho khả năng tiếp nhận giá trị nghệ thuật của bức tranh dễ dàng hơn. Người xem cũng sẽ thông hiểu hơn về Đệ nhất tổ Trúc Lâm, một vị vua anh minh và một nhân cách Đại Việt cao quý.

Trong số 82 nhân vật, có 61 người ở bên phải thuộc nhóm người trong đoàn đón tiếp và các tùy tùng hộ giá. 21 người còn lại thuộc đoàn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Đoàn này lại chia làm hai nhóm: Nhóm rước kiệu tất cả đều đi chân đất và nhóm vua quan gồm 05 quan văn, 02 quan võ đứng trước vua. Bức tranh mô tả không gian cỏ cây, sông núi, đặc biệt có hàng tùng cổ thụ ven đường, mây và núi tạo hiệu ứng thị giác. Những người khiêng cáng có thể là cư dân địa phương với diện mạo sinh động, vui tươi, áo bô đi chân đất vì ngưỡng mộ đạo hạnh của Đại sĩ mà tình nguyện gánh vác đưa ngài xuất sơn truyền tâm giới Bồ Tát.

Tượng Phật hoàng trong tháp Huệ Quang tại Yên Tử có nếp áo Phật giáo Tiểu Thừa như một nhân vật trong tranh. Ảnh: TL

Từ núi đi ra có 21 người gồm Thượng hoàng Trần Nhân Tông, đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cùng với đó có 05 tăng nhân ngoại quốc rất có thể là người Ấn Độ tay cầm tích trượng, bình bát, kinh quyển. Cả 08 đệ tử của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và 06 người khiêng kiệu đều có mày dài, râu, tai to, tay lần tràng hạt. Trong số các tăng sĩ được vẽ trong tranh, có một vị khoác áo tăng hở vai phải, gợi nhớ đến pho tượng Phật hoàng trong tháp Huệ Quang tại Yên Tử. Sự xuất hiện của nếp áo Tiểu Thừa này mang nhiều giá trị biểu trưng cần tiếp tục được tìm hiểu thêm.

Bức tranh tạo hình nhân vật Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm nhân từ, bao dung, an nhiên tự tại. Ẩn sau con người rất đỗi bình thường ấy là những chiến tích đại phá Nguyên Mông lừng lẫy, bảo toàn cương thổ, bảo vệ chúng dân Đại Việt. Hình ảnh Trúc Lâm Đại sĩ toát lên cốt cách của con người Nam Giao.

Ở Trung Quốc, tác phẩm đã được phục chế, in trên giấy dưới dạng ảnh, khắc trên nghiên mực, in lên sành sứ. Tại Việt Nam, tác phẩm mỹ thuật này được nhân bản và chuyển thể sang nhiều chất liệu khác nhau như: Tranh khảm xà cừ, tranh sơn mài, tranh màu trên kính chịu lực, tranh khảm trai, khắc lên đồng lên đá, bình gỗ khảm trai, in trên giấy, cẩn xà cừ lên gỗ. Đặc biệt, tại TX Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, với lòng kính ngưỡng Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông Phạm Hữu Tiến, Giám đốc Nhà máy gỗ Cầu Cầm đã mất sáu tháng thi công để chuyển thể bức tranh thành phù điêu khảm gỗ gụ mật thật hoành tráng.

PHẠM HỌC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.