Nữ hoàng Omphale

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Ông chú hiệp sĩ của tôi sống trong một ngôi nhà ở góc đường u buồn do đường Tournelles và đại lộ Saint-Antoine tạo thành. Giữa đại lộ và ngôi nhà, có vài cây trăn già, có nhiều côn trùng và rêu. Chúng sà các nhánh cây khẳng khiu của chúng xuống đáy một vũng nước nằm giữa các vách đá đen và cao. Có vài cây hoa khổ sở cúi đầu, như những cô gái trẻ bị lao phổi, đợi các tia nắng mặt trời đến làm khô lá đã bị thối rữa một nửa. Cỏ mọc tràn trên lối đi. Người ta phải khổ tâm mà thú nhận rằng, chưa có một chiếc cào cỏ nào được đưa qua đưa lại ở đó. Một, hai con cá bồng bềnh nhiều hơn là bơi trong một bể nước có bèo và cây cỏ vùng đầm lầy.

Chú tôi gọi đó là khu vườn của ông.

Trong khu vườn của ông, ngoài những thứ đẹp đẽ mà tôi đã kể, có một ngôi nhà nhỏ, khá u buồn mà nếu nói ngược lại, có tên là “Ngôi nhà hạnh phúc”. Ngôi nhà đang trong tình trạng đổ nát. Các bức tường ểnh bụng, vôi vữa bong tróc, rớt xuống đất, giữa các cây tầm ma và yến mạch dại. Trong nhà có mùi hôi thối. Các cánh cửa lung lay, đóng lại thì không còn chặt. Một cái lò lớn, có khói tỏa trang trí cho lối đi giữa nhà. Do được xây cất vào thời Louis XV nên ngôi nhà có hai lối vào, như thường thấy. Các cấu trúc hình trứng, hình rau diếp xoắn và hình cuộn đè nặng lên lối đi vào và bị lỗ chỗ do thấm nước mưa. Nói tóm lại, đây là ngôi nhà đáng thương của ông chú hiệp sĩ của tôi.

Ngôi nhà đổ nát vì như đã được xây dựng ngàn năm trước, như chỉ được làm bằng thạch cao, không có đá. Nó nhăn nhúm, nứt nẻ, phong cùi, bị rêu phong gặm nhắm, bị chim chóc phá phách. Ngôi nhà như một ông già già trước tuổi do trác táng. Ông già này không được kính trọng vì không chỉ xấu xa, thảm hại mà còn do chỉ mặc chiếc áo cũ, vải thưa, có tường thạch cao cũ kỹ, là hai thứ không bền theo thời gian.

Đó là ngôi nhà mà tôi đến ở.

Trang trí bên trong và bên ngoài đều theo phong cách rococo, là phong cách đã được chủ nhà giữ gìn. Có một cái giường màu vàng có vẽ các hình hoa văn trắng lớn. Một chiếc đồng hồ quả lắc có khung bằng vỏ sò đặt trên một cái bệ có khảm xà cừ và ngà. Một vòng hoa hồng dịu dàng quấn quanh một chiếc gương soi. Trên các cánh cửa, bốn mùa được vẽ bằng tranh đơn sắc. Trong một cái khung lớn hình ovan là một quý bà xinh đẹp, khuôn mặt đánh phấn màu sương, áo lót màu xanh da trời. Bà quấn một dải ruybăng cùng màu, tay phải cầm một cây cung, tay trái cầm một con gà gô, trên trán là vòng hoa, một con chó săn đứng dưới chân. Miệng bà cười dịu dàng. Đó là bà chủ cũ của chú tôi. Ông cho vẽ hình bà như thế. Đồ đạc trang trí, như đã thấy, không còn hiện đại. Tuy không tin vào thời nhiếp chính nhưng bức tranh thêu có tính huyền thoại treo trên tường bổ sung thêm cho sự tưởng tượng về thời đó.

Bức tranh thêu tả cảnh người anh hùng Hercule quỳ dưới chân nữ hoàng Omphale. Có thể thấy bức tranh được thêu theo phong cách của họa sĩ Van Loo. Có một dải lụa mỏng màu hồng cuộn quanh Hercule. Chàng giơ ngón tay út lên một cách điệu đà, như điếu thuốc lá được một hầu tước kẹp giữa ngón tay cái và ngón trỏ, rít thuốc và nhả ra một ngọn khói trắng. Quanh cổ chàng là dải ruybăng, nơ hoa hồng, tràng ngọc và các thứ trang sức khác. Chàng mặc một cái váy rộng, óng ánh. Có hai cái thúng khổng lồ bên cạnh chàng, tượng trưng cho sự chiến thắng của người anh hùng trước quái vật.

Nữ hoàng Omphale mặc áo da sư tử, hở nửa vai. Tay bà chống lên cây chùy của người tình. Mái tóc vàng nhạt của bà rũ xuống chiếc cổ mềm mại và uốn nếp như một cây cột. Hai bàn chân nhỏ của bà, như chân phụ nữ Trung Hoa, mang ủng thủy tinh, là loại ủng khá cổ, dịu nhẹ như hoa tử đinh hương làm bằng ngọc. Bà quyến rũ làm sao! Đầu bà ngẩng lên kiêu sa. Miệng bà vuông vức, đôi môi thanh nhã, lỗ mũi bà rộng, nhẹ phồng lên, hai má bà hơi nhô. Một nốt ruồi nhân tạo được đặt tinh tế, làm tôn thêm vẻ đẹp cho khuôn mặt bà. Chỉ cần một hàng ria mép nhỏ nữa là bà không khác lính ngự lâm.

Còn vài nhân vật khác trong bức tranh thêu, bắt buộc phải có, như thần Tình yêu nhưng chúng không làm tôi nhớ như những gì tôi đã miêu tả.

Thời đó tôi còn rất trẻ, không như bây giờ nhưng tôi đã tốt nghiệp đại học, đang ở nhà tạm chú tôi để tìm việc. Ông chú tốt bụng của tôi có thể đoán được là tôi am hiểu các tác giả truyện hoang đường nên không ai có thể nghĩ là ông sẽ tống tôi ra khỏi cửa, tước đoạt tôi một cách nhẫn tâm. Đó là vì ông đang giảng dạy văn học và các tác giả văn học nói riêng. Nếu ông xua đuổi tôi thì sự khinh bỉ này càng thêm nặng nề. Vì tốt bụng nên ông muốn treo cổ bọn nhà văn tồi là những kẻ đã bôi đen giấy và nói những lời vô lễ về những người đáng kính. Chúa ban bình an cho ông chú tội nghiệp của tôi! Ông chỉ đánh giá người ta qua các trang viết quỷ quái của họ.

Tôi đã nói là tôi vừa tốt nghiệp đại học. Tôi đầy mơ tưởng và ngây thơ, chỉ biết có hoa hồng. Tôi chỉ làm các công việc buồn tẻ. Tôi tin sẽ có những điều đẹp đẽ trong đời. Tôi tin vào nhiều thứ. Tôi tin con chó chăn cừu của ông M. de Florian, vào các con cừu được chải lông và đánh phấn trắng. Tôi không nghi ngờ gì về đàn gia súc của bà Deshoulières. Tôi tin vào nữ thần thi ca, như sách của cha Jouveney đã khẳng định. Kỷ niệm của tôi về Berquin và Gessner tạo ra trong tôi một thế giới nhỏ chỉ có màu hồng, màu xanh da trời và xanh lá cây. Ô, ngươi là vị thánh vô tội! Con quỷ Mesphistophèles đã nói thế trong huyền thoại.

Tôi ở một mình trong một căn phòng hẹp và luôn thấy vui sướng. Tôi lục lọi kỹ lưỡng mọi thứ trong phòng. Tôi lục từng góc và khám phá ra mọi thứ. Tôi đang ở tầng trời thứ tư và sung sướng như một ông hoàng. Sau bữa ăn tối, do các tập tục hay đã mất mà tôi rất luyến tiếc nên tôi không phải làm gì, chỉ thắp nến, lên giường, nóng lòng muốn được sung sướng trong nơi ở mới.

Khi tôi vừa thay quần áo để ngủ, tôi thấy hình như đôi mắt của nữ hoàng Omphale động đậy. Tôi nhìn rõ hơn, không chút sợ hãi. Căn phòng rộng và ánh sáng lờ mờ của ngọn nến giúp cho tôi thấy rõ mọi vật trong bóng tối dày đặc. Tôi thấy bà quay đầu. Tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi thổi tắt ngọn nến. Tôi quay mặt vào tường, kéo mền phủ đầu, kéo mũ chụp tới cằm và tôi cố ngủ.

Vài ngày sau, tôi vẫn không dám nhìn vào bức tranh thêu.

Thật không vô ích vì câu chuyện tôi sẽ kể giống y như thật. Tôi muốn báo cho độc giả biết tôi là một chàng trai thực đáng nói. Tôi thấy đôi mắt đó đẹp nhất trên đời. Tôi nói vậy vì người ta cũng nói thế. Đó là đôi mắt tươi sáng, hơn cả đôi mắt tôi. Mái tóc nâu, có nhiều lọn xinh đẹp mà đã mười chín năm rồi tôi chưa từng thấy. Tôi không có một bà mẹ đỡ đầu như một thiên thần. Thật không may, bà mẹ đỡ đầu của tôi đã năm mươi chín tuổi, có ba cái răng nhọn và nhấp nhô.

Một tối nọ, tôi can đảm liếc mắt nhìn bà chủ của người anh hùng Hercule. Bà nhìn tôi u buồn và mệt mỏi. Lần này cũng vậy, tôi kéo mũ chụp lên tới vai, đầu vùi trong chiếc gối dài.

Tối đó, tôi mơ một giấc mơ lạ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một giấc mơ.

Tôi nghe có tiếng vòng treo của tấm màn kêu rèn rẹt trên thanh ngang, như thể màn bị kéo rất vội. Tôi tỉnh dậy. Tôi không thấy có ai.

Ánh trăng nhợt nhạt chiếu vào phòng. Có những cái bóng lớn, kỳ dị in trên sàn nhà và trên tường. Đồng hồ quả lắc điểm 0h15. Tiếng động không còn. Có tiếng thở dài. Quả lắc đồng hồ dao động qua lại, nghe khá rõ, như tiếng một người đang xúc động.

Tôi thấy lo lắng. Tôi suy tư.

Một cơn gió đập vào cánh cửa và kính cửa sổ. Ván ốp tường kêu kèn kẹt, bức tranh thêu chao động. Tôi liều nhìn vào nữ hoàng Omphale, nghi ngờ trong rối bời là bà đang muốn nói gì đó. Tôi không lầm.

Bức tranh thêu lắc mạnh. Nữ hoàng Omphale nhẹ đi xuống sàn nhà. Bà đi tới giường tôi, phía bên phải. Tôi nghĩ không cần kể ra đây nỗi sợ hãi của tôi. Một người lính già gan dạ không chắc đã giữ được bình tĩnh trong trường hợp này. Tôi chưa già và không là lính. Tôi lặng im chờ đợi.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Một giọng nói ngọt ngào rỉ vào tai tôi, như giọng các hầu tước phu nhân và những kẻ ton hót khác nói với quan nhiếp chính.

“Anh ơi! Anh sợ không? Anh không còn là trẻ con nữa. Không có gì phải sợ một quý bà, nhất là những quý bà trẻ và thích anh. Tôi lương thiện và là người Pháp. Đừng sợ. Nào, chàng trai bé bỏng, hãy thay đổi vẻ mặt và hãy bung mền ra. Còn nhiều điều để đọc. Anh chẳng mấy tiến bộ, chàng trai ạ. Thời của các thiên thần là khoan hòa hơn anh tưởng.

– Nhưng, thưa bà, đây là…

– Đây là người anh có vẻ thấy lạ nhưng phải thế, bà nói, đôi môi đỏ nhẹ hở ra, để lộ hàm răng trắng tinh. Các ngón tay mảnh mai của bà chỉ vào bức tường. Nói chung, thật khác thường. Nhưng như tôi đã giải thích, anh không hiểu gì. Tôi hành động chưa đủ để anh không phải sợ.

– Tôi sợ bà là…

– Là con quỷ, nói dứt khoát là vậy phải không? Đó là điều anh muốn nói. Ít ra anh cũng không thấy tôi đen như quỷ. Nếu địa ngục đầy quỷ như tôi thì địa ngục cũng dễ chịu không khác gì thiên đường.

Như để khoe khoang, nữ hoàng kéo áo da sư tử xuống, để lộ làn da đẹp đẽ, cho tôi thấy hai vai và bộ ngực đẹp, trắng đến chói mắt.

– Anh thấy sao?, bà nói với vẻ tình tứ.

– Tôi nói là, nếu bà là con quỷ có hình người thì tôi không sợ, bà Omphale ạ.

– Đó là anh nói đó! Nhưng đừng gọi tôi là quý bà hay nữ hoàng. Tôi không muốn là quý bà đối với anh và không muốn là nữ hoàng, không muốn là quỷ.

– Vậy bà là ai?

– Tôi là hầu tước phu nhân T. Sau khi kết hôn, hầu tước mua bức tranh thêu này cho căn phòng của tôi. Ông muốn tôi ăn vận như nữ hoàng Omphale còn ông thì ăn vận như Hercule. Ông muốn thế vì như Chúa nói, không ai trên đời này giống Hercule bằng ông. Đã từ lâu, căn phòng này không có người ở. Tôi yêu mến tình bạn, do vậy rất muộn phiền và bị đau đầu. Tôi có chồng mà như cô độc. Anh đến đây là mang niềm vui đến cho tôi. Căn phòng chết đã sống lại. Tôi muốn chăm sóc ai đó. Tôi nhìn anh đến và đi, tôi lắng nghe anh ngáy và mơ màng, tôi nhìn anh đọc sách. Tôi thấy anh nhã nhặn, niềm nở, là những thứ giúp tôi vui mừng. Cuối cùng, tôi yêu anh. Tôi cố làm cho anh hiểu điều đó. Tôi thở dài mà anh tưởng là gió thổi. Tôi ra dấu hiệu, đưa mắt tỏ tình. Tôi không thành công vì đã làm anh hãi hùng. Vì thất vọng, tôi hành động không phải phép, như anh thấy và tôi muốn chân thành nói là anh đã không hiểu được tôi tí nào. Giờ anh biết là tôi yêu anh. Tôi hy vọng…

Cuộc trò chuyện kết thúc do có tiếng chìa khóa vặn ổ khóa.

Nữ hoàng Omphale run rẩy, mặt ửng đỏ, mắt trắng dã.

“Trời ơi! Hẹn anh ngày mai!”, bà nói và lùi vào bức tường. Tôi sợ hãi khi nhìn vào phía sau người bà.

Người mở khóa là Baptiste. Anh ta vô lấy quần áo tôi để ủi.

“Ông sai lầm rồi”, anh ta nói, “vì ông ngủ mà không kéo màn. Ông có thể bị sổ mũi. Căn phòng này rất lạnh!”.

Thực vậy, tấm màn bị kéo qua. Tôi nghĩ đây là mơ và rất kinh ngạc vì tôi chắc là tôi đã kéo màn tối qua.

Ngay khi Baptiste vừa đi, tôi đã chạy tới bức tranh thêu. Tôi sờ nắn, nhìn ngó nó. Đây là bức tranh thêu bằng lụa, nhẵn như bất cứ bức nào. Omphale đêm qua như một bóng ma dịu dàng, như một người chết sống lại. Tôi nhìn vào tường. Tường vẫn y nguyên. Không có một tấm biển che chắn một cái lỗ hổng hay một cánh cửa bí mật nào. Tôi thấy rằng, có khi lũ trẻ sẽ đào nền nhà nơi có dấu chân nữ hoàng Omphale. Điều này làm tôi suy nghĩ.

Tôi mệt mỏi cả ngày. Tôi bồn chồn đợi tối đến. Tôi đi ngủ sớm và chờ. Tôi ngủ và bà hầu tước phu nhân cũng đợi tôi. Bà bước ra khỏi bức tranh, để đến bên phải giường của tôi. Bà ngồi ở đầu giường và bắt đầu trò chuyện.

Cũng như đêm trước, tôi hỏi bà các câu hỏi và đề nghị trả lời. Bà tránh câu hỏi này, trả lời các câu kia một cách nước đôi. Nhưng với sự hăm hở đã có, tôi không gây khó dễ cho quan hệ giữa tôi và bà.

Bà vuốt tóc, vỗ má tôi và hôn nhẹ lên trán tôi.

Bà nói ấp úng, vừa yểu điệu, vừa mỉa mai, dịu dàng và thân thiết. Bà thật tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ thấy ai như bà.

Bà ngồi trên ghế bành cạnh giường tôi, lấy tay quàng quanh cổ tôi, làm tim tôi đập mạnh. Bà thật xinh đẹp và duyên dáng, là một hầu tước phu nhân đích thực, đang ở bên cạnh tôi. Thật tội nghiệp cho chàng trai mười chín tuổi! Tôi có gì đó đê mê và tù mù. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, tôi chỉ biết là mình hạnh phúc với bà.

“Ông hầu tước sẽ nói gì, thưa bà?”.

Áo màu da sư tử của bà rơi xuống nền nhà và đôi ủng màu tử đinh hương ngọ nguậy tìm đến đôi dép của tôi.

“Ông ấy sẽ không nói gì”, bà cười to và nói. “Ông ta không biết điều gì. Vả lại, ông là người chồng hiểu đời và vô hại. Ông đã quen với điều tôi làm. Anh yêu tôi không, chàng trai trẻ?”.

“Có, có, rất nhiều!”.

Đêm đã tàn, bà chủ của tôi biến mất.

Ngày đối với tôi dài khủng khiếp. Buổi tối cuối cùng đã đến. Sự việc xảy ra như đêm hôm trước, không có gì phải ghen tỵ với điều đã diễn ra trước đó. Bà hầu tước phu nhân càng lúc càng đáng ngưỡng mộ. Sự việc xảy ra như thế trong một thời gian dài. Do không ngủ được vào ban đêm nên cả ngày tôi rất uể oải, làm cho chú tôi ngờ vực. Ông đứng rình ở cửa và nghe được tất cả. Do vậy, vào một buổi sáng đẹp trời, ông ào vào phòng tôi, là nơi bà hầu tước phu nhân Antoinette vừa nhập vào bức tranh.

Theo sau ông là một thợ thêu tranh, cầm kìm và thang. Ông bực dọc và nghiêm trang, làm tôi hiểu hết mọi sự.

“Bà hầu tước phu nhân đã bị điên. Sao bà ta quỷ quái mê mệt một chàng trai trẻ như cháu?”, chú tôi nghiến răng nói. “Thế mà bà ta lại còn hứa hẹn một cách khôn ngoan!”.

“Jean, tháo bức tranh xuống và bỏ vào nhà kho!”.

Mỗi lời nói của chú tôi như một mũi dao găm.

Jean tháo bức tranh có hình ảnh nữ hoàng yêu quý Omphale, là hiện thân của bà hầu tước phu nhân Antoinette và Hercule, là hiện thân của hầu tước T. và bỏ vào kho. Tôi không cầm được nước mắt.

Ngày hôm sau, chú tôi nhờ người đưa tôi về nhà ba mẹ tôi. Họ nhớ tôi và tôi không than thở một lời về cuộc phiêu lưu của mình.

Chú tôi mất. Người ta bán nhà ông cùng đồ đạc. Bức tranh thêu cũng bị bán đi…

***

Một ngày nọ, tôi đi đến một cửa hiệu bán đồ cũ. Tôi giật mình khi thấy một cái cuộn phủ bụi và mạng nhện.

“Đây là cái gì?”, tôi hỏi ông chủ cửa hiệu.

“Đây là bức tranh thêu mô tả tình yêu giữa nữ hoàng Omphale và người anh hùng Hercule. Tranh được thêu bằng lụa và được bảo quản tốt. Mua giùm tôi đi. Tôi không bán đắt, vì nó là của anh”.

Nghe nhắc đến tên Omphale, máu tôi dồn hết vô tim.

“Mở bức tranh thêu này ra”, tôi nói vội vàng với ông chủ hiệu, như thể tôi đang bị sốt.

Đó là bà ấy. Bà như cười với tôi và mắt lóng lánh nhìn tôi.

“Bức tranh bao nhiêu tiền?”.

“Tôi chỉ xin anh 400 franc thôi”.

“Tôi giờ không có đủ tiền. Một giờ sau tôi sẽ trở lại mua”.

Tôi mang tiền trở lại nhưng bức tranh không còn. Một người Anh đã mua nó khi tôi vắng mặt, với giá 500 franc và mang đi.

Tốt hơn là nên như vậy. Tôi đứng bần thần nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào. Người ta nói rằng, không nên trở lại với những tình yêu đầu đời và không nên nhìn cánh hoa hồng người ta đã ngưỡng mộ hôm trước.

Và tôi không còn trẻ, là một chàng trai điển trai, để vui sướng được một phụ nữ quý phái đến với mình từ bức tranh treo trên tường.

Théophile Gautier là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà báo và nhà phê bình văn học người Pháp. Ông sinh năm 1811 và mất năm 1872.
Ông sáng tác theo thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và là người bảo vệ nhiệt thành cho chủ nghĩa lãng mạn nhưng các tác phẩm của ông rất khó để xếp loại và vẫn được tham khảo cho nhiều trường phái như phái thi sơn, chủ nghĩa biểu hiện, phái suy đồi hay chủ nghĩa hiện đại. Théophile Gautier nhận được sự kính trọng rộng rãi từ các nhà văn khác như Balzac, Baudelaire, anh em nhà Goncourt, Flaubert…

THÉOPHILE GAUTIER (Pháp)

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG lược dịch

Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, trong Modern French Short Fiction, NXB Manchester University Press, 1997.

(*) Theo thần thoại Hy Lạp, Omphale là nữ hoàng xứ Lydia. Bà mua Hercule làm nô lệ sau khi người anh hùng này phạm tội sát nhân. Bà muốn Hercule chuộc lỗi, bắt Hercule mặc váy phụ nữ. Cuối cùng hai người yêu nhau.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nắng xuân nồng ấm

Đó là một buổi chiều, tôi có thư. Chần chừ không nhận vì sợ nhầm. Không nhầm đâu cô, thư gửi từ trại giam đó – chị đưa thư quả quyết…

Thơ dự thi của Lý Thành Long

Nhớ thương nào từ phía ngọn Nồm khơi
môi má đầu nguồn ngả vào lòng xanh tận bể
duyên xà hai giọt phù sa thắm đỏ
đồng bãi phồn sinh

Những đứa trẻ sinh ra từ khuông nhạc

Mi hướng ánh mắt về phía bầu trời trong veo, xanh như mặt nước biển và bắt đầu cất tiếng hát. Biển rẽ sóng, tạo thành một khuông nhạc với năm dòng kẻ lấp lánh ánh vàng…

Tháng Mười Hai chạm vào miền nhớ

Tháng Mười Hai dịu dàng như một bản nhạc dương cầm, từng phím đàn vang lên trong trẻo giữa tiết trời se lạnh, mang theo hơi thở của những ngày cuối đông…